CHƢƠNG 3 KHÔNG – THỜI GIAN HUYỀN THOẠI
3.2 Sự kết hợp giữa không – thời gian “thiêng” và thực
3.2.2 Sự kết hợp giữa thời gian “thiêng” và thực
Không nằm ngoài bàn tay sáng tạo tài ba của Nguyễn Huy Thiệp, trong những truyện ngắn của mình, nhà văn không chỉ đan bện, cố kết hai dạng thức không gian “thiêng” và thực mà đi kèm với nó là các loại hình thời gian “thiêng” và
thực. Nhờ sự sắp xếp, bố trí đó, Nguyễn Huy Thiệp đã làm cho những truyện ngắn của mình giống như một bức tranh đa màu, đa khối với nhiều tọa độ không – thời gian khác nhau làm cho người đọc phải thật sự tinh ý mới nhận ra được chiều sâu ý nghĩa của nó. Qua đó, nhà văn chuyển tải tới bạn đọc những vấn đề cốt lõi trong nội dung tư tưởng của toàn tác phẩm.
Trong Chảy đi sông ơi, toàn bộ câu chuyện được diễn tiến theo trật tự thời gian tuyến tính nhưng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp không quên làm lạ hóa nó đi khi kết hợp với loại thời gian mang tính chất “thiêng”. Trong tác phẩm, xen kẽ với thời gian hiện thực - thời gian gắn với cuộc sống thực của con người là thời gian ban đêm – thời gian gợi nhiều nỗi ám ảnh trong tâm thức nhân loại. Ban đêm với không gian bóng tối bao trùm, chứa đựng nhiều điều kì bí và nỗi lo sợ của con người trước những vực thẳm của bóng tối khôn cùng. Ban đêm cũng chính là thời điểm hoạt động của những linh hồn ở cõi âm trong nhiều tín ngưỡng dân gian. Trong tác phẩm, thời gian ban đêm cũng chính là thời điểm xuất hiện con trâu đen có sức mạnh phi thường, hay cứu vớt những người lương thiện: “Nó ở dưới đáy lòng sông lao lên mặt nước. Toàn thân bóng nhẫy, đôi sừng vút cao, mõm thở phì phì, con trâu phi trên mặt nước như phi trên cạn. Con trâu phì bọt, nước dãi của nó tựa như trứng cá. Nếu ai may mắn hớp được bọt ấy sẽ có sức lực phi thường, bơi lặn dưới nước giỏi như tôm cá” [62, tr. 6]. Bên cạnh đó, thời điểm ban đêm cũng là thời điểm thích hợp cho sự xuất hiện của những câu chuyện bịa đặt rợn người nơi dòng sông sâu thẳm. Đó là câu chuyện về những đầu lâu của người chết đuối với “mái tóc xõa rũ rượi vương những sợi rong dài như giun đũa”, “cái đầu ngâm nước trương phình, mõm như quả thị”. Rồi khi “đụng tay vào hai hàm răng thì nó tụt ngay khỏi lợi. Những cái chân răng ba ngạnh dài bằng đốt tay dính đầy những sợi dây chằng bé như sợi chỉ. Hai mắt của cái đầu lâu thô lố nhìn tao, hai cái con ngươi từ từ đùn khỏi hốc mắt cứ thế phồng ra như có người bơm không khí” [62, tr. 8-9]. Ngoài ra, thời điểm ban đêm cũng chính là khoảng thời gian gợi nhắc đến kí ức tuổi thơ của nhân vật với những mùa đánh cá mòi, những buổi trốn học đi theo các ông trùm nổi tiếng, những lần chết đuối hụt bởi khát vọng cháy bỏng được một lần nhìn thấy con
