3.3 Đối sách của ASEAN trƣớc chuyển biến quan hệ Hoa Kỳ Trung Quốc
3.3.2 Tiếp tục phát triển các thể chế hợp tác đa phương và giữ vững vai trò chủ
chủ đạo trong Hợp tác Đông Á
Cùng với chiến lược cân bằng quan hệ trong ứng xử với nước lớn, ASEAN cũng nỗ lực thúc đẩy thiết lập và mở rộng các khuôn khổ hợp tác đa phương với các đối tác bên ngoài. ASEAN từ trước đến nay đã nhận thức sâu sắc rằng, mình không thể tránh khỏi sự tác động của nước lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc và giữa các nước lớn này luôn cạnh tranh với nhau nhằm thiết lập vị thế nổi trội của họ tại khu vực này. Vì thế, ASEAN đã và đang chủ động đóng vai trò xây dựng, tạo nên các thể chế hợp tác đa phương khu vực với sự tham gia của các nước lớn.
Bước chuyển mới đó được thể hiện bằng việc ASEAN chủ động lập nên ARF từ rất sớm, năm 1994, đây là một Diễn đàn hợp tác an ninh đa phương đầu tiên ở khu vực có sự tham gia của hầu hết các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nhật
Bản… Mục đích chính của việc lập diễn đàn này là muốn Mỹ và EU tiếp tục duy trì ảnh hưởng tại khu vực này, đồng thời lôi cuốn Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ có trách nhiệm, chia sẻ nhiều hơn những vấn đề an ninh khu vực. Tuy nhiên, do ARF chỉ là một cơ chế hợp tác an ninh lỏng lẻo với trọng tâm hoạt động là xây dựng lòng tin giữa các nước tham gia, nên Hoa Kỳ cũng không quan tâm lắm. Còn Trung Quốc thì chỉ đến diễn đàn để nói về các ý định hoà bình, hợp tác của họ, trong khi không hề giảm các hoạt động bành trướng ở biển Đông. Do vậy, vấn đề đặt ra cho ASEAN là phải xây dựng thêm các cơ chế hợp tác khu vực khác, đủ sức kiềm chế bớt những tham vọng của các nước lớn khác đang nổi lên. Đây là một trong những nguyên nhân đưa đến sự hình thành các cơ chế hợp tác đa phương mới như ASEAN + 3.
Tuy nhiên, ASEAN cũng ý thức được rằng, Trung Quốc và Nhật Bản đang là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của nhau, đều muốn có ảnh hưởng lớn hơn tới khu vực, nên sẽ là rất khó để triển khai một cách thực chất các hoạt động hợp tác của cơ chế ASEAN + 3. Do vậy, sau khi ASEAN + 3 ra đời, ASEAN đã quyết định hình thành nên cơ chế ASEAN + 1 với các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Đây là một trong những kênh của tiến trình Hợp tác Đông Á. Nhiệm vụ của chúng là triển khai các quyết định, các kế hoạch về hợp tác Đông Á được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN + 3 hàng năm. Trong các tiến trình này, ASEAN với tư cách là người sáng lập, được tất cả các đối tác thừa nhận nắm vai trò chèo lái. Như vậy, với sự xuất hiện của các cơ chế ASEAN + 3, ASEAN + 1, một cấu trúc khu vực mới do ASEAN sáng lập đã hình thành ở Đông Á từ cuối những năm 90 của thế kỷ XX và được xúc tiến khá mạnh mẽ trong những năm đầu tiên của thế kỷ XXI.
