giáo dục những yêu cầu mới, những cố gắng mới để đóng góp công lao vào sự nghiệp cách mạng của toàn thể dân tộc.
Trong thế chủ động tiến công chiến lược của cuộc kháng chiến, Chính phủ có nhiều chủ trương, chính sách nhằm thực hiện phương châm lớn “Kháng chiến hoá văn hoá, văn hoá hoá kháng chiến” do Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra.
Cuối năm 1951, Hội đồng Chính phủ đã xác định nhiệm vụ của giáo dục là: đẩy mạnh công tác giáo dục, tiếp tục công tác cải cách giáo dục (soạn xong chương trình và sách giáo khoa cấp phổ thông), đào tạo cán bộ mới và cải tạo cán bộ cũ. Phát triển ngành bình dân học vụ, bổ túc văn hoá cho công nông, chủ yếu là cán bộ công nông. Tổ chức ngành giáo dục chuyên nghiệp, mở thêm trường chuyên nghiệp.
2.2.2. Chỉ đạo củng cố và phát triển nền giáo dục kháng chiến kiến quốc kiến quốc
Trong thư gửi Đại học giáo dục toàn quốc (7-1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đại hội nên chú ý làm thế nào cho việc giáo dục liên kết với đời sống của nhân, với công cuộc kháng chiến và kiến quốc của dân tộc.
Làm thế nào để phối hợp việc giáo dục của trường học với việc tuyên truyền giáo dục chính trị chung của nhân dân” [39,266]
Để góp phần đẩy mạnh phát triển lực lượng kháng chiến, nền giáo dục nước ta đã hoạt động theo tinh thần chỉ thị trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Quá trình củng cố và phát triển của ngành học bình dân, ngành học phổ thông và ngành học chuyên nghiệp trong giai đoạn 1951-1954 được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo, hướng dẫn, dìu dắt một cách cụ thể.
* Với Bình dân học vụ và Bổ túc văn hoá
Chủ tịch Hồ Chí Minh có một tình cảm sâu xa đối với Bình dân học vụ. Người trông nom, săn sóc việc học Bình dân học vụ như lo miếng cơm manh áo cho nhân dân. Giáo dục Bình dân là một nhiệm vụ của cách mạng, của kháng chiến và kiến quốc. Nó bồi đắp tinh thần nhân dân, nó làm sống dậy nhiều tiềm năng của dân tộc.
Tháng 1-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị và Chính phủ đã tán thành thưởng Huân chương Kháng chiến cho Nha Bình dân học vụ. Đó là một khen thưởng chung cho “tất cả nam nữ cán bộ trong nước và ngoài nước đã có công trên mặt trận diệt dốt”, “tất cả các vị phụ lão và thân sỹ đã ủng hộ bình dân học vụ”, “tất cả đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài đã cố gắng thi đua thoát nạn mù chữ”.
Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Nha Bình dân học vụ, Người viết “Tôi rất sung sướng khi nhận được thư của các cụ già 80, 90 tuổi ở các nơi và các cháu nhi đồng 7, 8 tuổi ở các miền ngược, báo cho tôi biết rằng các cụ, các cháu đã biết đọc, biết viết.
Tôi rất cảm động khi tôi được biết rằng 99 phần trăm những đồng bào không may bị giắc Pháp giam cầm ở Côn Lôn, cũng thi đua bảo nhau học và cũng đã thoát nạn mù chữ” [39,147].
Cuối thư, Người căn dặn:
“Từ ngày nhân dân ta nắm chính quyền đến nay, 13 triệu nam nữ đồng bào đã được học, đã biết chữ.
Nhưng chúng ta phải cố gắng nữa, phải làm thế nào trong một thời gian gần đây, tất cả đồng bào Việt Nam từ 8 tuổi trở lên đều biết đọc, biết viết.
Ngày ấy mới là hoàn toàn thắng lợi trên mặt trận diệt giặc dốt. Đó là nhiệm vụ của các cán bộ Bình dân học vụ
Đó cũng là nhiệm vụ của những đồng bào đã biết chữ, của các đoàn thể nhân dân, của địa phương mà cũng là nhiệm vụ của đồng bào chưa biết chữ. Tất cả mọi người, mọi đoàn thể đồng tâm hiệp lực quyết làm cho kỳ được, thì chúng ta nhất định hoàn toàn thành công” [39,148].
Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương: Nhân đân đã cố gắng thoát nạn mù chữ, đã thắng lợi, thì phải cố gắng nữa, phải đồng tâm hiệp lực để thắng lợi hoàn toàn.
