1. Nội dung của chủ nghĩa duy vật biện chứng
Nội dung, bản chất của chủ nghĩa duy vật biện chứng có thể tóm tắt vào tư tưởng cơ bản là chỉ có một thế giới duy nhất và thống nhất là thế giới vật chất; trong thế giới ấy, vật chất là nguồn gốc của ý thức, quy định ý thức, nhưng ý thức có thể tác động trở lại vật chất thông qua hoạt động thực tiễn của con người.
a. Quan điểm duy vật về thế giới
- Bản chất của thế giới là vật chất; thế giới thống nhất ở tính vật chất và vật chất là thực tại khách quan, tồn tại độc lập, quy định ý thức và được ý thức phản ánh.
- Thế giới thống nhất ở tính vật chất.
+ Vật chất là thực tại khách quan; tồn tại độc lập với ý thức, quy định ý thức và được ý thức phản ánh. Chỉ có một thế giới duy nhất là thế giới vật chất. Thế giới đó tồn tại khách quan, vĩnh viễn và vô tận.
+ Mọi sự vật, hiện tượng trên thế giới đều là những dạng cụ thể, hoặc là các tính chất của vật chất. Thế giới không có gì khác ngoài vật chất đang vận động. + Các sự vật, hiện tượng của thế giới vật chất thống nhất với nhau; vận động và phát triển theo các quy luật khách quan, chuyển hoá lẫn nhau; là nguồn gốc và là nguyên nhân và kết quả của nhau.
+ Ý thức là đặc tính, là sự phản ánh hiện thực khách quan vào não người.
b. Quan điểm duy vật về xã hội
Xã hội là tổng hợp những con người hiện thực cùng tất cả các hoạt động, các quan hệ của họ. Sự phát triển của xã hội loài người do sự phát triển của vật chất quy định.
- Xã hội là một bộ phận đặc thù của tự nhiên. Sự phát triển lâu dài của giới tự nhiên dẫn đến sự ra đời của con người và xã hội loài người. Tính đặc thù của xã hội thể hiện ở chỗ, xã hội vận động, phát triển tuân theo những quy luật tự nhiên nhưng phải thông qua hoạt động có ý thức của con người đang theo đuổi những mục đích nhất định.
- Sản xuất vật chất là cơ sở của đời sống xã hội. Xã hội loài người không chỉ sử dụng những thứ đã có sẵn trong tự nhiên, mà còn tác động vào tự nhiên để tạo ra của cải vật chất nhằm tồn tại và phát triển. Lịch sử tồn tại và phát triển của xã hội gắn liền với lịch sử phát triển của sản xuất vật chất.
- Sản xuất vật chất trong từng giai đoạn lịch sử được tiến hành theo phương thức nhất định. Phương thức sản xuất (lĩnh vực sản xuất vật chất của đời sống xã hội) quy định và sự thay đổi phương thức sản xuất dẫn đến sự thay đổi các lĩnh vực khác (lĩnh vực xã hội; lĩnh vực chính trị; lĩnh vực tinh thần) của đời sống xã hội.
- Tồn tại xã hội quy định ý thức xã hội. Trong quá trình tồn tại và phát triển, mọi hoạt động của con người gắn với phương thức sản xuất; điều kiện tự nhiên; môi trường địa lý; dân số và mật độ dân số v.v tạo nên điều kiện sinh hoạt vật chất (tồn tại xã hội). Với tính cách là cái thứ nhất, tồn tại xã hội quy định cái thứ hai, mặt tinh thần của quá trình lịch sử. Ý thức xã hội là hiện tượng tinh thần có cấu trúc gồm các cấp độ khác nhau (ý thức bình thường và ý thức lý luận, hệ tư tưởng và tâm lý xã hội) và các hình thái của ý thức xã hội (chính trị, pháp luật, đạo đức, tôn giáo, nghệ thuật, triết học và khoa học v.v).
- Sự phát triển của xã hội là quá trình lịch sử - tự nhiên.
+ Mỗi xã hội cụ thể trong mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể là mỗi hình thái kinh tế - xã hội; mỗi hình thái kinh tế - xã hội gồm ba mặt cơ bản là lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất (tạo nên cơ sở hạ tầng) và kiến trúc thượng tầng.
