Sự kết hợp giữa không gian “thiêng” và thực

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thi pháp huyền thoại trong truyện ngắn nguyễn huy thiệp (Trang 106 - 119)

CHƢƠNG 3 KHÔNG – THỜI GIAN HUYỀN THOẠI

3.2 Sự kết hợp giữa không – thời gian “thiêng” và thực

3.2.1 Sự kết hợp giữa không gian “thiêng” và thực

Trong những truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, ngoài sự xuất hiện của những không gian kì ảo đậm chất huyền thoại, chúng ta còn thấy sự có mặt của hai dạng thức không gian đối lập “thiêng” và thực. Hai loại hình không gian này luôn có sự kết hợp, đan cài, chuyển hóa cho nhau làm cho mỗi truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp giống như một bức tranh nghệ thuật đa chiều, đa khối, đa màu, đầy sức ám gợi của những biểu tượng sâu thẳm trong tín ngưỡng văn hóa cộng đồng. Qua sự bố trí, sắp xếp, đan bện hai dạng thức không gian “thiêng” và thực, chúng ta thấy được những cách tân mới mẻ của nhà văn chính là biểu hiện cái phi lý, cái hỗn tạp trong nghệ thuật tạo dựng không gian nhưng lại nói lên được những vấn đề bức thiết của cuộc sống hiện đại.

Điển hình cho sự kết hợp hài hòa hai dạng thức không gian “thiêng” và thực phải kể đến truyện ngắn Chảy đi sông ơi. Câu chuyện mở ra với vẻ đẹp mơ mảng, sâu lắng mà trữ tình của dòng sông bến Cốc với hình ảnh “con sông bến nước mơ màng và buồn cô liêu, nửa như chờ đợi, nửa như hờn dỗi”, với màu hoa gạo đỏ xao xuyến lạ lùng, với dòng nước lững lờ trôi và tiếng chuông nhà thờ “mang mang vô tận” trên mặt sông. Như vậy, mở đầu câu chuyện, Nguyễn Huy Thiệp đã dẫn dắt người đọc vào một không gian thiêng liêng trong tâm thức nhân loại, đó là không

gian dòng sông – một trong những cổ mẫu của văn hóa nhân loại. Dòng sông là một biến thể của mẫu gốc nước, sông một mặt mang những ý nghĩa biểu trưng chung của nước, một mặt có những hướng nghĩa biểu trưng riêng gắn liền với những đặc điểm bản thể của nó. Dòng sông trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp vừa thấm đẫm những cảm quan chung của vô thức cộng đồng, vừa mang đậm dấu ấn riêng của phong cách tác giả, thể hiện sự biến đổi, điều chỉnh ý nghĩa của biểu tượng, tính năng động của biểu tượng. Dòng sông trong Chảy đi sông ơi được Nguyễn Huy Thiệp xây dựng với những ý nghĩa biểu tượng sâu kín của nó, nằm trong mạch ngầm liên kết của toàn văn bản. Dòng sông ở đây là nơi sản sinh ra những huyền thoại, những truyền thuyết huyễn hoặc, hoang đường. Đó là những truyền thuyết kì bí, hoang đường về đầu lâu của người chết đuối hay huyền thoại về con trâu đen “toàn thân bóng nhẫy, đôi sừng vút cao”, phi trên mặt nước như phi trên cạn, hay ra tay cứu giúp những người dân lương thiện. Không chỉ có vậy, không gian dòng sông còn hiện lên với sức mạnh thanh tẩy, cứu rỗi tâm hồn con người và biểu tượng cho vẻ đẹp của “thiên tính nữ”. Theo truyền thuyết Ấn Độ, dòng sông sông trên cao chính là biểu tượng của nước thượng giới, nó tẩy uế tất cả mọi tạp chất và là biểu tượng cho công cụ giải thoát. Nhân vật tôi sau khi được chị Thắm lái đò cứu khỏi dòng nước xiết đã “trào dâng cảm giác dễ chịu lạ lùng, như vừa tắm xong, như vừa gột rửa được điều u ám”. Cậu bé bến Cốc dường như hiểu ra biết bao nhiêu điều cay đắng, xót xa, biết cảm thông cho sự bạc ác của những người đánh cá. Lời nói của chị Thắm ngân nga mà sâu sắc như gieo vào lòng nhân vật tôi một chất gia vị gột rửa bao điều u ám, căm phẫn bấy lâu nay với những tên trùm đánh cá trong tiềm thức ngây thơ của cậu: “Đừng trách họ thế. – Người phụ nữ an ủi tôi, giọng nói ngân nga như hát. – Có ai yêu thương họ đâu…Họ đói mà ngu muội lắm…”[62, tr. 14]. Cũng chính vì tâm hồn đã được gột rửa mà cậu bé cảm thấy cảnh vật thiên nhiên xung quanh mình trở nên tươi đẹp lạ lùng và cảm nhận được biết bao nỗi buồn dồn nén trong giọng hát, trong tiếng gọi đò của ai đó ngân nga trên dòng sông vắng. Ở đây, chúng ta thấy không gian dòng sông cố kết đậm đặc với không gian bến nước – con đò – những không gian “thiêng” trong