Mặc dù vậy, diễn tiến chậm của liên kết ASEAN cũng ảnh hưởng lớn tới việc ASEAN có thể tiếp tục đóng vai trò là một động lực thúc đẩy liên kết Đông Á. Vai trò đó của ASEAN có thể bị đánh mất nếu ASEAN không đẩy nhanh tốc độ liên kết nội bộ trong các cơ chế thích hợp, hiệu quả và chặt chẽ để củng cố sức mạnh toàn hiệp hội trước khi có một viễn cảnh Hội nghị kinh tế Đông Á trở thành hiện thực, bởi cộng đồng này có thể sẽ có cơ chế liên kết mạnh mẽ hơn do có sự hiện diện của các nền kinh tế lớn nhất trong khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Nói cách khác, những ưu thế của ASEAN khi đóng vai trò là một yếu tố thúc đẩy có ảnh hưởng mang tính chi phối tiến trình liên kết Đông Á chỉ hiện hữu trong thời gian không dài trong bối cảnh toàn cầu hoá và khu vực hoá, do đó, nếu ASEAN không kịp
thời điều chỉnh nhịp độ liên kết theo hướng tăng tốc thì rất có thể sẽ bỏ lỡ cơ hội tăng cường vai trò của mình đối với liên kết Đông Á. Hơn nữa, do Hợp tác Đông Á không có sự tham gia của Hoa Kỳ, nên Trung Quốc đã có cơ hội phát huy vai trò của họ trong ASEAN + 3, trong khi vai trò của Nhật Bản và Hàn Quốc lại tương đối mờ nhạt. Nếu tiếp tục tình hình này, thế cân bằng ảnh hưởng giữa các nước lớn mà ASEAN đang cố gắng tạo lập có nguy cơ bị phá vỡ. Do vậy, vấn đề đặt ra cho các nhà lãnh đạo ASEAN là phải tìm cách thu hút sự tham gia của các cường quốc khác vào hợp tác Đông Á. Ý tưởng họp Thượng đỉnh Đông Á (EAS) đã được Tổng thống Hàn Quốc Kim Dea Yung đưa ra và sau đó được các nước ASEAN cũng như nhiều nước ngoài Đông Á như Ấn Độ, Australia, New Zealand và Nga hưởng ứng. Sự quan tâm của các nước lớn tới EAS, một lần nữa, lại tạo cơ hội cho ASEAN thực hiện mục tiêu cân bằng ảnh hưởng.
Với sự ra đời của tiến trình EAS, ASEAN đã tạo được thêm một thành tố mới cho cấu trúc của khu vực. Thành tố này là một vòng đồng tâm lớn, nằm trong ARF nhưng lại nằm ngoài ASEAN + 3 và các ASEAN + 1. Cấu trúc này tạo ra những kênh mới, thông qua đó, ASEAN thu hút được các nguồn lực bên ngoài để phát triển. Quan trọng hơn, các vòng tròn đồng tâm này được liên kết với nhau theo mô hình trục và nan hoa đã làm dày thêm mạng lưới bảo hiểm an ninh cho ASEAN trước các mối đe doạ từ bên ngoài và khai thác sự hiện hiện của Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zealand để kiềm chế bớt ảnh hưởng của Trung Quốc. Rõ ràng, nỗ lực hình thành các thể chế hợp tác đa phương, trong đó ASEAN nắm thế chủ động và duy trì vai trò chèo lái của mình là một trong những phản ứng khá linh hoạt và hợp lý trước sự thay đổi nhanh chóng của môi trường cạnh tranh và an ninh khu vực thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, nhất là sự gia tăng của toàn cầu hoá và nổi lên nhanh chóng của Trung Quốc cũng như gia tăng chiến lược giữa các nước lớn, trước hết là giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tại Đông Nam Á.
KẾT LUẬN
Qua phân tích, đánh giá xu hướng biến động của quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc cũng như những biến động về địa chính trị do cặp quan hệ này tạo ra đối với khu vực Đông Nam Á từ sau sự kiện 11/9/2001 đến nay, có thể đưa ra một số kết luận sau:
Về xu hướng chuyển biến quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc sau sự kiện 11/9/2001 và tác động của mối quan hệ này đến khu vực Đông Nam Á
Thứ nhất, sự nổi lên nhanh chóng của Trung Quốc trong bối cảnh suy giảm tương đối của Hoa Kỳ trong thập niên đầu thế kỷ XXI đang làm thay đổi tương quan ảnh hưởng và trật tự quyền lực của thế giới nói chung, Đông Nam Á nói riêng. Đến thời điểm hiện nay (2011), Hoa Kỳ vẫn là siêu cường số một, giữ vai trò nổi trội về tiềm lực quân sự và cơ chế hợp tác an ninh quốc phòng, nhưng sức mạnh tổng hợp, nhất là về kinh tế có phần suy giảm do cuộc chiến chống khủng bố và khủng hoảng tài chính tác động. Còn Trung Quốc đang gia tăng nhanh vai trò của họ trên trường quốc tế, có phần vượt sức mạnh mềm của Hoa Kỳ tại nhiều nước và khu vực, nhất là ở khu vực Đông Nam Á.
