Một số nội dung triết học tây Âu thời Cận đạ

Một phần của tài liệu Đề cương chi tiết môn triết học (Trang 31 - 35)

III. TRIẾT HỌC TÂY ÂU THỜI PHỤC HƯNG VÀ CẬN ĐẠ

b.Một số nội dung triết học tây Âu thời Cận đạ

- Tư tưởng về bản thể.

+ Nghiên cứu giới tự nhiên từ góc độ tác động qua lại của lực hấp dẫn và lực đẩy giữa các phần tử vật thể. Các phần tử này luôn bất biến, chỉ thay đổi trạng thái không gian và tập hợp; lượng là cái dùng để phân biệt các vật thể; mọi vận động đều được quy vào sự di chuyển vị trí trong không gian. Từ cơ sở đó, xuất hiện quan điểm đồng nhất vật chất với khối lượng; chỉ có hình thức vận động cơ học với nguyên nhân từ bên ngoài. Nguyên tử là cái nhỏ nhất, không phân chia được và không vận động.

+ Tư tưởng về bản thể của một số nhà triết học tiêu biểu.

Phranxi Bêcơn (1561 - 1621[2], người sáng lập triết học duy vật Anh), ông coi thế giới vật chất tồn tại khách quan và cho rằng, con người cần phải thống trị, làm chủ tự nhiên với sức mạnh tri thức; coi nhiệm vụ của triết học là nhận thức tự nhiên với các mối liên hệ phức tạp của nó và phê phán chủ nghĩa Kinh viện xa rời cuộc sống, chỉ dựa vào những lập luận tuỳ tiện.

Hốpxơ (1588 - 1679, đại biểu nổi tiếng của chủ nghĩa duy vật Anh) là người chia triết học thành triết học tự nhiên, nghiên cứu các vật thể thiên nhiên và triết học thông thường, nghiên cứu những vật thể nhân tạo (xã hội loài người). Giới tự nhiên là tổng số các vật có quảng tính với những khác biệt về kích thước, hình dáng, vị trí và vận động; trong đó, vận động là sự thay đổi vị trí của vật thể với nguồn gốc là sự tác động của vật thể này lên vật thể khác qua va chạm đầu tiên.

Đềcáctơ (1596 - 1650, nhà toán học và khoa học tự nhiên Pháp, một trong những người sáng lập triết học Cận đại) lại cho rằng có hai loại sự vật được sinh ra từ hai thực thể khác nhau là thực thể tinh thần gồm các ý niệm, tư tưởng, các ý thức cá nhân con người và thực thể vật chất gồm các sự vật trong không gian, thời gian. Con người là một sự vật đặc biệt được tạo ra từ hai thực thể là vật chất (cơ thể) và ý thức (linh hồn). Cả thực thể vật chất và thực thể tinh thần đều do thực thể thứ ba là Thượng Đế sinh ra.

Xpinôda (1632 - 1677, nhà triết học duy vật xuất sắc Hà Lan) cho rằng, giới tự nhiên là Thượng Đế, tự sinh ra có đặc tính tồn tại, có nguồn gốc từ thực thể duy nhất dù thực thể đó là sự vật vật chất hay hiện tượng tinh thần; giữa thực thể với các sự vật có mối quan hệ hữu cơ là tính thống nhất với tính nhiều vẻ của của giới tự nhiên. Thực thể là vô cùng tận về không gian và vĩnh hằng về thời gian; sự vật luôn vận động, biến đổi có sinh ra và mất đi; trong sự tồn tại đã chứa đựng tất yếu suy vong.

Béccly (1685 - 1753, nhà triết học người Anh, đại biểu điển hình của chủ nghĩa duy tâm chủ quan) cho rằng, chúng ta có thể nhận thức được sự vật, vì chúng tương đồng với con người. Sự vật có nguồn gốc chủ quan, là hiện thân của cảm tính con người; giới tự nhiên được Béccơly coi là tổ hợp cảm giác của con người. Với luận điểm tồn tại nghĩa là được cảm giác, ông phê phán mọi quan niệm duy vật và cho rằng, tất cả mọi sự vật tạo nên vũ trụ không tồn tại ngoài tinh thần của con người.

- Lý luận nhận thức.

