Thời gian kì ảo

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thi pháp huyền thoại trong truyện ngắn nguyễn huy thiệp (Trang 99 - 106)

CHƢƠNG 3 KHÔNG – THỜI GIAN HUYỀN THOẠI

3.1 Không – thời gian kỳ ảo

3.1.2 Thời gian kì ảo

Trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, bên cạnh không gian kì ảo mang đậm chất huyền thoại, thời gian cũng được tác giả xây dựng theo kiểu “thời gian siêu

thực” hay còn gọi là “phi thời gian”. Rất nhiều truyện ngắn của nhà văn được xây dựng theo kiểu thời gian là quá khứ tuyệt đối theo kiểu sử thi nhưng thực chất “các bình diện quá khứ, tương lai thực ra chỉ là sự kéo dài của hiện tại về phía trước hay phía sau”. Dạng thức thời gian này thể hiện đậm nét trong chùm truyện Những ngọn gió Hua Tát. Khảo sát mười câu chuyện trong chùm truyện chúng ta thấy phần lớn thời gian mang tính chất phiếm định theo kiểu cổ tích dân gian. Nhà văn sử dụng nhiều trạng từ thời gian phiếm định trong mạch cốt truyện như: lần ấy, hôm ấy, ngày ấy, năm ấy, cuối năm ấy, một bữa,…Điều đáng nói là tất cả các trạng từ thời gian này đều gắn bó mật thiết với sự xuất hiện của những hiện tượng kì lạ. Đó là sự xuất hiện của con hổ dữ trong một mùa đông khắc nghiệt chưa từng thấy, “trời trở chứng, cây cối khô héo vì sương muối, nước đóng thành băng” (Trái tim hổ); là sự trừng phạt của Then với nạn động rừng ở Hua Tát, “cây cối xơ xác, chim chóc trốn biệt, không có dấu chân một con thú nào trong rừng” (Con thú lớn nhất); là thời điểm “rừng Hua Tát củ mài nhiều vô kể. Người ta đào được những củ mài to tướng dễ như bỡn” (Nàng Bua); là thời điểm đại hạn “các mó nước đều đã cạn khô” (Tiệc xòe vui nhất); là dịch sâu hại bất ngờ tấn công rừng Hua Tát, “Chúng bé như những cái tăm, bám đầy chi chít trên những cành lá” (Chiếc tù và bị bỏ quên); là một cơn mưa dông dữ dội kèm theo mưa như trút (Đất quên); nạn dịch tả xảy ra vào thời điểm “trời mưa to giữa lúc mặt trời đang nắng chang chang” (Nạn dịch)… Tất cả những điều đó hợp lại tạo thành một thế giới hoang đường, kì ảo, một mê cung không lối thoát. Sự gắn kết giữa các trạng từ thời gian với những sự kiện lạ lùng đã làm thay đổi hoàn toàn mạch cốt truyện và tăng thêm tính chất kỳ ảo cho từng câu chuyện. Khi người đọc đang ngập chìm trong thế giới cổ tích với những câu chuyện kể du dương bắt đầu từ những “ngày xửa ngày xưa”, nhà văn đột ngột kéo họ trở về hiện tại bằng hệ thống những lời bình luận trữ tình ngoại đề đầy tính triết lý: “Lớp trẻ bây giờ không thể suy nghĩ bằng nước lã được, đã đành…(Tiệc xòe vui nhất); “Đời người ta, ai đã chẳng từng săn đuổi bao điều phù du” (Trái tim hổ); “Đằng nào thì sống ở đời gan ruột chẳng phải cào xé nhiều lần” (Nạn dịch)… Bằng sự kết hợp giữa thời gian kì ảo với thời gian hiện thực của tác phẩm, Nguyễn Huy Thiệp đã

mang lại cho chúng ta mười câu chuyện cổ tích của thời hiện đại, xóa nhòa ranh giới giữa quá khứ và hiện tại, đời xưa và đời nay. Thực tại hóa thời gian quá khứ, biến nó thành thời gian của hiện tại, của bây giờ nhưng vẫn không mất đi màu sắc huyền ảo trong đó, đó phải chăng là con đường ngắn nhất mà Nguyễn Huy Thiệp chuyển tải tới bạn đọc những vấn đề của xã hội hiện đại?

