8. Kết cấu của luận văn
1.3. Tư tưởng Hồ Chí Minh về nội dung, phương pháp giáo dục và phát
1.3.2. Phương pháp giáo dục toàn diện
Theo Hồ Chí Minh, “Muốn học tập có kết quả tốt thì phải có thái độ đúng và phương pháp đúng” [53, tr.116]. Phương pháp giáo dục của Hồ Chí Minh không được thể hiện cụ thể qua một tác phẩm hay bài viết chuyên đề mà được thể hiện sinh động, cụ thể, sâu sắc mà dễ thực hiện thông qua các bài nói, bài viết và thực tiễn hoạt động sinh động của Người. Phương pháp giáo dục Hồ Chí Minh thấm nhuần triết lý hành động của phương Đông và được soi sáng bởi thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin nên hết sức đa dạng, phong phú và sinh động.
Thứ nhất, phương pháp học đi đôi với hành, lời nói đi đôi với việc làm, lý luận gắn liền với thực tiễn.
Nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một trong những nguyên tắc cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Về khái niệm, theo Hồ Chí Minh: “Lý luận là sự tổng kết những kinh nghiệm của loài người, là sự tổng hợp những tri thức về tự nhiên và xã hội tích trữ lại trong quá trình lịch sử” [49, tr.96], thực tiễn là những vấn đề cách mạng đặt ra cho ta phải giải quyết. Lý luận và thực tiễn có mỗi quan hệ biện chứng và thống nhất: “Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông” [49, tr.95]. Vì thế, phương pháp giáo dục của Hồ Chí Minh hết sức thiết thực: nói và đi đôi với làm, học đi đôi với hành.
Từ nguyên tắc trên, Hồ Chí Minh căn dặn: “Các cháu học sinh không nên học gạo, không nên học vẹt... Học phải suy nghĩ, học phải liên hệ với thực tế, phải có thí nghiệm và thực hành. Học với hành phải kết hợp với nhau” [52, tr.402], phải “kết hợp chặt chẽ lý luận với thực hành, giáo dục với lao động”. Phương pháp giáo dục này góp phần quan trọng đến sự chuyển hướng từ nền giáo dục thực dân phong kiến sang nền giáo dục mới xã hội chủ nghĩa. Trong xã hội phong kiến, giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức, “học một đường, hành một nẻo. Nay phải sửa chương trình làm sao để học thì thực hành ngay” [43, tr.74]. Đó mới là phương pháp dạy và học của nền giáo dục mới, với phương pháp này thì người học có thể học trong mọi điều kiện, hoàn cảnh khác nhau.
Bên cạnh đó, phương pháp giáo dục còn là học phải gắn liền với sản xuất bởi nền giáo dục xã hội chủ nghĩa nhằm tạo ra những người giỏi về văn hóa, khoa học, trình độ chuyên môn, tay nghề,... Nhưng những tri thức đó không phải là tri thức suông, giáo điều trong sách vở. Sự kết hợp giữa giáo dục và lao động sản xuất sẽ trang bị cho người học nắm vững những kiến thức cơ bản và đào tạo cho người học những đức tính cần cù, siêng năng, trở thành công dân tốt, hăng hái tham gia xây dựng đất nước. Theo Hồ Chí Minh, chỉ có thực hành mới là thước đo đúng nhất cho sự hiểu biết của con người về thế giới. Trong “quá trình thực hành, người ta mới đạt
được kết quả đã dự tính trong tư tưởng, và lúc đó sự hiểu biết mới được chứng thực. Muốn như thế, tư tưởng nhất định phải hợp với quy luật khách quan. Không hợp thì trong lúc thực hành sẽ bị thất bại. Trải qua thất bại, người ta học được kinh nghiệm, để sửa đổi tư tưởng cho hợp quy luật khách quan, rồi đổi thất bại ra thành công” [45, tr.12]. Trong đó, thực hành có vai trò quan trọng cao hơn lý luận vì thực hành có tính chất phổ biến, tính thực tế cụ thể hơn, chỉ có thực hành mới là tiêu chuẩn của sự thật. Bởi vậy trong quá trình dạy học cần phải kết hợp học đi đôi với hành để người học có thể nhận thức, phát hiện và khám phá ra những cái mới: “Học thì phải ôn cái cũ và biết thêm cái mới. Nếu không ôn lại thì những cái học được, sẽ quên mất” [46, tr.268]. Phương pháp học kết hợp với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất của Hồ Chí Minh hoàn toàn thống nhất với quan điểm về lý luận và thực tiễn, mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn trong những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác nhưng được chuyển tải hết sức dễ hiểu và sâu sắc.
