Nội dung giáo dục toàn diện

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng hồ chí minh về giáo dục và ý nghĩa trong đổi mới căn bản toàn diện giáo dục việt nam hiện nay (Trang 41 - 48)

8. Kết cấu của luận văn

1.3. Tư tưởng Hồ Chí Minh về nội dung, phương pháp giáo dục và phát

1.3.1. Nội dung giáo dục toàn diện

Tư tưởng về giáo dục con người toàn diện của Hồ Chí Minh được hình thành dựa trên sự nghiên cứu học thuyết Mác - Lênin, sự phân tích tổng kết các ý tưởng lý luận và thực tiễn giáo dục trong các thời kỳ lịch sử, đồng thời dựa trên nền tảng triết lý giáo dục phương Đông và các giá trị của nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Mặc dù Hồ Chí Minh đặt mục tiêu giáo dục phát triển hoàn toàn con người nhưng lại yêu cầu giáo dục phải chủ trọng đủ các mặt. Để đào tạo các em nên những công dân hữu ích cho nước Việt Nam và làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em thì chương trình, nội dung giáo dục phải chú trọng đủ các mặt: “Đối với các em việc giáo dục gồm có:

- Thể dục: Để làm cho thân thể mạnh khoẻ, đồng thời cần giữ gìn vệ sinh riêng và vệ sinh chung.

- Trí dục: Ôn lại những điều đã học, học thêm những tri thức mới. - Mỹ dục: Để phân biệt cái gì là đẹp, cái gì là không đẹp.

- Đức dục: Là yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu trọng của công (5 cái yêu)” [48, tr.175].

Theo đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về nội dung giáo dục toàn diện gồm những nội dung sau đây:

Thứ nhất, giáo dục đạo đức (đức dục) cho người học bao gồm giáo dục tinh thần yêu nước; tư tưởng, đạo đức, lối sống; tinh thần yêu lao động.

Theo Hồ Chí Minh, tinh thần yêu nước là niềm tự hào dân tộc và là truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam. Chính vì thế giáo dục đào tạo con người phải gắn liền với việc bảo vệ và phát huy những giá trị truyền thống văn hóa dân tộc. Người nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” [45, tr.38] . Tinh thần yêu nước là cơ sở, nền tảng, mục đích của sự tồn vong của một dân tộc và nó trở thành chủ nghĩa yêu nước. Với ý nghĩa lý luận khoa học và thực tiễn hết sức to lớn đối với sự tồn vong, hưng thịnh của quốc gia, dân tộc, Hồ Chí Minh coi việc giáo dục tinh thần yêu nước là yếu tố cốt lõi nhất, cơ bản nhất, đầu tiên và được xếp hạng bậc nhất trong nội dung giáo dục. Đạo làm người phải có tinh thần yêu nước và phải tự giáo dục, trau dồi, bồi dưỡng tinh thần yêu nước. Vì thế phải coi trọng việc giáo dục tinh thần yêu nước cho mọi người. Bởi: “Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mợi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến” [45, tr.38].

Giáo dục tinh thần yêu nước, theo Hồ Chí Minh, còn là điều cốt lõi làm nên giá trị tinh thần lớn lao và ý nghĩa cải tạo hiện thực sâu sắc. Tại Đại hội lần thứ III của Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Hồ Chí Minh đã nói: “Đại hội này cần định một chương trình hành động thật cụ thể và thiết thực để làm cho thanh niên ta thấm nhuần sâu sắc tinh thần làm chủ nước nhà... đưa tất cả trí tuệ và lực lượng của

tuổi trẻ góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà” [51, tr.92]. Người còn chỉ rõ: “Tinh thần yêu nước chân chính khác hẳn với tinh thần “vị quốc” của bọn đế quốc phản động. Nó là một bộ phận của tinh thần quốc tế” [45, tr.39]. Bác đã luận chứng một cách hết sức sâu sắc về mối quan hệ biện chứng giữa tinh thần yêu nước chân chính với tinh thần quốc tế vô sản. Tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế, chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là thống nhất với nhau, không tách rời nhau, tác động trợ giúp cho nhau trong tiến trình xây dựng một xã hội vì con người và vì cuộc sống con người, vì hòa bình, độc lập, công bằng, tự do cho các dân tộc và cho loài người.