trâu đen trong truyền thuyết. Thời gian “thiêng” luôn đi kèm với thời gian thực, nhờ kết hợp với thời gian thực mới phát lộ được hết ý nghĩa sâu xa của nó. Nếu như tiếng gọi đò năm xưa – tiếng gọi đò gắn với kí ức tuổi thơ của nhân vật đã từng gột rửa biết bao điều u ám thì tiếng gọi đò hiện tại lại vẳng lên với một nỗi buồn tê tái. Tiếng gọi đò ở cuối tác phẩm “Đò ơi…đò ơi! Ơi đò! Ơi đò” như tiếng gọi ráo riết, gợi nhắc con người về những giá trị tinh thần đã mất, về những kí ức tuổi thơ của một thời quá vãng. Niềm tin về những huyền thoại tuổi ấu thơ dường như bị vỡ mộng khi nhân vật vấp phải sự phũ phàng của cuộc đời nhân thế trước cái chết của người phụ nữ thánh thiện. Đáng thương hơn nữa, chị còn chết lần thứ hai trong sự thời ơ, lạnh nhạt của người đời: “Bao nhiêu năm nay chẳng hề có ai hỏi thăm nhà Thắm...Nhà Thắm chết đuối hai chục năm rồi” [62, tr. 16]. Và cũng chẳng thể trách được lòng người đổi thay, khi mà chính nhân vật tôi cũng đã dễ dàng lãng quên những giá trị tinh thần trong quá khứ để nhập mình vào cuộc sống thành phố hối hả với đầy cám dỗ vật chất, xa hoa. Như vậy, sự kết hợp giữa thời gian “thiêng” và thời gian hiện thực đã giúp nhà văn tạo ra những hiệu ứng thẩm mỹ bất ngờ, gây ra những trăn trở, nghĩ suy nhiều chiều trong tâm trí bạn đọc đối với các vấn đề nhức nhối của cuộc sống hiện đại.
Trong Con gái thủy thần, thời gian ban đêm xuất hiện nhiều trong mạch truyện và gắn với những hình ảnh mờ ảo của nhân vật huyền thoại mẹ Cả. Thời điểm ban đêm là thời gian mà nhân vật Chương lần đầu tiên được tận mắt nhìn thấy mẹ Cả - câu chuyện huyền thoại đã từng ám ảnh anh suốt thời niên thiếu. Hình ảnh mẹ Cả xuất hiện qua những biến thể khác nhau và đều gắn thời điểm ban đêm. Trong lần đầu tiên bắt gặp mẹ Cả qua biến thể là cô bé sành sông nước, nàng hiện lên tuyệt đẹp với “tấm lưng trần dẻo dai loáng nước quẫy ở trước mặt, thật kinh dị nhưng đẹp lắm”. Sau này, Chương tiếp tục bắt gặp hình ảnh tuyệt đẹp này của mẹ Cả trong một biến thể khác của mẹ Cả là cô gái tên Mây. Trong giây phút trao thân cho Chương, dưới “bóng tối mờ mờ, Mây quay người lại, tôi thoáng thấy tấm lưng trần quẫy ở trước mặt, ánh sáng trắng bên ngoài chiếu vào trông thật kinh dị nhưng đẹp lắm” [62, tr. 170]. Không chỉ có vậy, thời điểm ban đêm cũng chính là thời
điểm xuất hiện những giấc mơ của nhân vật Chương về mẹ Cả. Hình ảnh con gái thủy thần trong những giấc mơ hiện lên vừa rõ rệt vừa mờ mờ ảo ảo đã khiến Chương không nguôi kiếm tìm những bất chấp cả những tuyệt vọng mà anh bắt gặp trong cuộc đời thực: “Tôi mơ thấy con gái thủy thần. Nàng hiện ra trong ánh sáng mờ mờ ảo ảo. Nàng không hùng biện. Nàng chỉ buồn rầu…” [62, tr. 164]. Hình ảnh mẹ Cả hiển linh trong những giấc mơ của Chương giống như người đưa đường, chỉ lối, thủ thỉ với anh, nhắc nhở anh trước biết bao cạm bẫy, cám dỗ mà cuộc sống mang lại: “Chương này! Không phải thế, vẫn không phải thế!”; “Chương này! Không phải đường ra biển”. Trong tâm thức của Chương, mẹ Cả là “ảnh hình của một điều gì đó hơn cả người con gái, hơn cả người đàn bà. Nó là ảnh hình của một nửa thế giới bên trên hoặc bên dưới, của thượng giới