Về sử dụng cán bộ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vận dụng tư tưởng hồ chí minh về công tác cán bộ trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ ở huyện từ liêm hà nội hiện nay (Trang 36 - 41)

Chương 1 : TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CÔNG TÁC CÁN BỘ

1.2. Những nội dung cơ bản tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ

1.2.4 Về sử dụng cán bộ

♦ Về sử dụng cán bộ

- Sử dụng cán bộ phải bố trí đúng người, đúng việc, đúng sở trường để khai thác được tài năng của cán bộ.

Chính vì cán bộ là vốn quý của đất nước, cho nên, “chúng ta càng phải quý cán bộ, phải trọng dụng nhân tài, trọng dụng cán bộ, phải khéo dùng người, phải dùng người đúng chỗ, đúng việc”[22, tr275], nó thể hiện ở chỗ phải đặt người đúng việc, vì việc mà đặt người, chứ không phải vì người mà đặt việc. Người căn dặn: “Chúng ta phải nhớ rằng; người đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở, dùng người như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tuỳ chỗ mà dùng được”[22, tr.72]; “tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy” [21, tr.39].

+ Mỗi công việc đòi hỏi một chuyên môn riêng, do đó muốn phát huy được năng lực của con người, phải bố trí đúng chuyên môn được đào tạo.

Người phê phán: “không có cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay. Vì vậy, chúng ta phải khéo dùng người, sửa chữa những khuyết điểm của họ. Thường thì chúng ta không biết tuỳ tài mà dùng người. Thí dụ: Thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao. Thành thử hai người đều lúng túng. Nếu biết tuỳ tài mà dùng người, thì hai người đều thành công”[22, tr.274]. Cho nên, nếu đào tạo tốt mà không biết sử dụng hoặc đặt cán bộ đúng chỗ thì công sức đào tạo cũng trở lên vô ích.

+ Bố trí đúng năng lực, vừa sức cán bộ, tạo điều kiện cho cán bộ vươn lên, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Theo Hồ Chí Minh, trước khi giao công tác cho cán bộ, phải bàn kỹ với họ. Nếu họ gánh không nổi, chớ miễn cưỡng trao việc đó cho họ. Khéo dùng cán bộ còn là sự tin tưởng vào cán bộ, tin tưởng vào năng lực, phẩm chất của họ. Trên cơ sở lòng tin đối với cán bộ mà mạnh dạn trao việc cho họ. “Thả cho họ làm ” và “thả cho họ phụ trách”, dù sai lầm ít cũng không sợ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là phó thác, buông trôi, bỏ mặc, vô trách nhiệm làm cho cán bộ ỷ lại, thụ động; hoặc “ôm đồm”, không dám giao việc cho cán bộ.

Đối với cán bộ mắc sai lầm, theo Người: “Chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm”[22, tr.283]. Và càng sợ, khi người lãnh đạo không biết tìm đúng cách để giúp cán bộ sữa chữa sai lầm. Cách đúng ở đây là, người lãnh đạo phải giúp đỡ họ một cách chí tình, làm cho họ tự giác thấy được nguyên nhân của sai lầm và tác hại của nó, để có biện pháp sửa chữa một cách tích cực và hiệu quả. Không phải vì một sai lầm to lớn mà đã vội cho họ là “cơ hội chủ nghĩa”, đã “cảnh cáo”, đã “tạm khai trừ”. Những cách quá đáng như thế đều không đúng..., vấn đề là phải phân tích rõ ràng mức độ sai lầm nặng hay nhẹ một cách thấu tình, đạt lý mà dùng hình thức xử phạt cho đúng.

Phải “khiến cho cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc” [22, tr.280]. Cố nhiên hay dở một phần do cán bộ có đủ năng lực hay không?, nhưng một phần cũng do cách lãnh đạo có đúng hay không?. Năng lực của con người không phải hoàn toàn tự nhiên đã có, mà phần lớn do công tác, do tập luyện mà nên. Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hoá tài to, lãnh đạo không khéo thì tài to cũng hoá tài nhỏ.

- Kết hợp hài hoà giữa cán bộ già với cán bộ trẻ, quan tâm đặc biệt đến cán bộ nữ.