Thứ hai, phương pháp giáo dục kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
Gia đình, nhà trường, xã hội đều là những nhân tố môi trường quan trọng trong việc quyết định hình thành bản chất, nhân cách của mỗi con người, bởi vậy, giáo dục cần có sự kết hợp giữa ba nhân tố trên như Hồ Chí Minh quan niệm: đào tạo “trong nhà trường, chỉ là một phần, còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn” [48, tr.491]. Người cũng nhiều lần nhắc đến phương pháp giáo dục này bởi giáo dục đào tạo là “công việc chung của gia đình, nhà trường và xã hội”. Trong Thư gửi Đại hội Giáo dục toàn quốc tháng 7 năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đại hội nên chú ý làm thế nào cho việc giáo dục liên kết với đời sống của nhân dân, với công cuộc kháng chiến và kiến quốc của dân tộc. Làm thế nào để phối hợp việc giáo dục của trường học với việc tuyên truyền và giáo dục chính trị chung của nhân dân” [45, tr.139].
Với phương pháp giáo dục này, Hồ Chí Minh đặc biệt lưu ý đến việc làm gương của mọi người, làm gương là cách thức giáo dục mang lại hiệu quả cao bởi sự thiết thực, sinh động và cụ thể, qua đó, những việc làm của người làm gương cũng trở thành nội dung giáo dục để họ tự giáo dục cho mình và giáo dục cho người khác. Đặc biệt là đối với đội ngũ giáo viên: “ngoài tri thức phải có đạo đức cách mạng. Thầy giáo phải làm kiểu mẫu cho các cháu. Làm được như thế là làm tròn nhiệm vụ” [48, tr.315].
Thứ ba, phương pháp đối thoại, tranh luận trong quá trình dạy và học.
Theo Hồ Chí Minh, trong quá trình dạy và học, nhà giáo phải học hỏi, biết lắng nghe ý kiến người khác để làm giàu tri thức cho mình, trên cơ sở có sự gợi mở của người dạy và những thắc mắc của người học. Phương pháp đối thoại không chỉ có vai trò trong quá trình dạy và học mà còn được thực hiện thông qua các buổi thảo luận, hội họp. Bởi “trong lúc thảo luận, mọi người được hoàn toàn tự do phát biểu ý kiến, dù đúng hoặc không đúng cũng vậy. Song không được nói gàn, nói vòng quanh” [43, tr.272]. Đó là quan điểm dân chủ, thẳng thắn, không nhồi sọ, đúc khuôn để đến với tự do tư tưởng trong nhận thức. Cho nên trong trường học cần có dân chủ để thầy và trò cùng nhau thảo luận, ai có ý kiến gì đều thật thà phát biểu. Điều gì chưa thông suốt thì hỏi, bàn cho thông suốt. Hồ Chí Minh cũng lưu ý trong thảo luận bên cạnh việc được quyền tự do trình bày chính kiến, quan điểm của mình thì mọi người phải biết dùng từ sao cho giản dị, dễ hiểu và dễ nhớ: “phải biết cách nói. Nói thì phải giản đơn, rõ ràng, thiết thực. Phải có đầu, có đuôi, sao cho ai cũng hiểu được, ai cũng nhớ được” [43, tr.191]. Với quan điểm như vậy, thì viết cũng phải có phương pháp: viết là để “giáo dục, cổ động; nếu người xem mà không nhớ được, không hiểu được, là viết không đúng, nhằm không đúng mục đích. Mà muốn cho người xem hiểu được, nhớ được, làm được, thì phải viết cho đúng trình độ của người xem, viết rõ ràng, gọn gàng, chớ dùng chữ nhiều” [46, tr.207].