và trần gian” [62, tr. 168]. Mẹ Cả giống như một ngôi sao xa xăm trong đêm, giống như “một ánh mắt vô hình từ trong khoảng không sâu thẳm giữa bầu trời bao la” đang dõi nhìn theo Chương trên hành trình mà anh đang đi tới. Bằng sự kết hợp giữa hai dạng thức thời gian “thiêng” và thực, Nguyễn Huy Thiệp đã chuyển tải tới bạn đọc những vấn đề bức thiết của cuộc sống thực tại. Rất nhiều câu hỏi được nhà văn đặt ra khiến chúng ta phải suy ngẫm. Đó là liệu rằng chỉ với hành trang là niềm tin huyền thoại, nhân vật Chương có thể tìm thấy những giá trị tuyệt đích mà mình theo đuổi, hay anh sẽ vấp phải hiện thực phũ phàng của đời sống thực với những đau đớn, nhục nhã, ê chề? Trên hành trình đi ra biển lớn của cộng đồng nhân loại, những gì để lại đẳng sau lưng kia: con sông quê hương lặng lẽ, rặng tre đầu xóm, bức tường đá ong rêu phủ, bóng mẹ liêu xiêu in trong nắng chiều liệu còn có bất kì giá trị nào không một khi con người sẽ dần dần phủ nhận nó? Con người phải làm gì để những giá trị văn hóa truyền thống không những không mất đi nhưng cũng không trở thành lực cản cho sự phát triển của xã hội? Trong khi trước đó con người vẫn chìm trong những ảo tưởng, những lời ca tụng về vẻ đẹp tâm hồn người Việt, về lối sống trọng tình, tính cộng đồng, sự tôn thờ những giá trị quá khứ. Nhưng ai dám mạnh dạn chỉ ra những mặt trái của nó như một sự phản tỉnh. Liệu rằng trên bước đường hội nhập, chúng ta có thể hòa nhập nhưng không hòa tan khi còn rất nhiều thách thức mới đang đặt ra
buộc con người phải đối diện? Đó chính là những trăn trở, băn khoăn của nhà văn cũng như những con người hiện đại về số phận của dân tộc mình, của đất nước mình trên tiến trình hội nhập với cộng đồng nhân loại.
Đến với chùm mười truyện Những ngọn gió Hua Tát, Nguyễn Huy Thiệp dẫn dắt người đọc vào một không gian huyền bí của núi rừng Hua Tát với những câu chuyện cổ tích hoang đường tựa như “những bông dại, màu vàng nhạt, bé như khuy áo, điểm đâu đó quanh rào trong các ngõ nhỏ”. Nhưng những câu chuyện cổ tích gắn với những con người và sự kiện lạ lùng ấy ở bản Hua Tát đều đã lùi xa vào quá vãng bởi “những người sống trong chuyện cổ bây giờ đều không còn nữa”. Như vậy, thời điểm xảy ra các câu chuyện là thời gian quá khứ, đã đi vào tâm thức cộng đồng với một niềm ngưỡng vọng tuyệt đối. Những trạng từ thời gian mà nhà văn sử dụng mang trong nó hai đặc tính quan trọng: tính chất phiếm định của truyện cổ tích và hơi hướng sử thi. Trong đó, hơi hướng sử thi chính là đặc điểm làm nên tính “thiêng” cho những trạng từ thời gian phiếm định của cổ tích. Hầu hết những trạng từ thời gian phiếm định đều được Nguyễn Huy Thiệp gắn kết với những sự kiện mang ý nghĩa quan trọng với toàn thể cộng đồng. Chẳng hạn như đó là sự xuất hiện của một con hổ dữ vào thời điểm “Năm ấy, Hua Tát sống trong mùa đông khủng khiếp. Trời trở chứng,cây cối khô héo vì sương muối, nước đóng thành băng” (Trái tim hổ); thời khắc Then