Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân phát triển theo

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan điểm quân sự của võ nguyên giáp trong kháng chiến chống thực dân pháp (1945 1954) (Trang 88)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2. Nội dung quan điểm quân sự chủ yếu của Võ Nguyên Giáp (1945-1949)

3.2.2. Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân phát triển theo

theo hướng chính quy

Từ ngày 11 đến 19 tháng 2 năm 1951, Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương chính thức khai mạc. Chiều ngày 14 tháng 2, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày báo cáo quân sự tại Đại hội. Báo cáo nêu lên quá trình Đảng lãnh đạo đấu tranh vũ trang, kiểm điểm sự chủ quan trong đánh giá địch, lượng định những khó khăn của nhân dân Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị Tổng phản công, như chậm chỉ đạo vận động chiến, coi nhẹ du kích chiến; nêu lên những tiến bộ lớn lao trên chiến trường biên giới và trung du; xác định phương châm chiến lược hiện nay: Trên chiến trường chính, đẩy mạnh vận động chiến, phát triển du kích chiến nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, tiến tới giành ưu thế quân sự chuyển sang Tổng phản công, trên các chiến trường Trung Bộ và Nam Bộ lấy du kích chiến là chính, vận động chiến là phụ.

Báo cáo đề cập một số vấn đề xây dựng quân đội. Trung ương Đảng chủ trương xây dựng một quân đội nhân dân mạnh mẽ, chân chính với ba đặc điểm: dân tộc, nhân dân và dân chủ. Khẩn trương xây dựng bộ đội chính quy, củng cố bộ đội địa phương và phát triển dân quân du kích.

Đề tiến hành chuyển sang giai đoạn tổng phản công giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành thắng lợi, cùng với nhiệm vụ tác chiến thì nhiệm vụ xây dựng lực lượng cũng cần phải thực hiện song song và liên hệ chặt chẽ với nhau. Yêu cầu đặt ra là phải tiến hành xây dựng lực lượng ngay trong quá trình chiến đấu, trưởng thành ngay trong quá trình tiêu diệt địch, có như vậy cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam mới phát triển tiến lên giành thắng lợi cuối cùng. Để cuộc kháng chiến phát triển lên tác chiến tập trung binh lực cao, hiệp đồng binh chủng thể hiện được ưu thế trong các chiến dịch và chiến đấu, tiêu diệt được sinh lực địch đòi hỏi công tác xây dựng lực lượng cần tập trung phát triển toàn diện.

Xây dựng các binh đoàn chủ lực mạnh là trọng tâm trong xây dựng lực

lượng. Bộ đội chủ lực có nhiệm vụ căn cứ vào những nguyên tắc tác chiến mà tiến hành vận động chiến với quy mô ngày càng rộng lớn. Chiến trường có thể chuyển biến, hệ thống phòng ngữ và cách sử dụng binh lực của địch có thể thay đổi đòi hỏi chủ lực của quân đội nhân dân Việt Nam cần phải tiến bộ và thay đổi kịp với yêu cầu chiến đấu trên chiến trường. Do vậy nhiệm vụ xây dựng chủ lực là một nhiệm vụ quan trọng, nặng nền và gấp rút trong quá trình chuyển sang phản công.

Thực tiễn tổng kết kinh nghiệm trong quá trình xây dựng chủ lực đã chỉ ra những tồn tại đó là quân số không đủ tác chiến, tổ chức biên chế chưa thích hợp, hướng huấn luyện chưa rõ rệt, công tác tuyện lựa bổ sung chưa chu đáo... Do vậy, yêu cầu đòi hỏi đặt ra là “bộ đội chủ lực sẽ xây dựng thành từng trung đoàn mạnh, rồi phát triển lên đại đoàn, binh đoàn” [53, tr. 87]. Trung đoàn mạnh là trọng tâm trong việc xây dựng chủ lực trong lúc này. Mỗi một trung đoàn mạnh là một đơn vị được tổ chức thích hợp với những nhiệm vụ chiến đấu nhất định, được trang bị đầy đủ đến làm nhiệm vụ có tính chất cố định hơn. Tổ chức của trung đoàn sẽ khá linh động để một khi nhiệm vụ chiến đấu đề cao lên đánh các vị trí lớn, hay các đội quân lưu động lớn, thì có thể biên chế lại dễ dàng.

Trên cơ sở của lực lượng chủ lực, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của giai đoạn tổng phản công, việc xây dựng lực lượng đã được Bộ Quốc phòng và Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp tính trước một bước, đón trước nhu cầu kháng chiến.