Thứ tư, phương pháp giáo dục tùy theo đối tượng, lấy người học làm trung tâm trong quá trình dạy và học.
Hồ Chí Minh luôn yêu cầu việc dạy và học phải dựa trên năng lực, điều kiện và trình độ của người học, đó là cơ sở hàng đầu cho việc phát huy năng lực sáng tạo của mọi người và nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục. Bởi vậy, giáo dục cần phải căn cứ vào đối tượng, điều kiện, hoàn cảnh của người học mà truyền đạt nội dung, bổ sung cách thức giáo dục cho phù hợp. Người nhấn mạnh: “bất cứ việc to, việc nhỏ, chúng ta phải xét rõ và làm cho hợp trình độ văn hóa, thói quen sinh hoạt, trình độ giác ngộ, kinh nghiệm tranh đấu, lòng ham, ý muốn, tình hình thiết thực của quần chúng” [43, tr.288].
Phương pháp lấy người học làm trung tâm trong quá trình dạy học được Hồ Chí Minh cụ thể hóa với mỗi đối tượng trong từng cấp học như sau:
“Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn kết hợp với thực tiễn của nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà.
Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế.
Tiểu học thì cần giáo dục cho các cháu thiếu nhi: yêu tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công. Cách dạy phải nhẹ nhàng và vui vẻ, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn. Phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức khỏe của các cháu” [48, tr.186].
Giáo dục không những phải xác định đúng đối tượng mà còn phải tìm hiểu điều kiện, hoàn cảnh dạy và học cụ thể. Để có phương pháp dạy học hiệu quả, thầy giáo phải có tầm nhìn khái quát, sâu sắc, nhạy bén về từng đối tượng với từng hoàn cảnh khác nhau. Phương pháp giáo dục phải linh hoạt, mềm dẻo phù hợp với từng đối tượng, công việc, trách nhiệm cụ thể của từng người. Như đối với nông dân và công dân thì họ “bận làm ăn, nếu dạy không hợp với người học, với làm ăn, bắt phải đến lớp có bàn có ghế là không ăn thua. Phải tùy hoàn cảnh làm ăn mà tổ chức học mới duy trì được lâu dài, mới có kết quả tốt” [48, tr.368]; có những gia đình nghèo, “trẻ em phải ở nhà giúp việc không đi học”, thì phải “giải quyết vừa học vừa làm.
Khuyên các trẻ em họp thành tiểu tổ, như tổ chăn trâu, tổ cắt cỏ, tổ đan nón... Các em vừa làm vừa học” [43, tr.280]. Có vậy thì mới khơi dậy được hết khả năng của thầy và tiềm năng của người học. Hồ Chí Minh cũng căn dặn giáo dục phải theo hoàn cảnh, điều kiện, “phải ra sức làm nhưng làm vội không được...Làm phải có kế hoạch, có từng bước” [48, tr.345].
Phương pháp lấy người học làm trung tâm của giáo dục còn phải chú ý đến tâm lý của người học, coi đó là phương pháp khơi dậy mọi tiềm năng, trí tuệ của con người. Vì thế giáo dục phải biết phát huy tính chủ động, sáng tạo thông qua việc học kết hợp với vui chơi. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Hồ Chí Minh đã phân tích những kinh nghiệm về công tác xây dựng nền văn hóa giáo dục mới. Người lấy công việc mở mang giáo dục của đồng chí vệ quốc quân làm bài học kinh nghiệm cho mọi người. Việc lập trường, mở lớp của chế độ mới được diễn ra dưới mọi hình thức nhưng lại không mấy người đến học. Phương pháp của đồng chí vệ quốc quân làm cho các gia đình “chẳng những cho các con đã lớn đi học, mà gửi cả con còn bé cho thầy... rồi người lớn cũng vui học” [43, tr.280], vì “vui chơi lành mạnh là một bộ phận quan trọng trong sự sinh hoạt của thanh niên...trong vui chơi cũng có giáo dục. Cần có những thứ vui chơi văn hóa” [47, tr.266]. Từ đó, Hồ Chí Minh căn dặn các nhà làm giáo dục cần biết quan tâm đến mối quan hệ giữa học và vui chơi.
