Ngôn ngữ trần thuật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết lịch sử trần khánh dư của lưu sơn minh (Trang 69 - 81)

1.2 .Tiểu thuyết lịch sử

3.2. Ngôn ngữ trần thuật

Trong các văn bản tự sự, ta không thể không nhắc tới ngôn từ. Vì thế, trong sáng tác văn chương, việc sử dụng các ngôn từ nghệ thuật chính là để biểu đạt cái đẹp và ý đồ của tác giả. Mặt khác, các nhà văn có thể tái hiện được những vấn đề của đời sống một cách sinh động và đầy nghệ thuật. Với tiểu thuyết lịch sử Trần Khánh Dư, bỏ qua ngôn ngữ khô khan, kiệm lời của các tác phẩm chính sử chính thống khi nói về nhân vật này, Lưu Sơn Minh đã xây dựng ngôn ngữ nghệ thuật đầy tính hình tượng, được trau chuốt, gọt giũa một cách tỉ mỉ bên cạnh ngôn ngữ đậm chất đời thường, mộc mạc, giản dị. Qua đó, ta thấy được hình tượng nhân vật được hiện lên với những biểu hiện hết sức phong phú và đa dạng.

Ngôn ngữ trần thuật của nhân vật có thể là đối thoại hay độc thoại. Đặc biệt, với tiểu thuyết lịch sử, thông qua ngôn ngữ, hiện thực đời sống được phản ánh đầy sinh động qua các trang văn; tâm tư, tình cảm của nhân vật cũng được bộc lộ trong miêu tả tương quan các mối quan hệ… Hay nói khác đi, nhân vật kể lại cuộc đời của mình, bộc lộ tâm tư, suy nghĩ, chiêm nghiệm về cuộc đời, lẽ sống, giúp người đọc lĩnh hội được tư tưởng, quan niệm của nhà văn. Cùng với trần thuật tác giả, trần thuật của nhân vật góp phần hoàn thiện bức tranh đời sống trong tác phẩm, gợi cho người đọc có thể hình dung được về bản chất, tính cách đặc trưng của nhân vật.

Lấy bối cảnh lịch sử là giai đoạn triều đình và nhân dân nhà Trần đang tiếp tục công cuộc xây dựng và phát triển lực lượng để đánh đuổi quân xâm lược Nguyên - Mông khi chúng tiếp tục âm mưu cướp nước ta lần thứ ba, Lưu Sơn Minh đã sử dụng ngôn ngữ trần thuật trong Trần Khánh Dư với ngôi kể chuyện thứ ba toàn tri để phát huy được hết việc miêu tả một cách cụ thể, chi tiết quá trình đấu tranh của quân dân nhà Trần thông qua việc xây dựng nhân vật chính là Trần Khánh Dư. Cũng theo quan niệm, khai thác đề tài lịch sử không phải là tái hiện lịch sử về các sự kiện và các nhân vật có liên quan mà các nhà văn nhằm thể hiện những lí giải sâu sắc hơn về cuộc sống các nhân vật lịch sử mà mình lựa chọn để viết. Vì vậy, ngôn ngữ trần thuật trong Trần Khánh Dư của Lưu Sơn Minh còn góp phần quan trọng trong việc khắc họa con người lịch sử từ những miêu tả về diện mạo, lai lịch, giúp người đọc hiểu hơn về tính cách, số phận, sứ mệnh của từng con người. Bên cạnh việc sử dụng ngôn ngữ trần thuật từ điểm nhìn bên ngoài của người kể chuyện hàm ẩn theo ngôi thứ ba, tác giả còn dịch chuyển điểm nhìn vào bên trong nhân vật, sử dụng những lời độc thoại nội tâm để có thể bộc lộ được những tâm tư sâu kín nhất bên trong tâm hồn của nhân vật. Hay nói khác đi, ở đây, chúng tôi đi tập trung làm rõ ngôn ngữ trần thuật của nhân vật trong tác phẩm qua hai phương diện: Ngôn ngữ đối thoại và ngôn ngữ độc thoại.