Đại đoàn Quân tiên phong là Đại đoàn được thành lập đầu tiên (28-8- 1949). Đầu năm 1950, Bộ Tổng Chỉ huy liên tiếp xây dựng được thêm hai Đại đoàn trực thuộc Bộ gồm: Đại đoàn 304 thành lập ngày 10 tháng 3 năm 1950 tại Tam Lạc, Thọ Xuân, Thanh Hóa, sau này được mang tên là Đại đoàn Vinh quang; Đại đoàn 312 được thành lập ngày 27 tháng 12 năm 1950 tại Kim Lăng, Phú Thọ, sau này được mang tên là Đại đoàn Chiến thắng. Bước sang năm 1951, Bộ lại tiếp tục xây dựng thêm hai đại đoàn nữa gồm: Đại đoàn 320 thành lập ngày 16 tháng 1 năm 1951 tại Đình Mống Lá, Nho Quan, Ninh Bình, được mang tên là Đại đoàn Đồng bằng; Đại đoàn 316 thành lập ngày 1 tháng 5 năm 1951, tại làng Cốc Lùng, huyện Thoát Lãng nay là huyện Văn Lãng, Lạng Sơn. Năm Đại đoàn trên sau này trở thành năm sư đoàn hoàn thiện xây dựng được truyền thống vẻ vang góp phần vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bằng việc phối hợp tác chiến làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954.

Xây dựng bộ đội địa phương: Dân quân và bộ đội địa phương là lực lượng

hậu bị của chủ lực do vậy không thể thực hiện việc xây dựng bội đội chủ lực mà không tiến hành đồng thời xây dựng bộ đội địa phương, phát triển dân quân. Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi bộ đội chủ lực tập trung lại, bộ đội địa phương có nhiều nhiệm vụ nặng nề hơn như chuẩn bị chiến trường để mở các chiến dịch lớn, phối hợp tác chiến và khuếch trương thắng lợi, chuẩn bị để trở nên chủ lực [53, tr. 87] (phát triển gia nhập chủ lực).

Về tổ chức, bộ đội địa phương cần được tiếp tục xây dựng theo trung đội, đại đội hoặc tập trung cao độ hơn. Phương hướng chung trong xây dựng bộ đội địa phương vẫn là tiến tới thực hiện đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung nhưng quá trình tập trung lên như vậy cần phải căn cứ vào sự phát triển chung của lực

lượng vũ trang và bán vũ trang trong vùng. Kinh nghiệm cho thấy, khi bộ đội địa phương tập trung quá nhanh vô hình chung làm hại cho cơ sở du kích trong địa phương; tập trung chậm tức là ngăn cản quá trình tiến tới chủ lực của bộ đội địa phương, tựu chung lại điều đó làm ngăn cản chiến tranh du kích phát triển.

Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, việc xây dựng, khuếch trương bộ đội địa phương cần được tiến hành kiên quyết theo một kế hoạch nhất định, cần phải được thực hiện trong khoảng thời gian nhất định. Phải kết hợp hài hòa việc giải quyết vấn đề cán bộ, trang bị, huấn luyện cho bộ đội chủ lực và cả bộ đội địa phương. Các vấn đề ấy có thể giải quyết theo hướng du kích để bộ đội địa phương có thể đánh du kích - đó là hướng chính; nhưng cũng phải chuẩn bị cho bộ đội địa phương nào đã trưởng thành tiến tới hướng chính quy, chuẩn bị cho các bộ đội địa phương ấy trở nên chủ lực một cách thuận lợi. Đó là vấn đề liên hệ giữa bộ đội địa phương và chủ lực, vấn đề phát triển của bộ đội địa phương lên đến chủ lực.

Về phát triển dân quân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng “công cuộc

phát triển dân quân là cơ sở của việc xây dựng lực lượng vũ trang” [53, tr. 88]. Dân quân là tổ chức bán vũ trang của quảng đại quần chúng nhân dân, để tổ chức lực lượng hậu bị rộng rãi cho quân đội nhân dân, để huy động người dân chống giặc giữ làng, bảo vệ hậu phương, làm công tác hậu phương ủng hộ tiền tuyến.