+ Trong quá trình sản xuất, lực lượng sản xuất thường phát triển; đến mức độ nhất định, quan hệ sản xuất phải thay đổi cho phù hợp với sự phát triển mới của lực lượng sản xuất; lúc này cơ sở hạ tầng (mặt vật chất, kinh tế) của xã hội sẽ thay đổi theo dẫn đến sự thay đổi của kiến trúc thượng tầng (mặt tư tưởng, chính trị). Đến đây, tất cả các mặt cơ bản của hình thái kinh tế - xã hội đã thay đổi, hình thái kinh tế - xã hội này đã chuyển sang hình thái kinh tế - xã hội khác cao hơn, tiến bộ hơn.
+ Như vậy, là một bộ phận đặc thù của giới tự nhiên (thế giới vật chất), sự vận động, phát triển của xã hội vừa chịu sự chi phối của của các quy luật chung nhất, vừa chịu sự chi phối của các quy luật của riêng mình mà trước hết và quan trọng nhất là quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và quy luật về mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng với kiến trúc thượng tầng. Những quy luật đó làm sự thay thế nhau giữa các hình thái kinh tế-xã hội là quá trình lịch sử-tự nhiên.
- Quần chúng nhân dân là chủ thể chân chính sáng tạo ra lịch sử. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng.
+ Khẳng định sản xuất vật chất là yếu tố quy định sự tồn tại và phát triển của xã hội; phương thức sản xuất quy định dời sống tinh thần và sự phát triển của xã hội loài người là quá trình lịch sử - tự nhiên, chủ nghĩa duy vật biện chứng đồng thời đã khẳng định quần chúng nhân dân là người sáng tạo ra lịch sử.
+ Vai trò đó của quần chúng nhân dân thể hiện ở 1) quần chúng nhân dân là lực lượng trực tiếp của sản xuất vật chất. 2) quần chúng nhân dân là động lực cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội. 3) quần chúng nhân dân là người sáng tạo ra các giá trị văn hoá tinh thần.
+ Trong mối quan hệ với quần chúng nhân dân, chủ nghĩa duy vật biện chứng cũng đánh giá cao vai trò của lãnh tụ trong 1) nắm bắt xu thế của thời đại. 2) định hướng chiến lược, sách lược cho hành động cách mạng. 3) tổ chức, thuyết phục, giáo dục, thống nhất ý chí và hành động của quần chúng để giải quyết những vấn đề mà thời đại đặt ra.
2. Bản chất của thế giới quan duy vật biện chứng
a. Giải quyết đúng đắn vấn đề cơ bản của triết học trên quan điểm
thực tiễn
- Trong việc giải quyết mối quan hệ giữa vật chất với ý thức, chủ nghĩa duy tâm tuyệt đối hoá ý thức, khẳng định ý thức sinh ra và quy định vật chất, còn chủ nghĩa duy vật trước Mác tuy khẳng định bản chất thế giới là vật chất, nhưng mắc hai hạn chế cơ bản là duy vật không triệt để (duy vật về tự nhiên, duy tâm về xã hội) và cũng không thấy được sự tác động ngược trở lại của ý thức đối với vật chất. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên, nhưng nguyên nhân cơ bản và chủ yếu là thiếu quan điểm thực tiễn.
- Chủ nghĩa duy vật biện chứng với việc giải quyết mối quan hệ giữa vật chất với ý thức.
+ Vật chất là cái thứ nhất, ý thức là cái thứ hai; vật chất quy định ý thức. Ý thức không chỉ phản ánh thế giới vật chất, mà còn sáng tạo ra thế giới vật chất; ý thức có tác động ngược lại, trở thành lực lượng vật chất khi thâm nhập vào quần chúng.
