Quan niệm về cái tôi trong tiểu thuyết có yếu tố tự thuật

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Yếu tố tự thuật trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng (Qua Đám cưới không có giấy giá thú, Ngược dòng nước lũ, Một mình một ngựa) (Trang 45 - 49)

6. Bố cục khoá luận

2.2 Cái tôi cá nhân trong tiểu thuyết có yếu tố tự thuật của

2.2.1 Quan niệm về cái tôi trong tiểu thuyết có yếu tố tự thuật

Cái tôi cá nhân là một trong những phạm trù quan trọng của triết học. Sự hình thành và phát triển của nó gắn liền với sự tự ý thức của cá nhân về bản ngã. Vấn đề cái tôi cá nhân hay câu nói “tôi là ai ?, từ đâu đến ?” và “đi đến đâu ?,…” đến nay vẫn không ngừng được nhân loại tìm hiểu và tranh luận, đặc biệt khi vấn đề quyền sống của con người được đặt ra gay gắt. Thời kỳ văn hóa Phục hưng với sự phát triển mạnh mẽ của chủ nghĩa nhân văn và khát vọng thoát khỏi sự chi phối của thần quyền tạo điều kiện cho cái tôi cá nhân nở rộ. Montaigne, trong Tiểu luận (Essays), đã cổ vũ cho sự quan tâm tới bản thân của mỗi cá nhân: “ điều lớn nhất trên thế giới, đó là biết thuộc về chính mình”. Tiếp đó, tư tưởng mới mẻ của Decartes “tôi tư duy là tôi tồn tại” đã mở đường cho thời đại ánh sáng và xác nhận ý nghĩa không thể phủ nhận của cái tôi cá nhân trong lịch sử: “cái tôi nói lên sáng kiến độc đáo của một ý thức nắm được chính mình và xuất hiện với một sức mạnh tự nó tư duy”. Thực chất, sự tri nhận về bản thể người, sự khẳng định giá trị cá nhân thông qua sự xem xét lại mối tương quan giữa Thượng đế và con người trong thời đại Phục Hưng và kỷ nguyên Ánh sáng đã đem đến cho con người niềm kiêu hãnh về sự tồn tại của chính mình trong thế giới. Nói thế để thấy rằng, phát hiện về cái cá nhân là một phát hiện lịch sử, đó là kết quả của việc con người tách mình ra khỏi môi trường xung quanh và cảm thấy mình như một chủ thể , bản ngã chỉ là ý thức tôi có về suy tưởng của tôi.

Ở Việt Nam, quan niệm về cái tôi xuất hiện cũng khá sớm. Ở đây, chúng tôi đặc biệt quan tâm tới ý kiến của Nguyễn Kiến Giang trong bài những quan niệm con người cá nhân ở Phương Đông không? Trên cơ sở tìm hiểu cái tôi cá nhân trong lịch sử văn hóa Phương Đông, ông rút ra kết luận: “cái tôi không phải là một sản phẩm hiện đại, nó là biểu hiện của ý thức về con ngưới cá nhân và với tư cách đó, có lẽ nó xuất hiện từ lâu lắm rồi”, “không có vấn đề “có cái tôi” hay “ không có cái tôi” trong lịch sử triết học và văn học của các nước Phương Tây hay Phương Đông. Cái tôi - ý thức về con

người cá nhân của từng cá nhân - bao giờ cũng tồn tại”. Đây là ý kiến được nhiều nhà nghiên cứu về sau đồng tình. Trong bất cứ thời đại nào, ý thức con người vẫn tồn tại vì con người luôn có nhu cầu nhận thức về mình. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là nó được xã hội nhìn nhận như thế nào và do vậy, tùy hoàn cảnh lịch sử mà cá nhân ấy hiển lộ công khai hay thấp thoáng, ẩn tang.

Trong lịch sử văn hóa Phương Tây, sự ra đời của thể tự truyện gắn với vấn đề quan trọng nhất – cái tôi cá nhân. Tự truyện chỉ được viết ra khi người viết bắt đầu đã có ý thức một cách rõ ràng về cái tôi của mình, và hành động viết là nhằm mục đích giãi bày cái tôi với người đọc. Khi một người tự kể về mình, cái tôi hình thành và bộc lộ ở cả hai bình diện: hành động kể và nội dung kể. Nghĩa là bản thân hành động tự kể về mình đã bao hàm về cả sự tự nhận thức về bản thân. Không chỉ thế, gắn với hành động kể là hàng loạt vấn đề phức tạp liên quan đến sự kể: bằng cách nào, tỷ lệ giữa sự thực và hư cấu là bao nhiêu, các chi tiết được sử dụng trong văn học có đáng tin cậy hay không, mối liên hệ giữa tác giả tiểu sử và người kể chuyện khăng khít đến đâu…Đây là những vấn đề rất khó phân định rạch ròi khi tiếp xúc văn bản tự sự. Tuy nhiên, xét về đặc trưng thể loại, trong tự truyện, cái tôi của người kể hoàn toàn đồng nhất với cái tôi của tác giả. Bởi vậy, người đọc dễ dàng nhận biết tính chân thực, mức độ sâu sắc từ những trải nghiệm của nhà văn. Tuy nhiên, sự thể hiện cái tôi cá nhân trong các tiểu thuyết có yếu tố tự thuật lại có đôi chút khác biệt so với tự truyện. Ở đây, nội dung kể luôn lớn hơn nội dung câu chuyện được kể và phương thức kể ở mỗi nhà văn trong tác phẩm của họ là rất khác nhau. Nhưng sự “gián tiếp” trong việc thể hiện cái tôi cá nhân trong tiểu thuyết có yếu tố tự thuật không hề làm suy giảm tính chân thực của cái tôi. Trái lại, tạo nên nhiều khoảng trống để nhà văn trình diễn kỹ thuật tự sự và tăng chiều sâu diễn đạt thế giới.