Hiện tại và trong tương lai gần, ít nhất là đến năm 2020, Trung Quốc chưa thể vượt Hoa Kỳ về sức mạnh tổng thể quốc gia cả cứng và mềm trên quy mô toàn cầu. Mô hình “chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc” chưa thể lôi cuốn nhiều nước trên thế giới, kể cả nhiều nước ASEAN. Trong khi đó, Hoa Kỳ vẫn đang có khả năng lôi kéo được nhiều nước ủng hộ mình thông qua quan hệ đồng minh chiến lược và sức hấp dẫn về khoa học, công nghệ và tính đổi mới, sáng tạo. Vì vậy, Hoa Kỳ vẫn còn duy trì vị thế siêu cường, nhân vật nổi hơn của cuộc chơi quyền lực trên thế giới. Có thể trong thập niên tới, hai nước này sẽ đạt được thế cân bằng chiến lược ở Đông Nam Á, nhưng sự cân bằng đó là hết sức mong manh, bấp bênh, dễ bị phá vỡ về mặt chiến lược. Do đó, quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc luôn ở trạng thái vừa can dự, vừa hợp tác vừa cạnh tranh với nhau. Hoa Kỳ và Trung Quốc đều muốn hợp tác để cả hai cùng có lợi nhưng vẫn thúc đẩy các hoạt động quan hệ khác để kìm chế lẫn nhau, mặc cả với nhau trên từng vấn đề.
Thứ hai, Đông Nam Á hiện nay và trong thập niên tới, sẽ là địa điểm chiến lược, nơi giải quyết mâu thuẫn địa chính trị và xác định trật tự quyền lực khu vực, trước hết là giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trọng điểm chiến lược của Hoa Kỳ là cố gắng duy trì vị trí nổi trội của họ, trong đó có lôi kéo Nhật Bản và nhiều nước đồng minh khác trong khu vực Đông Nam Á đi theo mình và thực hiện chính sách can dự, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh để kiềm chế Trung Quốc. Còn đối với Trung Quốc, khu vực Đông Nam Á là nơi thể nghiệm chiến lược “trỗi dậy hoà bình” và xác lập vị thế trung tâm quyền lực ở châu Á và sánh vai với Hoa Kỳ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nhu cầu mở rộng quyền lực của Trung Quốc đang gặp nhiều thách thức bởi chính sách can dự và cạnh tranh của nhiều nước lớn khác, trước hết là Hoa Kỳ. Đây là điểm mấu chốt chi phối môi trường địa chính trị và an ninh của Đông Nam Á hiện nay, nhất là trong tương lai gần.
Cạnh tranh Hoa Kỳ - Trung Quốc tại Đông Nam Á đang gia tăng với tốc độ và quy mô ngày càng lớn và được biểu hiện trên tất cả các mặt với việc thi đua mở rộng “ảnh hưởng mềm” là hết sức phổ biến. Hiện tại, quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc đang ở trạng thái vừa hợp tác, vừa cạnh tranh vừa là đối tác, vừa là đối thủ của nhau. Hoa Kỳ đang chọn can dự, còn Trung Quốc cố tránh gây căng thẳng với Hoa Kỳ, tận dụng mọi cơ hội để phát triển tiềm lực của mình. Tuy nhiên, do mâu thuẫn lợi ích chiến lược, xu hướng căng thẳng trong quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc tăng lên, điều này lại càng làm tăng thêm mức độ phức tạp, bất trắc, khó lường của trật tự Đông Nam Á trong những thập niên tới.
Thứ ba, sự chuyển hoán vai trò và ảnh hưởng quyền lực ở Đông Nam Á trong thập niên qua và xu hướng đang tiếp diễn chủ yếu xoay quanh trục quan hệ và cạnh tranh chiến lược Hoa Kỳ - Trung Quốc đã và đang làm tăng tốc độ và quy mô liên minh, liên kết, tập hợp lực lượng cả trong kinh tế, chính trị với nhiều cấp độ, tầng nấc khác nhau. Điều này một mặt thúc đẩy tiến trình liên kết ASEAN và theo đuổi chính sách cân bằng chiến lược và tính mở của tổ chức này, mặt khác có thể tăng tính “ly tâm” của ASEAN, gây bối rối, khó xử trong quan hệ quốc tế, nhất là với các nước lớn. Hơn nữa, sự gia tăng mâu thuẫn và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, trước hết là Hoa Kỳ - Trung Quốc đang và sẽ làm tăng các điểm nóng vốn tồn tại từ hồi Chiến tranh Lạnh như vấn đề Bắc Triều Tiên, eo biển Đài Loan (tuy hai vấn đề này không phải ở Đông Nam Á nhưng chắc chắn có tác động đến khu vực) và đặc
biệt là thổi bùng tranh chấp biển đảo ở khu vực biển Đông, chạy đua vũ trang. Điều này cũng tác động tiêu cực đến các vấn đề an ninh phi truyền thống như làm tăng khủng bố bạo lực, ô nhiễm môi trường của Đông Nam Á và thế giới. Tất cả các quá trình trên đang làm tăng nguy cơ bùng nổ chiến tranh cục bộ tại những mắt xích, điểm nóng trong khu vực.