+ Thực tiễn, là mắt khâu trung gian trong mối quan hệ giữa ý thức với vật chất. Thông qua hoạt động thực tiễn, ý thức được vật chất hoá; tư tưởng trở thành hiện thực.
b. Sự thống nhất hữu cơ giữa thế giới quan duy vật với phép biện chứng
- Việc tách rời thế giới quan duy vật với phép biện chứng làm cho các nhà triết học trước Mác không nhận thức được mối liên hệ phổ biến; không nhận thức sự thống nhất và nối tiếp nhau giữa các sự vật, hiện tượng trong thế giới vật chất. - Kế thừa những hạt nhân hợp lý của các học thuyết triết học trước đó; tổng kết những thành tựu của khoa học đương thời, C.Mác và Ph.Ăngghen đã giải thoát
thế giới quan duy vật khỏi tính siêu hình; giải thoát phép biện chứng khỏi tính duy tâm, tư biện để sáng lập nên chủ nghĩa duy vật biện chứng- kết quả của sự thống nhất giữa chủ nghĩa duy vật với phép biện chứng.
- Sự thống nhất giữa chủ nghĩa duy vật với phép biện chứng đã đem lại quan niệm mới về thế giới- thế giới luôn vận động, biến đổi, chuyển hoá và phát triển không ngừng.
c. Quan niệm duy vật triệt để
- Hạn chế của các nhà duy vật trước Mác về lịch sử tạo nên tính không triệt để của các học thuyết triết học duy vật trước Mác.
- Chủ nghĩa duy vật biện chứng khắc phục hạn chế về tính không triệt để của các học thuyết triết học duy vật trước Mác bằng cách khẳng định nguồn gốc vật chất của xã hội (xã hội là một bộ phận đặc thù của tự nhiên); sản xuất vật chất là cơ sở của đời sống xã hội; phương thức sản xuất quy định quá trình sinh hoạt xã hội, chính trị và tinh thần nói chung; tồn tại xã hội quy định ý thức xã hội; sự phát triển của xã hội là quá trình lịch sử - tự nhiên; quần chúng nhân dân là chủ thể chân chính sáng tạo ra lịch sử. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng v.v.
- Do vậy, chủ nghĩa duy vật biện chứng là thành tựu vĩ đại của tư tưởng khoa học; là cuộc cách mạng trong quan niệm về xã hội; là công cụ vĩ đại trong nhận thức và cải tạo thế giới.
d. Tính thực tiễn - cách mạng
- Chủ nghĩa duy vật biện chứng là vũ khí lý luận của giai cấp vô sản, là công cụ định hướng cho hành động, là vũ khí lý luận tạo bước chuyển biến mới về chất của phong trào công nhân từ trình độ tự phát lên trình độ tự giác.
- Chủ nghĩa duy vật biện chứng không chỉ giải thích thế giới, mà còn đóng vai trò cải tạo thế giới.
+ Bất kỳ học thuyết triết học nào cũng không trực tiếp làm thay đổi được thế giới, mà phải thông qua tri thức của mình về thế giới, con người hình thành mục đích, phương hướng, biện pháp v.v chỉ đạo hoạt động tác động vào thế giới. + Bất kỳ học thuyết triết học nào cũng giải thích thế giới, nhưng để thực hiện vai trò cải tạo thế giới, triết học phải phản ánh đúng thế giới, phải định hướng cho hoạt động của con người hợp quy luật khách quan và phải được quần chúng tin và hành động theo.
+ Sức mạnh cải tạo thế giới của chủ nghĩa duy vật biện chứng thể hiện trong sự định hướng cho hoạt động của quần chúng được quần chúng hành động theo.
- Chủ nghĩa duy vật biện chứng khẳng định sự tất thắng của cái mới.
+ Trong tính hợp lý của cái đang tồn tại đã bao hàm cả quan niệm về sự diệt vong tất yếu của nó. Tính cách mạng của chủ nghĩa duy vật biện chứng thể hiện qua sự phản ánh đúng đắn các quy luật chi phối sự vận động và phát triển; qua
đó khẳng định tính tất yếu của quá trình xoá bỏ cái lỗi thời, xác lập cái mới cao hơn, tiến bộ hơn.
+ Chủ nghĩa duy vật biện chứng không phải là giáo điều mà là sự định hư��ng cho mọi hoạt động. Là hệ thống mở, nên chủ nghĩa duy vật biện chứng cần được bổ sung, phát triển trên nền tảng của hoạt động thực tiễn và hoạt động nhận thức để tạo ra những nguyên tắc phương pháp luận mà sự vận dụng sáng tạo trong những hoàn cảnh cụ thể là yêu cầu số một của những nguyên tắc ấy.