Vấn đề biển Đông

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Quan hệ Hoa kỳ - Trung quốc sau sự kiện 11.9.2001 và tác động đến quan hệ quốc tế ở Đông Nam Á (Trang 68 - 72)

2.2 Một số yếu tác động đến quan hệ Hoa Kỳ Trung Quốc trong những năm

2.2.4 Vấn đề biển Đông

Một trong những vấn đề lớn có tác động trực tiếp đến quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc là vấn đề tranh chấp ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên biển Đông. Hai quần đảo này đều có vị trí chiến lược, có diện tích rộng lớn (gần 3.5 triệu km2), nằm trên trục hàng hải quan trọng hàng đầu của khu vực và thế giới, lại giàu có về nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là dầu khí và sinh vật biển. Vì thế, vấn đề biển Đông lại càng trở nên nhạy cảm trong quan hệ quốc tế không chỉ giữa các nước trực tiếp liên quan mà đến cả quan hệ quốc tế của các cường quốc.

Ngoài hai quần đảo trên, tranh chấp biển Đông còn mở rộng ra cả vùng biển phía Nam quần đảo Trường Sa. Trung Quốc và Đài Loan coi vùng biển này nằm trong đường biên giới “lưỡi bò” là vùng nước lịch sử do họ đơn phương tuyên bố sở hữu từ năm 1947. Từ đó đến nay, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á thường xuyên có các va chạm do Trung Quốc cho rằng các nước này đã “lấn chiếm” nhiều vùng biển của Trung Quốc trong vùng biển “lưỡi bò”. Rõ ràng tham vọng của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà muốn sở hữu tới 80% diện tích của biển Đông. Tham vọng của Trung Quốc bắt nguồn từ nguyên nhân Trung Quốc tuy có lãnh thổ khổng lồ song diện tích biển khá nhỏ với đường bờ biển khá ngắn và các hòn đảo không tranh chấp nằm không xa bờ. Vùng đặc quyền kinh tế

(EEZ) của Trung Quốc được quốc tế thừa nhận không được lớn như các nước may mắn hơn: Mỹ 12 triệu km2, Nga 7,5 triệu km2, Canađa 5,5 triệu km2, Nhật Bản 4,4 triệu km2, Trung Quốc 880.000 km2. Vì vậy, chiến lược biển hiện nay của Trung Quốc là vươn ra đại dương, trước hết khống chế “ba biển” – Hoàng Hải, Đông Hải (biển Nhật Bản), Nam Hải (người phương Tây gọi là Nam Trung Hoa, người Việt gọi là Biển Đông). Tham vọng của Trung Quốc cộng với sự trỗi dậy của họ trong những thập kỷ qua đã khiến Hoa Kỳ không thể đứng ngoài trong các cuộc tranh chấp trên biển Đông lâu hơn được nữa.

Có thể thấy rằng, trong một thời gian dài, Hoa Kỳ luôn giữ lập trường “không can thiệp” vào tranh chấp ở biển Đông, ngay cả trong vụ xung đột giữa Trung Quốc và Việt Nam tại Trường Sa năm 1988. Nhưng sau Chiến tranh Lạnh, khi tranh chấp chủ quyền ở biển Đông phức tạp lên, Mỹ bắt đầu thay đổi chính sách mang tính thực dụng hơn.

Đối với Hoa Kỳ, lợi ích ở biển Đông bao gồm lợi ích kinh tế, lợi ích an ninh chiến lược, trong đó có lợi ích trước mắt là kinh tế còn lợi ích an ninh chiến lược là mục tiêu căn bản. Mỹ muốn biển Đông là vùng biển quốc tế nhằm đảm bảo cho tàu thuyền quân sự và tàu vận tải buôn bán đi lại tự do không bị gây phiền nhiễu. Nếu Mỹ không phát huy ảnh hưởng trong khu vực thì ngoài Trung Quốc tăng cường “nam tiến” Nhật cũng sẽ mượn cớ bảo vệ con đường hàng hải buôn bán của họ để phát triển thực lực quân sự khống chế vùng biển này. Về lợi ích an ninh chiến lược, biển Đông và con đường chiến lược nối liền Đại Tây Dương, tạo điều kiện cho Mỹ duy trì sự hiện diện quân sự trong khu vực và giúp triển khai nhanh quân Mỹ tới các điểm nóng trong khu vực, cũng như từ đây triển khai ra các điểm nóng khác trên thế giới. Vì thế, Mỹ đã coi việc giải quyết tranh chấp ở biển Đông thuộc nghĩa vụ lãnh đạo của Mỹ và có ý đồ chủ đạo tiến trình giải quyết vấn đề biển Đông theo hướng có lợi cho Mỹ. Trước mối lo ngại của ASEAN đối với khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực, Mỹ đã tuyên bố bằng mọi giá tránh không để vấn đề Trường Sa xảy ra xung đột. Mỹ sẽ bố trí quân đội nhằm đảm bảo các bên giải quyết tranh chấp bằng con đường hoà bình.