Lấy người học làm trung tâm của quá trình dạy học, Hồ Chí Minh rất quan tân đến công tác thi đua dạy và học. Thi đua là một trong những nhân tố quan trọng góp phần kháng chiến, “kiến quốc thành công, hoàn thành nền dân chủ mới, tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Theo đó, thi đua trong ngành giáo dục là: “Giáo viên thì thi đua tìm cách dạy cho dễ hiểu, cho chóng tiến bộ. Học sinh thì đua học cho chóng, cho nhiều, cho tốt” [43, tr.541]. Trong học tập phải “thi đua nhau, thi đua một cách thiết thực, để cùng nhau tiến bộ” [44, tr.163]. Bởi vậy, các cấp, các ngành, các đoàn thể của hệ thống giáo dục phải quan tâm đến việc “thầy thi đua dạy, trò thi đua học”, “lớp này thi đua với lớp khác, trường này thi đua với trường khác, trong việc học và hành, làm cho nền giáo dục của ta phát triển và tốt đẹp” [47, tr.179].
Thứ năm, phương pháp tự học và tự giáo dục.
Tự học và tự giáo dục là những vấn đề quan trọng trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục. Cuộc đời Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về tự học và tự giáo dục. Ý thức được sự cần thiết của tự học, ngay từ những ngày đầu tiên đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã đặt ra mục tiêu và ý chí quyết tâm tự học. Chính nhờ tự học mà Người đã thông thạo nhiều ngoại ngữ, đã tiếp cận được những giá trị của các nền văn hóa tiến bộ trên thế giới và chủ nghĩa Mác - Lênin. Năm 1961, khi nói chuyện với những cán bộ, đảng viên hoạt động lâu năm, Hồ Chí Minh đã tâm sự: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học. Việc lớn, việc nhỏ tôi phải tham gia. Công việc cứ tiến mãi. Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau” [51, tr.273]. Trong bản kê khai đại biểu tham dự Đại hội VI Quốc tế Cộng sản năm 1935, mục trình độ học vấn, Người đã ghi: Tự học. Cả cuộc đời Người đã lấy tự học, tự giáo dục mà phát triển trưởng thành. Đây cũng là cơ sở thực tiễn trực tiếp cho sự hình thành tư tưởng về tự học, tự giáo dục.
Bằng kinh nghiệm thực tiễn của bản thân, Hồ Chí Minh đã rút ra kết luận về phương pháp học tập: là phải “lấy tự học làm cốt. Do thảo luận và chỉ đạo giúp vào” [43, tr.312]. Tư tưởng “lấy tự học làm cốt” tức là tự học làm khung sườn cho các phương pháp, hình thức dạy học khác. Tự học phải thâm nhập vào tất cả các phương pháp và hình thức tổ chức học tập khác thành một hệ thống nhất quán. “Lấy tự học làm cốt” là tự học phải trở thành mục tiêu định hướng toàn bộ quá trình dạy học, phải biến quá trình dạy học thành quá trình tự học. Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh không tuyệt đối hóa tự học mà đặt nó trong mối quan hệ với thảo luận và chỉ đạo. Tự học là hoạt động tự lực của người học, thảo luận là hoạt động tranh luận cọ sát các vấn đề học tập của từng cá nhân trong tập thể lớp học, chỉ đạo là hoạt động tổ chức, điều khiển, định hướng của giáo viên. Trong mối quan hệ biện chứng giữa hoạt động của người học với hoạt động của tập thể lớp và hoạt động của người dạy thì hoạt động của người học giữ vai trò qua trọng nhất. Người học phải tự mình tổ chức, tự mình điều khiển các hoạt động học tập, tự mình xử lý các khâu, các bước trong quá trình dạy học có mục đích, có kế hoạch, có người tổ chức, điều khiển.