Ngôn ngữ giàu chất thơ

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Yếu tố tự thuật trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng (Qua Đám cưới không có giấy giá thú, Ngược dòng nước lũ, Một mình một ngựa) (Trang 90 - 93)

Chƣơng 3 NGHỆ THUẬT TRẦN THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT

3.2 Ngôn ngữ trần thuật

3.2.2 Ngôn ngữ giàu chất thơ

Đặc biệt, bên cạnh việc nhà văn sử dụng ngôn ngữ đậm chất sinh hoạt hàng ngày thì trong tác phẩm nhiều khi ông còn sử dụng kiểu ngôn ngữ trần thuật tan hoà cùng những câu thành ngữ, tục ngữ hoặc là những đoạn thơ tạo nên một thứ ngôn ngữ đầy hình ảnh và cảm xúc. Sức hấp dẫn của văn xuôi Ma Văn Kháng với độc giả ngay từ trang viết đầu tay chính là ở chất thơ mượt mà, tha thiết đó. Với một tâm hồn tinh tế và sâu sắc, Ma Văn Kháng đã sử dụng hết sức hiệu quả một hệ thống ngôn ngữ giàu sức biểu cảm.

Một mình một ngựa, ta có thể bắt gặp đâu đó trong tác phẩm những câu nói văn vẻ của mấy ông cán bộ như: “Nghe đâu thằng cha thì lì như chì đổ lỗ ấy được ông Đình bên uỷ ban gọi sang để đi nấu cao” [31; 111], hay “Có tình rình trong bụi, có tật giật mình” [31; 108], “Lão này hôm nay rũ váy ra lửa đây”, “chích choè học dốt có chuôi. Bởi vì nhí nhoẻn nên đuôi phất cờ”,... Hay cả việc tác giả lồng ghép những bài thơ, bài vè như: “Miền Nam đang rất thắng to/ Tỉnh ta ta quyết phất cờ tiến lên”; hoặc “Khắp nơi bát ngát

rừng xanh/ Sắn lên tươi tốt rừng gianh thua rồi” hoặc “Su hào, bắp cải, súp lơ/ Trong ba cây ấy anh ưa cây nào...” Đây chỉ là những câu thơ của ông cán bộ tuyên giáo viết ra và trích ở đầu mỗi bài báo cáo hay tuyên truyền, vận động. Nó thể hiện sự ngô nghê, lẩn thẩn của nhân vật này nhưng đồng thời cũng thể hiện được lối tư duy mang tính hình tượng, cụ thể của người miền núi. Bởi họ luôn dùng những hình ảnh ví von giàu hình ảnh, ngôn ngữ đưa đẩy. Bên cạnh những vần thơ con cóc của ông Tuyên giáo tỉnh là những vần thơ bác học, đầy ý nghĩa của Toàn, của ông Quyết Định: “Em cởi áo/ Như cánh rừng trút lá/ Em buông mình cơn ghì riết mê man/ Vòng tay dịu êm qua lớp áo choàng/ Em là vĩnh phúc trên bước đường thảm khốc/ Khi đời sống còn ghê rợn hơn cơn đau/ Thì can đảm - cội nguồn cái đẹp/ Chính là điều cuốn ta lại gần nhau” (Bài thơ Mùa thu của nhà thơ Nga B.Paxtecnak), hay những vần thơ gắn liền với mối tình lãng mạn, tuyệt vời đến nao lòng của ông Quyết Định và Yên: “Đôi ta anh hỡi biết đâu/ Chưa từng tha thiết yêu nhau thế này/ Nếu từ anh đấy tới đây/ Hồn chưa thông cảm từ ngày còn xa/ Biết đâu anh hỡi đôi ta/ Chưa từng gắn bó thiết tha mặn nồng/ Nếu trăm năm cuộc tao phùng/ Đời không chia cách giữa lòng đôi ta” [31; 106]. Thành ngữ, thơ ca,...vốn giàu tính nhạc, giàu chất thơ. Vì vậy, đưa thành ngữ, dân ca, hò vè vào lời văn trần thuật, Ma Văn Kháng đã tạo nên chất thơ cho tiểu thuyết của mình.

Đọc tiểu thuyết hay truyện ngắn của Ma Văn Kháng về thể tài lịch sử dân tộc của ông người ta dễ dàng đồng ý rằng: Ma Văn Kháng quả thực đã là người đi sau đầy sáng tạo kế tiếp Tô Hoài và là người bạn đồng hành thú vị của Nông Minh Châu, Mạc Phi, Vi Hồng, Phượng Vũ… khi đưa vẻ đẹp nên thơ, kỳ diệu của trời đất, thiên nhiên, của con người Tây Bắc vào văn chương. Miền núi qua tình yêu của Ma Văn Kháng, qua ngôn ngữ miêu tả gợi cảm của ông không hề xa lạ trong cảm nhận của người đọc. Thiên nhiên miền núi hùng vĩ và thơ mộng cũng là cơ sở cho ngòi bút giàu chất thơ, chất nhạc, chất hoạ của Ma Văn Kháng thoả sức thể hiện. Dù chưa một lần đặt chân lên “miền đất vàng” của Ma Văn Kháng nhưng qua những trang viết thẫm đẫm cảm xúc của