tâm thức bao đời của người dân Việt. Hình ảnh con đò đi liền với nhân vật chị Thắm – một người phụ nữ bao dung, nhân hậu, đã cứu biết bao nhiêu người thoát khỏi bàn tay của Hà Bá. Như vậy, không gian dòng sông khi gắn kết với không gian bến nước - con đò, với nhân vật mà nhà văn xây dựng trở thành một không gian đầy sức ám gợi, mang ý nghĩa biểu tượng cao. Nó biểu tượng cho vẻ đẹp của “thiên tính nữ”, cho số phận long đong, chìm nổi của người phụ nữ trước dòng đời vô định.

Trên nền không gian thơ mộng, trữ tình với những câu chuyện huyền thoại nửa hư nửa thực là không gian hiện thực với những chuyện giết người, cướp của, ngoại tình, cờ bạc hay không khí ngột ngạt khi người ta tranh giành từng li từng tí miếng cơm manh áo của nhau. Gánh nặng của cuộc sống mưu sinh với nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền trở thành một trách nhiệm nặng nề đè nặng lên vai những người dân chài khốn khó. Để sinh tồn, họ sẵn sàng bất chấp tất cả thậm chí có thể từ bỏ những thứ gọi là nhân cách, đạo đức con người, tình yêu thương đồng loại. Vì vậy mà họ có thể lờ đi tất cả mọi cái chết trên dòng sông ấy bởi “những người đánh cá có lệ không cứu những ai chết đuối”. Xét cho cùng, hành động của họ chỉ đáng thương chứ không đáng trách, bởi “Có ai yêu thương họ đâu…Họ đói mà ngu muội lắm”. Có thể nói, sự xuất hiện đi kèm của không gian thực ở đây như một yếu tố nghệ thuật quan trọng giúp nhà văn giải thiêng các huyền thoại bí ẩn, hoang đường. Quá trình giải thiêng hóa không gian huyền thoại thể hiện rõ ở cái chết bi thương của chị Thắm lái đò. Chị đã cứu biết bao người chết đuối ở khúc sông này, trong đó có cậu bé bến Cốc – nhân vật tôi nhưng chính chị lại chết đuối mà không ai cứu. Có thể thấy không gian huyền thoại của dòng sông với truyền thuyết về con trâu đen hay cứu giúp những người lương thiện giờ được chuyển hóa thành một không gian hiện thực với sự phũ phàng của người đời trước cái chết của người phụ nữ thánh thiện. Đáng thương hơn nữa, người phụ nữ ấy còn chết lần thứ hai trong sự lãng quên, lạnh nhạt của người đời khi “Bao nhiêu năm nay, chẳng hề có ai hỏi thăm nhà Thắm … Nhà Thắm chết đuối hai chục năm rồi” [62, tr. 16].

