Ngôn ngữ đậm chất sinh hoạt đời thường

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Yếu tố tự thuật trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng (Qua Đám cưới không có giấy giá thú, Ngược dòng nước lũ, Một mình một ngựa) (Trang 85 - 90)

Chƣơng 3 NGHỆ THUẬT TRẦN THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT

3.2 Ngôn ngữ trần thuật

3.2.1 Ngôn ngữ đậm chất sinh hoạt đời thường

Khảo sát tiểu thuyết Ma Văn Kháng, chúng tôi thấy, ở những tác phẩm viết về đề tài thế sự đời tư, ngôn ngữ trần thuật của ông đã có sự thay đổi rất rõ nét. Từ ngôn ngữ trần thuật đậm chất sử thi, trang trọng, mực thước, nhà văn đã đưa dòng đời sinh hoá hồn nhiên vào tác phẩm qua việc sử dụng ngôn ngữ sinh hoạt hàng ngày đậm chất đời thường.

Trước hết, với việc đi sâu vào quá trình tha hóa của tầng lớp thị dân và trí thức, Ma Văn Khãng đã sử dụng lớp ngôn ngữ thông tục, thậm chí là thô tục của họ. Ở tác phẩm Đám cưới không có giấy giá thú, người đọc chua xót trước một nền giáo dục bị coi thường, rẻ rúng đến thảm hại qua lợi tuyên bố hùng hồn của ông Bí thư thị ủy trong ngày khai trường:

“Các anh giáo! Xin nói để các anh biết. Tầng lớp trí thức tiểu tư sản các anh chẳng qua là cái sinh thực khí, tức cái vật thể thối tha của thằng đàn ông. Nghĩa là xung trận, được kích thích thì nó cương cứng lên. Rồi sau đó thì ỉu sìu như thằng chết trôi”.

Thậm chí, sự thiếu văn hóa còn thể hiện qua cuộc cãi vã giữa hai thầy giáo: “- Đồ chó! Đồ khốn! (…)

- Mày bảo ai là đồ chó, hả thằng mõ - Mày! Mày là đồ chó! Đồ chó đểu”

Đối với những loại nhân vật này, tác giả thường vạch rõ bản chất hám lợi, sự vô văn hóa của chúng bằng một hệ thống từ ngữ thô tục mang đậm khẩu ngữ trong sinh hoạt.

Hay cụ thể hơn, tiểu thuyết Một mình một ngựa lấy bối cảnh O Tròn (nơi sơ tán của cơ quan Tỉnh uỷ Hoàng Liên trong những năm chống Mỹ). Là một nhà văn sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng Ma Văn Kháng lại gắn bó với mảnh đất Lào Cai, miền đất vàng của Tổ quốc trong những ngày đầu bước vào nghề dạy học và sáng tác văn chương. Với ông, Lào Cai là một quê hương thứ hai, vì vậy mà ta thấy được một loạt các sáng tác về miền núi của ông như Đồng bạc trắng hoa xoè, Vùng biên ải, Gặp gỡ ở La Tan Pẩn... và một khối lượng lớn các truyện ngắn của ông. Tưởng như mối duyên nợ của nhà văn với mảnh đất này đã hết nhưng gần đây với tiểu thuyết Một mình một ngựa, Ma Văn Kháng lại một lần nữa chứng tỏ mối duyên sâu nặng với mảnh đất Tây Bắc này. Tuy viết về lớp cán bộ lãnh đạo, những người đã cộng tác cùng nhà văn khi ông được điều về làm thư kí cho Bí thư Tỉnh uỷ nhưng đọc tác phẩm, người đọc lại một lần nữa sống trong khung cảnh miền núi Tây