trừng phạt gây ra nạn động rừng, “cây cối xơ xác, chim chóc trốn biệt, không có dấu chân một con thú nào trong rừng. Chưa bao giờ người Hua Tát sống vất vả đến thế” (Con thú lớn nhất); thời điểm “Năm ấy, không hiểu sao rừng Hua Tát củ mài nhiều vô kể. Người ta đào được những củ mài to tướng dễ như bỡn…Rừng hào phóng và bao dung với tất cả mọi người” (Nàng Bua); nạn dịch xảy ra ở bản Hua Tát trong thời điểm lạ lùng “Trời mưa to giữa lúc mặt trời đang nắng chói chang” mà “Trong nửa tuần trăng, ở bản Hua Tát ba chục người chết” (Nạn dịch); hay thời điểm “Trời đang hạn hán, tất cả mó nước đều đã cạn khô” (Tiệc xòe vui nhất); nạn sâu đen kì lạ xảy ra ở bản làng Hua Tát vào thời điểm “năm ấy” làm cho cả bản “tiêu điều như có dịch hạch” (Chiếc tù và bị bỏ quên)… Vì vậy mà khi đọc chùm truyện ngắn của nhà văn, chúng ta giống như đi lạc vào một thế
giới cổ tích hoang đường với một bầu không khí sử thi của những sự kiện và con người đặc biệt vốn đã tồn tại trong tâm thức của dân bản với một niềm ngưỡng vọng tuyệt đối. Đó là những cuộc họp mang tính chất quan trọng với toàn thể cộng đồng của các bô lão, già làng hay trưởng bản về mùa màng, nạn dịch, kén rể…Đó còn là những nghi lễ quan trọng cho người trưởng thành như nghi lễ cúng ma mà trong Thi pháp của huyền thoại E. Melentinsky gọi là nghi lễ thụ pháp. Hay đôi khi đó là những sự kiện nhắc nhở con người phải nhớ tới truyền thống của cha ông trong lịch sử như tiếng tù và cất lên sáng sáng ở bản Hua Tát trong Chiếc tù và bị bỏ quên…
Đan cài với thời gian quá khứ mang tính chất linh thiêng đó, Nguyễn Huy Thiệp không quên chêm vào những câu chuyện cổ của mình những khoảng thời gian xác thực khi mà “Còn nhớ chuyện ấy, bây giờ có lẽ chỉ rất ít người” (Trái tim hổ), “Cái con đường ấy còn đến bây giờ” (Nàng Sinh), “Những người sống trong truyện cổ bây giờ đều không còn nữa”. Bên cạnh đó, thời gian hiện tại còn xuất hiện gián tiếp qua những lời bình luận trữ tình ngoại đề đầy tính triết lý của con người hiện đại mà hệ quy chiếu không xuất phát từ những cái ngày xửa ngày xưa mà là cái bây giờ. Chẳng hạn: “Đời người ta, ai đã chẳng từng săn đuổi bao điều phù du” (Trái tim hổ); “Lớp trẻ bây giờ không thể suy nghĩ bằng nước lã được…” (Tiệc xòe vui nhất); “Đằng nào sống ở đời gan ruột chẳng phải cào xé nhiều lần” (Nạn dịch)... Với sự kết hợp đầy tính tế giữa hai dạng thức thời gian “thiêng” và thực, Nguyễn Huy Thiệp đã xây dựng nên những câu chuyện nửa hư, nửa thực, nửa hoang đường, nửa thực tế, nửa linh thiêng nửa thường nhật…Vậy là rằn ranh giữa đời xưa với đời nay, giữa cái thiêng và cái không thiêng đã hoàn toàn bị xóa nhòa. Bằng cách đó, nhà văn đã biến mười câu chuyện trong bản nhỏ trở thành biểu tượng cho một thứ lương tri dân gian sáng suốt tồn tại vĩnh cửu như những tín ngưỡng tâm linh trong tâm thức con người. Chúng ta có thể coi đây là phương thức xây dựng huyền thoại mới trên cơ sở hóa giải huyền thoại cũ.