Về giáo dục tư tưởng, Hồ Chí Minh quan niệm: “Nếu ta không chuẩn bị sẵn sàng, không kịp thời lãnh đạo, thì tư tưởng sẽ hỗn loạn, hành động sẽ hỗn loạn” [46, tr.553]. Cho nên, “bồi dưỡng tư tưởng mới để đánh thắng tư tưởng cũ để trở thành con người mới” [46, tr.300]. Từ những quan điểm trên, Hồ Chí Minh đưa ra nội dung giáo dục về đạo đức rất mới mẻ và sâu sắc. Đó là đạo đức cách mạng. Người giải thích: “Đạo đức cách mạng làm ra sức phấn đấu để thực hiện mục tiêu của Đảng, hết sức trung thành phục vụ giai cấp công nhân và nông dân lao động, tuyệt đối không thể lừng chừng... đạo đức cách mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào, cũng phải tuyệt đối đấu tranh, chống mọi kẻ địch... và thực hiện được nhiệm vụ cách mạng... Đạo đức cách mạng là hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng” [49, tr.606]. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức là toàn diện cả tài và đức, tài và đức không có sự khác biệt mà luôn thống nhất, biện chứng với nhau.

Nội dung giáo dục tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh bao quát, rộng lớn nhưng lại hết sức cụ thể, thiết thực gắn với cuộc sống, việc làm và hành động của mỗi người. Đó là các phẩm chất: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nhất là đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên. Giáo dục đạo đức cách mạng không có nghĩa là phá bỏ tất cả những tư tưởng cũ mà chỉ có cái gì cũ kỹ, lạc hậu gây tác hại xấu đối với sự nghiệp cách mạng thì phải phê phán, cải tạo, phá bỏ. Trong giáo dục đạo đức

cách mạng, Hồ Chí Minh luôn tiếp thu những giá trị đạo được đúc kết bởi truyền thống dân tộc để xây dựng hệ thống giá trị đạo đức mới mang tính giai cấp, tính dân tộc trong thời đại mới. Những phạm trù nhân, lễ, nghĩa, trí, dũng của Nho giáo đã được Người kế thừa, phát triển một cách sinh động và tinh tế. Những quan niệm về cần, kiệm, liêm, chính, chống tham ô, lãng phí, bệnh quan liêu và thực hiện nhân, nghĩa, trí, dũng là những tiêu chuẩn cơ bản của đạo đức cách mạng, là nền tảng cho xây dựng con người mới toàn diện.

Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cho thanh niên bởi “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”, thanh niên phải đi đầu trong mọi công việc. Thanh niên phải có tinh thần quyết tâm, ham công việc ích nước lợi dân, không ham công danh phú quý, siêng năng, tiết kiệm, là gương, trong sạch, không kiêu ngạo, tự mãn, nói ít làm nhiều, thân ái đoàn kết, có tổ chức, có kỷ luật, chống chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tự do, khiêm tốn, giản dị, chống lãng phí xa hoa, phải biết phê bình và tự phê bình... Đối với thiếu niên nhi đồng, Hồ Chí Minh kêu gọi phải tham gia thực hiện đời sống mới: “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”, “hăng hái, kiên quyết, không sợ khó, không sợ khổ, siêng học, siêng làm”, “tiết kiệm, việc nên làm không cần nhắc, việc không nên làm không cần ai ngăn”. Thiếu niên phải luôn phấn đấu: Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, học tập tốt, lao động tốt, đoàn kết tốt, thật thà, dũng cảm, giữ gìn vệ sinh thật tốt.