Bắc nồng nàn, thuần hậu mà hoang dã, bạo liệt. Trong một lần trả lời phỏng vấn báo Thái Nguyên Thứ Bảy, Ma Văn Kháng đã nói đến hai vấn đề quan hệ đến chất lượng một văn phẩm, đó là: chất liệu và cách biểu hiện. Theo nhà văn thì cuộc sống ở miền núi và đồng bào miền núi đã cho ông nhiều lợi thế. Đó là sự hiểu biết về nhiều mặt con người và cuộc sống nơi đây - một chất liệu tươi ròng sự sống. “Không có chất liệu thì tài năng mấy cũng chịu. Cũng như thế, cách biểu hiện đậm đà màu sắc dân tộc cũng có sẵn ở trong lối kể chuyện, giao tiếp của bà con. Có thể học ở đó, bổ sung làm giàu cho văn phong của mình”. Quả như thế, nhờ sự am hiểu sâu sắc đời sống miền núi, Ma Văn Kháng đã có được “một kho chữ rủng rỉnh để tiêu dùng” (Phong Lê). Lan toả, quấn quyện và nồng đượm trong những trang văn của Ma Văn Kháng là cái khí vị miền núi, cái màu sắc miền núi. Bước chân vào thế giới nghệ thuật của Một mình một ngựa, người đọc được “sống” trong môi trường của văn phòng Tỉnh uỷ Hoàng Liên nhưng đậm chất miền núi bởi bao quanh ta là cả một thế giới sinh động những tên đất, tên người, những sự vật, sự việc, câu chuyện, những sinh hoạt, những cách nghĩ mang đặc trưng miên núi. Phả vào ta hơi thở miền núi nhưng là một vùng đất còn nhiều khó khăn với những con người lam lũ, Ma Văn Kháng đã phần nào nhắc ta về nhiệm vụ khó khăn của những người lãnh đạo nơi đây. Trong cuộc “vật lộn” với cái đói, cái nghèo đòi hỏi mỗi người lãnh đạo phải biết sâu sát, nắm rõ tình hình thực tế, tư tưởng vững vàng để có thể lãnh đạo, tập hợp được phong trào quần chúng. Nơi ấy có xã Thào Chư Phìn ở khu vực Pha Linh với chủ nhiệm hợp tác xã Sùng A Mang người Mông, có cầu Bản Phiền điểm nối tiếp của Pha Linh với Bản San, có thôn Na Ảng, rồi cả xã A Mú Sung, xã Lầu Thí Ngài,...những miền đất lạ xa xôi mà ai đã đặt chân đến đó thì không thể nào quên. Những địa danh này ghi dấu mỗi bước chân của vị Bí thư Tỉnh uỷ và những người trong ban Thường vụ đồng thời những nơi đó cũng đã từng in dấu những bước chân của nhà văn trẻ Ma Văn Kháng trong 22 năm sống gắn bó với mảnh đất và con người nơi đây. Sau này, khi đã trở về xuôi, Ma Văn

Kháng vẫn “không hề cắt đứt với những ngày tháng đó”. Kỉ niệm đọng lại dần thành vốn tinh thần và những cái tên đất ấy vẫn hiển hiện một tâm hồn Tây Bắc vương vấn và quấn quyện lòng người. Thấp thoáng xa gần trong bức tranh thiên nhiên sơn thuỷ ấy là những chủ nhân của núi rừng, có người trẻ và người già, có người dân thường và vị lãnh đạo...Họ gặp gỡ và neo lại trong ta một tình cảm yêu thương, thông cảm, một nỗi day dứt: “...phô bày trước hơn trăm đại biểu toàn bộ cái thân xác thảm hại của ông! Xương sườn nổi từng vệt. Khuỷu tay, bả vai đầu gối gồ ghề u cục. Ông, cái thân xác của một kẻ bị dồn đẩy vào cuộc sống lam lũ, cơ cầu đói khát. Ông , với bộ cốt bọc da, là biểu tượng của kiếp người lầm than cực nhọc” [31; 37], cuộc sống người dân Mông quê ông “mỗi ngày phải đi năm cây số mới có được ống bắng nước ăn. Đi mười cây số mới lấy được chũa củi đun. Cây ngô cao hơn hai gang tay. Con chó ăn vụng cám lợn, đói vẫn hoàn đói. Con ngựa chỉ thấy bụng ỏng to như cái trống. Con lợn chỉ thấy cái đầu! Hợp tác xã biến người thành ma đói quỷ khát” [31; 37].