Từ kinh nghiệm của một nghệ sĩ lớn, M.Proust đã từng khẳng định rằng cái tôi của nhà văn chỉ thể hiện ra trong các trang sách của anh ta. Văn học chính là hình thức nghệ thuật để nhà văn thể hiện sự tri nhận của mình về thế

giới, bởi vậy, đằng sau mỗi tác phẩm luôn tồn tại cái tôi của người viết và ý thức cá nhân của họ. Chỉ có điều, nó xuất hiện đậm nhạt, được hiển thị rõ nét hoặc giấu kín trong văn học mà thôi. Cái tôi cá nhân có thể được thể hiện rất đa dạng, phong phú trong văn học. Tùy thuộc vào điều kiện lịch sử, văn hóa cụ thể, cái tôi cá nhân được biểu hiện khác nhau: mạnh mẽ và phóng khoáng trong thời đại Phục Hưng, lặng lẽ trong thời kỳ tiếp theo, rồi bùng nổ và đầy kiêu hãnh trong thời kỳ văn học lãng mạn. Trong nền văn học Việt Nam, cái tôi cá nhân cũng trải qua nhiều thăng trầm lịch sử như thế. Trần Đình Sử, trong bài Về quan niệm con người trong văn học Việt Nam thế kỷ XX đã nhấn mạnh ý thức cá nhân là yếu tố quan trọng làm đổi mới văn học. Theo ông, từ sau năm 1975, khuynh hướng phi sử thi hóa khiến cho “văn học trở lại với khuynh hướng con người cá thể, quan tâm tới cá nhân: đề tài cái tôi, ý thức chủ thể, con người thân phận, cảm hứng đạo đức, tự vấn lương tâm…đều là những biểu hiện của ý thức cá nhân”[tds,868]. Cái tôi cá nhân trong văn học đương đại thường được hiểu là sự nhấn mạnh đến những vấn đề của số phận cá nhân, nhu cầu được thể hiện tiếng nói của cá thể độc lập và nhu cầu thể hiện bản ngã và trong từng thể loại, từng tác phẩm, và bản thân người đọc, có thể tiếp cận nó ở các bình diện khác nhau.

Chưa bao giờ tiểu thuyết lại phát triển đa dạng như văn học đương đại, các nhà văn dù viết về nhiều đề tài khác nhau, nhưng căn cốt và sở trường của họ vẫn lưu dấu trên tác phẩm. Tô Hoài là trường hợp tiêu biểu. Ông có nhiều tác phẩm (viết bằng nhiều thể loại khác nhau) về đề tài miền núi, đời sống vùng ven Hà Nội, về giới văn nghệ sỹ. Nhưng bên cạnh những tác phẩm như hồi ký, tự truyện như Cỏ dại, Tự truyện: Cát bụi chân ai, Chiều chiều… phần lớn tác phẩm của Tô Hoài đều có khuynh hướng tự truyện. Điều này cũng không có gì lạ vì “viết về cái của mình, quanh mình là định hướng nghệ thuật cũng là kênh thẩm mỹ của Tô Hoài”. Nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn của Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng cũng đậm màu sắc tự truyện, biểu hiện ở nội dung câu truyện được kể và cách kể, giọng kể. Đa phần tác phẩm của hai cây

bút văn xuôi này in đậm dấu ấn tiểu sử, đời tư với lối trần thuật giàu phân tích, chiêm nghiệm, tiêu biểu như: Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không có giấy giá thú, Ngược dòng nước lũ, Một mình một ngựa, Thời gian của người, Gặp gỡ cuối năm…Bảo Ninh với hai tập truyện ngắn và tiều thuyết

Nỗi buồn chiến tranh cũng cho thấy khuynh hướng thiên về sử dụng chất liệu tự truyện. Hai tập truyện Lan man trong lúc kẹt xeChuyện xưa kết đi được chưa? Luôn luôn trở đi trở lại những câu chuyện của nhân vật “tôi” trong dòng hồi ức về một thời tuổi trẻ đi qua chiến tranh. Không gian Hà Nội gắn với tuổi thơ, bạn bè cũng xuất hiện khá nhiều. Bởi vậy, tìm hiểu cái tôi cá nhân ở những tiểu thuyết in đậm dấu ấn tự thuật của nhà văn là một cách tiếp cận chiều sâu tư tưởng tác phẩm.