3.2.1. Ngôn ngữ đối thoại

Trong các văn bản ngôn từ nghệ thuật, lời đối thoại chính là một trong những yếu tố tạo nên nội dung giao tiếp của các nhân vật. Tiểu thuyết lịch sử cũng không nằm ngoài việc xây dựng các lời đối thoại ấy nhằm tập trung khắc họa tâm lý, tính cách của nhân vật. Khi đó, mỗi nhà văn lại có cách xây dựng ngôn ngữ đối thoại khác nhau thể hiện sự nhận thức cũng như phong cách sáng tác riêng của họ. Về bản chất, “Lời đối thoại trong văn bản nghệ thuật là lời nói trong cuộc giao tiếp song phương mà lời này xuất hiện như là một sự phản ứng

đáp lại lời nói trước. Lời nói đối thoại bộc lộ thuận lợi nhất khi hai bên đối thoại có sự tiếp xúc phi quan phương và không công khai, không bị câu thúc, trong không khí bình đẳng về mặt đạo đức của người đối thoại.” [13]

Trong Trần Khánh Dư của Lưu Sơn Minh, người đọc có thể thấy được sự khắc họa rõ nét về tính cách của vị Phó Đô tướng này trong cuộc đối thoại với các nhân vật được xây dựng trong tác phẩm: Lúc nóng nảy, bộc trực nhưng lúc lại vô cùng ôn hòa, vui tính, tình cảm.Có thể lấy dẫn chứng qua đoạn đối thoại giữa Trần Khánh Dư với thuộc hạ của mình là Hoa Xuân Hùng:

“- Thế sao ngươi không nói nhanh? Lại còn cứ loanh quanh nào cáo lỗi, nào thất hẹn…

- Ngươi cứ cãi nốt rằng ta không cho ngươi nói nhanh có phải xong không? Nghiến răng nghiến lợi như thế làm gì hả cái thằng bố láo kia?...

Hoa Xuân Hùng đáp:

- Dạ việc này phải cậy đến uy Đức ông… Trần Khánh Dư làu bàu mắng:

- Sao thằng này nó lại lấy được vợ nhỉ? Nó nói mãi vẫn chưa rõ chuyện, thế mà cũng có con nhận làm vợ nó…

Hoa Xuân hùng nháy nháy mắt:

- Bẩm Đức ông, vợ con nó giành nói cả, nào con có được nói câu nào đâu chứ!” [26, tr. 217]

Đoạn đối thoại giữa Nhân Huệ vương và Hoa Xuân Hùng đã cho ta thấy có vẻ vị tướng này đang mắng mỏ thuộc hạ của mình nhưng với ngôn ngữ đối thoại suồng sã, gần gũi khiến cho người dưới quyền ông cảm thấy không bị kinh hồn bạt vía mà vẫn có thể bình tĩnh đáp lại lời của vị chủ tướng, từ đó trình bày nguyện vọng của mình. Hay nói khác đi, thông qua lời đối thoại, ta thấy được sự quan tâm, thấu hiểu trong cách cư xử với những thuộc hạ của ông.

Ngoài ra, trong cuộc trò chuyện của Trần Khánh Dư với Tá Thiên vương Trần Đức Việp về chuyện ông buôn bán nón Ma Lôi ở Vân Đồn để trục lợi, ngôn ngữ của Nhân Huệ vương khi đối thoại với chàng vương gia trẻ tuổi này lại cho ta thấy một Trần Khánh Dư vô cùng điềm tĩnh với những lí lẽ giải thích rõ ràng và đầy sức thuyết phục khiến cho cậu cháu vô cùng tâm phục khẩu phục với ông chú có vẻ ngoài bặm trợn này:

“Trần Đức Việp tủm tỉm cười:

- Chú thực là có tài. Có người dâng sớ hặc tội chú chuyện nón Ma Lôi. Trần Khánh Dư thủng thẳng:

