Đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giáo dục nhằm phát

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng hồ chí minh về giáo dục và ý nghĩa trong đổi mới căn bản toàn diện giáo dục việt nam hiện nay (Trang 87 - 93)

8. Kết cấu của luận văn

2.3. Ý nghĩa thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đối với đổ

2.3.3. Đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giáo dục nhằm phát

triển toàn diện con người

2.3.3.1. Đổi mới nội dung, chương trình giáo dục

Theo GS.VS Phạm Minh Hạc, phát triển toàn diện con người là khái niệm chỉ mục đích tổng quát, được đặc trưng bởi yêu cầu toàn diện, được đặt ra trong quá trình phát triển cá nhân. Giáo dục là lĩnh vực liên quan mật thiết nhất tới sự phát triển toàn diện con người cũng như sự phát triển bền vững của mọi quốc gia. Xã hội ngày càng phát triển, nhận thức của con người ngày càng sâu rộng thì những vấn đề về con người đặt ra cũng ngày càng phức tạp, đa dạng hơn. Con người và phát triển con người đã trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học. Đúng như C.Mác đã dự báo, trong tương lai mọi khoa học đều gặp nhau ở một khoa học cao

nhất, đó là khoa học về con người. Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề xây dựng và phát triển con người đang là một vấn đề thực tiễn sống động, ảnh hưởng đến các nền tảng phát triển của nhân loại.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền giáo dục phát triển toàn diện con người trên các mặt đạo đức, trí lực, thể lực, mỹ thuật (gọi tắt là đức, trí, thể, mỹ) đã góp phần to lớn vào việc đào tạo cho cách mạng Việt Nam những con người ưu tú, đủ sức đưa Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, liên tục giành những thắng lợi to lớn, làm thay đổi sâu sắc địa vị nước ta từ nước thuộc địa, nô lệ trở thành một nước độc lập và ngày càng có vị thế trên trường quốc tế.

Nghị quyết 29-NQ/TW lại tiếp tục khẳng định: “Đổi mới chương trình nhằm phát triển năng lực và phẩm chất người học, hài hòa đức, trí, thể, mỹ; dạy người, dạy chữ và dạy nghề. Đổi mới nội dung giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và ngành nghề; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân. Tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”.

Bước vào thế kỷ XXI, khi đất nước từng bước tiến sâu vào quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chủ động mở cửa và hội nhập với khu vực và quốc tế thì hàng loạt thách thức đã nảy sinh xung quanh việc xử lý vấn đề vì con người, cho con người, phát huy nhân tố con người. Nói cách khác hầu như các vướng mắc trên con đường phát triển, đều có nguyên nhân thuộc về vấn đề con người Việt Nam chưa được phát triển toàn diện - sản phẩm tất nhiên và đặc thù của lịch sử Việt Nam. Trong các bản đề án cải cách giáo dục và các Nghị quyết về giáo dục luôn định hướng xây dựng phát triển con người về các mặt đức, trí, thể, mỹ nhưng trên thực tế thì các mặt ấy chưa được phát triển đồng đều thậm chí có mặt bị xem nhẹ. Vì vậy, trong cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam hiện nay, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về đức, trí, thể, mỹ của con người Việt Nam là hết sức cần thiết để tìm ra những định hướng, nguyên tắc phương pháp luận đúng đắn cho

sự nghiệp xây dựng con người Việt Nam làm chủ đất nước, đủ tài, đức, sức khoẻ, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Muốn vậy, cần phải phát triển hài hòa giữa đức, trí, thể, mỹ. Trước đây, chương trình giáo dục của nước ta nặng về truyền thụ kiến thức, nặng về khoa cử, mục đích và động cơ học tập của người học phần lớn là cố gắng vượt qua các kỳ thi, đặc biệt là thi tuyển với yêu cầu cao, thậm chí là rất cao về lý thuyết. Nên dẫn tới tình trạng mất cân đối giữa phát triển đức, trí, thể, mỹ, phần trí lực được quan tâm phát triển nhiều hơn các mặt đạo đức, thể dục, thẩm mỹ, vô hình chung dẫn tới sự phát triển con người không toàn diện. Nhằm phát huy “năng lực sẵn có” của con người, công cuộc đổi mới giáo dục lần này chủ trương hướng coi trọng phát triển, phẩm chất và năng lực của người học. Đây là chủ trương đúng đắn nhằm phát triển con người toàn diện, theo hướng đó, những nội dung giáo dục sẽ được tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình đồ và ngành nghề, tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Xây dựng và chuẩn hóa nội dung giáo dục phổ thông theo hướng hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng, tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên; giảm số môn học bắt buộc; tăng môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn.

