Kết cấu trần thuật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết lịch sử trần khánh dư của lưu sơn minh (Trang 64 - 69)

1.2 .Tiểu thuyết lịch sử

3.1. Kết cấu trần thuật

Kết cấu là một trong những phạm trù sống còn trong việc tổ chức văn bản tự sự. Sự biến chuyển của tư duy thể loại, phong cách thời đại, cá tính sáng tạo của nhà văn đều được thể hiện sinh động qua việc tổ chức kết cấu cho tác phẩm. Đặc biệt, với sự xuất hiện trở lại của tiểu thuyết lịch sử trong văn học Việt Nam đương đại, việc sử dụng các kiểu kết cấu đa dạng trong nghệ thuật tự sự không chỉ giúp nhà văn tái hiện được các sự kiện, nhân vật lịch sử mà còn cho thấy sự sáng tạo vô cùng của họ trong hành trình tìm kiếm sự khác lạ cho tiểu thuyết lịch sử.

Tiểu thuyết Trần Khánh Dư có kết cầu gồm 25 chương, bốn “khúc vọng” và hai “khúc vô thanh”. Trong đó, có bốn khúc vọng là lời độc thoại nội tâm của nhân vật Trần Khánh Dư được lần lượt đặt tên: Khúc vọng thứ nhất được đặt ngay ở đầu sách trước Chương mở đầu giúp ta có những hiểu biết ban đầu về nhân vật được tác giả xây dựng; Khúc vọng thứ nhì đặt sau Chương II trước Chương III; Khúc vọng thứ ba được đặt sau Chương X và trước Chương XI; Khúc vọng cuối cùng được đặt cuối sách sau Chương XXV. Từ việc lựa chọn

kết cấu này, tác giả đã cho ta thấy sự thống nhất về ngôi xưng: Tất cả đều xưng ta cho đến cách kiểm đếm khúc vọng: Thứ nhất, thứ nhì, thứ ba, cuối cùng để tạo được sự liên kết logic cho các đoạn đan xen này. Bên cạnh đó, việc bố trí, sắp xếp các khúc vọng vào chuỗi 25 chương của tác phẩm đã tạo nên một bố cục mang tính tổng thể cho cuốn sách, có sự liên kết đầu cuối tương ứng từ đầu cho đến khi kết thúc của tác phẩm.

Ngoài ra, Lưu Sơn Minh còn xây dựng thêm hai “khúc vô thanh” (giữa Chương IX và Chương X, sau đó là giữa Chương XXI và Chương XXII). Đây là hai khúc đoạn “độc thoại nội tâm” của hai nhân vật nữ trong tác phẩm: Khúc vô thanh của Thiên Thụy - nhân vật trong chính sử và Khúc vô thanh của Thị Thảo - nhân vật do nhà văn hư cấu nên). Qua đó, tác giả cũng đã tạo được sự kết nối tương quan giữa nhân vật chính Trần Khánh Dư với hai nhân vật nữ có ảnh hưởng đến cuộc đời ông trong tác phẩm.

Nhìn chung, việc đặt hai phiến đoạn “khúc vọng thứ nhất” ở đầu sách và “khúc vọng cuối cùng” ở cuối sách, bố cục văn bản tiểu thuyết lịch sử đã được hình thành, tạo được khung cơ bản cho văn bản. Xen lẫn giữa các chương, sự xuất hiện của các khúc vọng đã có tác dụng trong việc tạo được hiệu ứng đối thoại giữa lời của chủ thể độc thoại nội tâm với các chủ thể tự sự dẫn theo lời của người kể chuyện ở ngôi thứ ba. Xét một cách tổng thể, các khúc vọng được đưa vào tác phẩm không ảnh hưởng gì nhiều tới nội dung cốt truyện mà tác giả xây dựng. Cứ theo trình tự kể chuyện lần lượt của người kể chuyện, ta hoàn toàn có thể hiểu được nội dung mà tác giả muốn truyền tải. Tuy nhiên, việc sáng tạo thêm các khúc vọng của Lưu Sơn Minh đã giúp người đọc có thể đi vào tìm hiểu sâu sắc hơn nội tâm của các nhân vật được chú ý. Đó được coi là những quãng nghỉ, một cách dẫn dắt khác để làm cho câu chuyện thêm lắng đọng với những dòng cảm xúc được nói ra từ chính nội tâm bên trong của nhân vật. Hay nói

khác đi, nhà văn đã sử dụng kết cấu nghệ thuật này để tập trung lí giải rõ hơn về cuộc đời, thân phận của Đức ông Nhân Huệ.