Như vậy, trong Chảy đi sông ơi, không gian huyền thoại của dòng sông luôn xuất hiện đi kèm với không gian hiện thực, không gian cuộc sống mưu sinh của con người. Ngoài ra trong tác phẩm, ta còn thấy có sự kết hợp đan cài giữa không gian mang tính thiêng của dòng sông gắn với những kỉ niệm ấu thơ, những mùa đánh cá mòi hay những ngày trốn học của nhân vật tôi đi theo những tên trùm nổi tiếng để tận mắt nhìn thấy con trâu đen trong câu chuyện truyền thuyết, bát cháo cá mòi thơm lừng của chị Thắm… với không gian thị thành xa hoa, lừa lọc, đầy những cám dỗ vật chất. Hòa nhập vào cuộc sống thị thành nhộn nhịp, nhân vật tôi hăm hở theo đuổi bao điều phù du, kỉ niệm về màu đánh cá mòi, chuyện con trâu đen, hay bát cháo cá thơm lừng của người phụ nữ thánh thiện đã từng cứu mình…dần dần lùi xa vào quá vãng khi những “ước mơ tuổi trẻ nhường chỗ cho bao nhu cầu thiết thực”. Tóm lại, bằng sự kết hợp, đan cài và chuyển hóa cho nhau giữa hai loại không gian “thiêng” và thực, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp muốn qua đó chuyển tải những thông điệp nghệ thuật của mình. Ở đây, nhà văn muốn hóa giải tính “thiêng” của không gian dòng sông gắn với những truyền thuyết huyễn hoặc, hoang đường, qua đó thể hiện sự phũ phàng của tình đời, tình người trong cuộc sống hiện đại - cái cuộc sống mà con người ngập ngụa trong những cám dỗ vật chất, những danh lợi phù hoa, cái xã hội mà vì tiền, vì miếng cơm manh áo con người ta có thể chà đạp lên tất cả những thứ gọi là lương tri, là tình người, là tình thương yêu đồng loại. Trước bao biến thiên dâu bể của cuộc đời, dòng sông kia vẫn cứ chảy trôi theo quy luật vô thường của tạo hóa, cuốn xô đi biết bao nhọc nhằn, bao khốn khó, bao cái chết, bao con người thánh thiện. Tiếng gọi đò ráo riết, ngân nga ở cuối tác phẩm phải chăng chính là tiếng gọi vọng về của quá khứ, tiếng gọi phản tỉnh con người từ những giá trị đã tan biến trong sâu thẳm cội rễ truyền thống của dân tộc?

Không gian dòng sông không chỉ xuất hiện trong Chảy đi sông ơi mà nó còn xuất hiện trong rất nhiều truyện ngắn khác của Nguyễn Huy Thiệp, trở thành những không gian đầy sức ám gợi khi nó gắn kết với không gian hiện thực và các yếu tố khác trong toàn tác phẩm. Đến Con gái thủy thần, không gian dòng sông vẫn tiếp tục bao trùm toàn bộ tác phẩm với một bầu không khí huyền thoại. Đặc