- Ta đã biết trước là sẽ có chuyện ấy. Giờ ta hỏi vương điệt, muốn phân biệt dân trên đảo với lái buôn phương xa bằng cách gì? Lũ lái buôn tay đếm tiền, mắt láo liên do thám. Nếu không để lính tuần nhận rõ chúng, để chúng trà trộn vào dân thì mối nguy hiểm không hề nhỏ.” [26, tr. 107]

Hay trong cuộc đối thoại với Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng về bức thư mà tên hàng giặc Trần Ích Tắc gửi về nước cho Tĩnh Quốc Đại vương: “Rồi Trần Khánh Dư nghiêm mặt:

- Lính tuần vừa tóm được thư của Ả Trần gửi Tĩnh Quốc Đại vương trên một con thuyền nhỏ.

Trần Quốc Tảng hơi giật mình:

- Cháu nhìn sắc mặt chú rồi đoán bừa mấy câu, hóa ra có chuyện lớn quá. Ý chú thế nào?

- Ta định lại về Vạn Kiếp một chuyến để hỏi ý cha cháu. Dù gì, trong thì ông ấy là trưởng tộc, ngoài là Quốc công Tiết chế.

Trần Quốc Tảng lắc đầu:

- Theo cháu, không nên thế chú ạ. Trần Khánh Dư cướp lời:

- Anh lại xui ta về gặp ông Chiêu Minh chứ gì. Ta không thích ông ấy. Ông ấy không có khí độ như anh Trưởng.” [26, tr. 55]

Trong cuộc đối thoại này, người đọc lại thấy được sự nghiêm nghị cũng như quan điểm rành mạch của Trần Khánh Dư về việc nước nhưng không phải dùng những lời lẽ cao siêu mà hết sức giản dị, đời thường. Cuộc trò chuyện của hai chú cháu cho ta thấy dường như không có sự phân biệt về vị trí, địa vị mà thực là một cuộc tranh luận bộc lộ được một cách rõ ràng suy nghĩ của từng nhân vật.

Dựng lại các nhân vật lịch sử của triều đại nhà Trần từ thế kỷ XIII để đến với sự tiếp cận của bạn đọc ở xã hội hiện đại, nhà văn Lưu Sơn Minh đã xây dựng nên một Trần Khánh Dư ở khía cạnh hết sức đời thường với lời ăn tiếng nói giản dị, gần gũi, dân dã. Nó khác hẳn với vị trí của một vị võ tướng quyền uy thuộc dòng dõi họ Đông A. Có lẽ cũng bởi cuộc đời nhân vật này khá phức tạp và có nhiều những chặng đường thăng trầm nên khi đọc Trần Khánh Dư của Lưu Sơn Minh, ta cảm nhận được rõ tác giả đã kì công xây dựng nên một con người với lối sống phóng khoáng, từng trải, hiểu đời, hiểu người nhưng khó có thể đi sâu vào tìm hiểu được những chiều sâu tình cảm trong tâm hồn của nhân vật mà chỉ thông qua ngôn ngữ đối thoại.

3.2.2. Ngôn ngữ độc thoại

Nếu ngôn từ đối thoại biểu hiện sự giao tiếp qua lại (thường là giữa hai phía) trong đó sự chủ động và sự thụ động được chuyển đổi luân phiên từ phía bên này sang phía bên kia (giữa những người tham gia giao tiếp); mỗi phát ngôn đều được kích thích bởi phát ngôn có trước và là phản xạ lại phát ngôn có trước ấy thì lời độc thoại không đòi hỏi sự đáp lại, độc lập với phản ứng của người tiếp nhận và được thể hiện thoải mái cả trong hình thức nói lẫn viết. Việc nhà văn tập trung khắc họa nhân vật qua ngôn ngữ độc thoại nhằm khám phá chiều sâu tâm lý của nhân vật, qua đó bộc lộ được những phẩm chất, tính cách của họ.

