Giọng điệu trần thuật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết lịch sử trần khánh dư của lưu sơn minh (Trang 81 - 99)

1.2 .Tiểu thuyết lịch sử

3.3. Giọng điệu trần thuật

Giọng điệu trần thuật là một phương diện cơ bản được chú ý của nghệ thuật tự sự, là phương diện cơ bản để xác định người kể chuyện trong văn bản tự sự. Nói cách khác, giọng điệu giúp xác định mối quan hệ giữa hoạt động kể với việc lựa chọn, sắp xếp các sự kiện và tình huống truyện kể. Qua giọng điệu, người đọc cũng có thể cảm nhận được thái độ, cảm xúc của người kể chuyện đối với nội dung câu chuyện được kể lại. Theo G. Prince, giọng điệu là “Thái độ của người trần thuật đối với người nghe chuyện và hoặc những tình huống và sự kiện được trình bày, bằng cách thể hiện hàm ẩn hoặc công khai thái độ đó trong hoạt động trần thuật của anh ta.” [33]

Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “Giọng điệu là thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn với hiện tượng được miêu tả thể hiện

trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm… [13, tr. 134] Giọng điệu là một yếu tố đặc trưng của hình tượng tác giả trong tác phẩm. Nếu như trong đời sống, ta thường chỉ nghe giọng nói nhận ra con người thì trong văn học, giọng điệu giúp chúng ta nhận ra tác giả. Người đọc có thể nhận thấy tất cả các chiều sâu tư tưởng, thái độ, vị thế, phong cách, tài năng cũng như sở trường ngôn ngữ, cảm hứng sáng tạo của người nghệ sĩ thông qua giọng điệu. Nền tảng của giọng điệu là cảm hứng chủ đạo của nhà văn. Trong khi trần thuật, tác giả sử dụng nhiều giọng điệu, nhiều sắc thái trên cơ sở một giọng điệu cơ bản chủ đạo, chứ không đơn điệu. Nói khác đi, giọng điệu trong tác phẩm văn học là thái độ, tư tưởng, tình cảm của nhà văn. Giọng điệu phản ánh quan điểm, thị hiếu của người sáng tạo nên có vai trò quan trọng trong việc thể hiện cá tính sáng tạo của tác giả (gián tiếp qua hình tượng người kể chuyện). Đặc biệt, từ sau năm 1986, với sự phát triển nở rộ của nhiều thể loại trong nền văn học đương đại, đặc biệt các nhà văn hướng đến việc tập trung thể hiện con người cá nhân để cho thấy sự đa dạng trong sự phát triển tâm lý nhân vật. Giọng điệu trần thuật cũng trở nên đa dạng hơn. Xét trong tiểu thuyết lịch sử Trần

Khánh Dư của Lưu Sơn Minh, có thể khái quát thành các giọng điệu cơ bản:

Giọng điệu triết lý, chiêm nghiệm; giọng điệu giễu nhại, hài hước; giọng điệu ngợi ca, cảm phục.

3.3.1. Giọng điệu triết lý, chiêm nghiệm

Giọng điệu triết lý, chiêm nghiệm thể hiện những khái quát mang tầm triết luận về một vấn đề, một hiện tượng nào đó của đời sống xã hội, của cõi nhân sinh. Bên cạnh việc tái hiện được bức tranh mang tính tổng thể về đời sống xã hội đương thời, các tác phẩm văn học còn đi sâu khám phá số phận cá nhân con người từ góc độ đời tư: Tình yêu, hạnh phúc hoặc những nỗi niềm, trăn trở của cá nhân qua giọng điệu triết lý, chiêm nghiệm. Ở Trần Khánh Dư, Lưu Sơn

Minh đã để cho nhân vật tự thổ lộ, chất vấn, tự thú và phán xét chính mình, nhờ đó, nhân vật được nhìn nhận ở chiều sâu tâm hồn, mang ý vị triết học và nhân sinh sâu sắc. Vì vậy, giọng điệu triết lý, chiêm nghiệm trở thành giọng điệu nổi bật, góp phần thể hiện sự ý thức sâu sắc về bản ngã con người nhằm nhấn mạnh sự cô đơn, cô độc của nhân vật Trần Khánh Dư trong quan niệm sáng tác của nhà văn.