Mặt khác, kết cấu này giúp ta dễ dàng nhận thấy được sự nối tiếp tự sự hết sức tự nhiên khi chuyển từ câu cuối cùng “Tên ta là Dư” của Khúc vọng thứ nhất sang câu đầu tiên của Chương mở đầu cuốn tiểu thuyết: “Một ngày cuối tháng Chạp năm Trùng hưng thứ nhất, đúng giờ Dậu gà lên chuồng, Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư sai gia nô bày bàn tiệc”. Hay sự chuyển đổi tự sự tương tự từ cuối Chương XXV: “Giữa trời đất Vân Đồn mênh mông, ông tướng đánh thủy ấy mới cô độc làm sao” sang Khúc vọng cuối cùng nơi cuối sách “Giờ đây chỉ còn lại mình ta”.

Ngoài kết cấu đầu cuối tương ứng giữa Khúc vọng thứ nhất - Khúc vọng cuối cùng ở đầu và cuối sách, quãng giữa của tiểu thuyết còn được chêm xen của các chuỗi: Khúc vọng thứ nhì - Khúc vô thanh của Thiên Thụy - Khúc vọng thứ ba - Khúc vô thanh của Thị Thảo. Sự bố trí này của tác giả cũng hàm chứa một giá trị kết cấu to lớn, tạo ra được ý nghĩa liên kết giữa các chương, các đoạn. Ví dụ, trong Chương XXI, thông qua lời người kể chuyện, nhà văn tập trung tô đậm suy nghĩ và tâm trạng của Trần Khánh Dư cùng quân tướng đêm trước cuộc nghênh chiến đoàn chiến thuyền Ô Mã Nhi - trận đánh thì phải quyết thắng nhưng ông không cảm thấy rằng trận này ông có thể giành chiến thắng. Sau đó, kết thúc chương này bằng đoạn miêu tả nhân vật nữ hầu cận của Trần Khánh Dư: “Thị Thảo lẳng lặng ra trước sân, chắp hai tay vái trời vái biển. Trời thăm thẳm trên cao. Và biển cũng thăm thẳm ngoài xa…” [26, tr.237] Tiếp nối là Khúc vô thanh của Thị Thảo bắt đầu bằng những lời độc thoại nội tâm bộc lộ những suy nghĩ và trăn trở của mình với nỗi lo toan của Đức ông Nhân Huệ: “Suốt bao đêm nay, Đức ông đều trằn trọc. Ta biết, Đức ông đang phải cân nhắc quá nhiều lợi hại trong trận đánh sắp tới. Ta chỉ tiếc mình là phận nữ nhi, chẳng thể làm gì để báo đáp công ơn trời bể của Đức ông.” [26, tr. 239] Độc thoại nội

tâm của nhân vật tiếp diễn cho thấy được sự nối kết, mối quan hệ của hai nhân vật và kết lại cho những trăn trở, suy nghĩ của người nữ hầu cận là niềm mong mỏi “Cầu cho Đức ông thắng trận ngày mai…” Qua đó, có thể thấy được cách xây dựng kết cấu tự sự của nhà văn đã đạt đến độ tinh tế và điêu luyện. Lời nguyện cầu ở cuối Khúc vô thanh chính là sự lí giải cho nỗi niềm suy tư và hành động của nhân vật ở cảnh kết chương phía trước, đồng thời cũng hướng người đọc tiếp nối vào chương sau với mở đầu biểu thị mối liên hệ tình tiết tự sự chính vẫn được duy trì bằng việc đưa ra kết quả đội quân thủy của Trần Khánh Dư đã thất bại thông qua nhân vật Thượng hoàng Trần Thánh Tông: “Thượng hoàng Thánh Tông trầm ngâm nhìn đống tấu sớ ngổn ngang trên án. Quan gia Nhân Tông cũng im lặng ngồi. Thế là Nhân Huệ vương đã bại quân.” [26, tr. 241]