Vấn đề biển Đông ngày càng trở nên nóng bỏng và quan trọng hơn đối với tất cả các nước không chỉ là vì nguồn tài nguyên dồi dào ở biển Đông mà còn vì sự toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia. Bước vào thế kỷ XXI, với quốc lực tăng cường, Trung Quốc theo đuổi một chính sách Đông Nam Á và Biển Đông mang tính hướng đích

cao. Trước hết, củng cố ảnh hưởng kinh tế trước hết là Đông Nam Á lục địa, với thành tựu to lớn, vượt trội so với bất kỳ nước lớn khác. Thứ hai, nhằm độc tôn Biển Đông. Biển Đông nằm trong chủ trương mở rộng không gian chiến lược tại “ba biển”, nhằm thoát khỏi sự kiềm tỏa của hệ thống an ninh được Mỹ thiết lập từ sau Chiến tranh thế giới II dựa trên tuyến phòng thủ hải đảo thứ nhất, từ Guam đến Okinawa. Hải quân Trung Quốc hiện có ít nhất 260 tàu, gồm 75 tàu chiến chủ lực và hơn 60 tàu ngầm, không ngừng phát triển để thực hiện chiến lược vươn ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Mục tiêu lâu dài là đẩy Mỹ ra khỏi “ba biển”. Thứ ba, gần đây việc phát hiện những trữ lượng lớn dầu khí ở Biển Đông làm cho Bắc Kinh tăng cường đòi hỏi chủ quyền. Theo đánh giá sơ bộ của ngành hải dương Trung Quốc, trữ lượng dầu khí dưới Biển Đông là hơn 50 tỷ tấn, chủ yếu nằm ở độ sâu 500-2.000 mét. Biển Đông còn có một trữ lượng băng cháy (một loại năng lượng sạch cho tương lai) khổng lồ. Do đó, bên cạnh việc tăng cường sức mạnh cho Hạm đội Nam Hải, Trung Quốc đang xây dựng “Hạm đội tác nghiệp biển sâu” phục vụ khai thác dầu khí Biển Đông, tăng thêm một hạm đội nữa trên Biển Đông.

Sau sự kiện 11/9, Mỹ có xu hướng thay đổi chính sách của mình đối với biển Đông thông qua sự đối phó, đề phòng, ngăn chặn và cô lập Trung Quốc. Mỹ coi vấn đề Trường Sa thành “vấn đề Trung Quốc”, coi Trung Quốc là “nguồn gốc tranh chấp Trường Sa”. Từ ngấm ngầm bênh vực đến công khai ủng hộ các bên tranh chấp khác, lợi dụng và lôi kéo các nước ASEAN, bề ngoài tỏ ra “trung lập”, thực chất là muốn duy trì hiện trạng Trường Sa để kìm chế Trung Quốc. Từ thái độ “không có trách nhiệm”, Mỹ đã chuyển hướng sang “giúp đỡ” các nước tranh chấp với Trung Quốc; xuất hiện xu thế hợp tác quân sự giữa Mỹ với ASEAN trong vấn đề Trường Sa. Ví dụ, cuối tháng 1/2003, Mỹ và Phillippines đã tiến thành cuộc tập trận chung mang tên “Banlikatan-4” tại đảo Palawan, vốn đang tồn tại tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Phillippines. Và mục tiêu tập trận lúc đầu là chống khủng bố, sau mở rộng ra chống xâm lược từ bên ngoài.

Để tăng cường an ninh trên biển và để khống chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, Mỹ đã triển khai kế hoạch điều động quân, tăng cường lực lượng không quân tại đảo Guam, Hawaii, tại Yokousuka của Nhật Bản. Bộ Tư lệnh quân đoàn 1 lục quân Mỹ cũng được chuyển từ Mỹ đến Kanagwa của Nhật để tăng cường sức mạnh quân sự tại khu vực này. Tháng 10/2005, Mỹ đã thoả thuận với Nhật Bản xây dựng một căn cứ

không quân mới ở đảo Okinawa. Hơn nữa, Mỹ đã đạt được các thoả thuận mới với các nước liên quan trong việc sử dụng các căn cứ quân sự của Mỹ trước đây như căn cứ không quân Clark, quân cảng Xubích ở Phillippines, căn cứ không quân Utapao ở Thái Lan, đồng thời đang xây dựng một quân cảng ở vùng biển Sulawesi ở Indonesia… Cùng với sự bố trí và hiện diện trở lại của quân đội Mỹ tại nhiều nước ASEAN, sự tăng cường hợp tác quân sự của Mỹ với Nhật Bản đã tạo ra một thế cờ mới, có khả năng bao vây Trung Quốc từ phía biển, duy trì sự thống trị quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Những năm gần đây, sự căng thẳng do tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á giáp Biển Đông tạo ra mắt xích yếu trong hệ thống quyền lực mà Trung Quốc xây dựng ở khu vực Đông Nam Á. Biển Đông là thước đo cách đối xử của một nước Trung Quốc đang trỗi dậy và là cách Hoa Kỳ thể hiện vai trò siêu cường của mình. Tháng 7/2009, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố Mỹ “đang trở lại Đông Nam Á” và chính thức ký Hiệp ước hợp tác thân thiện ASEAN (TAC), mở đường cho việc Mỹ tham gia Hội nghị Cấp cao Đông Á tại Hà Nội năm 2010.

