Xuất phát từ truyền thống quân sự của dân tộc và tinh hoa quân

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan điểm quân sự của võ nguyên giáp trong kháng chiến chống thực dân pháp (1945 1954) (Trang 25 - 28)

7. Cấu trúc của luận văn

1.2. Xuất phát từ truyền thống quân sự của dân tộc và tinh hoa quân

sự của nhân loại

1.2.1. Truyền thống quân sự của dân tộc

Việt Nam là một quốc gia được hình thành từ rất sớm. Trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, đất nước Việt Nam đã trở thành Tổ quốc thiêng liên của mỗi người dân Việt Nam. Tinh thần yêu nước, truyền thống văn hóa dân tộc nổi bật là chủ nghĩa yêu nước và tinh thần nhân ái, cố kết cộng đồng dân tộc đã trở thành đạo lý sống, niềm tự hào và là nhân tố đúng đầu trong bảng giá trị tình thần của con người Việt Nam. Truyền thống đó đã được hun đúc qua hàng ngàn năm đấu tranh kiên cường bất khuất, tự lực tự cường, thông minh sáng tạo trong chống chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ nền văn hiến của đất nước, chống mọi âm mưu đồng hóa của các thế lực ngoại bang.

Là một quốc gia có lịch sử và nền văn hiếu lâu đời, Việt Nam cũng là nước có truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm vô cùng oanh liệt. Có thể khẳng định rằng, dòng chảy chính, xuyên suốt trong lịch sử Việt Nam là lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm. Chính vì vậy, những đúc kết về truyền thống dân tộc trong các cuộc chiến tranh vệ quốc và chiến tranh giải phóng trong lịch sử nước nhà giúp cho Võ Nguyên Giáp nhiều kinh nghiệm, kiến thức bổ ích.

Truyền thống quân sự nổi bật của dân tộc ta là truyền thống cả nước chung sức đánh giặc. Việt Nam nổi tiếng là một đất nước đất không rộng, người không đông nhưng luôn phải đối mặt với các thế lực xâm lược ngoại bang hung bạo nên luôn luôn phải phát huy sức mạnh toàn dân tộc đề đánh giắc với truyền thống “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Các nhà yêu nước thời xưa, khi lãnh đạo chiến tranh, mặc dù không thể tránh khỏi những sự hạn chế về mặt giai cấp, thể hiện trong mục đích chiến tranh mà họ theo đuổi, nhưng họ đã thấy được sức mạnh vô địch của dân, phải dựa vào sức dân để chống giặc, giữ nước. Trong “di chúc” của mình, Trần Quốc Tuấn vạch rõ: sỡ dĩ nước ta đã thắng được giặc ngoại xâm qua nhiều thời đại, là do dân ta đã biết đồng lòng đánh giặc, cả nước

chung sức; từ đó đã đi đến kết luận là “phải nới sức dân, làm kế rễ sâu gốc vững ấy là thượng sách để giữ nước” [40, tr. 26]. Nguyễn Trãi trong nhiều bài thơ, văn cũng ví sức dân mạnh như nước. Ví dân như nước, ví vua như thuyền, trong

Quân trung từ mệnh tập Nguyễn Trãi cũng đã viết: “Đỡ thuyền và lật thuyền

cũng là dân” [40, tr. 26].

Tổng kết kinh nghiệm lịch sử đánh giặc giữ nước của dân tộc, nổi bật nhất và cơ bản nhất trong kho tàng tri thức quân sự dân tộc được Võ Nguyên Giáp tập trung ở hai vấn đề lớn. Một là, xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân. Tư duy này được hình thành từ thời Lý, phát triển mạnh mẽ trong thời Trần và thời Lê với hai lực lượng thường trực là Cấm vệ quân (du quân) ở Trung ương, Lộ quân

ở các địa phương và một lực lượng thường trực là Dân binh (hương binh, thổ binh...). Đi đôi với bài học về xây dựng lực lượng, Võ Nguyên Giáp đã đúc kết bài học về tư duy chiến lược mà trung tâm là quan điểm xây dựng “thế trận hình

chữ nhân”, được xác lập như một luận thuyết quân sự Việt Nam trong “Binh thư

yếu lược” của nhà lý luận và nhà chỉ huy quân sự Trần Quốc Tuấn.

Kho tàng tri thức quân sự quân sự dân tộc chứa đựng rất nhiều nội dung, từ phép dùng người, dụng trận, dụng binh, dưỡng binh đến các nghệ thuật tổ chức trận chiến đều đã được các nhà chỉ huy quân sự Việt Nam đề cập trong suốt cả nghìn năm chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Trong tất cả kho tàng tri thức ấy, điều đọng lại trong Võ Nguyên Giáp là việc xây dựng thế trận hình chữ “nhân”, gọi là “nhân trận”. Thế trận này đảm bảo cho lực lượng quân sự có ba lợi thế quan trọng là chỗ đứng chân, sức mạnh tổng hợp và đa dạng hóa hình thái chiến tranh. Đây là điểm khác biệt trong xây dựng thế trận của Võ Nguyên Giáp với các thiên tài quân sự khác mà ông đã tiếp thu từ truyền thống quân sự tổ tiên và nâng cao thành luận thuyết quân sự Võ Nguyên Giáp trong thời đại mới.