Mặt khác, có thể hiểu, chiều sâu tâm lý nhân vật được thể hiện chủ yếu thông qua độc thoại nội tâm. “Độc thoại nội tâm là lời phát ngôn của nhân vật nói với chính mình, thể hiện trực tiếp quá trình tâm lý nội tâm, mô phỏng hoạt động cảm xúc, suy nghĩ của con người trong dòng chảy trực tiếp của nó.” [13, tr. 122]

Trong Trần Khánh Dư của Lưu Sơn Minh, tác giả đã không chỉ đơn thuần dựa vào các tư liệu ghi chép lại về nhân vật từ các trang sử chính thống mà thông qua cách sáng tạo của nhà văn, trong đó có sử dụng ngôn ngữ độc thoại nội tâm để làm nổi bật những mâu thuẫn, suy tư, trăn trở, dằn vặt, lo lắng trước những lựa chọn mang tính quyết định đến bản thân hoặc vận mệnh đất nước. Vì vậy, khi soi chiếu để trò chuyện với chính mình, nhân vật mới có thể tự bộc lộ những nỗi niềm của bản thân một cách chân thực nhất, chạm được đến cả những ngõ ngách sâu kín nhất bên trong tâm hồn nhân vật.

Như kết cấu trần thuật của tiểu thuyết lịch sử này, tác phẩm gồm 25 chương, bốn khúc vọng và 2 khúc vô thanh. Đặc biệt, các khúc vọng và khúc vô thanh đã được tác giả đưa vào xen kẽ với các chương chính là những lời độc thoại nội tâm của các nhân vật: Trần Khánh Dư, Thiên Thụy, Thị Thảo. Trừ hai khúc vô thanh là của Thiên Thụy và Thị Thảo, bốn khúc vọng hoàn toàn là phần độc thoại nội tâm của Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư. Mỗi khúc vọng của Trần Khánh Dư lại thể hiện cho những dòng cảm xúc khác nhau: Đoạn thì ngổn ngang hiềm khích, đoạn tiết chế đến ngột ngạt, đoạn lại réo rắt, êm ru, có đoạn lại đầy sự khao khát, … tùy vào diễn biến tâm lý của nhân vật. Lưu Sơn Minh đã rất tài tình và điêu luyện trong việc tô đậm hình tượng nhân vật Trần Khánh Dư ở khía cạnh là một con người luôn cô độc, cô đơn. Ngay từ những dòng đầu tiên của khúc vọng thứ nhất khi tác giả để cho nhân vật chính giới thiệu về mình, người đọc đã phần nào cảm nhận được sự đơn độc của Trần Khánh Dư qua lời độc thoại của chính ông về vị trí của mình sau này: “Giữa những dòng chữ của hậu thế, tên ta sẽ đi cùng với những nỗi cô đơn thăm thẳm. Từ lúc sinh ra cho

đến mãi sau này, khi danh tính ta chỉ còn lạc lõng trên trang giấy, ta vẫn là kẻ độc hành.” [26, tr. 8]

Cũng vẫn những lời độc thoại ấy, ở khúc vọng thứ ba, Trần Khánh Dư cũng có lúc nghĩ về nhân tình thế thái, về cuộc sống trần ai đã ngộ ra rằng: “Sống làm người ở trên đời thực là cô độc. Càng ngày, ta càng thấm thía điều đó.” [26, tr. 137] Rồi có khi là giấc ngủ chập chờn, trong những cảm giác nửa mê nửa tỉnh đó, ông thường phải đối mặt với cảm giác cô độc và nỗi hoang mang bị bỏ rơi rồi đến khi tỉnh lại nhận ra sự thực thật phũ phàng… Thậm chí, có nhiều đêm chợt tỉnh giấc, Nhân Huệ vương ngơ ngác nhận ra mình hoàn toàn lạc lõng giữa căn nhà vắng. Đặc biệt, ông luôn bị ám ảnh về những giấc mơ không đầu không cuối, và hầu như trong khoảnh khắc đó, người đàn bà với mặt nạ nửa tiên nửa quỷ luôn hiện hữu, xuất hiện thường trực. Hay có lúc ông lại mơ thấy mình lạc lõng giữa trận tiền, một thân đứng trên con thuyền xoay tít trong sóng gió. Ông vung gươm gạt tên, nhảy tránh những ngọn lửa và các mũi giáo. Ông không sợ chết nhưng chiến đấu đơn độc quả là một cảm giác uất nghẹn.