biệt, dòng sông trong tác phẩm gắn liền với sự ra đời của mẹ Cả hay còn được nhân dân gọi là Mẫu Thoải - một nhân vật có trong huyền thoại, là người mẹ của các nguồn nước. Mẫu Thoải coi sóc các biển, vào mùa nước lên cao thì Mẹ nước ngăn lũ, chống lụt, lúc trờ khô hạn thì Mẹ nước làm mưa. Mỗi khi người dân cầu đảo viện đến sự phù hộ của các bà thì các bà đều xuất hiện. Mẫu Thoải còn giúp vào những cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương. Mẫu Thoải trong truyện cổ tích nhập vào Mẹ Cả, từ biển nhập vào cõi trần tục để cứu người. Mẹ Cả hoá phép thành con rái cá ra sức đào bới cứu hai cha con ông Hội bên Đoài Hạ đang bị vùi lấp trong cát. Lần khác, Mẹ Cả ngồi trên mặt trống đánh thùng thùng làm sấm tan, mưa tạnh, rồi ôm trống lặn xuống đáy sông. Như vậy, mẹ Cả luôn xuất hiện vào những thời điểm thích hợp để cứu giúp dân làng và những người dân lương thiện thoát khỏi hiểm nguy. Cũng giống như chị Thắm lái đò, hình ảnh mẹ Cả là biểu tượng đẹp cho những người phụ nữ hiền lành, thánh thiện, bao dung. Như vậy, ngay từ đầu tác phẩm, Nguyễn Huy Thiệp đã gắn sự ra đời của nhân vật mẹ Cả với không gian dòng sông nhằm thể hiện dụng ý nghệ thuật của mình. Sau này, hình ảnh mẹ Cả xuất hiện luôn gắn liền với không gian dòng sông. Cũng trên chính dòng sông ấy – nơi sản sinh ra huyền thoại mẹ Cả, nhân vật Chương bắt gặp hình ảnh đầu tiên của mẹ Cả qua một biến thể là cô bé sành sông nước ăn cắp mía với “tấm lưng trần dẻo dai loáng nước quẫy trước mặt, loang loáng dưới trăng, thật kinh dị nhưng đẹp lắm”. Sau này hình ảnh ấy còn tiếp tục lặp lại trong những giấc mơ của Chương, trong hình ảnh ẩn hiện mờ mờ ảo ảo của tấm lưng trần của cô Mây. Không chỉ là không gian sản sinh ra những huyền thoại, gắn liền với những biểu tượng đẹp của “thiên tính nữ”, dòng sông trong Con gái thủy thần cũng không nằm ngoài quy luật biến dịch khôn lường của tạo hóa. Mặc cho cuộc sống muôn hình vạn trạng, mặc cho thói đời ô trọc, xấu xa, dòng sông vẫn thao thiết chảy “cứ như thế từ lâu lắm rồi, từ hôm qua, hôm kia, từ năm trăm năm trước” để xô cuốn đi bao tủi cực, cay đắng của cuộc đời. Đứng trước cảnh vật hư hư, ảo ảo của dòng sông với những làn “sương mù giăng giăng trên mặt sông. Khi nắng lên, sương tan ra, sương tan ra rồi bay lên như khói, như mây”, nhân vật Chương lần đầu cảm nhận được triết lí về lẽ