Cuối tháng 3/2010, Trung Quốc đưa Biển Đông vào danh sách “lợi ích cốt lõi”, nghĩa là không khoan nhượng, không thương thuyết. Đây là cột mốc mới trong chính sách Biển Đông của Bắc Kinh. Và với Mỹ, nó là giọt nước làm tràn li. Chính thức đáp trả đòi hỏi “lợi ích cốt lõi” này, ngày 5/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, tại Diễn đàn Shangrila-2010, nêu ra một số nguyên tắc và quan điểm về Biển Đông, khẳng định Mỹ cam kết duy trì an ninh đối với đồng minh, đối tác và khu vực; “việc duy trì ổn định, tự do hàng hải, phát triển kinh tế một cách tự do và không bị cản trở có ý nghĩa quan trọng”; “nguyên tắc giải quyết xung đột không sử dụng vũ lực”. Tại Diễn đàn ARF - Hà Nội tháng 7/2010, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã khẳng định: Việc giải quyết xung đột Biển Đông thuộc “lợi ích quốc gia” của Mỹ. Lấy “lợi ích quốc gia” đối chọi lại “lợi ích cốt lõi” Ngoại trưởng Mỹ không những tái khẳng định việc Mỹ quay trở lại châu Á mà còn tiến cử Mỹ như một “nhà môi giới” để hòa giải tranh chấp tại Biển Đông.

Có thể thấy chính quyền Obama đã chấm dứt điệu kèn ngập ngừng của chính quyền Bush trong chính sách châu Á. Nếu Trung Quốc khăng khăng duy trì “lợi ích cốt lõi”, đóng mọi cánh cửa thương lượng và thoả hiệp thì đó là cơ hội cho Mỹ tập hợp lực lượng. Bằng những bước đi nhỏ, nhưng đúng nơi, đúng việc, Mỹ đang đổi

mới quan hệ với các quốc gia. Ví dụ, tàu sân bay chủ lực của Hạm đội 7 USS George Washington, thướng trú tại Okinawa, sau cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, đã đến Biển Đông, đậu ở ngoài khơi Đà Nẵng đã được một phái đoàn liên ngành Việt Nam ra thăm. Khu trục hạm USS John McCain, một chiến hạm chống tàu ngầm, thăm cảng Đà Nẵng tiến hành tập huấn phi tác chiến và giao lưu văn hoá thể thao nhân kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ. Hay việc Mỹ quyết định nâng cấp quan hệ an ninh với Indonesia là một dấu hiệu nữa cho thấy sự thay đổi chiến lược trong chính sách của Washington đối với khu vực. Rõ ràng, Hoa Kỳ đang làm những điều tương phản với Trung Quốc để “trở lại Đông Nam Á” và không phải không thành công trong quá trình xây dựng hình ảnh một cường quốc thân thiện, đứng về phía nước nhỏ bị ức hiếp. Rõ nhất là việc thúc đẩy hợp tác với nhóm bốn nước hạ nguồn sông Mekong để khắc phục các hậu quả môi trường và nguồn nước con sông này do việc xây các đập thuỷ điện đầu nguồn.

Có thể nói, tương quan lực lượng quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc tại châu Á- Thái Bình Dương vẫn nghiêng về phía Mỹ, tuy nhiên, lợi thế “sân nhà” của Trung Quốc, đặc biệt với hệ thống tên lửa đất đối biển, sẽ tác động lớn đến việc bày binh bố trận của Mỹ tại châu Á-Thái Dương nói chung và Đông Nam Á, biển Đông nói riêng. Chính vì thế, sự cạnh tranh Hoa Kỳ - Trung Quốc trong lĩnh vực quân sự nhiều khả năng sẽ tăng chứ không giảm, chừng nào chưa đạt được thoả hiệp giữa một bên muốn đẩy Hoa Kỳ ra khỏi “ba biển”, một bên kiên quyết bảo vệ quyền tự do thông thương hàng hải của một cường quốc đại dương. Có 3 giả thiết: Cùng thắng, tranh bá và chiến tranh lạnh mới. Hai nước có thể tiếp tục đàm phán để đạt tới một thoả thuận giải quyết những sự cố trên biển nhằm ngăn ngừa những hiểu lầm và nguy cơ đụng độ tàu bè trên biển.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Quan hệ Hoa kỳ - Trung quốc sau sự kiện 11.9.2001 và tác động đến quan hệ quốc tế ở Đông Nam Á (Trang 68 - 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)