Thứ tư, do những biến đổi lớn của môi trường địa chính trị, nhất là quá trình dịch chuyển tương quan sức mạnh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nên khu vực Đông Nam Á trở nên đầy bất trắc. Bởi Đông Nam Á chính là điểm xoáy chiến lược, là chỗ “hở” về an ninh quốc phòng mà bất cứ nước lớn nào cũng có thể chen chân vào. Hiện tại và sau năm 2015, khi Cộng đồng ASEAN trở thành hiện thực, ASEAN cũng chưa thể trở thành vai diễn chính trong bàn cờ địa chính trị Đông Á, lại càng chưa thể trở thành một cực “đối trọng” với một cường quốc nào đó. Tuy vậy, ASEAN có thể đóng vai trò quan trọng trong kiến tạo trạng thái quyền lực tại khu vực này. Hiện tại và trong tương lai gần, ASEAN có khả năng đóng vai trò chủ động và chủ đạo của tiến trình liên kết Đông Á, nhưng vai trò này đang bị thách thức từ chính trong nội bộ ASEAN. Bởi các mối quan hệ kinh tế, chính trị đan xen, nhiều tầng nấc vốn hiện diện tại khu vực này lại càng làm cho môi trường hợp tác và cạnh tranh trở nên mạnh mẽ hơn. Và do đó, mức độ dung hoà lợi ích và quyền lực giữa các nước nhỏ tại khu vực này cũng mong manh, thiếu ổn định.
Về những đối sách mang tính định hướng của ASEAN trước biến động địa chính trị và trật tự khu vực trong thập niên tới
Với những thành tựu đã đạt được trong hợp tác, liên kết nội bộ ASEAN sau hơn bốn thập niên qua, nhất là thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh, quan hội đối ngoại của hiệp hội cũng không ngừng được mở rộng, tạo thế và lực ngày càng tăng ASEAN trong các diễn đàn, cơ chế hợp tác – liên kết khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, trước những biến động do mối quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc tạo ra cho khu vực, để có thể phát huy bị thế địa chiến lược và nguồn tài nguyên địa chính trị đang lên, duy trì được sự ổn định và phát triển của khu vực Đông Nam Á, các nước ASEAN cần thiết có cách tiếp cận và định hướng chính sách sau:
Thứ nhất, tăng cường chính sách “đa cửa”, “đa đối tác” cùng một lúc mở rộng quan hệ với các cường quốc lớn, các khối kinh tế, chính trị lớn trên thế giới như EU.
Trong các cửa, các đối tác thì cần chú trọng thiết lập và mở rộng, nâng cấp đối tác chiến lược với tất cả các nước lớn, nhất là Hoa Kỳ.
Thứ hai, trong bối cảnh ổn định và hợp tác tương đối thân thiết giữa các nước ASEAN, nhưng do nội lực của các nước thành viên còn mỏng và chưa đồng đều nên có thể tạm thời thực hiện “cân bằng chiến lược”, giữa yếu tố bên trong và bên ngoài, giữa nội lực và ngoại lực để phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia. Tuy nhiên, cần coi nội lực khu vực là yếu tố then chốt để khai thác có hiệu quả tương đối với ngoại lực. Điều hết sức quan trọng cho việc duy trì và củng cố an ninh, tự chủ và làm tăng nhanh vị thế của ASEAN trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Đông Á nói riêng.
Thứ ba, ASEAN cần tiếp tục mở rộng và thúc đẩy việc thành lập Cộng đồng ASEAN cũng như thực hiện “cân bằng chiến lược” trong quan hệ với các nước lớn, nhất là với Trung Quốc và Hoa Kỳ. Với Trung Quốc thì việc ứng xử quan hệ là tương đối khó khăn, phức tạp, cần coi trọng hàng đầu bởi đây là cường quốc láng giềng của khu vực. Cho dù có bất đồng quan điểm và có tranh chấp gay gắt về chủ quyền lãnh hải ở biển Đông nhưng tránh đối đầu với Trung Quốc và tìm cách hoá giải mâu thuẫn