Bên cạnh thời gian phiếm định theo kiểu cổ tích dân gian, một dạng thức nữa của thời gian kì ảo trong các sáng tác của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đó là thời gian mang tính chất ẩn dụ cao hay còn gọi là thời gian mang ý nghĩa biểu tượng. Loại thời gian này xuất hiện trong các truyện ngắn Sang sông, Thiên văn, Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt, Đưa sáo sang sông. Trong Thiên văn, thời điểm gắn với mạch cốt truyện là thời gian buổi trưa. Theo tác giả, “Khoảng đang trưa là khoảng nửa gang tay già của một đời người! Đáng sợ thay! Đấy là lúc người ta có thể kiểm nghiệm được khá nhiều điều”. Cùng với sự chảy trôi của thời gian là sự biến đổi không ngừng nghỉ của thế giới tự nhiên: từ một bầu trời trong xanh, “bồng bềnh trên cao những đám mây trắng, mây bông” đến những cái nắng không còn gay gắt, “thiên nhiên mơ màng”, rồi tiếp tục biến đổi khi “mặt trời đã đi một chặng xa rồi”… “không còn ánh nắng. Không còn màu xanh. Không còn mây bông…”[62, tr. 418]. Điều đáng nói là thời gian mang tính chất biểu tượng lại cố kết một cách chặt chẽ với không gian dòng sông, con đò vốn là những không gian mang đậm màu sắc Phật giáo: dòng sông là biểu tượng cho cuộc đời, nơi “định mệnh cuồn cuộn chảy” với những thứ được và mất, con đò là biểu tượng của số phận con người, và qua sông là cách hành xử của con người trước cuộc đời. Nhờ sự gắn kết đó, ý nghĩa biểu tượng của thời gian càng trở nên đậm nét hơn. Câu chuyện kết thúc khi nhà văn đẩy nó vào một ngữ cảnh mơ hồ, phi thời gian “ngày ấy, năm ấy” cùng với lời đồn về thân thế bí ẩn của nhân vật khách tạo ra những suy nghĩ liên tưởng nhiều chiều ở người đọc.

Trong Sang sông, chúng ta tiếp tục bắt gặp không gian mang tính chất biểu trưng của dòng sông và bến đò như trong truyện ngắn Thiên văn. Trong truyện, nhà văn cũng miêu tả những khoảnh khắc biến đổi chóng vánh của thời gian, cùng với

đó là sự thay đổi nhận thức của con người trong dòng chảy của cuộc đời. Thời gian được nhà văn miêu tả trong trạng thái động với những biến dịch không ngừng: “Trời chẳng nắng, trời chẳng mưa. Thoắt cái mà đã xế trưa mất rồi”…đến “Bóng chiều tan dần. Trên đò còn lại nhà sư vẫn ngồi bất động”. Dòng sông ở đây cũng là biểu tượng cho cuộc đời với những định mệnh “cuồn cuộn chảy”, con đò là biểu tượng cho số phận con người, sự kiện là một chuyến đò với đầy hoán đổi, bất ngờ, qua sông là cách hành xử của con người trước cuộc đời. Cùng với sự chảy trôi không ngừng nghỉ của thời gian, con người như ngộ ra biết bao điều ngang trái trong cuộc đời này. Vì vậy mà kết thúc tác phẩm, nhà sư không qua đò mà trở về bến cũ, trở về với cuộc sống còn bao điều kì diệu, ngang trái và phi lý biết nhường nào – đó cũng chính là con đường giác ngộ chân chính của nhà sư.

