Giải thiêng lịch sử

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thi pháp huyền thoại trong truyện ngắn nguyễn huy thiệp (Trang 74 - 90)

5. Cấu trúc luận văn

2.4 Giải thiêng lịch sử

Bước vào thế giới nghệ thuật trong những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, chúng ta không chỉ bắt gặp những con người bình thường hết sức thân quen trong cuộc sống hiện đại mà còn được gặp gỡ với những anh hùng dân tộc oai phong lẫm liệt trong lịch sử dân tộc như Gia Long, Quang Trung, Nguyễn Du, Nguyễn Thị Lộ, Nguyễn Trãi… Bằng một cái nhìn khách quan với lịch sử, bằng cảm quan, tư duy của một nhà văn hiện đại, Nguyễn Huy Thiệp đã xây dựng lên một hình ảnh mới vừa thân quen vừa lạ lẫm về những người anh hùng có thật trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Khai thác về một đề tài không quá mới trong văn học đó là đề tài lịch sử nhưng với Nguyễn Huy Thiệp, ông có cách tiếp cận và nhìn nhận lịch sử một cách độc đáo,làm cho lịch sử như “nổi loạn” trong mỗi tác phẩm của mình. Tiếp cận lịch sử với cái nhìn của một nhà hoài nghi chủ nghĩa, nhà văn muốn độc giả có một cái nhìn mới về lịch sử, về quá khứ hào hùng của cha ông. Nhà văn gây men hoài nghi ở độc giả trên mọi phương diện, khía cạnh từ đề tài, cốt truyện, nhân vật đến lối kể chuyện của mình. Lịch sử mà Nguyễn Huy Thiệp phản ánh trong những tác phẩm của mình không phải là chính sử được viết lại, cũng không phải là dã sử. Nó là một kiểu lịch sử mà “không một sử sách nào nhắc đến”,

một kiểu lịch sử “như tôi biết”. Nguyễn Huy Thiệp đưa ra trong tác phẩm của mình những khả năng khác của lịch sử, những cái “có thể”. Nó là những điều chưa được biết đến trong kinh nghiệm cộng đồng và làm đảo lộn nhiều kinh nghiệm đã có của cộng đồng.

Trong truyện ngắn Phẩm tiết, Nguyễn Huy Thiệp giải thiêng huyền thoại về nhân cách của hai nhân vật tiếng tăm lừng lẫy trong lịch sử: Gia Long và Quang Trung. Nhà văn đặt hai vị vua trong thế đối lập về các phương diện đạo đức, tình cảm, cách xử thế. Đồng thời nhà văn đặt cái tuyệt đối bên cạnh cái đời thường để làm nổi bật lên nhân cách của hai nhân vật lịch sử. Cái tuyệt đối ở đây là những giá trị tuyệt đích, mà đại diện tiêu biểu là nhân vật Ngô Thị Vinh Hoa. Còn cái đời thường là rượu ngon, vàng bạc, người đẹp, danh lợi, vinh hoa...Có thể thấy, xuyên suốt toàn bộ câu chuyện, hình ảnh người con gái đẹp Vinh Hoa là hình ảnh gắn bó mật thiết với cuộc đời của hai nhân vật, qua đó nhân cách thực của hai con người này được Nguyễn Huy Thiệp phơi bày một cách trần trụi nhất. Trong tác phẩm, hình ảnh người anh hùng áo vải cờ đào oai phong lẫm liệt, nhân cách hơn người của Quang Trung hoàn toàn biến mất mà thay vào đó là hình ảnh của một vị vua ham mê vật chất, mê mẩn trước “ngọc ngà châu báu, sơn hào hải vị”. Không chỉ có vậy, Nguyễn Huy Thiệp còn táo bạo hơn khi gắn vào miệng người anh hùng những phát ngôn tục tĩu, rất đỗi phàm trần: “Thằng Khải kia, tài bằng cái đấu, khinh ta quá chừng! Trời cho mày sống, cướp không biết bao nhiêu lộc thiên hạ, ăn miếng ngon không biết đậy mồm, còn chê là lợm. May nhờ phúc tổ, có ít của chìm, như cái đuôi khô, tháng ba ngày tám mang ra gặm, tưởng xênh xang ư?” [62, tr. 349]. Hay với Gia Long, nói tục chửi bậy cũng trở thành một đặc trưng quen thuộc của vua chúa: “Thằng khốn nạn theo voi ăn bã mía kia, đểu cáng chừng nào. Mày mượn danh ta để đi ăn cướp với chơi gái à? [62, tr. 354]...Thằng mặt xanh kia! Kề miệng lỗ còn dê ư? Ta cho cắt dái mày! Ta cho mày ăn cứt” [62, tr. 354]. Như vậy, ở đây Nguyễn Huy Thiệp đã hạ bệ thần tượng bằng cách gắn cho hai nhân vật tầm cỡ trong lịch sử những lời lẽ, phát ngôn phàm tục, qua đó hình ảnh người anh hùng được hiện lên một cách trần trụi nhất.