Về giáo dục tinh thần yêu lao động, Hồ Chí Minh xem lao động là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người công dân đối với Tổ quốc. Mỗi người phải tùy theo khả năng, tự nguyện, tự giác tham gia lao động, góp phần xây dựng nước nhà. Cho nên, “muốn thật thà yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu chủ nghĩa xã hội thì phải yêu lao động, vì không có lao động thì chỉ là nói suông” [49, tr.401]. Người còn chỉ rõ: lao động - lao động chân tay và lao động trí óc, đều là vẻ vang đáng quý. Chúng ta phải chống tư tưởng xem khinh lao động. Lao động là nhân tố cơ bản trong sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đồng thời là điều kiện, tiền đề của sự vận động, biến đổi, phát triển xã hội. Chính thông qua lao động con người mới hiểu được bản thân mình, từng bước nhận thức, khẳng định sức mạnh của con người đối với xã hội và

tự nhiên. Hồ Chí Minh nhận định: “Tất cả của cải vật chất trong xã hội đều do công nhân và nông dân làm ra. Nhờ sức lao động của công nhân và nông dân, xã hội mới sống còn và phát triển” [46, tr.247]. Bởi vậy, “trong việc giáo dục phải có môn giáo dục về lao động”, đối với thiếu niên, thanh niên, học sinh và sinh viên, Người coi “thi đua học tốt”, “thi đua tăng gia sản xuất”. “tham gia kháng chiến” là công việc trọng tâm giáo dục tính siêng năng cho mọi người. Chỉ có thông qua lao động các em mới thấu hiểu được “khó nhọc của công nhân, nông dân”, “biết rõ làm ra cơm áo là khó nhọc”, “biết vì sao phải cần kiệm”, “các cháu không muốn ăn bám bố mẹ, ăn bám xã hội”. Và khi giáo dục được tinh thần yêu lao động thì mỗi người sẽ nhận thức được rằng: “bất cứ làm nghề gì, có ích cho nước nhà, cho nhân dân, cho giai cấp, đều là vẻ vang. Bất cứ nấu bếp, quét nhà hay làm chủ tịch đều phải lao động cả, làm gì ích nước, lợi dân đều là vẻ vang” [48, tr.478].

Thứ hai, giáo dục văn hóa, nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ chính trị cho người học.

Theo Hồ Chí Minh: “Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn nhằm giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật” [53, tr.507]. Ngay từ năm 1943, Hồ Chí Minh đã đưa ra định nghĩa về văn hóa: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá. Văn hóa là tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” [41, tr.458]. Định nghĩa cho thấy những gì mang tính sáng tạo và phát minh của loài người nhằm thích ứng với nhu cầu thực tiễn đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn là văn hóa. Giáo dục văn hóa nhằm tạo ra những có người có tư duy sáng tạo, biết phát hiện và sáng chế ra những cái mới nhằm phục vụ đời sống của

con người. Với quan điểm đó, Hồ Chí Minh cho rằng: nội dung văn hóa phải có tính giáo dục, giáo dục là giáo dục văn hóa.