Theo sự chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì sự đồng tâm hiệp lực của các cán bộ Bình dân học vụ, của những đồng bào đã biết chữ, của các đoàn thể nhân dân, của chính quyền địa phương và của đồng bào chưa biết chữ sẽ là sức mạnh to lớn để chiến thắng giặc dốt.
Bộ Quốc gia Giáo dục xác định công tác trọng tâm của ngành Bình dân học vụ trong năm 1951 là thanh toán nạn mù chữ ở miền núi và vùng mới giải phóng và phát triển mạnh dự bị bình dân ở các miền trung châu tự do.
Các cấp Bình dân học vụ đã đặt ra nhiều cuộc thi đua “Nhà nhà miền núi biết chữ”, “Tuần lễ vét dốt”, “Ngày mở lớp”, “Mùa học”, “Mùa thi đua mãn khoá”, “Chiến dịch hoàn toàn thanh toán nạn mù chữ”.
Tháng 6-1951, các Liên khu III, IV và Việt Bắc đã lập được thành tích: mở được 20.000 lớp sơ cấp với 26.000 giáo viên và 350.000 học viên; mở được 9.782 lớp dự bị với 12.688 giáo viên và 230.000 học viên; mở được 837 lớp Bổ túc bình dân (kể cả các lớp Bổ túc văn hóa và các trường trung học bình dân của các cơ quan, đoàn thể mở) với 1.200 giáo viên và 9.800 học viên.
Cũng đến thời điểm trên, Trường Phổ thông lao động (đã được chuyển về Nha Bình dân học vụ, theo Nghị định 547/NĐ ngày 12-11-1950 thì thuộc Nha Trung học) có 5 lớp với 7 giáo viên và 199 học viên.
Từ 28 đến 31 tháng 5-1952, Hội nghị giáo dục bổ túc họp, thảo luận đề án giáo dục bổ túc, chương trình giáo dục bổ túc, cách áp dụng chương trình cho các lớp sau giờ làm việc, lớp dự bị bổ túc và chủ trương phát triển giáo dục bổ túc.
Mục đích của giáo dục bổ túc nhằm nâng cao trình độ văn hoá và ý thức chính trị cho cán bộ và nhân dân, tức là bồi dưỡng cho họ một số kiến thức phổ thông để có đủ khả năng và ý thức phục vụ kháng chiến, phục vụ chính sách của Chính phủ và Mặt trận hiệu quả hơn.
Phương châm của Giáo dục bổ túc là liên hệ lý luận với thực tiễn, tranh thủ thời gian và dựa vào dân.
Về tổ chức: Cán bộ và chiến sỹ thi đua tạm thời thoát ly để học Bổ túc văn hoá thì vào Trường Phổ thông Lao động. Còn lại học sau giờ làm việc thì vào các lớp Bổ túc văn hoá.
Chương trình Bổ túc văn hoá tương đương chương trình từ lớp 2 đến lớp 7 phổ thông, chia làm hai cấp. Môn học có Quốc văn, Chính trị thường thức, Toán, Vạn vật, Lý, Hoá. Cấp 1, trọng tâm là Quốc văn, Toán. Cấp 2, trọng tâm là Quốc văn, Toán, Lý, Hoá.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi việc nâng cao dân trí là một nghĩa vụ của Chính phủ. Chính phủ phải làm sao để cho nhân dân thoát nạn mù chữ, như thế vẫn chưa đủ, nhân dân còn phải được học thêm để nhận thức rõ bổn phận công dân của mình. Quân đội cũng vậy, quân đội phải văn hay võ giỏi thì mới là quân đội hoàn toàn, mới là quân đội vô địch.
Giáo dục bổ túc là một chủ trương đúng đắn, kịp thời, phản ánh sự phát triển và đòi hỏi tất yếu của kháng chiến kiến quốc, được Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn động viên, hướng dẫn đã đem lại lợi ích thiết thực là nâng cao trình độ văn hoá của một bộ phận công dân có nhiều đóng góp cho cuộc kháng chiến và sự nghiệp xây dựng đất nước.