Trong Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt, chúng ta tiếp tục bắt gặp sự xuất hiện lặp lại của không gian bến nước, con đò. Cùng với đó là sự chuyển vận, biến đổi mạnh mẽ của thời gian và con người. Thời gian được miêu tả trong truyện là thời điểm xế chiều - khoảng thời gian gợi cho con người một nỗi buồn man mác nhất là những lữ khách tha hương. Cuối truyện là sự biến mất đầy bí ẩn của nhân vật thi sĩ trong một khoảng thời gian chớp nhoáng: “ Họ thoáng thấy có bóng người vừa phất tay áo chấm một nét lẻ loi nghiêng lệch góc trời. Vừa chớp mắt lại đã chẳng thấy bóng người ấy ở đâu nữa. Vừa chớp mắt đã lại thấy chỗ ấy có một cánh hạc bay lên trời. Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt” [62, tr. 566]. Như vậy, thời điểm buổi chiều là khoảng thời gian mang ý nghĩa biểu tượng, tô đậm thêm thân phận cô đơn của người nghệ sĩ trước dòng đời vô định. Thi sĩ rốt cục cũng chỉ là một cánh hạc nhỏ bé trên bầu trời rộng lớn kia, “vừa bay vừa kêu thảng thốt”, cất lên những tiếng nói yếu ớt của mình để phản ứng trước cuộc đời còn quá nhiều ngang trái..

Đến với Thương nhớ đồng quê, không gian làng quê mở ra vô cùng tận với “vòng cung Đông Sơn , trông thì gần nhưng từ làng tôi đến đấy phải năm mười cây số”. Cùng với đó là sự chuyển vận mãnh liệt nhưng vô cùng kì bí của thời gian từ buổi trưa nắng gắt đến quang cảnh xế chiều xuống chậm, “những bóng râm chạy đuổi nhau lướt trên mặt đất”, rồi bóng tối bao trùm với cảm giác kinh dị, nó giống

như “một bóng hình vĩ đại đang lướt nhanh qua, đang chuyển vận mãnh liệt trên đầu”. Hay đôi khi đó là những cơn mưa miên man không bao giờ dứt với tiếng sấm, tiếng sét rợn người. Những cơn mưa ấy cũng giống như những tiếng mưa dai dẳng , “tưởng như không dứt, tưởng như không thôi, tưởng như không bao giờ hết được”…Mưa thấm vào đất, vào vách nhà, vào lòng người…” trong Truyện tình kể trong đêm mưa. Trong Thương nhớ đồng quê, tiếng mưa dài miên man bất tận ấy như tiếng lòng ai oán cho thân phận của kiếp người. Thời gian như chảy trôi vô tận, những gì đã qua, những gì của hôm nay nếu chúng ta không trân trọng và nắm bắt được thì chẳng bao giờ còn có cơ hội gặp lại lần nữa. Cũng giống như cái Mị, cái Minh chẳng bao giờ trở lại trên cõi đời này một lần nữa, nhân vật Nhâm chẳng thể hứa trọn được lời hứa của mình khi hai cô bé đã ra đi mãi mãi. Anh không thể quay ngược thời gian làm cho cái Mị cái lồng ổi “làm bằng nứa tươi, đầu lồng hơi giống hom giỏ, có hàm răng mở ra”. Anh cũng không bao giờ được gánh bớt nhọc nhằn cho đứa em “suốt đời mặc quần vá”, luôn dành cho anh những món quà ngon nhất. Cuộc sống luôn biến đổi với bao nghiệt ngã của nó, những tưởng thời gian sẽ chảy trôi không ngừng để xóa đi những đau khổ, những vết thương lòng của con người. Nhưng trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp thời gian đôi khi tưởng chừng như ngưng đọng, không vận động, điều đó làm cho nỗi buồn của con người tưởng như kéo dài mãi mãi mà không có lối ra. Đó là cảm giác của nhân vật Quyên khi chứng kiến cái chết đau thương của hai cô bé mười ba tuổi: “Tôi ở đây ba ngày mà sao dài quá”. Với việc huyền thoại hóa thời gian trong sáng tác, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã mang đến cho chúng ta một chân lý rằng cuộc đời thực đang tồn tại trước mắt chúng ta với đầy rẫy những ngang trái, bất công thực ra rất mỏng manh, ngắn ngủi. Bởi vậy, chúng ta phải biết trân trọng quãng thời gian đang có và sử dụng trọn vẹn nó để làm những điều có ý nghĩa cho cuộc sống của mình và mọi người xung quanh. Bởi “lẽ đời là thế”, cuộc đời luôn biến đổi như thế, trong cuộc đời ấy dù có biết bao đớn đau, nghiệt ngã thì dòng đời cũng vẫn chảy, không chờ đợi một ai.