Con người mới theo Hồ Chí Minh nhất định phải có học thức. Cần phải học văn hóa, chính trị, kỹ thuật. Cần phải học lý luận Mác - Lênin kết hợp với đấu tranh và công tác hàng ngày. Với quan niệm xây dựng con người mới, Hồ Chí Minh không chỉ chú ý đến phát triển, luyện tài và rèn đức cho người chiến sỹ, người cách mạng, mà còn quan tâm nâng cao trình độ kiến thức chuyên môn cho mọi người. Trong đó, Người rất quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ trí thức và trân trọng họ trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Người viết: “Trí thức là hiểu biết. Trong thế giới chỉ có hai thứ hiểu biết: một là hiểu biết sự tranh đấu sinh sản. Khoa học tự nhiên do đó mà ra. Hai la hiểu biết tranh đấu dân tộc và tranh đấu xã hội. Khoa học xã hội do đó mà ra” [43, tr.275]. Nhưng tri thức không chỉ đơn thuần là sự hiểu biết trong sách vở, câu chữ, mà còn biểu hiện ở việc đưa hiểu biết trực tiếp vào cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới. Người lao động trí thức thực sự là nguồn lực cơ bản của sự phát triển kinh tế - xã hội. Bởi vậy, “trí thức học sách, chưa phải trí thức hoàn toàn... muốn thành một người trí thức hoàn toàn thì phải đem cái trí thức đó áp dụng vào thực tế” [43, tr.275]. Với sự nhận thức đúng đắn về vai trò của trí thức, Hồ Chí Minh đã đưa ra chủ trương: công nông trí thức hóa, trí thức công nông hóa. Để nâng cao trình độ văn hóa thì mọi người cần phải được phổ cập hóa giáo dục: ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập năm 1945, Hồ Chí Minh phát động phong trào thanh toán nạn mù chữ một cách có kế hoạch, liên tục, bền bỉ và tạo điều kiện cho “những người đã biết đọc biết viết tiếp tục học thêm”. Bởi thanh toán nạn mù chữ là cơ sở để nâng cao trình độ văn hóa cho người dân, góp phần đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển dân chủ, xây dựng nước ta thành một nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Người cũng nhắc nhở cần phải giáo dục về “thường thức vệ sinh, để dân bớt ốm đau”, giáo dục “thường thức khoa học, để dân bớt mê tín nhảm”, dạy cho nhân dân biết “bốn phép tính để làm ăn có ngăn nắp”. Cùng với việc nâng cao trình độ văn hóa trong giáo dục, Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm đến việc bồi dưỡng kiến thức khoa học cho

mọi người vì “khoa học là tổng kết những kinh nghiệm đấu tranh giữa giai cấp bị bóc lột và giai cấp bóc lột và đấu tranh giữa con người và thiên nhiên” [52, tr.401].

Hồ Chí Minh rất chú ý đến việc giáo dục, nâng cao trình độ giác ngộ chính trị cho mọi người. Trong “Thư gửi Đại hội Giáo dục toàn quốc” (7/1951), Người viết: “Đại hội nên làm thế nào cho việc giáo dục liên hệ với đời sống của nhân dân, với công cuộc kháng chiến và kiến quốc của dân tộc. Làm thế nào phối hợp việc giáo dục của trường học với việc tuyên truyền và giáo dục chính trị chung của nhân dân” [45, tr.139]. Việc giáo dục nâng cao trình độ lý luận chính trị cho mọi người là một trong những động lực quan trọng đối với công cuộc đấu tranh chống kẻ thù. Được giáo dục chính trị, chúng ta mới có trình độ giác ngộ cách mạng, nhận thức được quyền lợi, nhiệm vụ và trách nhiệm của mình. Từ đó, mọi người mới thực sự “ghét cay, ghét đắng bọn thực dân Pháp, bọn can thiệp Mỹ, bọn Việt gian, bọn bù nhìn. Vì chúng nó mà ta khổ” [45, tr.186]. Giáo dục chính trị cho mọi người không chỉ để nâng cao trình độ lý luận chống lại ách thống trị của đế quốc thực dân mà còn để “cải tạo” và “chiến đấu” với chính mình. Để nâng cao nhận thức về chính trị cho mọi người trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, một yêu cầu đặt ra là phải nâng cao trình độ lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Nâng cao trình độ lý luận là yếu tố tinh thần quan trọng của người chiến sỹ cách mạng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đời sống mới, con người mới.

Thứ ba, giáo dục sức khỏe và mỹ dục cho mọi người.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng hồ chí minh về giáo dục và ý nghĩa trong đổi mới căn bản toàn diện giáo dục việt nam hiện nay (Trang 41 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)