Trong mối quan hệ với người đẹp Ngô Thị Vinh Hoa, nhiều vấn đề trong nhân cách hai vĩ nhân lịch sử cũng được Nguyễn Huy Thiệp lật xới một cách khá thú vị. Đứng trước người đẹp Ngô Thị Vinh Hoa, Quang Trung bất ngờ, sửng sốt: “Nhà vua thấy Vinh Hoa, thốt nhiên rùng mình, hoa mắt, đánh rơi cốc rượu quý cầm tay” [62, tr. 350]. Không chỉ Quang Trung, vua Gia Long khi thấy Vinh Hoa trong hoàn cảnh không mảnh vải che thân đang bị trói đứng, cung xuân tiết ra nước thơm thì “xây xẩm mặt mày”, “ngã quay ra đất, ngất lịm đi”. Có thể thấy phản ứng của hai vị vua khi đứng trước người đẹp Vinh Hoa là một phản ứng hết sức bình thường, mang tính chất bản năng của mỗi người đàn ông. Bên cạnh đó, Nguyễn Huy Thiệp còn đặt hai vị vua trong thế đối lập khi xử thế với người đẹp. Đọc tác phẩm, Nguyễn Huy Thiệp gây ra cho chúng ta những hồ nghi khi cùng một lúc đắp điếm nhiều chi tiết mang tính chất phủ nhận lịch sử. Chúng ta không thể tin rằng một Quang Trung oai phong lẫm liệt trên chiến trường lại có thể coi trọng một người con gái hết sức bình thường, coi cô ta như báu vật “một Vinh Hoa bằng ba vạn người”. Cảm mến Vinh Hoa nhưng khi ngỏ lời thành thân không được chấp nhận, nhà vua chỉ buồn chứ không lấy cớ ép buộc nàng. Ở chi tiết này, Nguyễn Huy Thiệp lại tạo ra nhiều mâu thuẫn, nghịch lí trái chiều. Thử hỏi bất kì một cô gái đẹp nào lọt vào tầm ngắm của nhà vua lại hành động như vậy không? Bởi có được sự sủng ái của nhà vua đã là rất khó. Táo bạo hơn, ở cuối tác phẩm, Nguyễn Huy Thiệp dựng lên chi tiết khi vua Quang Trung mất, mắt mở trừng trừng, không ai có thể vuốt mắt cho nhà vua được ngoại trừ Vinh Hoa. Chi tiết Vinh Hoa vuốt mắt cho Quang Trung bằng ngón tay út và sau đó ngón tay trở nên đen như chàm, rửa thế nào cũng không sạch gây ra nhiều tranh cãi trái chiều. Có ý kiến cho rằng hành động của Vinh Hoa mang sắc thái khinh miệt bởi cô chỉ chọn một diện tích tiếp xúc nhỏ nhất với Quang Trung là một ngón tay út, và ngón tay đó lại trở nên đen như chàm không sao rửa sạch được. Nói đến đây, Nguyễn Huy Thiệp một lần nữa cà khịa với lịch sử khi cố tình phủ nhận sạch trơn mối tình đẹp, tốn không ít giấy mực trong lịch sử giữa Hoàng đế Quang Trung và Hoàng hậu Ngọc Hân. Nhà văn hư cấu ra một cô Vinh Hoa nào đó mà tầm ảnh hưởng của nhân vật này tới Quang Trung