Với sự hiện diện đậm nét của người viết, việc miêu tả về bản thân nhà văn trong tiểu thuyết có yếu tố tự thuật đã minh chứng cho mối liên kết giữa tác phẩm và cái tôi cá nhân. Thực ra, thể hiện bản thân và nói về mình trong tác phẩm không phải chuyện ai cũng muốn làm, nhưng vấn đề là ở chỗ, đã có những nhà văn coi đó như là một hình thức hữu hiệu để nói về cuộc sống từ trải nghiệm cá nhân.

Tự thuật trong cái nhìn của phân tâm học liên quan chặt chẽ đến cái tôi bởi viết về mình, kể lại cho người khác những câu chuyện của mình cũng như là một cách thoát khỏi sự dồn nén. “Nghệ sỹ giống như người bị bệnh nhiễu tâm, rút lui khỏi thực tế không thỏa mãn để đi vào thế giới tưởng tượng, xong trái lại vẫn phải đặt chân vào thực tế. Những sáng tạo, những tác phẩm nghệ thuật của ông là những thỏa mãn tưởng tượng cái ham muốn vô thức, giống như mộng; cũng như mộng, chúng có chung tính cách là một thỏa hiệp, bởi chúng cũng phải tránh xung đột không che đậy với sức mạnh dồn nén”. Trong ý thức người viết, khi muốn kể lại câu chuyện đời họ, anh ta đã có ý thức sâu sắc bản thân, chịu trách nhiệm trước quá khứ và cái tôi của bản thân, trân trọng những trải nhiệm và muốn tự khám phá, tìm hiểu chính mình. Từ những câu chuyện riêng tư và sự chồng xếp của vô vàn ký ức trong “hộp đen” của

mình nhà văn có thể kể về nó, tự bạch nó bằng nhiều con đường khác nhau mà không nhất thiết phải triển khai câu chuyện theo chiều tuyến tính và bị dàng níu bởi mối quan hệ nhân quả. Tiếp cận với văn bản, người đọc sẽ có dịp khám phá sâu hơn thế giới tinh thần của chủ thể sáng tạo, được “chơi” với những bí mật, được phép gỡ bỏ những cấm kỵ và những vùng nhạy cảm mà nhà văn đã từng dấu kín trước khi họ viết tự truyện. Trong trường hợp này, bản thân việc hé mở bí mật đời tư cũng là một yếu tố kích thích sự tò mò của người đọc, thậm chí họ bị sốc.

Trên đây là sự thể hiện cái tôi cá nhân ở cấp độ ý thức, mang tính triết học, còn khi tìm hiểu cái tôi cá nhân trong văn học cần chú ý đến một cấp độ khác là cấp độ trần thuật . Với những thể loại có tính tự thuật ( hồi ký, tự truyện, tiểu thuyết tự thuật), cái tôi cá nhân của người viết được thể hiện một cách triệt để và cụ thể. Tiểu thuyết tự thuật ở nước ta như đã trình bày, tuy chưa trở thành một khuynh hướng thực sự nổi bật như các nước Phương Tây, nhưng có thể hiện ra đặc trưng thể loại qua việc khảo sát những tác phẩm có yếu tố tự thuật, cụ thể là tiểu thuyết của nhà văn Ma Văn Kháng qua Đám cưới không có giấy giá thú, Ngược dòng nước lũ, Một mình một ngựa.

Cái tôi tác giả (hình tượng tác giả) là sự hòa thân của người sáng tạo và tác phầm. Bởi vậy, có thể nhận thấy nó qua hình tượng nghệ thuật, nhân vật, giọng điệu và ngôn ngữ trần thuật. Do đặc trưng thể loại, trong ký hay tự truyện, khi người kể chuyện xưng “tôi” thì nó thường được đồng nhất với người viết, cái tôi tác giả được bộc lộ một cách trực tiếp, nhưng trong tiểu thuyết có yếu tố tự thuật thì hình tượng tác giả là một tác phẩm mang tính sáng tạo. Vì thế, việc nhận diện nó không đơn giản. M.Bakhtin cho rằng hình tượng tác giả thường được bộc lộ qua cái nhìn, điểm nhìn, còn W. Both gọi đó là “ tác giả hàm ẩn”.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Yếu tố tự thuật trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng (Qua Đám cưới không có giấy giá thú, Ngược dòng nước lũ, Một mình một ngựa) (Trang 45 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)