+ Bêcơn chỉ ra những hạn chế trong nhận thức con người, gọi những sai lầm trong nhận thức là các ngẫu tượng; có bốn loại ngẫu tượng là ngẫu tượng loài- là sự nhầm lẫn giữa bản chất trí tuệ của mình với bản chất khách quan của sự vật, do vậy phản ánh xuyên tạc bóp méo sự vật; ngẫu tượng hang động- là mỗi cá nhân có đặc thù nhân cách, tâm lý chủ quan làm cho nhận thức của họ xuyên tạc bản chất khách quan của sự vật; ngẫu tượng thị trường- là do sùng bái người nào đó, thiếu sự chuẩn xác về khoa học ngôn ngữ dẫn tới ủng hộ quan điểm giáo điều; ngẫu tượng nhà hát- đề cập tới ảnh hưởng có hại của nhiều học thuyết, quan niệm làm cản trở nhận thức chân lý. Do vậy, Bêcơn coi phương pháp thực nghiệm là công cụ chủ yếu nhận thức khoa học và khoa học cần nhận thức giới tự nhiên, chứ không cần những giáo lý của thần học.

+ Nghi ngờ là xuất phát điểm của triết học Đềcáctơ, ông phê phán tư tưởng của Giáo hội và chủ nghĩa Kinh viện coi toàn bộ các tri thức của con người đã đạt được từ trước tới giờ là hoàn toàn đúng, mà cho rằng phải coi trí tuệ con người là toà án thẩm định lại các tri thức. Nghi ngờ là xuất phát của mọi nhận thức, nghi ngờ để kiểm tra lại, nhận thức lại tri thức để có cơ sở tin tưởng, bởi vậy nghi ngờ cũng là tư duy, suy nghĩ. Luận điểm tôi tư duy vậy là tôi tồn tại của ông chống lại tư tưởng giáo điều, chống giáo lý của Nhà thờ; đề cao vai trò trí tuệ của con người.

+ Xpinôda lại đề cao vai trò của kinh nghiệm bởi cho rằng, kinh nghiệm đem lại sự cảm thụ tính sinh động và đa dạng của các sự vật, đem lại hiểu biết về sự vật đơn lẻ. Ông đánh giá cao vai trò của trực giác bởi nó giúp con người nhận thức được bản chất đích thực của thực thể và coi trực giác là cái khả năng khám phá chân lý và là tiêu chuẩn của nhận thức. Quá trình nhận thức giúp con người khám phá và tuân theo các quy luật của tự nhiên và con người nhờ đó, ngày càng tự do.

+ Béccly coi thế giới là tổ hợp các cảm giác của con người. Sự tồn tại của linh hồn là sự cảm nhận và linh hồn chỉ tồn tại khi nó cảm nhận các sự vật khác. Quá đề cao cảm giác, ông đã đồng nhất toàn bộ các ý niệm của con người với cảm giác; còn chân lý là sự phù hợp của suy diễn về sự vật.

+ Hium cho rằng quá trình nhận thức không phải là nhận thức thế giới, mà là nhận thức những quá trình tâm lý xảy ra trong con người mà ông gọi là những cảm xúc. Nghi ngờ sự tồn tại của thế giới bên ngoài, ông phê phán quan niệm coi vật chất là thực thể của mọi vật mà cho rằng bản thân vật chất, thực thể v.v là tổng thể các ý niệm đơn giản liên kết lại với nhau nhờ sự tưởng tượng. Thực thể, sự vật không tồn tại khách quan, chúng tồn tại trong hư cấu của con người và khoa học là sự mô tả cảm xúc và trạng thái tâm lý của con người.

- Tư tưởng về con người và bản tính con người.

Tiếp tục phát triển tư tưởng nhân đạo thời Phục hưng, các nhà triết học Khai sáng lấy việc truyền bá tri thức tốt đẹp rộng rãi cho mọi người làm nhiệm vụ chính của mình.

+ Đềcáctơ đề cao vai trò của triết học đối với đời sống con người. Theo ông, trình độ phát triển tư duy triết học là tiêu chuẩn quan trọng nhất để đánh giá mức độ văn minh của con người và sự ưu việt của dân tộc này đối với dân tộc khác. Ông cho rằng triết học theo nghĩa rộng là tổng thể tri thức của con người về nhiều lĩnh vực; theo nghĩa hẹp là siêu hình học được coi như nền tảng của hệ thống thế giới quan. Triết học có hai nhiệm vụ 1) Xây dựng những nguyên lý, phương pháp luận cơ bản làm cơ sở cho các khoa học khám phá ra chân lý và 2) Giúp con người làm chủ và thống trị giới tự nhiên trên cơ sở nhận thức các quy luật của nó.