Trong những sáng tác của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, thời gian kì ảo còn hiện ra qua những điểm mờ của thời gian tương lai. Theo đó, tương lai là một cái gì

đó khó đoán định và không thể nắm bắt. Thế nhưng trên hành trình đi tìm chân lý, con người không bao giờ chùn bước trước bài toán tương lai còn nhiều hiểm nguy ấy. Trong Những bài học nông thôn, thời gian Hiếu về sống vài ngày với người bạn ở vùng thôn quê là “năm ấy”, đó là thời gian quá khứ nhưng chúng ta lại không thể xác định được nó xảy ra từ bao giờ. Không gian hữu hạn của tác phẩm được chuyển sang thời gian vô hạn ở cuối truyện khi nhân vật tôi “cứ đi, đi mãi. Tôi băng qua cánh đồng, qua dòng sông. Mặt trời bao giờ cũng ở phía trước mặt tôi” [62, tr. 318]. Hay với nhân vật Nhâm trong Thương nhớ đồng quê, tương lai vẫn còn gì đó xa mờ tít tắp giống như dãy vòng cung Đông Sơn tít tận chân trời kia: “Nhìn phía trước chỉ thấy một vệt xanh nhô trên đồng vàng, xa mờ là vòng cung Đông Sơn. Ở đấy tôi có rất nhiều thương nhớ…Ngày mai trời nắng hay mưa. Thực ra bây giờ với tôi, trời nắng hay mưa đều vô nghĩa…” [62, tr. 447]. Cũng giống như nhân vật Chương trong Con gái thủy thần “cứ đi, đi mãi” về phía những dòng sông, mặt biển mênh mông : “Trước mặt tôi là dòng sông thao thiết. Sông chảy ra biển, biển rộng vô cùng. Tôi chưa biết biển. Mà tôi sống nửa cuộc đời rồi đấy [62, tr. 171]. Anh vẫn không thể đoán định nổi trên bước đường tương lai kia anh sẽ phải gặp thêm những khó khăn, bất trắc, hiểm nguy gì nữa khi chạm tay tới người con gái anh đi tìm cả cuộc đời. Thế nhưng anh vẫn đi, đi mãi với những câu hỏi không lời giải đáp: “Con gái thủy thần! Nàng ở đâu? Nàng ở chỗ nào? Vì cái gì? Bởi cái gì? Để tôi mượn màu son phấn ra đi…” [62, tr. 171].