Tuy nhiên, khi đường lối đường cụ thể hóa bằng chính sách, chương trình thì cần có sự nghiên cứu kĩ càng và nghiêm túc tránh chủ quan và kinh nghiệm chủ nghĩa, phải có cơ sở lỹ luận vững chắc và có sự đồng thuận của xã hội. Sau khi Nghị quyết 29 ra đời năm 2012, có rất nhiều dự án, đề tài, đề xuất xây dựng chính sách đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam và đến năm 2015, nền giáo dục Việt Nam chính thức bước vào công cuộc đổi mới. Song những động thái đổi mới dường như chưa đem lại kết quả như các nhà làm chính sách, cán bộ quản lý giáo dục và nhân dân đặc biệt là người học mong muốn. Đến năm 2018, chương trình và sách giáo khoa phổ thông sẽ được thay đổi không những về mặt kiến thức mà còn cả về tên gọi môn học và sẽ có các môn bắt buộc, các môn tự chọn, học sinh được trải nghiệm thực tế nhiều. Đổi mới giáo dục lần này là vô cùng mạnh mẽ nhưng vẫn cần phải dựa trên cơ sở lý luận nền tảng là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, cần có sự nghiên cứu, xem xét thấu đáo của nghiên cứu khoa học giáo

dục trong việc biên soạn chương trình và sách giáo khoa mới, đồng thời học hỏi kinh nghiệm giáo dục quốc tế để đổi mới giáo dục Việt Nam thành công.

2.3.3.2. Đổi mới phương pháp giáo dục

Phương pháp giáo dục là học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Nội dung giáo dục phải bảo đảm tính cơ bản, toàn diện, thiết thực, hiện đại và có hệ thống; coi trọng giáo dục tư tưởng và ý thức công dân; kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; phù hợp với sự phát triển về tâm sinh lý lứa tuổi của người học. Phương pháp giáo dục phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo của người học; bồi dưỡng cho người học năng lực tự học, khả năng thực hành, lòng say mê học tập và ý chí vươn lên.

Tại Hội nghị cán bộ Đảng ngành giáo dục (6-1957), Bác Hồ đã nói: "Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn” [48, tr.591]. Và Người cũng yêu cầu phải lấy nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn làm nguyên tắc cơ bản cho việc xây dựng các phương pháp về giáo dục. Dạy và học phải gắn tri thức lý luận với thực tiễn cuộc sống. Học và hành phải luôn đi đôi với nhau, gắn bó mật thiết với nhau. Người nhấn mạnh học phải suy nghĩ, học phải liên hệ với thực tế, phải có thí nghiệm và thực hành. Học với hành phải kết hợp với nhau. Người chỉ rõ: “Học để hành, học mà không hành thì vô ích, hành mà không học thì không trôi chảy” [44, tr.361]. Lời dạy của Bác có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc dạy học của chúng ta hiện nay.

Lịch sử giáo dục nước ta cho thấy, trong điều kiện đất nước còn chiến tranh, nền kinh tế còn yếu kém nhưng nền giáo dục Việt Nam đã đào tạo những thế hệ người Việt Nam anh dũng, mưu trí trong đấu tranh; cần cù, sáng tạo trong lao động đã góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đưa nước ta từ một nước nghèo, kém phát triển trở thành nước đang phát triển, hội nhập với thế giới. Thành

tựu đó của giáo dục là kết quả của quá trình triển khai thực hiện tốt nguyên lý, phương pháp và nội dung giáo dục.

Cả về lý luận và thực tiễn đều khẳng định vai trò của nguyên lý giáo dục trong quá trình giáo dục là hết sức quan trọng. Vì vậy, chúng ta cần quan tâm nghiên cứu, đánh giá việc thực hiện nguyên lý giáo dục trong các cơ sở giáo dục hiện nay để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Trong những năm gần đây, chúng ta tiến hành đổi mới nội dung, chương trình; đổi mới phương pháp giảng dạy; đổi mới quản lý giáo dục; đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục... Phải nói rằng thực hiện những công việc đổi mới nêu trên đã tốn kém hàng ngàn tỷ đồng của nhân dân nhưng chất lượng giáo dục nói chung chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phải chăng, chúng ta chưa chú trọng đến việc triển khai thực hiện một cách nghiêm túc nguyên lý giáo dục trong quá trình đổi mới.

Thực tế cho thấy những năm qua ngành giáo dục đã liên tục cải cách và đổi mới phương pháp dạy - học của cả thầy và trò, có quan tâm đến việc học kết hợp với hành nhưng vẫn chưa đảm bảo yêu cầu. Trường học từng bước được đầu tư những thiết bị dạy học đồng bộ, hiện đại, đắc tiền. Nhiều trường học sử dụng có hiệu quả nhưng vẫn có những trường học chưa chú trọng việc hướng dẫn học sinh thực hành và cũng không ít học sinh không quan tâm đến các giờ thực hành vật lý, hoá học, sinh học, kỹ thuật nông nghiệp hay các hoạt động ngoại khoá ở các nhà trường. Nhiều em chưa nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích thiết thực mà giờ thực hành đem lại, nên coi đó là dịp để vui chơi và tán ngẫu. Dạy học thiếu thực hành là một trong những nguyên nhân dẫn tới thực trạng bức xúc hiện nay, đó là nhiều sinh viên ra trường không thể tìm được việc làm. Bởi lẽ những kiến thức đa phần là “lý thuyết suông” mà có em được trang bị trong trường học không thể để đáp ứng yêu cầu khắc khe của các nhà tuyển dụng. Giữa lý thuyết mà họ được học trong nhà trường và thực tế công việc đòi hỏi còn quá cách xa nhau.