“Đội ngũ cán bộ, có cán bộ già có cán bộ trẻ. Cán bộ già là vốn quý của Đảng, họ có kinh nghiệm về mặt lãnh đạo, được rèn luyện thử thách nhiều trong thực tế đấu tranh. Nhưng cũng có một số cán bộ già đến một thời kỳ nào đấy là dừng lại, không tiến lên được, hay bám lấy cái cũ, không nhạy cảm với cái mới. Còn cán bộ trẻ tuy chưa có một số ưu điểm như cán bộ già, nhưng họ lại hăng hái, nhạy cảm với cái mới, chịu khó học tập cho nên tiến bộ rất nhanh” [28, tr.211]. Đó là cái nhìn thật tinh tế, thật mới mẻ và nhạy cảm của Người, cho nên đã kết hợp và phát huy được ưu điểm và hạn chế, khắc phục được nhược điểm của cả hai loại cán bộ trong sự nghiệp cách mạng.

Đối với cán bộ nữ, Người nhận thức sâu sắc vị trí xã hội của họ và coi công tác cán bộ nữ (nhất là bố trí, cất nhắc, đề bạt…) là khâu rất quan trọng, là thước đo mức độ giải phóng phụ nữ, là biểu hiện văn minh của chế độ xã hội chủ nghĩa. Bởi vì, không giải phóng phụ nữ thì xây dựng chủ nghĩa xã hội mới có một nửa. Người luôn luôn tạo những điều kiện cho phụ nữ học tập và làm việc; mạnh dạn đưa phụ nữ vào các cương vị lãnh đạo và những vị trí thích hợp với tài năng, giới tính và sức khoẻ của phụ nữ. Đồng thời, Người cũng đòi hỏi bản thân chị em phải tự phấn đấu vươn lên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng.

♦ Về cất nhắc cán bộ

Cất nhắc cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, việc “Cất nhắc cán bộ

phải vì công tác, tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái. Như thế công việc nhất định chạy”[22, tr.281]. Vì vậy, việc cất nhắc cán bộ phải xuất phát từ hiệu quả công tác thực tế của cán bộ, và phải có tác dụng khuyến khích các cán bộ khác phấn đấu vươn lên.

Khi cất nhắc cán bộ phải cẩn thận nhận xét, cân nhắc rõ ràng, toàn diện về mọi mặt từ công tác đến cách sinh hoạt, cách viết, cách nói và cách làm của cán bộ. Xem xét cách họ đối xử với mọi người. Lưu ý cần tham khảo nhận xét của

mọi người về cán bộ. Như thế mới có thể “cất nhắc cán bộ một cách đúng mực”. “Nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang nhất định không ai phục, mà gây nên mối lôi thôi trong Đảng. Như thế là có tội với Đảng, với đồng bào”[22, tr.281].

Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý cách cất nhắc cán bộ, Người viết: “Cất nhắc cán bộ, không nên làm như giã gạo”[22, tr.282]. Nghĩa là trước khi cất nhắc không xem xét kỹ, khi cất nhắc rồi không giúp đỡ họ, khi họ sai lầm thì đẩy họ xuống, chờ lúc họ làm khá lại cất nhắc lên. “Một cán bộ bị nhắc lên, thả xuống ba lần như thế thì hỏng cả đời”[22, tr.282]. Cho nên, người lãnh đạo phải có cái nhìn đúng đắn, hiểu biết cán bộ rõ ràng trước khi cất nhắc đề bạt. Sau khi họ được đề bạt cần tiếp tục giúp đỡ họ, vun trồng lòng tự tin, tự trọng của họ, để họ luôn hăng hái, nỗ lực, tích cực, sáng tạo trong công việc. Vì vậy, trong công tác cất nhắc cán bộ, thái độ đó được thể hiện ở việc đánh giá đúng cán bộ, giao công việc phù hợp với phẩm chất và năng lực cán bộ, thường xuyên quan tâm, động viên, giúp đỡ, và kịp thời nhắc nhở, uốn nắn sai lầm và khuyết điểm của cán bộ. Không nên để khi sai lầm và khuyết điểm đã trở nên nặng nề mới đem ra “chỉnh” một lần, thế là “đập” cán bộ. Cán bộ bị “đập” mất cả lòng tự tin, người hăng hái cũng hóa thành nản chí, mà nản chí thì đi đến vô dụng.