lại vô cùng lớn lao. Nếu Quang Trung biết kiềm chế dục vọng, tôn thờ Vinh Hoa, “trọng tinh thần mà bỉ thể xác” thì Gia Long lại không thể làm được điều đó.Với Gia Long, “Bậc đế vương giữ nước là ở tinh thần, còn giữ mình là ở thể xác” [62, tr. 355]. Trước hành động tôn thờ của Quang Trung, Nguyễn Ánh cho rằng: “Thế là Huệ dại. Huệ trọng tinh thần mà bỉ thể xác” [62, tr. 355]. Bản chất phàm tục của Gia Long còn được thể hiện ở hành động muốn chiếm đoạt sở hữu Vinh Hoa: “Ta muốn sở hữu nàng như nuôi con gà, con vịt trong nhà” [62, tr. 355]. Có thể nói sự xuất hiện của một nhân vật hư cấu Vinh Hoa đã giúp Nguyễn Huy Thiệp thể hiện được bản chất thuần năng rất “người” của hai nhân vật lịch sử Gia Long và Quang Trung. Đôi khi, để gánh vác trọng trách đế vương, họ cũng phải từ bỏ đi bản năng, dục vọng của mình bởi “Sứ mệnh đế vương thật là sứ mệnh khốn nạn, chỉ được quyền cao cả, không được quyền đê tiện” [62, tr. 355].

Một khía cạnh đối lập giữa Gia Long và Quang Trung mà Nguyễn Huy Thiệp đề cập tới trong Phẩm tiết, đó là cách xử thế của nhà vua với các quần thần trong triều đình. Với Quang Trung, nhà vua ăn năn, hối hận khi trách tội lầm người. Hành động “nhà vua đang đêm xõa tóc, đi chân đất, vừa đi vừa vấp, chạy vào báo cho Vinh Hoa việc Khải mất” thể hiện rõ điều đó. Qua hành động này, chúng ta nhận ra được tấm lòng trắc ẩn sâu xa bên trong người anh hùng oai phong lẫm liệt ấy. Ngược lại với Quang Trung, Gia Long hiện lên là một kẻ tàn bạo. Nhà vua tự cho mình có quyền lôi dân đen con đỏ vào cuộc chiến binh đao đẫm máu nhằm phục vụ cho mưu đồ bá vương của mình: “Binh đao là trò chơi của trời? Sao mày lại hỏi ta? Ta chơi trò khác, chơi trò đế vương” [62, tr. 354]. Như vậy qua Phẩm tiết, bằng việc tạo ra nhiều chi tiết, tình huống hư cấu Nguyễn Huy Thiệp đã làm nổi bật lên bản chất thuần năng của hai nhân vật tầm cỡ trong lịch sử dân tộc với những vui, buồn, yêu, ghét, khát khao. Qua đó, nhà văn lôi kéo người đọc ra khỏi những cái nhìn giáo điều, duy ý chí về những hằng số nhân cách trong lịch sử.

Trong Vàng lửa, Nguyễn Huy Thiệp đưa ra một cách nhìn mới về vua Gia Long qua điểm nhìn của một nhân vật hư cấu tên là Phrăngxoa Pơrie, đóng vai trò là người kể chuyện không đáng tin cậy. Dưới con mắt của Phăng, Gia Long hiện lên là