Cũng là một trong những người gánh trên vai trách nhiệm bảo vệ sự bình yên của đất nước, Trần Khánh Dư thấu hiểu bản thân phải vững tâm như thế nào để không bị lung lay trước những kế sách dụ dỗ của kẻ thù. Tuy vậy, khi cầm trên tay bức thư dụ hàng của Trần Ích Tắc, rồi ngay cả kẻ quản gia rất mực trung thành Vũ Khắc đã theo ông nhiều năm cũng can tâm phản bội, ông cảm thấy lòng mình thật đau đớn và xót xa: “Mỗi lúc thế này, Trần Khánh Dư mới chợt cảm thấy mình đơn độc. Ông không có ai để cùng chia sẻ những nỗi niềm và cả những mưu toan thầm kín. Không có “hồng nhan tri kỉ”, không có “gia tướng tâm phúc”. Đến ngay cả gã quản gia bao nhiêu năm như Vũ Khắc mà còn có lúc phản ông thì thử hỏi ông tin ai làm sao được?” [26, tr. 73]

Đặc biệt, dùng ngôn ngữ độc thoại nội tâm, Lưu Sơn Minh còn tập trung lí giải về bản chất rất tự nhiên trong con người của Trần Khánh Dư qua mối tình

đầy ngang trái với công chúa Thiên Thụy. Đó là người phụ nữ duy nhất mà ông yêu cũng như khiến cho ông cả đời luôn bị ám ảnh và không sao quên được. Rồi cũng chính người phụ nữ đó lại là tác nhân lớn nhất khiến vị tướng này luôn cảm thấy cô độc. Mối duyên gặp gỡ của họ ở tiệc rượu mo nang đã khiến cho cả hai người từng bất chấp bỏ qua mọi rào cản để lén lút hẹn hò. Đó thực sự là khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời Nhân Huệ vương khi ông được sống trong những xúc cảm của một tình yêu mãnh liệt. Có lẽ vì vậy, sau khi mọi chuyện vỡ lở, mối lương duyên bị đứt đoạn, thậm chí ông còn suýt bị mất mạng và sau này trong những trang chính sử nó trở thành một vết nhơ trong cuộc đời của ông, Trần Khánh Dư vẫn không thể yêu thương thật lòng một ai: “Từ đó trở đi, không có một người con gái nào khiến trái tim Trần Khánh Dư còn rung động lại như những ngày còn lẩn lút hẹn hò với Thiên Thụy nữa. Có chăng chỉ là một chút thoáng qua đây đó như một cơn mưa bóng mây bất chợt rồi tan… Có lẽ vì thế mà đến nay, ông vẫn chưa lập vương phi, dẫu nhiều người giục giã.” [26, tr. 83] Đó là người phụ nữ luôn ám ảnh ông trong những giấc mơ hàng đêm, thậm chí có thể khiến cho một ông tướng vốn nổi tiếng kiêu ngạo và bất cần phải rơi lệ. Và nàng cũng chính là người phụ nữ khiến cho cuộc đời ông trở nên bất hạnh nhất: “Nhiều lần trong những giấc mộng, Trần Khánh Dư thường thấy Thiên Thụy khóc rất nhiều và tuốt kiếm toan chém ông. Không lần nào ông né

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết lịch sử trần khánh dư của lưu sơn minh (Trang 69 - 81)