♦ Về chính sách cán bộ

Khi nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta thấy rằng Người đề cập đến chính sách cán bộ theo nhiều góc độ khác nhau. Điều đó xuất phát từ đặc điểm, tình hình của từng giai đoạn cách mạng và nhất là yêu cầu của việc xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng.

Trong “Sửa đổi lối làm việc” (10/1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định: "Mấy điểm lớn trong chính sách cán bộ” là nhằm làm sao “đối đãi đúng

với mọi người”. Vì vậy, Người yêu cầu chính sách cán bộ phải thực hiện “mấy việc dưới đây:

“Hiểu biết cán bộ Khéo dùng cán bộ Cất nhắc cán bộ Thương yêu cán bộ

Phê bình cán bộ” [22, tr.277].

Cũng trong tác phẩm này, Người nêu lên “cách đối với cán bộ” như là chính sách đối với “nhân tài ngoài Đảng”. Đồng thời, Người cho rằng: Đây cũng là chính sách để “tẩy sạch các bệnh kiêu ngạo, bệnh hẹp hòi, bệnh bao biện” trong công tác cán bộ. Trong phiên họp Hội đồng Chính phủ (15 - 17/11/1950), sau khi nghe đại diện Bộ quốc phòng trình bày về “vụ án Trần Dụ Châu”, Người kết luận rằng: Về vụ Trần Dụ Châu chúng ta phải chịu trách nhiệm một phần. Chúng ta không có chính sách cán bộ đúng. Bây giờ chúng ta dùng cán bộ để cải tạo xã hội mà không có chính sách cải tạo cán bộ là khuyết điểm. Nếu cán bộ biết thương dân, tiếc của dân thì không xảy ra việc đáng tiếc. Từ đó, Người yêu cầu Đảng, Chính phủ phải xây dựng chính sách để “tìm người”, phải tìm đủ cả tài, cả đức và chú trọng tư tưởng; đồng thời, phải có chính sách để giáo dục, cải tạo, kiểm tra cán bộ.

Qua phân tích, chúng ta thấy những nội dung chính sách cán bộ trong Tư tưởng Hồ Chí Minh có quan hệ chặt chẽ với nhau thậm chí bao hàm, hòa quyện lẫn nhau. Nổi bật hơn hết là chính sách sử dụng cán bộ và chính sách đối xử đối với cán bộ.

Chính sách sử dụng cán bộ, trọng dụng nhân tài được thể hiện cụ thể ở việc phát hiện, hiểu biết cán bộ; khéo dùng cán bộ và bố trí, cất nhắc đề bạt cán bộ.

Chính sách, chế độ với cán bộ thể hiện ở việc yêu thương cán bộ và cách đối với cán bộ mắc sai lầm, khuyết điểm. Điều này, không chỉ là đòi hỏi của công tác cán bộ mà còn thể hiện tính nhân văn sâu sắc của tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là sự tôn trọng yêu thương, nâng niu phẩm giá con người.

Yêu thương cán bộ không phải là sự “vỗ về, nuông chiều thả mặc” mà thể hiện rạch ròi giữa nêu gương, khen thưởng khi cán bộ tốt và hoàn thành nhiệm vụ; với động viên giúp đỡ khi cán bộ gặp khó khăn và phê bình uốn nắn khi họ khuyết điểm với “tình đồng chí yêu thương lẫn nhau”. Còn hoạt động là còn phạm sai lầm, vì vậy khi cán bộ phạm sai lầm khuyết điểm, không nên công kích họ mà dùng “thái độ thân thiện” để giúp đỡ, cảm hóa, thuyết phục, giáo dục họ. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh nhấn mạnh “không phải tuyệt nhiên không dùng xử phạt”, mà “cần phải phân tách rõ ràng cái lỡ sai lầm, phải xét kỹ lưỡng việc nặng hay nhẹ, phải dùng xử phạt cho đúng”.

Như vậy, Hồ Chí Minh đối xử với cán bộ được đặt trong thể thống nhất giữa lý và tình, giữa tình yêu thương và sự nghiêm khắc, nhằm vun đắp tài đức và chí khí để cán bộ “thắng không kiêu, bại không nản”, “có gan đề xuất”, “có gan làm việc”, cống hiến cao nhất cho sự nghiệp cách mạng và dân tộc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vận dụng tư tưởng hồ chí minh về công tác cán bộ trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ ở huyện từ liêm hà nội hiện nay (Trang 36 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)