“một khối cô đơn khổng lồ”, một người “đóng trò rất giỏi trong triều đình”. Ông được ví như “người cha nghiêm khắc của lũ con ích kỉ, đần độn”. Với Gia Long “vinh quang nào chẳng xây trên điếm nhục”, bởi vậy mà nhà vua luôn làm mọi cách để giữ vững ngai vàng của mình: “Ông luôn lo sợ bởi quyền lực nắm trong tay, nó lớn ngoài sức chứa của một con người” [62, tr. 334]. Không chỉ có vậy, Gia Long còn là một vị vua “trải đời ghê gớm” bởi “Ông hiểu bản chất của đời sống cộng sinh. Số phận ngẫu nhiên trao cho ông đứng trên đỉnh cao nhất, ông không dám phá vỡ bất cứ quan hệ nào làm hại đời sống cộng sinh đó, bởi phá vỡ nó, nghĩa là ngai vàng không còn đứng vững” [62, tr. 334]. Cũng giống như Lê Lợi và các bậc bá chủ vương quyền khác, mối lo lớn nhất với Gia Long là làm sao có thể giữ vững được ngai vàng tồn tại lâu dài. Vì vậy mà trước tình trạng trì trệ, nghèo khó của đất nước, trước sự nhỏ bé bên cạnh những nền văn minh lớn như văn minh Trung Hoa, Gia Long không hề có ý định cải cách đất nước. Bởi dấn thân vào quá trình cải tổ ấy cũng chính là quá trình gián tiếp đưa đến sự lung lay quyền lực. Mặt khác, vua Gia Long cũng “không tin học vấn có thể cải tạo giống nòi”, ông hoàn toàn mất niềm tin vào dân tộc mình, vào nhân dân mình. Vì vậy, giải pháp tốt nhất mà Gia Long đưa ra đó là “giữ nguyên hiện trạng. Không chỉ là một vị vua ích kỷ, luôn lo lắng giữ vững ngai vàng của mình, trong Vàng lửa, qua con mắt của Phăng, nhà vua còn là một con người “có lòng tốt lớn của nhà chính trị”. Lòng tốt lớn ấy là gì? Gia Long “không đại diện cho ai” và ông chỉ chịu trách nhiệm với chính bản thân mình, do vậy mà ông “dám bỡn cợt với Tạo hóa, dám mang cả dân tộc mình ra lường gạt, phục vụ cho chính bản thân mình”. Ông coi binh đao như một trò chơi lôi kéo những người dân vô tội vào guồng quay của chết chóc. Như vậy, trong Vàng lửa, vua Gia Long hiện lên như một “con bệnh lớn”, một con bệnh không thể cứu chữa bởi những ám ảnh, đam mê quyền lực.

Trong Vàng lửa, Nguyễn Huy Thiệp không chỉ lật xới nhiều vấn đề thú vị về vua Gia Long mà nhà văn còn giúp người đọc vén bức màn che của lịch sử về một nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn với văn học dân tộc, đó là đại thi hào Nguyễn Du. Dưới nhãn quan của một nhà văn hiện đại, Nguyễn Huy Thiệp không đi theo lối