Trong Trần Khánh Dư, Lưu Sơn Minh đã xây dựng hình tượng nhân vật chính với những suy tư, trăn trở về những vấn đề xung quanh vận nước và tình yêu. Qua giọng điệu của người kể chuyện, những nỗi niềm đó được thể hiện một cách cụ thể, đầy sinh động: Đó có thể là những chiêm nghiệm về số phận con người, suy tư về tình yêu hoặc có khi đó là những triết lý sống mà bản thân rút ra được từ sự trải nghiệm trong cuộc đời … Cụ thể như, thông qua lời của người kể chuyện, tác giả đã để cho nhân vật Trần Khánh Dư thể hiện sự đồng cảm, xót xa với đứa cháu trẻ tuổi tài hoa Trần Quốc Toản đã quyết tử trong trận đánh với giặc trên bờ Như Nguyệt: “Tiếc rằng chàng dũng tướng trẻ tuổi ấy đã ngã xuống trong trận đánh bi tráng bên bờ Như Nguyệt. Đó là một trận đánh nhỏ, xét về diễn biến. Không có một chữ nào trong quốc sử dành để chép về trận ấy. Nhưng xét về ý nghĩa đối với toàn cục, thì trận Như Nguyệt lại vô cùng quan trọng… Ông luôn cảm thấy, cuộc đời và cả triều đình, quá bất công với chàng hầu tước trẻ anh hùng. Triều đình đã bỏ quên Hoài Văn hầu suốt bao năm.” [26, tr. 11] Trần Khánh Dư thương cảm cho chàng trai ấy, nếu còn sống hẳn sẽ trở thành một vị tướng văn võ toàn tài. Chiến tranh thật tàn khốc và thương đau, cái chết của Trần Quốc Toản đã để lại biết bao thương xót cho người ở lại, ngay cả Nhân Huệ vương vốn mang tiếng là người không nệ tình, chỉ quan tâm tới cái lí của riêng ông, thế mà lại luôn dành những suy tư, trăn trở và xót xa cho số phận của đứa cháu trẻ tuổi ấy khi công lao của chàng không được triều đình và sử sách ghi nhận một cách đúng mực.