Một số trường Phổ thông lao động ở Trung ương và địa phương được thành lập. Ở Trung ương đã học được ba khoá, khoá 3 khai giảng giữa năm 1959, có 14 lớp với 428 học sinh, ở địa phương thì Liên khu Việt
Bắc có 6 trường, Liên khu IV có 2 trường, Liên khu II có 1 trường, Liên khu V có 1 trường. Đây là mô hình trường bổ túc văn hoá có quy mô vừa và tổ chức học tập trung cho cán bộ, chiến sỹ có thành tích và do nhu cầu của đoàn thể, của cơ quan, đơn vị. Chương trình của loại trường này cơ bản như trường phổ thông, nhưng được sử dụng cho phù hợp với lứa tuổi và điều kiện thời gian của người học. Trường phổ thông lao động trong giai đoạn 1951-1954 đã cung cấp cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc nhiều cán bộ nòng cốt được phiên chế vào cơ quan Nhà nước, đơn vị bộ đội, chính quyền địa phương. Kiến thức văn hoá phổ thông cơ bản của học viên bổ túc văn hoá có thể chưa được hệ thống, chưa đạt được một mức độ mong muốn, nhưng các học viên đều được trang bị một vốn liếng văn hoá và một phương pháp tư duy nhất định, để có khả năng am hiểu công việc, nhất là có điều kiện về tri thức để nhận rõ bổn phận công dân, nhiệm vụ chính trị, vị thế trách nhiệm của mình đối với công cuộc kháng chiến kiến quốc.
Các lớp bổ túc sau giờ làm việc, đại bộ phận là lớp Dự bị, đã bắt đầu phát triển ở nông thôn. Theo báo cáo chưa đầy đủ, thì 6 tháng đầu năm 1953, ở khu Tả ngạn có 1.337 lớp với 26.455 học viên, Liên khu IV có 3.841 lớp với 82.003 học viên, Liên khu III có 627 lớp với 11.941 học viên, Liên khu Việt Bắc có 556 lớp với 14.777 học viên.
Đến tháng 9 năm 1953 đã có 10.450 lớp bổ túc văn hoá với 335.946 học viên [26,102]. Năm 1954, đã có 3 triệu người học hết chương trình bổ túc văn hoá [25,263]. Đây là con số nói lên một sự cố gắng vượt bậc của Bình dân học vụ, nói lên tinh thần yêu nước của cán bộ và nhân dân ta. Trong lúc kẻ thù bằng mọi hành động tàn bạo để lấn đất, lấn dân “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” thì việc bổ túc văn hoá cấp tốc tập trung hoặc tranh thủ sau giờ làm việc, sau giờ xung trận cho nhân dân để nhân dân có thêm năng lực gánh vác công việc cứu nước cứu nhà là một việc rất thiết thực và khoa học.
Ngành giáo dục Bình dân học vụ giai đoạn 1951-1954 đã tiếp tục xoá nạn mù chữ, trong đó có cả việc chống mù chữ trở lại và bổ túc văn hoá cho nhân dân.
Đến năm 1952, có khoảng 14 triệu người thoát nạn mù chữ. Con số này thống kê chủ yếu ở vùng tự do, cho nên có thể nói trong giai đoạn 1951-1954, nhiệm vụ chống nạn mù chữ cơ bản đã hoàn thành. Nhiệm vụ bổ túc văn hoá cho nhân dân được đẩy mạnh.
Bình dân học vụ đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ vẻ vang nâng cao dân trí phục vụ sự nghiệp kháng chiến kiến quốc của dân tộc.
* Với ngành giáo dục Phổ thông
Cuộc cải cách giáo dục phổ thông được Chính phủ cho tiến hành từ năm học 1950-1951đã mở ra cho giáo dục phổ thông một giai đoạn mới. Cuộc cải cách đặt cơ sở pháp lý, khoa học để tổ chức một nền giáo dục phổ thông Việt Nam, “một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có” của học sinh như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương ngay sau khi giành được chính quyền.
Trong Báo cáo Chính trị trình bày tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng họp tại Việt Bắc tháng 2 năm 1951, về văn hoá, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “xúc tiến công tác văn hoá để đào tạo con người mới, cán bộ mới cho công cuộc kháng chiến kiến quốc. Phải triệt để tẩy trừ mọi di tích thuộc địa và ảnh hưởng nô dịch của văn hoá đế quốc. Đồng thời phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hoá dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hoá tiến bộ thế giới, để xây dựng một nền văn hoá Việt Nam có tính chất khoa học, dân tộc, đại chúng” [56,36].
Là một ngành học có đối tượng giáo dục là thanh thiếu niên, giáo dục phổ thông phải thực hiện nhiệm vụ “đào tạo con người mới, cán bộ mới cho công cuộc kháng chiến kiến quốc”, “phải triệt để tẩy trừ di tích thuộc địa và ảnh hưởng nô dịch của văn hoá đế quốc”.
Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 30-10-1951, Bộ Quốc gia Giáo dục ra Thông tư số 49/TT-TKV quy định tổ chức trường phổ thông 9 năm.
Về tổ chức quản lý ở trung ương có Nha Giáo dục phổ thông (hợp nhất từ Nha tiểu học và Nha Trung học), ở Liên khu có Khu Giáo dục phổ thông, ở tỉnh có Ty Giáo dục phổ thông, ở trường có Ban giám hiệu, Hội đồng quản trị (giúp Ban giám hiệu về cơ sở vật chất, công tác thi đua), Hội đồng chuyên môn (giúp Hiệu trưởng về công tác giảng dạy).
Bộ Quốc gia Giáo dục ban hành những văn bản nhằm từng bước củng cố và thực hiện hệ thống giáo dục như các Nghị định về tổ chức và chế độ trường tư thục, các trường chuyên nghiệp, trường phổ thông lao động, trường sư phạm trung cấp, trường sư phạm sơ cấp.
Bộ Quốc gia Giáo dục còn ra Nghị định số 209/NĐ (25-7-1951) quy định tổ chức các trường Chuyên nghiệp, Nghị định số 233/NĐ (1-10-1951) sáp nhập Trường Sư phạm Sơ cấp Việt Bắc và Trường Sư phạm Sơ cấp Trung ương, Nghị định số 234/NĐ (1-10-1951) thành lập Khu học xá Trung ương gồm Trường Khoa học cơ bản, Trường Sư phạm cao cấp, Trường Sư phạm Trung cấp Trung ương, Nghị định số 276/NĐ (11-10- 1951) thành lập Trường Sư phạm cao cấp đào tạo giáo viên cấp ba…
Những văn bản kể trên đặt cơ sở pháp lý cho việc tổ chức hệ thống, đào tạo cán bộ, giáo viên phục vụ công cuộc cải cách giáo dục.
Cuộc Cải cách giáo dục Phổ thông được tiến hành vào giai đoạn mọi nhiệm vụ của đất nước đều nhằm “đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn” [56, ]. Cho nên, nó chịu sự ảnh hưởng và có quan hệ mật thiết với công cuộc kháng chiến của dân tộc.
Các chiến dịch quân sự nhằm tiêu diệt sinh lực địch, giành thế chủ động chiến lược và giải phóng lãnh thổ, giải phóng nhân dân liên tiếp thắng lợi. Giải phóng lãnh thổ đến đâu, trường sở cấp 1, 2, 3 được gấp rút tổ chức với quy mô thích hợp đến đó. Cuộc cải cách giáo dục phổ thông gắn liền với thắng lợi quân sự, với vùng tự do.
Tháng 7 năm 1951, nhân dịp Đại hội Giáo dục toàn quốc họp tại Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Đại hội.
Trong thư, Người viết “Đại hội nên kiểm thảo kỹ công tác “cải cách” về chương trình, chủ trương và cách thi hành, để tìm thấy những khuyết điểm mà sửa đổi, những ưu điểm mà phát triển thêm.
Đại hội nên chú ý làm thế nào cho việc giáo dục liên kết với đời sống của nhân dân, với công cuộc kháng chiến và kiến quốc của dân tộc. Làm thế nào để phối hợp việc giáo dục của trường học với việc tuyên truyền và giáo dục chính trị chung của nhân dân” [39,266].
Cũng như đối với Hội nghị giáo dục toàn quốc tháng 7-1948, với Đại hội giáo dục toàn quốc lần này (tháng 7 năm 1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nhắc nhở các nhà giáo dục về vấn đề chương trình. Tháng 7-1948, Người nói “Phải sửa đổi triệt để chương trình giáo dục cho hợp với sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc”. Ba năm sau, tháng 7-1951, Người lại nói “Nên kiểm thảo kỹ công tác “cải cách” về chương trình, chủ trương và cách thi hành”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà giáo dục vĩ đại. Người hiểu tường tận và sâu sắc về khoa học giáo dục. Chương trình học là vấn đề quan trọng nhất của mọi nền giáo dục. Nền giáo dục của Việt Nam giai đoạn 1945- 1954 là nền giáo dục kháng chiến kiến quốc. Chương trình giảng dạy của nó phải là chương trình phục vụ đắc lực cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, phải bám sát từng chặng đường, từng nhiệm vụ cụ thể để nâng cao