ông hình như ta thấy tò mò và tự nhủ sẽ một lần đặt chân đến miền đất đó, nơi có cảnh thiên nhiên vô cùng sinh động “con ngòi nhỏ rộng chừng hai chục sải từ trong rừng vầu gần đó đổ nước ra, xuôi dòng chừng nửa cây số thì bắt vào một con suối lớn. Nước liu riu đục lờ. Thoang thoảng vài vòng xoáy vân vi hiền lành. Nhộn nhịp là đám nhện nước chân cao lênh khênh như những cái gọng vó ngược đuổi rượt nhau như trong một cuộc đùa rỡn vô tư lự”[31; 7]. Và có cả một thiên nhiên mênh mang nỗi buồn trong ngày đầu thầy giáo Toàn đến nơi làm mới: “...Gió heo heo lạnh và thi thoảng lại như giật mình, quạt lồng lên một hơi dài hoang vắng. Nẳng mỏng mảnh như thuỷ tinh. (...)Bên đường, những bụi cây chó đẻ già đã khô nẻ, để hở những vòm rỗng không bên dưới, trong khi trên ngọn cây, những chùm hoa xanh lơ màu phấn đua nở cuống quýt mà vẫn rưng rưng buồn” [31; 15].

Ở đây, cảm hứng lãng mạn bay bổng cùng với tài năng sử dụng tổng hợp các phương tiện và biện pháp tu từ như: đối, điệp, liệt kê, đồng nghĩa kép và đậm đặc những từ láy tạo cho câu văn của Ma Văn Kháng một sức cuốn hút và ám ảnh ma mị. Có lẽ, phải yêu, phải gắn bó với miền đất này sâu nặng lắm Ma Văn Kháng mới có những trang viết đầy cảm xúc và hấp dẫn đến vậy. Ai đã một lần đọc những câu văn miêu tả khung cảnh thiên nhiên trong tiểu thuyết này mà lòng không dâng lên một tình yêu tha thiết với cảnh và người nơi đây. Tình yêu của nhà văn gửi vào câu chữ tạo nên một giai điệu trữ tình lãng mạn đến say người. Là văn hay là thơ? Có lẽ phải gọi đây là thơ - một tiểu thuyết với những bài thơ xinh xắn được kết tạo bằng những màu sắc, âm thanh, hình ảnh thật ấn tượng, dẫn dắt ta vào một thế giới nửa mơ, nửa thực.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương đã từng nói: “Trong cấu trúc tiểu thuyết thường có những đoạn buông lỏng và những đoạn đó lại trở về với bản chất cố hữu của một anh làm thơ lãng đãng”. Và đúng như thế, trong mỗi tác phẩm của Ma Văn Kháng người đọc thường dễ dàng bắt gặp những đoạn “buông lỏng”, “lãng đãng”, thường là ở những đoạn văn có tính chất miêu tả. Trong những tác phẩm của ông những phiến đoạn như vậy thường xuất hiện trong

mạch vô thanh – nơi sự ồn ã, xô bồ của mạch truyện đã bị đẩy lùi nhường chỗ cho thứ thanh âm không lời của tâm trạng, của kí ức: “Chao ôi! Vào cái thời buổi gạo châu củi quế, người người lao đầu quyết tử vào cuộc giành giật danh lợi hỗn mang, ở cái gác xép chật chội (…) mà lại còn cao đàm khoát luận về cái sâu xa, thâm thúy của văn chương, lại còn say sưa mày mò tìm kiếm cái gọi là ngữ pháp nghệ thuật…” [28, 34], hay “Ôi, phượng nơi sân trường! Cuộc tụ hội náo nhiệt của cung màu mạnh nhất trong quang phổ. Phượng, cái ngôn ngữ đặc sắc mùa hè. Phượng, hoa của học đường. Hoa của tuổi hoa niên cắp sách đến trường. Hoa của một thời tươi sáng, cùng với trên màu nâu, cửa kính, phấn trắng, bảng đen. Phượng, hoa của mùa thi cử” [31, 376].

Rõ ràng, phải xuất phát từ những cảm xúc sâu lắng trong tâm hồn thì Ma Văn Kháng mới viết được nên những trang văn giàu chất thơ đến như vậy. Ngôn ngữ bay bổng, bảng lảng làm cho câu văn chứa chan xúc cảm. Nhà văn như khoác cho sự vật một diện mạo sinh động hơn chính bản thân nó. Những trang văn vì thế mà đem đến sự rung động chân thành, sâu lắng cho người đọc.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Yếu tố tự thuật trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng (Qua Đám cưới không có giấy giá thú, Ngược dòng nước lũ, Một mình một ngựa) (Trang 90 - 93)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)