Hay đó là sự kết nối nội dung tự sự giữa Chương IX với Khúc vô thanh của Thiên Thụy để thấy được suy nghĩ, trăn trở của Trần Khánh Dư trong mối quan hệ với gia đình Đức ông Hưng Đạo, những biến cố, truân chuyên trong cuộc đời ông cũng bắt đầu từ buổi gặp gỡ với Thiên Thụy - Con dâu trưởng của Trần Quốc Tuấn. Người đàn bà ấy đã khiến cho Trần Khánh Dư si mê, mặc dù sau này định mệnh ngăn trở nhưng cũng không thể khiến cho ông quên được nàng công chúa ấy, hình ảnh một người đàn bà với mặt nạ nửa tiên nửa quỷ vẫn luôn xuất hiện trong những giấc mơ của ông, thậm chí còn khiến ông rơi lệ. Chương IX kết thúc với cảnh ông phó Đô tướng đang chìm đắm trong cơn mơ về cuộc hẹn của ông với Thiên Thụy bên hồ Dâm Đàm: “Nhân Huệ Vương mơ thấy cái ngày hẹn gặp Thiên Thụy công chúa ven hồ Dâm Đàm trong một buổi sớm xuân. Hôm ấy, trời mới đẹp làm sao, màn sương mờ bảng lảng trên hồ mới đẹp làm sao…” [26, tr. 123] Tiếp nối là Khúc vô thanh của Thiên Thụy nối dài những dòng hồi ức về kỉ niệm đẹp đẽ của hai người khi còn đắm say trong hạnh phúc: “Đôi khi, ta lại nhớ những ngày người ấy đưa ta đi đêm hội Giã La. Ta đã chán ngấy những trò rước nõ nường đầy nhục cảm tựa cơn cuồng hoan của cả

đám người chỉ chờ lúc tắt đèn đuốc là đâm bổ vào nhau.” [26, tr. 125] Thông qua sự nối kết đó, ta đều cảm nhận được mối tình đầy ngang trái của họ, một người như một kẻ mắc vào lao tù của cuộc hôn nhân được bề trên sắp đặt, một kẻ lại nhưu muốn cứu vớt kẻ lao tù ấy để cùng nhau đi đến hạnh phúc. Nhưng đáng tiếc, tình cảm của họ là những phút giây lầm lạc, không thể thoát ra khỏi bức tường ngặt nghèo của số phận mà bắt buộc phải từ bỏ nhau. Có chăng, sau này nếu có gặp lại họ cũng chỉ dám đứng theo dõi nhau ở một khoảng cách rất xa vời. Có lẽ vì thế mà trong suốt chặng đường còn lại của cuộc đời, họ đều là những kẻ cô độc.

Nhưng giá trị kết cấu của chuỗi các phiến đoạn gọi là khúc vọng hay khúc vô thanh không chỉ bộc lộ ra trong liên hệ qua lại giữa chúng với chuỗi 25 chương sách. Mối liên hệ nội bộ giữa các phiến đoạn trong bản thân chuỗi này cũng phản ánh đặc sắc kết cấu của tiểu thuyết. Khi tập trung tìm hiểu các phiến đoạn độc thoại nội tâm đó của ba nhân vật: Trần Khánh Dư - Thiên Thụy - Thị Thảo, ta như cảm nhận được tác giả đã kì công để tạo sự liên kết để kéo ba kẻ cô đơn vào trong một cuộc trò chuyện chung để có thể thấu hiểu được nỗi lòng của nhau. Cho đến cuối cùng, Trần Khánh Dư vẫn là kẻ cô đơn độc bước trong cuộc hành trình của mình khi người hầu nữ duy nhất luôn bên cạnh đã được ông gửi gắm về Thăng Long cho Trần Đức Việp và tiếng gọi thì thầm của Nhân Huệ vương ở khúc vọng cuối cùng: “Thị Thảo… Thị Thảo… Em ở đâu? ...” [26, tr. 275] Hay nói một cách khác, giữa hai thời điểm, thời điểm nhân vật chính của tiểu thuyết thầm kêu tên của người hầu nữa Thị Thảo ở Khúc vọng cuối cùng và thời điểm cuối chương XXV với cảnh nhân vật này chầm chậm bỏ đi khuất về phía xa để mặc người nữ hầu cận và viên trung sứ của triều đình ở sau lưng đã có một khoảng cách thời gian vừa đủ để nhân vật cảm thấy thấm thía nỗi cô đơn và cô độc của mình.

Qua cách tổ chức kết cấu trần thuật của Lưu Sơn Minh, ta có thể thấy tác giả đã thành công trong việc sắp xếp các chương, khúc vọng và khúc vô thanh một cách tài tình và hợp lý để tập trung làm sáng tỏ ý đồ của tác giả trong việc lí giải sâu sắc cuộc đời và thân phận của nhân vật. Qua đó, ta cũng thấy được mối quan hệ của nhân vật chính với các nhân vật khác để làm nổi bật tài năng, tính cách cũng như phương diện tình cảm của Trần Khánh Dư một cách liền mạch và tạo được nhiều cảm xúc ấn tượng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết lịch sử trần khánh dư của lưu sơn minh (Trang 64 - 69)