8. Kết cấu của luận văn
2.3. Ý nghĩa thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đối với đổ
2.3.2. Nâng cao nhận thức về mục tiêu và vai trò của giáo dục đối với sự
phát triển đất nước theo hướng bền vững
Phát triển con người một cách toàn diện luôn là mục tiêu xuyên suốt mọi chính sách của Đảng, Nhà nước trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, mục tiêu giáo dục luôn đi đôi với mục tiêu cách mạng. Trong một thời gian dài, khi nhiệm vụ của nhân dân ta là đấu tranh giành độc lập và thống nhất thì giáo dục tập
trung vào mục tiêu đào tạo con người có tinh thần yêu nước, sẵn sàng hi sinh vì lý tưởng độc lập, tự do. Sau khi đất nước thống nhất, với chủ trương kiến tạo một xã hội theo “chế độ làm chủ tập thể”, mục tiêu giáo dục được xác định là con người Việt Nam mới có những đặc trưng nổi bật là tinh thần làm chủ tập thể, tinh thần sáng tạo trong lao động, lòng yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội, tinh thần quốc tế vô sản. Đến giai đoạn đổi mới, việc xác định lại mục tiêu giáo dục được xem là nội dung đầu tiên của tư tưởng chỉ đạo phát triển giáo dục trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hiến pháp năm 1992 quy định: “Mục tiêu của giáo dục là hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân; đào tạo những người lao động có nghề, năng động và sáng tạo, có niềm tự hào dân tộc, có đạo đức, có ý chí vươn lên góp phần làm cho dân giàu nước mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Tiếp đó, Luật Giáo dục 1998 cũng đã ghi rõ: “Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã xác định: “xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, lòng khoan dung, tôn trọng nghĩa tình, lối sống có văn hoá, quan hệ hài hoà trong gia đình, cộng đồng và xã hội”.
Tuy nhiên, có hai điểm hạn chế dễ thấy trong việc xác định mục tiêu giáo dục những năm gần đây. Thứ nhất, quá nhấn mạnh việc hình thành các thế hệ, xem nhẹ sự phát triển cá nhân, thực chất là chưa tôn trọng tính độc đáo của cá nhân trong cộng đồng. Thứ hai, đưa ra những mục tiêu quá cao, thiên về cái cao cả, nhấn mạnh vào lý tưởng và những tình cảm lớn mà bỏ qua hoặc trình bày không đầy đủ các giá trị cá nhân phổ quát. Cho nên, nói phát triển nhân cách nhưng vẫn là mong muốn hình thành những phẩm chất chung cho mọi cá nhân nhằm đào tạo những thế hệ, những lớp người để kiến tạo một xã hội lý tưởng.
Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập quốc tế để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, theo “Bản kiến nghị chấn hưng, cải cách, hiện đại hóa giáo dục” do GS. Hoàng Tụy đứng đầu gửi Thủ tướng Chính phủ thì rõ ràng “cần thay đổi tư duy giáo dục, xác định lại quan niệm về mục tiêu, yêu cầu đạo tạo và chức năng của nhà trường, từ đó mới thấy rõ cần thay đổi cung cách dạy học, thay đổi nội dung, phương pháp, tổ chức quản lý giáo dục như thế nào để đạt được mục tiêu đó”.
Phương hướng đổi mới mục tiêu giáo dục: trong các văn bản chính thức về mục tiêu giáo dục, việc bồi dưỡng, phát triển những năng lực sẵn có của cá nhân còn bị xem nhẹ, thay vào đó là nhấn mạnh mục tiêu đào tạo các thế hệ, các lớp người, tập trung bồi dưỡng lý tưởng và những tình cảm lớn. Để xác định mục tiêu phát triển nhân cách mà nền giáo dục hướng tới, cần hết sức coi trọng các giá trị nhân văn phổ quát, trước hết là tư cách làm người, rồi mới đến tư cách công dân - thành viên xã hội, từ đó hình thành và phát triển tư cách công dân thế giới. Phương hướng của mục tiêu phát triển nhân cách là người học có phẩm chất và năng lực ứng xử hợp đạo lý trong các mối quan hệ: với bản thân, với người khác, với lao động, với thiên nhiên...
Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh rất nêu cao vai trò quan trọng của giáo dục trong việc nâng cao dân trí, tạo ra những con người xã hội chủ nghĩa để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Lời dạy của Người chứa đựng toàn bộ giá trị chân lý của thời đại cho đến ngày hôm nay. Để không bị tụt hậu, để xây dựng và phát triển thành công một đất nước độc lập tự do theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì rất cần phải nhận thức rõ hơn nữa vị trí và vai trò của giáo dục và đào tạo.
Với vị trí và vai trò quan trọng, trong những năm gần đây, giáo dục ngày càng được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm: sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước ta tiếp tục được phát triển và được đầu tư nhiều hơn, sự đổi mới từng bước của giáo dục đã tác động trực tiếp, to lớn và tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần quan trọng đưa nước ta nhanh chóng hoàn thành quá trình
công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng phát triển hiện đại đến năm 2020.
Trong suốt tiến trình cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đã luôn khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là những chính sách trọng tâm, có vai trò chính yếu của Nhà nước, được ưu tiên trước nhất, thậm chí đi trước một bước so với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội khác. Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã có nhiều quan điểm chỉ đạo về phát triển giáo dục và đào tạo. Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, chủ tịch Hồ Chí Minh đã trình bày với các Bộ trưởng 6 nhiệm vụ cấp bách của đất nước lúc bấy giờ, trong đó có nhiệm vụ về giáo dục: Diệt giặc dốt.
Nghị Quyết TW 3, khoá 7 năm 1993 khẳng định: “Khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”.
Nghị quyết TW 2, khoá VIII: “Phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”.
NQTW 8, khoá XI: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”.
Với vị trí quốc sách hàng đầu, giáo dục có vai trò là nền tảng, động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Vai trò của giáo dục được thể hiện rõ trong quan điểm của Đảng ở các kì đại hội. Nghị quyết TW 2 khoá VIII đã khẳng định: “Phát triển giáo dục và đào tạo là nền tảng, động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay”. Thêm vào đó, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X cũng nhấn mạnh: “Giáo dục và đào tạo là một trong những động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là điều kiện để phát huy nguồn lực con người - yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững”. Cương lĩnh xây dựng và phát triển đất nước trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) một lần nữa khẳng định lại quan điểm xuyên suốt của Đảng ta: “Giáo dục và đào tạo có sứ
mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 được thông qua tại Đại hội XI, vai trò của giáo dục lại được làm rõ: “Giáo dục đào tạo cần tập trung vào việc phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”.
Để đổi mới giáo dục thành công thì Đảng cần nâng cao nhận thức sâu sắc mục tiêu và vai trò của giáo dục đối với sự phát triển của con người và xã hội. Bởi vậy, Nghị quyết 29-NQ/TW khẳng định: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa”.
Mục tiêu và vai trò của giáo dục đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia giai đoạn nào cũng quan trọng tuy nhiên cần mỗi giai đoạn khác nhau cần phải bổ sung những yếu tố thực tiễn và thời đại để cho phù hợp với yêu cầu đổi mới. Điều này đòi hỏi khoa học nghiên cứu giáo dục phải đi trước một bước để bổ sung, phát triển lý luận giáo dục, đưa nó trở thành chiến lược, chính sách, vận dụng vào thực tiễn đổi mới giáo dục nói riêng, đổi mới đất nước nói chung.