vô thường: “Mặt sông lộ rõ, ngái ngủ và thẹn thùng. Sóng vỗ bờ, đẩy xác những con phù du, những con vờ đến tận chân tôi. Ấy là cảm giác về lẽ vô thường, lẽ vô thường lần đầu tìm đến rón rén thăm dò tâm hồn tôi” [62, tr. 158]. Nhận thức được quy luật biến đổi khôn lường ấy, trong Con gái thủy thần, khi nghĩ về sự nhỏ nhoi của đôi chút giá trị của văn minh, sự hữu hạn của con người trước sự bất tận của dòng đời, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã dùng hình ảnh những con phù du, những con vờ chết để thể hiện điều đó: “Tôi hình dung ra xác những con phù du, những con vờ chết bị sóng đánh tạt vào bờ...Hàng tỉ những con phù du, những con vờ chết đi không để lại một dấu vết gì” [62, tr. 158]. Ý thức được điều đó mà nhân vật Chương luôn sống hết mình cho khát vọng cháy bỏng của cuộc đời là tìm được người con gái thủy thần. Mặc dù trên hành trình ấy, anh gặp biết bao khó khăn, hiểm nguy, những sự dối trá, ti tiện, thấp hèn nhưng anh không hề chùn bước: “Để có nàng, tôi buộc phải sống kiếp sống của kẻ khổ sai lưu đầy, tôi buộc phải vắt kiệt tôi đến chết. Tâm hồn nàng ăn uống thứ thức ăn thật man rợ: đấy là từng miếng sống tươi rói của cuộc đời tôi... [62, tr. 146]. Không chỉ là biểu tượng cho vẻ đẹp “thiên tính nữ”, cho quy luật biến đổi vô thường của tạo hóa, trong Con gái thủy thần, với đặc điểm bản thể di truyền của mẫu gốc nước, dòng sông cũng mang ý nghĩa thanh tẩy, gạn lọc tâm hồn. Sau gần nửa tiếng đồng hồ bơi trên sông để bắt lũ trẻ con ăn trộm mía, nhân vật Chương nhận ra sự vô nghĩa trong hành động của mình: “Thoắt nhiên, tất cả biến mất, tôi bỗng trơ ra giữa dòng sông vắng mênh mông. Tất cả như chưa hề xảy ra chuyện gì…Tôi thấy ngượng ngùng. Nửa đêm, tự dưng lại đi trần truồng bơi ở trên sông, khua khoắng lên, mà vì cái gì cơ chứ!...” [62, tr. 132]. Cũng chính nhờ sự thanh gạn của dòng sông mà nhân vật Chương nhận ra sự tù đọng, vô nghĩa của cuộc sống xung quanh mình: “Tôi cố nhớ lại khuôn mặt mẹ Cả mà không nhớ được. Cứ nhắm mắt lại là thấy toàn mặt quen, tựa như mặt bà Hai Khởi vừa tròn vừa to , mũi trông như vỏ cam sần, hoặc như mặt chị Vinh dài mà tai tái như dái trâu….Chẳng có khuôn mặt nào đáng là mặt người. Mặt nào trông cũng thú vật, đầy nhục cảm, không đểu cáng, dối trá thì cũng nhăn nhúm đau khổ” [62, tr. 132].

Đi kèm với không gian dòng sông là không gian của biển cả, chúng cố kết với nhau tạo thành những điệp khúc ngôn ngữ lặp đi lặp lại trong toàn bộ tác phẩm. Trong câu chuyện, biển hiện lên là một không gian tự do, rộng lớn để con người có thể sống trọn vẹn với những mơ ước, khát vọng của mình. Chính vì vậy mà hình dung về biển đối với Chương luôn luôn là hình dung về một không gian phía trước với “những chân trời, chân trời và mặt biển rộng xa vời”. Hành trình đi về phía biển của Chương cũng chính là hành trình tìm kiếm những giá trị tuyệt đích của cuộc đời anh. Không chỉ có vậy, biển còn hiện lên là một không gian chứa đầy ánh sáng của những tia hào quang lấp lánh. Trên hành trình đi tìm con gái thủy thần, không gian mà Chương hướng tới là không gian bao la ngoài biển khơi xa xăm kia. Cả hai lần gặp những tín sứ của mẹ Cả, Chương đều thấy vẻ đẹp của “tấm lưng trần loáng nước loang loáng dưới trăng” hoặc “được ánh sáng trắng bên ngoài chiếu vào, trông kinh dị nhưng đẹp lắm”. Trong giấc mơ của Chương, con gái thủy thần hiện ra “trong ánh sáng mờ mờ huyền ảo”. Có thể nói, hình ảnh biển cả xuất hiện thấp thoáng trong câu chuyện nhưng là một hình ảnh có giá trị biểu tượng cao. Biển ở đây không phải là một không gian mênh mông, chứa đựng nhiều bất trắc, nỗi lo sợ của con người mà là một không gian mơ ước với những

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thi pháp huyền thoại trong truyện ngắn nguyễn huy thiệp (Trang 106 - 119)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(139 trang)