Có một điều dễ nhận ra rằng khi đọc những truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đó là thời gian mang tính chất kì ảo, huyền thoại thường xuất hiện vào thời điểm ban đêm – thời điểm gợi cho người ta sự kì bí trong sự bao trùm của bóng đêm mênh mang. Trong Chảy đi sông ơi, chúng ta bắt gặp cuộc sống mưu sinh của người dân trên dòng sông bến Cốc vào thời điểm ban đêm. Đó là lúc mà “Ở trên mặt sông ánh sao mờ hắt xuống những vệt lăn tăn bàng bạc đẹp đến lạ lùng”. Tuyệt vời hơn nữa là truyền thuyết huyễn hoặc về con trâu đen hay xuất hiện vào lúc nửa đêm: “Nó ở dưới đáy lòng sông lao lên mặt nước. Toàn thân bóng nhẫy, đôi sừng vút cao, mõm thở phì phì, con trâu phi trên mặt nước như phi trên cạn. Con trâu phì

bọt, nước dãi của nó tựa trứng cá. Nếu ai may mắn hớp được bọt ấy sẽ có sức lực phi thường, bơi lặn dưới nước giỏi như tôm cá” [62, tr. 6]. Thời điểm ban đêm cũng là thời điểm xảy ra những sự việc rợn người, làm bất cứ ai khi nghe kể về nó phải rợn tóc gáy. Đó là câu chuyện xảy ra vào một hôm “mưa phùn mà rét rét…Lưới nặng như cùm. Tao nghĩ phen này phải được một mẻ cá lớn…Khi tao kéo lưới lên thuyền thì mày có biết gì trong lưới hay không? Một cái đầu lâu người chết! Tóc xõa rũ rượi vương những sợi rong dài như giun đũa. Cái đầu ngâm nước trương phình, mõm như quả thị. Máu bết ở hai lỗ mũi nhơm nhớp như nước dãi người… hai cái con ngươi từ từ đùn khỏi hốc mắt cứ thế phồng ra như có người bơm không khí” [62, tr. 9]. Hay như hành trình đi tìm mẹ Cả của Chương cũng bắt đầu từ “một buổi, trăng rất sáng, tôi nhớ đận ấy vào dịp tháng bảy…Ánh trăng soi rõ mồn một, trông thấy cả những rễ mía trông hơi giống đầu rễ si đâm tua tủa ở các đốt cây. Rặng mía hắt bóng thẫm đen chạy dài trên mặt cát đã bị gió làm cho khô se đi nên rất mịn. Thỉnh thoảng, gió rào rào trong bãi mía nghe lạnh cả người…” [62, tr. 130]. Cũng vào thời điểm ban đêm mà Chương lần đầu gặp được người con gái thủy thần trong câu chuyện huyền thoại mà anh đã từng được nghe “Tôi thoáng thấy tấm lưng trần dẻo dai loáng nước quẫy ở trước mặt, loang loáng dưới ánh trăng, thật kinh dị nhưng đẹp lắm. Thoắt nhiên, tất cả biến mất, tôi bỗng trơ ra giữa dòng sông vắng mênh mông” [62, tr. 131]. Như vậy, thời gian ban đêm với sự bao trùm của bóng đêm bí ẩn là thời điểm dễ nảy sinh trong con người nỗi sợ hãi về những câu chuyện hoang đường, ma quỷ. Thời điểm ban đêm cũng là thời gian dễ gây cho người ta những tưởng tượng hoang đường đã được nuôi dưỡng trong tâm thức mà khi gặp thời điểm thích hợp nó trở thành chất xúc tác gây men khiến con người ta trở nên mê muội. Nó chính là một dạng thức của thời gian kì ảo trong các sáng tác của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, góp phần làm nên giá trị nội dung, nghệ thuật đặc sắc cho những tác phẩm của nhà văn.

Tóm lại, thời gian kì ảo là một dạng thức thời gian được nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sử dụng triệt để trong những tác phẩm của mình để chuyển tải những thông điệp nghệ thuật của nhà văn. Có thể nói sự xuất hiện của những dạng thức

thời gian kì ảo đã giúp Nguyễn Huy Thiệp tạo nên một màu sắc lung linh, huyền ảo cho mỗi câu chuyện, chắp cánh cho con người bay lên thoát khỏi những nhọc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thi pháp huyền thoại trong truyện ngắn nguyễn huy thiệp (Trang 99 - 106)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(139 trang)