Thực tế lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh, dựa vào dân thì đất nước thanh bình, thịnh trị, không dựa vào sức mạnh của nhân dân, không thu

phục được lòng người là mất nước. Bài học dựa vào sức mạnh của toàn dân để đánh thắng kẻ thù là bài học quan trọng nhất trong lịch sử dân tộc. Từ sức mạnh toàn dân, dân tộc Việt Nam đã có thể lấy ít địch nhiều, yếu thắng mạnh, càng đánh càng trưởng thành và chiến thắng.

1.2.2. Tinh hoa quân sự thế giới

Đồng thời với việc khai thác kinh nghiệm và tri thức quân sự của dân tộc, Võ Nguyên Giáp nghiên cứu rất kỹ những bài học từ các nhà chỉ huy quân sự lỗi lạc trong lịch sử thế giới, kinh nghiệm cầm quân trong các cuộc chiến tranh lớn, nhất là các cuộc chiến tranh cách mạng trong thời kỳ cận, hiện đại.

Trong thời gian sang Trung Quốc để gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và hoạt động cách mạng, Võ Nguyên Giáp đã dồn toàn bộ tâm trí vào việc trau dồi kiến thức quân sự. Lần đầu tiên ông có điều kiện tìm hiểu, đọc về Mao Trạch Đông. Các tác phẩm tiểu biểu Võ Nguyên Giáp tìm hiểu là: Cuộc chiến đấu trên dãy

núi Tĩnh Cương (viết năm 1928) đến Những vấn đề chiến lược trong chiến tranh

chống Nhật (1938) và đặc biệt là đọc kỹ Chiến tranh du kích (1937). Như vậy,

việc tham gia lớp huấn luyện quân sự tại Trung Quốc không thành công nhưng bù lại Võ Nguyên Giáp cũng đã có điều kiện để tìm hiểu rõ hơn về Mao và đội quân cách mạng Trung Hoa. Ông quan tâm tìm hiểu cái gì giống, cái gì không giống Việt Nam và luôn đặt câu hỏi: Nếu vận dụng vào Việt Nam thì như thế nào? Có vận dụng được không? Mao Trạch Đông nói không thể khởi nghĩa ở thành thị có quân địch kiểm soát. Vậy ở Việt Nam thì sao? Vấn đề quan hệ giữa nông thôn và thành thị ở Việt Nam trong khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh có gì khác so với Trung Quốc? Vấn đề khẳng định tư tưởng tiến công là tư tưởng chủ đạo trong chiến tranh du kích, v.v..[73, tr. 62].

Xuất thân thân từ một thầy giáo dạy sử, Võ Nguyên Giáp trở thành một nhà quân sự. Võ Nguyên Giáp có lợi thế của nhà sử học và chính sự am tường lịch sử đã cho ông điều kiện để tổng hợp, chắt lọc những trí tuệ, truyền thống quân sự của cha ông và tinh hoa quân sự của nhân loại. Quá trình nghiên cứu,

phát hiện và học tập các kinh nghiệm cầm quân của các danh tướng thế giới và võ tướng Việt Nam qua các thời kỳ, Võ Nguyên Giáp đều chắt lọc những tinh hoa kiến thức gắn với điều kiện lịch sử Việt Nam. Với khả năng vận dụng sáng tạo các tri thức quân sự thế giới cũng như trong nước vào điều kiện và yêu cầu của chiến tranh cách mạng Việt Nam thời cận hiện đại đã góp phần hình thành tư duy quân sự Võ Nguyên Giáp và giúp ông thành công trong hầu hết trong các chiến dịch mà ông chỉ đạo.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một vị tướng cầm quân tài giỏi mà còn là một nhà lý luận quân sự hàng đầu của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. “Gắn liền với chiến tích và các bài học đúc kết từ thực tiễn chiến tranh cách mạng, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, trên cơ sở kế thừa truyền thống quân sự của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc và sáng tạo tinh hoa quân sự cổ kim Đông Tây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp phần xuất sắc phát triển khoa học và nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại mới, để lại cho thế hệ chúng ta và hậu thế một di sản lý luận quân sự quý báu, rất đáng trân trọng” [73, tr. 845-846]. Đó là nét nổi bật đặc sắc của danh nhân quân sự kiệt xuất - Võ Nguyên Giáp.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan điểm quân sự của võ nguyên giáp trong kháng chiến chống thực dân pháp (1945 1954) (Trang 25 - 28)