mòn ca tụng với những thành ngữ sáo rỗng, quen thuộc mà nhà văn khai thác con người nhà thơ ở những mặt trái của nó. Nguyễn Du hiện ra không phải như một “quốc bảo” mà chúng ta thường ca ngợi, cũng không hiện ra với tư cách một nhà thơ, một đại thi hào dân tộc mà ông hiện ra với vẻ mặt “nhàu nát vì đau khổ”. Không dừng lại ở đó, Nguyễn Huy Thiệp tiếp tục tung ra hàng loạt một mớ chi tiết nhằm gây men hồ nghi ở người đọc. Trong con mắt của một nhân vật hư cấu tên Phăng, Nguyễn Du sống cuộc đời “xúi xó, túng kiết”, ông “hoàn toàn không biết làm chính trị”. Ông còn là người biết cảm thông sâu sắc với cuộc sống nghèo khổ của nhân dân, vì vậy “ông đại diện cho nhân dân ở phần u uất nhất, trữ tình nhất nhưng cũng đáng thương nhất”. Nguyễn Huy Thiệp không quên đặt Nguyễn Du trong sự đối sánh với vua Gia Long để làm nổi bật lên nhân cách của nhà thơ thiên tài. Về kiệt tác Truyện Kiều – thi phẩm gắn với tên tuổi đại thi hào dân tộc Nguyễn Du cũng được Nguyễn Huy Thiệp nhìn nhận ở một góc cạnh khác. Nhà văn không xem xét kiệt tác ấy ở những giá trị nội dung, nghệ thuật mà nó mang lại mà ông nhấn mạnh đến tính chất “nhược tiểu” của nó. Ông cho rằng “Nguyễn Du là đứa con của cô gái đồng trinh kia, dòng máu chứa đầy điển tích của tên đàn ông khốn nạn đã cưỡng hiếp mẹ mình” [62, tr. 336]. Và vì thế, Truyện Kiều trong mắt Nguyễn Huy Thiệp hoàn toàn không phải là một kiệt tác nghệ thuật mà chỉ là sản phẩm của sự vay mượn “dòng máu chứa đầy điển tích” của “một nền văn minh vừa vĩ đại , vừa bỉ ổi, lại vừa tàn nhẫn”. Như vậy, mượn điểm nhìn của một nhân vật hư cấu, Nguyễn Huy Thiệp đã đem đến cho người đọc một cách nhìn mới về một nhân vật tầm cỡ, một đại thi hào trong lịch sử dân tộc. Đặt Nguyễn Du trong sự đối sánh với Gia Long, trong điểm nhìn của Phăng, Nguyễn Huy Thiệp đã chỉ ra những mặt trái trong tính chất nhân đạo bi lụy, bảo thủ, đồng thời cũng lột trần vị thế của người nghệ sĩ trong mắt những kẻ làm chính trị. Thật chính xác khi có ý kiến nhận xét rằng: “Vàng lửa chẳng những đã giải thiêng thần tượng, xét lại lịch sử mà còn chỉ ra nguyên nhân của đời sống trì trệ cùng những bất cập của xã hội phương Đông bị ràng buộc bởi ý thức hệ bảo thủ, lạc hậu kéo dài nhiều thiên niên kỉ”.

Đến với truyện ngắn Kiếm sắc, Nguyễn Huy Thiệp mở rộng điểm nhìn của mình, giúp người đọc có những cái nhìn đa chiều hơn về nhân vật vua Gia Long. Nhà văn phần nào đối lập với lịch sử khi xóa nhòa trong tâm trí người đọc những định kiến nặng nề về Gia Long. Trong con mắt của lịch sử, Gia Long là một kẻ tội đồ, một kẻ “cõng rắn cắn gà nhà”, một vị vua tàn ác, hung bạo. Trong con mắt Nguyễn Huy Thiệp, những định kiến về Gia Long được nhà văn dẹp sang một bên để tạo dựng lên một hình ảnh mới ngược dòng với chính sử. Bằng nhãn quan của một nhà văn hiện đại, trong tác phẩm, Gia Long hiện lên là một người đa mưu, túc kế, kiên trì, “không tin ai, dùng người lấy chữ hiệp, chữ lễ làm trọng, không coi nhân, nghĩa, trí, tín ra gì”. Không chỉ có vậy, Gia Long còn là một vị vua biết dùng người tài. Nhân vật Đặng Phú Lân là một ví dụ. Lân thông minh, tài giỏi hơn người, biết đối nhân xử thế, trung thành với nhà vua. Nhiều khi nhà vua phải “xem ý Lân để liệu xử thế với người”. Có thể nói, trên hành trình khôi phục cơ đồ, công lao của Đặng Phú Lân với triều Nguyễn là vô cùng to lớn. Sự có mặt của nhân vật từ những ngày cùng chủ nếm mật nằm gai, vượt qua biết bao những gian lao, nguy hiểm, rồi có mặt trên ngai vàng “tả hữu gươm giáo sáng quắc hai bên” đã phần nào thể hiện được công lao to lớn của Đặng Phú Lân với sự nghiệp của Gia Long. Thế nhưng, số

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thi pháp huyền thoại trong truyện ngắn nguyễn huy thiệp (Trang 74 - 90)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(139 trang)