2.2. Tin quốc tế đối nội là nguồn tin quan trọng của TTXVN
2.2.3. Tin kinh tế
Tin kinh tế quốc tế tham khảo tập trung vào các vấn đề kinh tế-tài chính mang tính chất vĩ mô thông qua những bài nghiên cứu sâu về chính sách, xu hướng phát triển của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, những bài học rút ra từ các vụ sụp đổ công ty, những chính sách không phù hợp,
Tin kinh tế quốc tế đối nội phổ biến TTXVN luôn bám sát những sự kiện kinh tế nổi bật đang diễn ra trên thế giới.
Tin kinh tế quốc tế đối nội TTXVN thường xuyên bám sát những biến động hằng ngày của giá dầu, giá vàng, chỉ số chứng khoán có tác động lớn đến giá cả trong nước.
Ví dụ, giá dầu cuối năm 2006 mới ở ngưỡng 50 USD mỗi thùng, song giá mặt hàng sống còn đối với mọi nền kinh tế này liên tục leo thang và lên đến mức kỷ lục 99,29 USD vào ngày 21/11/2007. Đặc biệt, năm 2008, giá dầu thô trên thế giới có những biến động bất thường. Cuối phiên giao dịch ngày 27/6/2008, trong các giao dịch điện tử giá dầu thô trên thị trường Niu Oóc và thị trường Luân Đôn giao tháng 8 đã lên đến mức cao nhất lịch sử là trên 142 USD/thùng. Các chuyên gia kinh tế nhận định, việc giá dầu thô giao trong
tương lai đã đạt mức cao lịch sử làm gia tăng các lo ngại lạm phát và vì vậy sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán, rồi sau đó sẽ làm dấy lên một cuộc chạy đua về giá đối với các loại hàng hóa.
Hoặc ngày 7/11/2007, vàng trên thị trường thế giới chạm mức giá 846 USD mỗi ounce, cao nhất kể từ tháng 1/1980. Trong năm 2008, giá vàng diễn biến thất thường. Đồng đôla sụt giá khiến vai trò của vàng như một kênh đầu tư thay thế được khẳng định...
Tin quốc tế đối nội TTXVN luôn theo sát giá dầu, giá vàng, chỉ số chứng khoán, giá trị của các đồng tiền mạnh như đồng USD, đồng ơrô, đồng yên Nhật trên thế giới; phân tích những nguyên nhân cơ bản dẫn tới sự tăng, giảm giá của từng mặt hàng và những tác động đối với kinh tế Việt Nam.
Trong thời kỳ hội nhập, nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những biến động của thị trường thế giới. Ví dụ như sự khủng hoảng kinh tế Mỹ những tháng cuối năm 2008 có tác động lớn đến tình hình kinh tế thế giới. “Dự luật cứu trợ tài chính” trị giá 700 tỷ USD đầu tháng 10-2008 mặc dù đã được Thượng viện và Hạ viện Mỹ thông qua nhằm ngăn chặn sự đổ vỡ của hệ thống ngân hàng và các tổ chức tài chính, tín dụng, nhưng kinh tế Mỹ vẫn sa sút, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn tiếp tục bị mất giá khá mạnh.
Là một siêu cường kinh tế, đóng góp 1/4 GDP, chiếm 15% tổng kim ngạch nhập khẩu trung bình hằng năm của thế giới, nên tác động của kinh tế Mỹ đến thế giới là rất rõ trên các phương diện thương mại, đầu tư, tài chính... Cuộc khủng hoảng tài chính xuất phát từ Mỹ có tác động mạnh tới hệ thống ngân hàng lớn trên thế giới. Các nền kinh tế khác cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (chiếm gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam). Đồng thời Mỹ cũng là nhà đầu tư lớn, nếu cộng cả giá trị đầu tư qua các nước thứ 3 thì Mỹ là nhà đầu tư số 1 vào Việt Nam trong nhiều năm qua. Vì vậy, sự sụt giảm của kinh tế Mỹ chắc chắn là có tác động trực tiếp và gián tiếp (với những mức độ khác nhau) đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng.
Tin quốc tế đối nội TTXVN bám sát diễn biến sự kiện này với những thông tin phổ biến và tham khảo, phục vụ kịp thời yêu cầu của lãnh đạo và nhu cầu thông tin của độc giả. Tuyến tin phổ biến với những tin như: Hạ viện Mỹ thông qua dự luật giải cứu thị trường tài chính (TTG 04/10/2008); Quốc hội Mỹ điều trần về nguyên nhân khủng hoảng (TTG 07/10/2008); Ngân hàng Mỹ sẽ mua lại 4,7 tỷ USD trái phiếu (TTG 09/10/2008)… Tuyến tin tham khảo: Bất ổn tài chính đẩy giá vàng và dầu mỏ leo thang (KTTK 08/10/2008); Chính phủ Anh công bố kế hoạch vực dậy ngành ngân hàng (KTTK 09/10/2008); Ngân hàng Nhật Bản bơm gần 40 tỷ USD vào thị trường tiền tệ (KTTK 09/10/2008); IMF: Tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ giảm mạnh trong năm 2008 và 2009 (KTTK 09/10/2008)…
Ngoài ra, tin kinh tế quốc tế đối nội TTXVN cũng bao quát tất cả các vấn đề kinh tế khác diễn ra trên thế giới như công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, du lịch…Một số tin kinh tế (của bản tin thế giới phổ biển) điển hình: ấn Độ đưa ra nhiều biện pháp phát triển kinh tế (17/02/2006); Mỗi ngày thế giới mất 20.000 hécta rừng (22/11/2006); Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 10,5% trong năm 2006 (10/12/2006) Kinh tế Hàn Quốc có nguy cơ suy thoái (30/12/2006); Thiết lập đường bay thẳng Oasinhtơn - Bắc Kinh (10/01/2007); Trung Quốc và Ixraen tăng cường hợp tác kinh tế song phương (11/01/2007);
Năm 2006: Ngành du lịch thế giới tăng trưởng mạnh (29/01/2007); Vênêxuêla có thể có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới (19/03/2007); FAO: Tự do hóa thương mại ảnh hưởng các nước nghèo (13/04/2007); Lạm phát ở ấn Độ cao nhất trong 13 năm qua (18/08/2008); Trung Quốc đạt thỏa thuận khai thác dầu kỷ lục ở Iraq (28/08/2008); Nhật Bản chi 111 tỷ USD kích thích kinh tế (30/08/2008); Hàn Quốc-Trung Quốc thúc đẩy hợp tác kinh tế (08/09/2008)…