Mặt khác, giọng điệu triết lý chiêm nghiệm còn thường xuất hiện khi người kể chuyện hòa vào cùng với nhân vật, thể hiện dòng ý thức nội tâm của nhân vật, vừa kể vừa chất vấn, giãi bày, vừa kể vừa ngẫm nghĩ. Nhờ đó, những trăn trở về cuộc sống của con người được hiện lên một cách cụ thể hơn, chân thật hơn. Có thể dẫn ra trong Trần Khánh Dư của Lưu Sơn Minh về mối tình của Trần Khánh Dư với công chúa Thiên Thụy - con dâu trưởng Đức ông Hưng Đạo. Họ đã gặp gỡ nhau trong tiệc rượu mo nang và rồi lao vào một mối tình không thể nào thoát ra được. Họ đã biết bao nhiêu lần gặp gỡ, trò chuyện, thở than để rồi tưởng chừng họ sẽ bất chấp mọi rào cản để được đến bên nhau. Cuối cùng, mọi chuyện bị vỡ lở, Thiên Thụy trở lại phủ Hưng Đạo, Trần Khánh Dư bị khép vào tội chết khi bị nọc ra bờ hồ Dâm Đàm với hình phạt đánh một trăm côn. Lúc đó, ông tin rằng mình sẽ bị đánh đến chết nhưng dũng thủ đánh chúc mũi hèo xuống đất nên Khánh Dư mới thoát được. Mãi đến sau này, ông vẫn luôn tin rằng chính Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã xin vua tha chết cho ông cũng như tin tưởng giao phó cho ông những trách nhiệm nặng nề mà không một lời oán hận. Có lẽ vì vậy, trong giọng điệu của người kể chuyện, ta thấy rõ được sự suy tư, trăn trở của Nhân Huệ vương về nỗi băn khoăn không thể trả hết ân nghĩa cho Đức ông Hưng Đạo nhưng cũng không thể khiến ông quên đi mối tình lầm lỗi năm nào: “Ân nghĩa khó quên, nhưng mối ẩn tình vẫn không thể dứt. Từ đó trở đi, không có một người con gái nào khiến trái tim Trần Khánh Dư còn rung động lại như những ngày lẩn lút hẹn hò với Thiên Thụy nữa. Có chăng chỉ là một chút thoáng qua đây đó như một cơn mưa bóng mây bất chợt rồi tan.” [26, tr. 83] Chỉ qua những tâm tư đó, có thể thấy được những suy nghĩ đầy day dứt của một con người vô cùng kính trọng bậc bề trên như Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn nhưng cũng thể hiện được phần nội tâm rất thực của một người mãi mãi không thể vì ân nghĩa mà quên đi một bóng hình mình đã dành trọn tình cảm yêu thương.

Hay đó còn là giọng điệu triết lý, chiêm nghiệm được tác giả thể hiện qua nhân vật Trần Khánh Dư với những lời độc thoại nội tâm của chính mình trong những dòng suy nghĩ về sự cô độc của ông nội và cha: “Nhưng rồi ta cũng thấm thía nỗi cô độc của ông nội. Ta hiểu rằng, để làm được ngần ấy việc, cần một sự sát phạt đến tột cùng, khắc nghiệt đến tột cùng. Và, nhẫn đến tột cùng.” [26, tr. 137] “Còn cha ta, ông Nhân Thành hầu buồn phiền và ủ dột ấy, thực cũng vô cùng cô độc.” [26, tr. 138] Theo dòng nội tâm của Trần Khánh Dư, sự cô độc có thể xuất phát từ nhiều hoàn cảnh khác nhau. Nếu như Thái sư Trần Thủ Độ được biết đến với quyền sinh quyền sát trong tay đã nhẫn tâm cướp trắng cơ nghiệp nhà Lý để họ Trần bước lên được ngai vàng, dửng dưng mang cháu dâu trưởng gả cho cháu trai thứ dù chồng người ta vẫn sống sờ sờ rồi sau này phải gặm nhắm nỗi cô độc khi trong suy nghĩ đã từng có những quyết định tàn nhẫn ấy với mong muốn bảo toàn được ngôi báu nhà Trần thì với cha ông - Nhân Thành hầu Trần Phó Duyệt lại thấm thìa sự cô đơn, cô độc khi phải quanh quẩn sống những ngày nhàn quan ở Thái ấp Chí Linh, không cần bon chen với chốn kinh thành. Từ đó, Trần Khánh Dư có những suy tư, chiêm nghiệm với chính mình, trải qua bao sóng gió, bão táp của cuộc đời, ông cũng luôn cảm thấy mình cô độc khi xung quanh không có người để trút hết những phiền muộn, chia sẻ niềm hân hoan chiến thắng. Cho dù có vừa thắng một trận đánh lớn trên mặt biển với giặc thì thái độ của ông cũng vô cùng dửng dưng, bởi những người có thể chia sẻ cùng ông là Thiên Thụy thì không thể ở bên, còn Thị Thảo đã được ông gửi gắm về kinh thành Thăng Long, ba vị tướng thân cận họ Phạm cũng đã dũng cảm hi sinh trong trận đánh quyết tử, vị quản gia theo hầu bao năm trước đó cũng can tâm phản bội. Vì vậy, cũng giống như ông nội và cha mình, cả cuộc đời Trần Khánh Dư chỉ là những tháng ngày cô độc.

