Đám cưới không có giấy giá thú, Ngược dòng nước lũ,Một mình

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Yếu tố tự thuật trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng (Qua Đám cưới không có giấy giá thú, Ngược dòng nước lũ, Một mình một ngựa) (Trang 37 - 42)

6. Bố cục khoá luận

1.3 Nhận diện tiểu thuyết có khuynh hướng tự thuật của Ma Văn Kháng

1.3.3 Đám cưới không có giấy giá thú, Ngược dòng nước lũ,Một mình

một ngựa’ như những tiểu thuyết tự thuật ?

Trên cơ sở phân biệt một số khái niệm, dựa vào để khảo sát các tiểu thuyết của Ma Văn Kháng, chúng tôi đi đến khẳng định rằng: Đám cưới không có giấy giá thú, Ngược dòng nước lũ, Một mình một ngựa chưa thể xếp vào tiểu thuyết tự thuật, trong các tiểu thuyết có tính tự thuật nhưng tự thuật chỉ là một trong những yếu tố, tính chất của tiểu thuyết.

Tính tự thuật của tiểu thuyết là tính xác thực tiểu sử tác giả trong tác phẩm, trong nội dung hình tượng tiểu thuyết. Nói tới tính tự thuật là nói tới những yếu tố tự thuật xuất hiện trong tác phẩm của tác giả. Ở đây, mức độ tự thuật có thể đậm nhạt khác nhau. Với tiểu thuyết Đám cưới không có giấy giá thú, Ngược dòng nước lũ, Một mình một ngựa của Ma Văn Kháng, người đọc không thể tìm được một nhân vật tự thuật hoàn toàn là Ma Văn Kháng mà chỉ là những sự kiện mang dấu ấn cuộc đời tác giả và được thể hiện tập trung trong các nhân vật. Chẳng hạn, ở Một mình một ngựa, nhà văn đưa vào nhân vật Toàn những nếm trải lịch sử, những vui buồn, thăng trầm của chính quãng đời khi ông được điều lên làm trợ lý cho Bí thư Tỉnh uỷ Lào Cai. Ông không hiện ra một cách lộ liễu, cũng không giấu mình đi đến mức không thể nhận ra ông trong tác phẩm. Hay nhà giáo Tự trong Đám cưới không có giấy giá thú, nhân vật Khiêm trong Ngược dòng nước lũ, chừng ấy nhân vật là chừng ấy bức chân dung của nhà văn.

Mặt khác, nếu đặt các tiểu thuyết trong sự so sánh với một số tiểu thuyết khác trong nền tiểu thuyết đương đại mà các sáng tác đó lấy chất liệu từ bản thân cuộc đời riêng tư của tác giả, với những chi tiết mang tính tiểu sử của chính nhà văn qua đó bộc lộ cái tôi rõ nét như Thời xa vắng (Lê Lựu),

Chuyện kể năm 2000 (Bùi Ngọc Tấn), Thượng đế thì cười (Nguyễn Khải),

Gia đính bé mọn (Dạ Ngân)... thì chúng ta cũng sẽ nhận ra sự khác biệt trong tiểu thuyết của nhà văn họ Ma với các sáng tác đó.

Chẳng hạn, với Thượng đế thì cười của Nguyễn Khải rất nhiều người coi đây là một cuốn hồi kí của nhà văn, thậm chí có người còn coi đây là một cuốn sách thiên về tự truyện. Nhưng thực chất đây là một cuốn tiểu thuyết tự thuật vì kết cấu, văn phong của tác phẩm được viết theo hình thức của một tiểu thuyết, còn các nhân vật thì có thực. Xuất phát từ câu chuyện người vợ, sau cả quãng đời dài cùng ông gắn bó, về già lại đâm ghen tuông, khiến ông nhà văn vốn rất khéo xử với đời lại không biết xử xự thế nào với vợ...toàn bộ cuộc đời của Nguyễn Khải đã được dựng lên. Với độ lùi cần thiết về mặt thời gian và tuổi tác, Nguyễn Khải đã trung thực và sòng phẳng khi tự nhận mình là đứa con thừa, đứa con bỏ rơi của một dòng họ; mình là người do thời thế tạo ra, là sản phẩm của xã hội và bi kịch cá nhân (của ông) luôn gắn với bi kịch xã hội. Để có màu sắc của sự khách quan, ông tự gọi mình là “hắn” và nhân vật hắn đồng thời cũng là nhân vật chính trong Thượng đế thì cười. Ông vẫn trung thành với lối viết thông minh một cách sắc lạnh từ lâu nay và thể hiện thái độ chân thành một cách tỉnh táo, thật thà một cách thận trọng.