Lao động sản xuất là dạng quan trọng nhất của thực hành. Lao động vừa là môi trường, vừa là phương tiện để giáo dục nhân cách cho học sinh. Nhà trường cần phải giáo dục cho học sinh ý thức lao động, tình cảm lao động, thói quen lao động; có ý thức quý trọng người lao động, sản phẩm lao động; Lao động có kỹ thuật, có kỷ luật, với năng suất cao, chất lượng và hiệu quả tổt. Lao động để làm giàu cho bản thân, gia đình; làm cho quê hương tươi đẹp, xây dựng đất nước phồn vinh. Trong thực tế còn nhiều học sinh tốt nghiệp cấp trung học phổ thông vẫn chưa biết lao động tự phục vụ bản thân mình, chưa nấu được một bữa ăn, chưa làm được những việc lặt vặt trong nhà để giúp đỡ cha mẹ. Hiện nay vẫn còn nhiều trường học ngại tổ chức cho học sinh lao động, thậm chí có trường còn tổ chức thu tiền của học sinh thay vì tổ chức cho các em lao động dọn dẹp vệ sinh, xây dựng trường lớp. Bên cạnh đó còn có trường sử dụng lao động để phạt những học sinh vi phạm kỷ luật. Những việc làm trên đã làm cho học sinh sợ lao động, chán ghét lao động.

Giáo dục trong nhà trường chỉ là một phần, cần phải có sự giáo dục của gia đình và xã hội. Mỗi môi trường giáo dục đều có thế mạnh riêng. Việc kết hợp giáo dục trong nhà trường với giáo dục của gia đình và giáo dục ngoài xã hội sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp để tác động đến học sinh sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Điều đó ai cũng biết nhưng triển khai thực hiện đến nơi đến chốn quả thật là khó khăn. Thực tế hiện nay, chỉ có giáo viên chủ nhiệm mới thường xuyên liên hệ với cha mẹ học sinh, nhưng cũng có một số giáo viên chủ nhiệm còn xem nhẹ việc này. Có nhiều giáo viên chủ nhiệm lớp chưa biết hết cha mẹ học sinh của lớp mình. Giáo viên bộ môn, không chủ nhiệm lại càng tệ hơn.

Và ngược lại, một bộ phận không nhỏ cha mẹ học sinh chỉ khoán trắng cho nhà trường, cho thầy, cô giáo không hề biết thầy, cô nào đang dạy dỗ con mình; con mình ở trường học tập, sinh hoạt ra sao chẳng quan tâm, đến khi con học yếu hay bị kỷ luật thì trách móc nhà trường.

Cha mẹ học sinh ít ra cũng là một hội viên của một hội nào đó trong xã hội, có thể là Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh … và có thể là con cháu của một đảng viên đang sinh hoạt ở một tổ chức đảng cơ sở nào đó. Vì vậy, các

đoàn thể cần giáo dục hội viên của mình quan tâm đến việc giáo dục con em, đưa kết quả của việc giáo dục con em thành một tiêu chí đánh giá thi đua. Hơn nữa, lãnh đạo các đoàn thể cũng cần liên hệ với nhà trường để nắm bắt tình hình, trao đổi các biện pháp phối hợp giáo dục các cháu. Trong thực tế, phần nhiều là nhà trường liên hệ với các tổ chức chính trị, xã hội để bàn việc kết hợp giáo dục học sinh nhưng có trường vẫn chưa thực hiện thường xuyên nên hiệu quả chưa cao.

Nếu chỉ góp ý cho giáo viên, nhà trường, gia đình và các đoàn thể xã hội thì chưa đủ mà ngay cả Bộ Giáo dục và Đào tạo khi xây dựng chương trình, nội dung dạy học chưa thể hiện rõ nguyên lý giáo dục và xây dựng kế hoạch năm học cũng chưa dành một thời gian thích đáng cho việc triển khai thực hiện nguyên lý giáo dục; quy định chế độ làm việc của giáo viên chưa có thời gian liên hệ với cha mẹ học sinh, không có thời gian đi thực tế. Giáo viên chủ nhiệm chỉ tính 4 tiết 1 tuần chưa đủ làm công việc sự vụ của một giáo viên chủ nhiệm còn thời gian đâu mà liên hệ với phụ huynh; giáo viên bộ môn thì chẳng bố trí tiết nào. Chương trình, nội dung dạy học hiện nay quá ôm đồm, coi trọng lý thuyết, xem nhẹ thực hành; lao động sản xuất hầu như lãng quên.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng hồ chí minh về giáo dục và ý nghĩa trong đổi mới căn bản toàn diện giáo dục việt nam hiện nay (Trang 87 - 93)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)