3.3.2. Giọng điệu giễu nhại, hài hước

Nói đến sự hài hước trong tiểu thuyết, Milan Kundera quan niệm: “Tiểu thuyết sinh ra không phải từ tinh thần lí thuyết mà từ tinh thần hài hước.” [20] Một trong những nhà lí luận cũng sớm quan tâm đến tiếng cười trong tiểu thuyết là Bakhtin. So sánh tiểu thuyết với sử thi, Bakhtin nhấn mạnh tinh thần của tiểu thuyết là yếu tố trào tiếu: “Chính tiếng cười đã xóa bỏ khoảng cách sử thi và nói chung mọi khoảng cách ngôi thứ - giá trị - ngăn chia”. Ông đã nêu lên mối quan hệ giữa tiếng cười và tiểu thuyết, mà theo cách nói của dịch giả Phạm Vĩnh Cư: “Tiếng cười đúng là môi sinh của tiểu thuyết: “Ở nền văn học nào vắng tiếng cười thì ở đó tiểu thuyết hoặc không thể trưởng thành, hoặc thui chột.” [6] Việc chêm xen những câu văn mang tính chất hài hước cũng góp phần làm cho nội dung các tác phẩm trở nên thú vị hơn. Vì vậy, giọng điệu hài hước ngày càng được nhiều nhà văn sử dụng tạo nên sự hứng thú cho người đọc.

Song song với sự hài hước, giọng điệu giễu nhại cũng được bộc lộ qua cảm hứng và được thể hiện rõ qua việc cấu tạo ngôn ngữ, cấu trúc câu, trở thành một chất liệu riêng trong tác phẩm để thể hiện ý đồ của nhà văn: “Những tác phẩm viết theo lối mới có giọng điệu đặc biệt, một thứ giọng kể có vẻ không nghiêm túc, thậm chí như đùa giỡn, vừa coi điều mình kể là thành thực, vừa coi nó như chẳng có gì là quan trọng. Tính chất “nửa đùa nửa thật” ấy không chỉ làm tăng thêm sự phong phú và vẻ thoải mái, lôi cuốn của giọng kể mà còn làm nhòa đi những đối lập triệt để về nghĩa, về tư tưởng và do đó làm giàu thêm tinh thần của tác phẩm.” [45]

Trong Trần Khánh Dư của Lưu Sơn Minh, ta có thể thấy được giọng điệu giễu nhại được thể hiện rất rõ qua sự nhìn nhận của người kể chuyện về nhân vật Trần Ích Tắc - một kẻ can tâm phản bội đất nước để quỳ gối đầu hàng giặc Nguyên nhằm nuôi mộng trở thành vua của Đại Việt. Trước hết, thông qua giọng điệu pha sự giễu cợt, mỉa mai của Trần Khánh Dư, Ích Tắc được hiện lên