Trước hết, ông nhìn thẳng vào tuổi trẻ của ông và thế hệ ông: “Bọn hắn sống vào cái thời mọi nghi lễ đều bị tước bỏ, tất cả chỉ nhằm nhanh chóng đến đích”; nhìn thẳng vào một thời đã đi qua “Chỉ được nhận, có gì nhận nấy, không được phàn nàn, không được tỏ ra bất bình, mới là một công dân tốt”.

Ông nói nhiều đến nghề văn - nghề làm nên ông, làm ông nổi tiếng và sự nghiệp của ông. Ông đúc rút ra bài học kinh nghiệm “Nhưng một đời văn mà không có những ham muốn, đau khổ, dằn vặt, thất bại của mọi đời thường

thì lấy gì mà viết, đời không có đam mê, không có thất bại thì nhạt bằng nước ốc, nước đã trong làm sao quấy thành bột hồ”.

Ở cương vị mình (một nhà văn, từng là một sĩ quan cao cấp trong quân đội), ông nghiêm túc soi rọi lại mình, một cách thành khẩn không né tránh...Và trong mỗi trang tiểu thuyết của Thượng đế thì cười chúng ta đều nhận ra bóng dáng văn nhân qua những sự kiện mang đậm dấu ấn cuộc đời của nhà văn.

Cũng giống như kĩ thuật viết của Thượng đế thì cười, Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn cũng là một cuốn tiểu thuyết tự thuật. Bùi Ngọc Tấn bị tù năm năm, mang số CR880, như “Hắn”, Nguyễn Văn Tuấn, nhân vật chính trong tác phẩm.

Từ trước đến nay, độc giả - nhất là độc giả ngoài nước - đã được đọc nhiều hồi kí cải tạo của những người cầm bút ở hai miền Nam Bắc. Mỗi tập hồi kí đều nói lên những khía cạnh khác nhau của đời tù cải tạo. Qua những hồi kí đó, người đọc biết được đời sống vật chất và tinh thần ở trong tù. Nhưng thể hồi kí luôn gò bó người viết trong một tư thế nhất định, tư thế của cái tôi chủ quan nên khó có thể bước vào thế giới mộng tưởng để đến với nghệ thuật. Ở thể hồi kí, người viết cũng lại gần như bắt buộc phải đưa ra những nhân vật thực, việc thực, người thực nghèo nàn và giết chết khả năng sáng tạo. Nhưng trong sáng tác của Bùi Ngọc Tấn vẫn là những sự kiện trong cuộc đời nhà văn nhưng ông đã lựa chọn thể loại tiểu thuyết. Ở thể văn này, nhà văn có thể tung hoành, sống với nhiều cái tôi, đứng trên muôn vàn khía cạnh để rọi những lăng kính khác vào cuộc đời của mình.

“Hắn” tức là Nguyễn Văn Tuấn, nhân vật chính trong tác phẩm, tù số CR880, là tổng hợp của nhiều “hắn” khác trong một đời tù. Hắn bị tù năm năm, được tha ra khỏi nhà tù, nhưng vẫn không sống được, do gặp nhiều trắc trở trong việc kiếm sống và hàng chục năm vẫn bị ám ảnh nặng nề của những kỉ niệm trong tù, của thân phận “một con người không được công nhận”, một người không được tự do. “Hắn” là một nhà báo, nhà văn. Người này ở trong

tù mất tự do đã đành mà ra khỏi tù vẫn không được tự do. Có chỗ trong tiểu thuyết gọi là “tù nội trú” và “tù ngoại trú”. Mọi người đọc dễ dàng nhận thấy đây là một tiểu thuyết tự thuật, tác giả viết về cuộc đời mình mà không xưng “tôi”. Vì thế tác giả tự do tưởng tượng, hư cấu những chi tiết “như thật” rất tự nhiên, hấp dẫn.

Chuyện kể năm 2000 là một tiểu thuyết tự thuật. Nhiều nhân vật vẫn giữ tên thật, tác giả đổi một vài tên xuất hiện trong tập hồi kí văn học Một thời để mất. Cuốn hồi kí chủ yếu viết về Nguyên Hồng. Nhà văn rất gần gũi và quý trọng sự nhìn xuống những người dưới đáy của tác giả Bỉ vỏ, nhưng qua đó người đọc có thế biết rõ về môi trường sinh hoạt văn học của lớp người cùng lứa tuổi với tác giả nhất là về không khí sáng tác theo “đúng đường lối của Đảng” thời 1960- 1965. Một thời để mất cũng cho biết sơ lược nội dung những tác phẩm khác của Bùi Ngọc Tấn mà trong Chuyện kể năm 2000 tác giả nói rõ hơn.