Để đẩy mạnh phát triển dân quân, ông nhấn mạnh: công tác phát triển và huấn luyện dân quân trong vùng địch tạm chiếm cũng như trong vùng tự do cần được tiến hành tích cực hơn trong đó chú trọng kết hợp chặt chẽ công tác dân quân với công tác các đoàn thể cứu quốc; tổ chức rộng rãi, nhưng đồng thời cũng phải kiện toàn thực sự đội du kích trung kiên; luyện tập cho dân quân biết đánh du kích và tổ chức họ làm công tác hậu phương, đồng thời chuẩn bị cho người dân quân có thể trở nên người lính giỏi của quân đội nhân dân; bộ đội địa phương hay bộ đội chủ lực. Kỹ thuật, chiến thuật của dân quân cần được nâng

cao, về địa lôi chiến, công tác phá hoại đường sá, cầu cống, nhất là về thôn trang chiến (chiến đấu ở thôn, xóm).

Trong xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải khéo kết hợp hài hòa giữa việc xây dựng từng lực lượng để phát huy được sức mạnh của từng lực lượng và thực tế chiến đấu của từng vùng, từng chiến trường, từng địa phương. Tập trung lực lượng để xây dựng chủ lực là đúng, nhưng tập trung quá mức thích đáng lại là sai. Tập trung quá mức thích đáng nghĩa là rút đại đội độc lập về quá sớm, rút các tiểu đoàn độc lập về quá sớm, điều động bộ đội địa phương vào chủ lực quá sớm sẽ làm hại đến sự phát triển của lực lượng vũ trang địa phương, nghĩa là tập trung mà không nhìn vào khả năng cấp dưỡng hay trang bị của mình hoặc chỉ nhìn vào khả năng một lúc mà không dự trù được khả năng lâu dài. Khi chủ lực đã tập trung để xây dựng thì chúng ta cũng phải tập trung sử dụng chủ lực một cách tập trung. Điều đó là đúng. Tuy vậy, trong điều kiện, hoàn cảnh chiến tranh du kích là chủ yếu thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng: “chủ lực cũng phải biết tự mình đánh du kích và giúp bộ đội địa phương đánh du kích” [53, tr. 104], phải biết tìm ra và tạo ra những cơ hội để đánh thắng, lực lượng tương đối yếu của địch, giành thắng lợi giòn giã, góp nhiều thắng lợi nhỏ thành thắng to, không nên chỉ ăn to dẫn đến thất bại to, ảnh hưởng đến kháng chiến. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng chỉ ra rằng, chúng ta “chỉ nên tập trung binh lực lớn khi có đủ điều kiện chủ quan và khách quan để tiêu diệt địch, để cướp súng đạn của địch” [53, tr. 104].

3.2.3. Sáng tạo, phát huy có hiệu quả nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam giành thắng lợi quyết định

Nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam là nghệ thuật tác chiến của lực lượng vũ trang nhân dân bao gồm ba lực lượng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ. Nghệ thuật quân sự Việt Nam là nghệ thuật chỉ đạo tác chiến của bộ đội chủ lực, đồng thời phải chỉ đạo hoạt động tác chiến của bộ đội địa phương và dân quân tự vệ, đồng thời phải phối hợp tác chiến với các

binh chủng; kết hợp đánh du kích và đánh tập trung, kết hợp đánh nhỏ, đánh vừa và đánh lớn. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1950-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thể hiện rõ tư duy quân sự ở tầm chiến lược trong việc lựa chọn địa điểm, phương thức tác chiến trong nhiều chiến dịch quan trọng góp phần vào việc thay đổi cục diện chiến trường, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam đến toàn thắng. Điển hình cho tư duy quân sự và sự uyên bác trong nghệ thuật quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đó là chiến dịch Biên giới (1950) và chiến dịch Điện Biên Phủ (1954).

Ngày 2 tháng 8 năm 1950, Đảng ủy chiến dịch Biên giới triệu tập hội nghị cán bộ các trung, đại đoàn tham gia chiến dịch nghe Tham mưu trưởng chiến dịch

phổ biến kế hoạch tác chiến sơ bộ (tiến công Cao Bằng và kế hoạch đánh viện) để

cán bộ các đơn vị về chuẩn bị. Một số cán bộ trung, đại đoàn vẫn phân vân có nên đánh Cao Bằng, hay đề nghị chuyển mục tiêu mở đầu chiến dịch đánh nơi khác, vì đánh Cao Bằng thực sự quân đội nhân dân Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn về kỹ, chiến thuật, trận đánh có thể kéo dài và gây cho quân ta nhiều tổn thất, không đảm bảo đánh chắc thắng trong trận đầu. Sau khi nắm lại tình hình chiến trường và đặc biệt sau chuyến đi trinh sát thực địa cứ điểm của địch ở thị xã Cao Bằng, cùng với những ý kiến đề xuất của Bộ Tổng Tham mưu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Chỉ huy trưởng chiến dịch quyết định: Không thể chọn Cao Bằng làm điểm đột phá mở màn chiến dịch vì khó bảo đảm nguyên tắc đánh

thắng trận đầu. Chỉ huy trưởng chiến dịch quyết định chọn Đông Khê thay cho

Cao Bằng làm mục tiêu then chốt mở đầu chiến dịch.