là một kẻ suy nghĩ thật nông cạn khi thay em trai Trần Khánh Dư viết thư dụ hàng ông: “Ả Trần ơi là ả Trần, ngươi có nghĩ đến cái điều ấy được không mà dám gửi thư chiêu hàng ta, lại còn mượn giọng thằng em đớn hèn của ta? Sao không dụ dỗ những kẻ không được mấy bổng lộc gì họa chăng còn có được chút cơ may? ...” [26, tr. 75] Phản bội lại đất nước để đi theo giặc, hắn luôn cho mình là kẻ thông minh, biết nhìn xa trông rộng, nắm bắt thời cơ để đoạt lại ngai vàng nhờ tay nhà Nguyên nhưng qua lời của Nhân Huệ vương, thực chất vinh hoa phú quý hiện tại mà hắn nhận được của Nguyên triều còn không bằng những thứ mà cận tướng của ông có được. Trần Khánh Dư cảm thấy nực cười cho việc làm của Trần Ích Tắc khi nghĩ rằng cái lợi ích cỏn con ấy lại có thể mua chuộc được ông sao? Vốn dĩ những kẻ bán nước như hắn hay người em trai của ông là Trần Văn Lộng đã khiến cho không chỉ ông mà cả nhân dân Đại Việt khinh bỉ, chế nhạo, mãi mãi là vết nhơ không thể xóa bỏ trong cuộc đời hắn. Không chỉ có vậy, sự khinh mệt, coi thường Ích Tắc còn được nhìn nhận qua giọng chế nhạo của Trấn Nam Vương Thoát Hoan khi nói chuyện với công chúa An Tư: “À, nàng nói em ruột của cha nàng đó hả? Cái kẻ có con mắt ở giữa trán ấy vẫn nghĩ hắn đang lợi dụng ta. Hắn vẫn nghĩ chỉ có hắn mới là kẻ khôn ngoan; hắn là kẻ bày ván cờ còn ta sẽ là quân sĩ xung sát đi mở đường cho ngai vua của hắn. Thật là mê muội.” [26, tr. 157] Rõ ràng lại một lần nữa, trong giọng điệu của Thoát Hoan khi nói về Chiêu Quốc vương Ích Tắc đã tiếp tục cho ta thấy được có vẻ vị hoàng tử này khen ông ta khôn ngoan nhưng thực chất cũng chỉ là một kẻ hèn nhát, quỳ gối xin hàng cha hắn là Hốt Tất Liệt để bảo toàn mạng sống và ôm mộng được phong làm vua nước Đại Việt khi trở lại quê nhà. Hắn đâu có ngờ rằng, chẳng qua hắn vẫn còn giá trị lợi dụng nên nhà Nguyên vẫn để hắn lại họa chăng có lúc cần đến mà thôi.

Bên cạnh giọng điệu giễu nhại, Lưu Sơn Minh cũng rất tài tình khi đưa vào sử dụng ngôn từ mang giọng điệu hài hước để làm cho nội dung tác phẩm

trở nên thú vị hơn và tạo được dấu ấn về tính cách cho nhân vật. Ở đây, tác giả đã tập trung thể hiện sự dân dã, hài hước của nhân vật Trần Khánh Dư trong một số đoạn đối thoại với các nhân vật khác. Qua đó, bản chất cũng như tính cách của ông cũng được hiện lên chân thực và đầy đủ. Ví như cuộc trò chuyện giữa Trần Khánh Dư với Trần Đức Việp, những lời nói bỗ bã, đậm chất thường dân của ông Phó Đô tướng khiến cho chàng vương gia trẻ ngạc nhiên và sợ hãi: “Hai vương quay lại, cười ha hả đáp lễ Tá Thiên vương. Nhân Huệ vương nheo mắt nhìn Tá Thiên vương, hỏi:

- Ông Thái úy, có việc lớn gì mà triệu ta chưa đủ, lại phải triệu cả Đức ông Nhân Túc thế hử?

Trần Đức Việp cuống cả lên:

- Bẩm chú, chú nhầm thế nào chứ, cháu đâu có phải Thái úy. Chú nói vậy cháu mang tội với triều đình.

Trần Khánh Dư được thể càng trêu khỏe:

- Ngươi thử hỏi Đức ông Nhân Túc xem… Quyền tướng quốc sự, chỉ sau Thái sư, chẳng là Thái úy thì là cái chức gì hả? Chẳng qua họ còn thử xem ngươi làm tốt đến đâu rồi mới phong thôi…” [26, tr. 213] Đáng lẽ ra, trong cuộc nói chuyện giữa các vương gia, Trần Khánh Dư phải sử dụng từ ngữ cho thật đúng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết lịch sử trần khánh dư của lưu sơn minh (Trang 81 - 99)