Như vậy, với cả Thượng đế thì cười của Nguyễn Khải và Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, chúng ta đều thấy trong cả hai tiểu thuyết: Tuy có sự pha trộn giữa sự thật và hư cấu nhưng sự thật và tính chân thực được đặc biệt chú trọng, trong đó, tỉ lệ cái thật trội hơn so với hư cấu, thậm chí là bộ xương để kiến tạo cốt truyện. Những yếu tố tự truyện được đưa vào tác phẩm một cách hệ thống, có ý nghĩa trong sự hình thành nhân cách nhân vật. Chúng tôi cho rằng khi viết tiểu thuyết tự thuật, dù nhà văn có tuyên bố hay không, ông ta vẫn ngầm chịu trách nhiệm với độc giả về tính chân thực của chi tiết, sự kiện. Từng chặng đường đời hoặc các sự kiện của một quãng đời được thuật lại chi tiết, có tính xác thực cao. Chẳng hạn, trong Thượng đế thì cười, ta có thể lập hẳn một bảng biểu đối chiếu giữa nhân vật và tiểu sử tác giả như năm tháng, tuổi tác, sự kiện, số lượng và thời điểm xuất bản sách, các nhân vật đồng nghiệp,… Hoặc Chuyện kể năm 2000, tính tự truyện tương đối rõ nét, nhất là trải nghiệm máu thịt về cảnh tù ngục của cá nhân nhà văn được phơi bày trần trụi trên trang giấy. Còn với tiểu thuyết Đám cưới không có giấy

giá thú, Ngược dòng nước lũ, Một mình một ngựa thì mức độ nhận biết về sự thật có phần mờ nhạt hơn, không tự thuật bằng ngôi kể thứ nhất, tên nhân vật không trùng với tên tác giả, và đôi lúc trên bề mặt văn bản không có dấu hiệu nhân biết nào, nhưng từ những trải nghiệm, chiêm nghiệm, giọng kể tự thú nhất là khuynh hướng xoáy sâu vào lí giải quá trình hình thành nhân cách nhân vật chính, độc giả cảm nhận được những nét tương đồng với chính bản thân nhà văn ngoài đời thực.

Và nếu điểm lại lịch sử khái niệm tự thuật, điểm lại một số tiểu thuyết tự thuật tiêu biểu chúng ta thấy tự thuật là một yếu tố vô cùng quan trọng của một tác phẩm. Cho dù, đã từng có định kiến, công chúng chỉ tìm kiếm những tâm sự riêng tư trong sách một nhà văn là công chúng không biết đọc sách thì việc tìm ra bóng dáng nhà văn được tự thuật trong tác phẩm vẫn là một công việc có ý nghĩa, nhất là với những nhà văn “nghiện” giãi bày bản thân mình ở khắp nơi với nhiều hình thức khác nhau như Ma Văn Kháng. Điều đó cũng phù hợp với nhu cầu của con người hiện đại thế kỉ XX có “khuynh hướng thiên về trí tuệ và hướng tới những khủng hoảng cá nhân”. Tuy nhiên, việc phân tích một tác phẩm văn học để thấy được tính tự thuật của nhà văn (dù đó là tác phẩm tiêu biểu nhất) là công việc không đơn giản, dễ dàng. Tác phẩm văn học là sáng tạo thuần tuý tư tưởng . Chất liệu tạo hình của nó, chỗ dựa vật chất duy nhất của nó là ngôn từ thì lại có tính phi vật thể...Tất cả phụ thuộc vào người đọc, người nghiên cứu có biết đánh thức dậy hay không những hình tượng sống động từ những con chữ đơn điệu và lặng câm trên mặt giấy?

Với việc đối chiếu, so sánh, phân tích để tìm ra yếu tố tự thuật của Ma Văn Kháng trong tiểu thuyết Đám cưới không có giấy giá thú, Ngược dòng nước lũ, Một mình một ngựa chúng tôi hi vọng sẽ không rơi vào quan niệm áp đặt giản đơn, máy móc khi dựa trên một hệ thống các căn cứ dẫn chứng, cụ thể sẽ được làm rõ trong chương hai và chương ba - phần tiếp theo của luận văn.

Chƣơng 2

YẾU TỐ TỰ THUẬT QUA CÁC NHÂN VẬT TRUNG TÂM TRONG TIỂU THUYẾT CỦA MA VĂN KHÁNG

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Yếu tố tự thuật trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng (Qua Đám cưới không có giấy giá thú, Ngược dòng nước lũ, Một mình một ngựa) (Trang 37 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)