Ngày 15 tháng 8 năm 1950, Thường vụ Trung ương Đảng nhất trí chuyển mục tiêu xuống Đông Khê. Các bộ phận quân báo, trinh sát và thông tin của cơ quan tham mưu đã tích cực dựa vào dân và các đoàn thể quần chúng tại chỗ, vào những đơn vị có kinh nghiệm về chiến trường Đường số 4 để tìm hiểu về địch, làm binh yếu địa chí...

Ngày 21 tháng 8 năm 1950, với những đề xuất của Bộ Tổng Tham mưu, cơ quan tham mưu chiến dịch đã hoàn tất kế hoạch tác chiến mới đánh Đông Khê, Thất Khê rồi chuyển lên Cao Bằng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Chỉ huy trưởng Chiến dịch đã báo cáo kế hoạch trước Hội nghị cán bộ chiến dịch. Phương châm tác chiến của chiến dịch là đánh điểm - diệt viện. Phương thức tác chiến được xác định cụ thể: đánh cứ điểm nhỏ trước, sau đó đánh cứ điểm to; đánh công kiên diệt cứ điểm trước, sau đó đánh vận động diệt quân tăng viện, lấy diệt địch đang vận động là chủ yếu.

Sau khi kế hoạch tác chiến chiến dịch Biên giới được thông qua, Bộ Tham mưu chiến dịch đã biên soạn thành quyết tâm của Bộ Tổng Tư lệnh. Thực tiễn diễn biến của chiến dịch đã chứng minh tính đúng đắn và hợp lý của kế hoạch này. Có thể nói, chiến dịch Biên giới là một cuộc đấu trí căng thẳng của cơ quan tham mưu hai bên tham chiến. Đối với ta, do nắm quyền chủ động, thực hiện có hiệu quả các đòn nghi binh chiến lược, có điều kiện chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc tiến công sắp tới. Thực dân Pháp đã sa bẫy, hoàn toàn bị động, đã chuyển quân cơ động lực lượng để đối phó với các phương án, kế hoạch giả của lực lượng Việt Minh, quân Pháp đã không có điều kiện chuẩn bị tốt hơn mọi mặt để đối phó với chiến dịch Biên giới. Ngày 16 tháng 9, khi cuộc hành quân của quân Pháp nhằm giải tỏa sức ép của ta trên Đường 18, ta đã nổ súng tiến công đồn Đông Khê, mở màn cho chiến dịch Biên giới. Thực dân Pháp đã hoàn toàn bất ngờ khi tiếng súng mở màn chiến dịch của lực lượng kháng chiến nổ ra ở Đông Khê.

Chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy trược tiếp là Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng đã giành thắng lợi vang dội. Đây được đánh giá là chiến thắng trong chiến dịch quy mô lớn đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam trong quá trình chuyển từ tác chiến du kích sang tác chiến chính quy, là thắng lợi có ý nghĩa quyết định đối với công việc xây dựng lực lượng sau này [53, tr. 158]. Việc chọn đánh Đông Khê và chiến dịch Biên giới giành thắng lợi thể hiện năng lực chỉ huy

và sự trưởng thành trong chỉ huy tác chiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chiến dịch Biên giới - Thu Đông 1950 cũng là chiến dịch đầu tiên thực hiện các đòn nghi binh một cách bài bản và đã thu được thành công lớn. Từ đây, trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hoạt động nghi binh của ta ngày càng hoàn thiện và được phát triển lên thành một nghệ thuật - nghệ thuật nghi binh. Chiến thắng Biên giới cũng nói lên một thực tế là bộ đội ta đã trưởng thành cả về đánh công kiên và vận động, trang bị đã được cải tiến, nhưng sức mạnh của chủ lực ta là sức mạnh có điều kiện. Sức mạnh đó chỉ có thể phát huy đầy đủ trong cách đánh sở trường là đánh đêm, trên chiến trường thuận lợi

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan điểm quân sự của võ nguyên giáp trong kháng chiến chống thực dân pháp (1945 1954) (Trang 88)