Trong Sang sông, Thiên văn, Hạc vừa bay vừa kêu thàng thốt, Đưa sáo sang sông, Nguyễn Huy Thiệp hay nhắc tới thời điểm buổi chiều. Đây là khoảng thời gian vừa mang ý nghĩa tả thực khi nó gắn với mạch diễn biến của cốt truyện vừa là
khoảng thời gian mang ý nghĩa biểu tượng. Trong Sang sông, thời điểm buổi chiều gắn với sự kiện chuyến đò qua sông của những hạng người có chức vị, nghề nghiệp khác nhau. Khoảng thời gian này cố kết chặt chẽ và nằm trong mối liên hệ ngầm ẩn với không gian bến nước – con đò – những không gian mang tính “thiêng” trong tâm thức cộng đồng. Câu chuyện sang sông của nhiều hạng người kết thúc với hình ảnh “bóng chiều tan dần” và “nhà sư vẫn ngồi bất động” khơi gợi trong chúng ta nhiều chiều liên tưởng. Gắn hình ảnh đó với mạch diễn tiến của cốt truyện và không gian thế tục mà câu chuyện diễn ra chúng ta mới thấy hết ý nghĩa biểu tượng của nó. Khi “bóng chiều tan dần” cũng là lúc nhà sư nhận ra những thị phi, trắng - đen, thật – giả lẫn lộn trong cuộc đời. Đó cũng là lúc nhà sư tìm ra được con đường đi tới trạng thái ngộ đạo của mình: quay đầu là bờ bởi với nhà sư “muốn đi là được. Ngày xưa, đức Bồ Đề Lạt Ma còn sang sông trên một cọng cỏ cơ mà…”. Như vậy, thời điểm buổi chiều ở đây là thời gian mang ý nghĩa biểu tượng cho sự ngộ đạo, đạt tới trạng thái tâm không của nhà Phật. Quay đầu là bờ, đó chính là bài học sâu sắc cho con người khi muốn tìm lại bản lai diện mục của mình trước cuộc đời đầy rẫy những thị phi, trắng đen lẫn lộn này. Trong Thiên văn, thời điểm buổi chiều nằm trong trình tự tuyến tính của mạch cốt truyện từ “buổi trưa nắng gắt” đến “không còn ánh nắng. Không còn trời xanh” và kết thúc với thời điểm “đêm xuống. Những ngôi sao mọc lên rất nhanh trên nền trời trong vắt”. Như vậy, thời điểm buổi chiều vừa đóng vai trò là thời gian tả thực, gắn với mạch cốt truyện vừa là thời gian mang ý nghĩa biểu tượng. Gắn khoảng thời gian này với không gian “thiêng” bến nước – con đò và hình ảnh nhân vật “khách” - một con người vô danh trong bể trầm luân và cuộc vượt sông ngoạn mục “chẳng có chèo, chẳng có sào, mưa bão rất lớn mà đò vẫn cập bến” chúng ta mới thấy hết ý nghĩa biểu tượng của nó. Phải chăng qua những ám gợi nghệ thuật đó, Nguyễn Huy Thiệp muốn nói tới số phận cô đơn của người nghệ sĩ trên hành trình nhọc nhằn vươn tới những chân lý nghệ thuật bởi “thi sĩ bao giờ cũng làm những việc lạ thường, đuổi theo những vẻ đẹp kỳ ảo, những vẻ đẹp huyền bí”. Và “vết chân thi sĩ để lại thường rất nhỏ”. Trong Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt, thời gian buổi chiều cũng vừa mang ý nghĩa tả thực khi nó gắn với