+ Xpinôda cho rằng con người là một dạng thức bao gồm hai thuộc tính thể xác (quảng tính) linh hồn (ý thức). Con người là một dạng thức của thực thể, là sản phẩm của tự nhiên, mọi hoạt động của con người phải tuân theo quy luật của giới tự nhiên. Linh hồn và thể xác là hai hình thức thể hiện của một thực thể, là hai cách

thể hiện nội dung của một thể thống nhất; mọi quan niệm tách rời linh hồn khỏi thể xác và coi linh hồn có nguồn gốc siêu nhiên là sai lầm, là duy tâm.

+ Beccơly cho rằng con người là kết quả kết hợp giữa linh hồn với thể xác. Thể xác thuộc về tự nhiên và tồn tại là nhờ linh hồn cảm nhận; coi sự hoàn thiện tối cao của bản chất con người ở chỗ nhận thức và thực hiện các giáo lý. Béccơly là đại biểu điển hình của chủ nghĩa duy tâm chủ quan thời Cận đại có đóng góp lớn trong phê phán sự hạn chế và bất lực của triết học và khoa học cuối thế kỷ XVII đầu XVIII ở tây Âu.

+ Hium phê phán các quan niệm coi linh hồn con người là một thực thể mà coi con người là sự liên kết hay một chùm các giá trị khác nhau, cái này kế tiếp cái kia nằm trong quá trình biến đổi. Hium nghi ngờ mọi cái mà nhân loại đã đạt được, không tin vào các chuẩn mực đạo đức, truyền thống và nhấn mạnh phải giữ gìn tính hoài nghi luận của mình trong mọi trường hợp của cuộc sống.

- Tư tưởng về đạo đức.

+ Đặc điểm chung của tư tưởng về đạo đức thời Cận đại là dường như quay lại với tư tưởng về đạo đức trong triết học Hy Lạp cổ đại. Các nhà triết học thời Cận đại mong muốn xây dựng mô hình tư tưởng, trong đó liên hiệp và hệ thống hoá những tư tưởng về đạo đức đã có từ thời Cổ đại và Trung cổ.

+ Tư tưởng về đạo đức của một số nhà triết học tiêu biểu

Hốpxơ gắn đạo đức học với đạo đức về nhà nước và pháp quyền, theo đó con người phải chuyển từ trạng thái tự nhiên sang trạng thái xã hội hay trạng thái nhà nước với lý do là sự ích kỷ và đấu tranh lẫn nhau là là những đặc điểm phổ biến của bản chất con người. Xpinôda coi nhiệm vụ của đạo đức là giúp con người thắng được những lỗi lầm do ham muốn và sùng bái tôn giáo gây ra, theo đó nhiệm vụ của đạo đức là khắc phục được sự nô lệ (những ham muốn), làm chủ được tình cảm, điều khiển được ham muốn để phát triển lành mạnh và có hạnh phúc chân chính.

Các nhà duy vật Pháp thế kỷ XVIII (còn được gọi là phái Bách khoa toàn thư) chống lại đạo đức tôn giáo và cho rằng, đạo đức không sinh ra cùng với con người mà sinh ra do sự tác động của môi trường xã hội, mà trước hết là môi trường chính trị và pháp luật; do vậy nếu con người muốn đạt đến đạo đức cao cả thì cần thay đổi điều kiện xã hội. Điđrô (1713 - 1784) coi sự thiết tha muốn sống đạo đức là nguyên tắc đạo đức của con người; gắn đạo đức với khoa học tự nhiên, đối lập đạo đức với tôn giáo; lợi ích cá nhân phải được kết hợp hợp lý với lợi ích xã hội. Henvêtiúyt (1715 - 1771) đề xướng thuyết đạo đức trần thế, theo đó hạnh phúc chung là nguồn gốc của đức hạnh, là mục tiêu của luật lệ, phong tục, tập quán; hạnh phúc cá nhân phải kết hợp với hạnh phúc chung. Hônbách (1723 - 1789) khẳng định con người sinh ra vốn không thiện, không ác; mọi lỗi lầm của con người đều do điều kiện xung quanh, chủ yếu là điều kiện chính trị gây nên; sự hiểu biết đúng đắn về lợi ích cá nhân dẫn tới đức hạnh; nhiệm vụ của đạo đức là chỉ ra

những điều kiện, trong đó lợi ích cá nhân là cơ sở tất yếu để dung hoà với lợi ích xã hội.

Một phần của tài liệu Đề cương chi tiết môn triết học (Trang 31 - 35)