2.3 Một số kịch bản của quan hệ Hoa Kỳ Trung Quốc
2.3.2 Hai nước trở thành đồng minh của nhau
Khả năng này cũng không lớn lắm, nhưng cũng không nên ngoại trừ. Nếu chúng ta nhớ lại những thay đổi trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc thời kỳ Chiến tranh Lạnh - từ đi với Liên Xô chống Hoa Kỳ đến chống cả Hoa Kỳ và Liên Xô rồi lại đi với Hoa Kỳ chống Liên Xô thì chắc sẽ không loại trừ khả năng Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ trở thành đồng minh của nhau do những biến động lớn nào đấy trong nội bộ Trung Quốc hay ở môi trường bên ngoài. Nhưng xem ra những biến động lớn như nội bộ Trung Quốc khủng hoảng dẫn đến thay đổi chế độ chính trị như Liên Xô trước đây ít có khả năng xảy ra và trong tương lai gần (mà nếu có xảy ra cũng chưa hẳn sẽ biến Hoa Kỳ và Trung Quốc trở thành đồng minh, Nga và quan hệ Nga – Hoa Kỳ hiện nay là một minh chứng). Ở bên ngoài, hiện giữa Trung Quốc và các nước lớn khác chưa có mâu thuẫn gì thật quyết liệt, cũng không có và khó có cường quốc nào đang (hay có thể) gây chiến với Trung Quốc. Hơn nữa, để trở thành đồng minh của nhau, họ còn cần có nhiều điểm chung, điểm đồng mang tính cốt lõi, điều hiện nay Trung Quốc và Hoa Kỳ chưa có và khó có thể có.
Tuy vậy, hai nước đã và chắc chắn sẽ là đồng minh trên từng vấn đề, không phải đồng minh toàn diện như Hoa Kỳ - Anh hay Hoa Kỳ - Nhật Bản nhưng đã và sẽ là đồng minh trên từng vấn đề cụ thể. Bởi trong một thế giới toàn cầu hóa và hội nhập sâu sắc như hiện nay, không một quốc gia nào có thể đứng ngoài vòng xoáy quan hệ đan xen cả về kinh tế, chính trị hay văn hóa được nữa. Cũng như bất kỳ một cuộc cách mạng hoa hồng hay hoa tuylip dù diễn ra tại quốc gia nào cũng sẽ có ảnh hưởng đến cả khu vực và hiệu ứng của nó khó có thể đoán định trước, phản ứng của các cường quốc như Hoa Kỳ và Trung Quốc với từng vấn đề cũng như thế, có những vấn đề đẩy họ ra xa hơn ví dụ, trong khi Hoa Kỳ muốn Liên Hợp quốc mạnh tay trừng phạt Iran về chương trình hạt nhân của họ thì Trung Quốc lại chần chừ và thậm chí phản đối. Nhưng đối với cuộc chiến ở Lybia vừa qua, tuy đó là cuộc "nội chiến" của chính quyền mới lật đổ chính quyền cũ của Đại tá Gaddafi, tất nhiên có sự ủng hộ về quân sự và kinh tế của Hoa Kỳ và NATO, phản ứng của Trung Quốc tỏ ra rất "thực dụng", đi từ phản đối Hoa Kỳ và NATO đến trở thành đồng minh của Hoa Kỳ. Khi
Hội đồng bảo an họp thông qua Nghị quyết 1973, Trung Quốc cũng góp phiếu đồng thuận và lên án việc chế độ Gaddafi đàn áp đẫm máu, đồng thời đồng thuận các biện pháp cấm vận vũ khí, kinh tài, sau khi đã quan sát phản ứng của các nước châu Phi và Ả Rập. Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày liên quân bắt đầu oanh kích Libya (19/3/2011), thì ngày 25/3/2011, Trung Quốc đã nhanh chóng lên tiếng yêu cầu các bên ngưng bắn ngay lập tức. Đó là vì từ mấy năm qua, cùng với nhiều nước khác của lục địa châu Phi, Libya đã trở thành một đối tác kinh tế quan trọng của Trung Quốc, với hàng tỉ đôla đầu tư. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, 75 công ty, xí nghiệp nước này đã đầu tư vào Libya khoảng 50 dự án với tổng vốn khoảng 18,8 tỉ USD. Thiệt hại trực tiếp do bom đạn hay gián tiếp do chiến sự không chỉ buộc Trung Quốc phải hồi hương 35.000 người mà còn làm thiệt hại đến kinh tế rất lớn. Thật ra Trung Quốc cũng không muốn phản đối Hội đồng bảo an bởi Trung Quốc còn cần HĐBA che chắn lâu dài trong các vụ việc liên quan đến Đài Loan hay Tây Tạng. Nhưng cũng rất nhanh chóng sau đó, Trung Quốc đã tuyên bố sẵn sàng tiến hành hợp tác với các đối tác Libya và đóng góp một cách tích cực vào việc tái thiết Libya”. Tuyên bố sau cùng này cùng với việc Trung Quốc đã là thành viên thường trực cuối cùng của HĐBA LHQ công nhận tân chính quyền tại Lybia cùng với việc Hội đồng Quốc gia Chuyển tiếp Libya đã xác nhận, mọi thỏa thuận ký kết giữa chế độ Gadhafi và Trung Quốc đều có giá trị. Hay sau sự kiện 11/9, Trung Quốc và Hoa Kỳ chính thức trở thành đồng minh trong việc chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Và hơn hết đó là các nước này buộc phải là đồng minh trong các vấn đề về chống ô nhiễm môi trường và bảo vệ môi trường sinh thái chung bởi để làm được điều đó rất cần sự hợp tác chặt chẽ của hai cường quốc hàng đầu thế giới này.
Vấn đề dễ khiến cho mối quan hệ Hoa Kỳ và Trung Quốc trở thành "đồng minh" nhất có lẽ là vấn đề về văn hóa. Dù rằng ở đâu đó trong lòng nước Mỹ, người ta phản đối về việc bành trướng của văn hóa Trung Quốc ở Hoa Kỳ hay ngược lại, người Trung Quốc phản đối biểu tình khi văn hóa Mỹ đang tràn lan ở Trung Quốc, thì cũng phải thấy rằng, quan hệ hợp tác trong lĩnh vực văn hóa là vấn đề dễ khiến người ta xích lại gần nhau nhất. Chắc chắn Trung Quốc và Hoa Kỳ đã, đang và sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau hơn nữa về văn hóa để từ đó thúc đẩy hợp tác kinh tế đang ngày càng phụ thuộc lẫn nhau giữa hai nước.