Mặc dù trong tiểu thuyết là những tên đất, tên người,...mang hơi thở miền núi nhưng dầy đặc trong tiểu thuyết là không khí của một văn phòng Tỉnh uỷ với những người trong ban Thường vụ, với những ông trợ lí, thư kí,...mỗi người một công việc một chức phận: ông Quyết Định - Bí thư Tỉnh uỷ, ông Ké Lanh - ban Thường vụ làm công tác Tuyên giáo, ông Đình - Chủ tịch tỉnh, cô Tình - nhân viên đánh máy tính, Kiến - phó văn phòng phụ trách quản trị, Muôi - nhân viên cơ yếu mật mã,...Một bức tranh đầy đủ chân dung các cán bộ từ ông to đến ông giúp việc đã hiện lên thật sinh động, độc đáo. Bằng một hệ thống từ ngữ chính trị như nghị quyết, quyết định, báo cáo, tư tưởng hữu khuynh,... Ma Văn Kháng đã đưa người đọc vào sống trong môi trường chính trị với những khó khăn, đấu đá, ganh tỵ, soi mói, nói xấu, hạ bệ nhau..., giúp người đọc gặp gỡ, tìm hiểu từng người để hiểu cặn kẽ về họ: từ lí lịch xuất thân, quá trình công tác, cái tốt lẫn sự xấu xa, những việc làm thăng hoa bay bổng và cả những phút yếu lòng xa ngã xuống vực thẳm. Chính vì

nhà văn đã động chạm đến vấn đề chính trị nên nhà phê bình Nguyễn Long Khánh đã cho rằng nhà văn Ma Văn Kháng chọn cho mình một đề tài thật khó khăn, chênh vênh chẳng khác gì đi trên những con đường núi cheo leo, hiểm trở ngày mưa lũ...Nếu bản lĩnh nhà văn không vững vàng, có tầm nhìn sâu xa với nhãn quan chính trị sắc bén, có lẽ ông sẽ rơi xuống vực hay bị lũ cuốn trôi đi ngay trên mảnh đât Hoàng Liên nơi ông sống, đã mục kích, chiêm nghiệm, hoá thân vào các nhân vật trong truyện sâu sắc để viết được cuốn tiểu thuyết đặc biệt thành công này.

Tuy nhiên, không phải cứ đưa vào tác phẩm nhiều từ ngữ miền núi, chính trị là có được khí vị miền núi hay chính trị. Mà ở đây Ma Văn Kháng đã thật sự sống với con người nơi đây bằng trái tim, bằng tình người, bằng sự suy tư chiêm nghiệm của bản thân. Sự sống động trong ngôn ngữ văn chương Ma Văn Kháng thể hiện trong tiểu thuyết còn thể hiện ở cách ông sử dụng ngôn ngữ đầy biến hoá: lạ mà quen, quen mà lạ với lối tu duy giàu tính hình tượng, ngôn ngữ đậm đặc những hình ảnh ví von, những câu thành ngữ, tục ngữ, cảm thán, từ ngữ đưa đẩy. Hãy thử đọc một đoạn văn Ma Văn Kháng kể lại cuộc đối thoại của ông Đồng với Căn:

“- Còn việc các vị ấy bàn vừa rồi thì ...rặt một lũ binh cua tướng ốc đếch biết gì cả! Nói thật đấy, máy kéo MTZ mà bắt nó leo đồi Na Ảng thì nó lăn kềnh, chổng bố nó bốn vó lên trời, chứ cày cái con tườu!

(...)

- Đúng là chích choè học dốt có chuôi. Bởi vì nhí nhoẻn nên đuôi phất cờ, các ông ạ!...”.

Đoạn đối thoại này đã thể hiện thái độ bực tức của ông Đồng trước hành vi chuyên quyền, vô lí của ông Văn Hiến trong vụ đưa máy kéo lên cày ở trên vùng đồi Na Ảng có độ dốc 40 độ, máy kéo bị đổ làm hỏng kế hoạch của ông nên ông tức giận kỉ luật người phụ trách máy. Với các thành ngữ “binh cua tướng ốc”, hay câu nói theo lối đưa đẩy “chích choè học dốt có chuôi. Bởi vì nhí nhoẻn nên đuôi phất cờ”...còn chứng tỏ lối ăn nói sắc sảo,

thâm nho của nhân vật Đồng- trợ lí văn phòng. Ngoài ra, trong các cuộc đối thoại của nhân vật, ta còn tìm thấy rất nhiều các câu thành ngữ, tục ngữ, lối so sánh ví von, cách nói đưa đẩy khác... được vận dụng rất linh hoạt như: “ông Văn Hiến người loắt choắt như hột lạc kẹ mà chức tước thì to đùng”, “trước ngoài sân sau lấn dần vào nhà”, “mỗi ngày một nắm thì đắm đò ông lúc nào không biết đâu”, “đầu ông lông lốc như quả bí đỏ. Tóc ông xơ rơ đỏ quạch như râu ngô”, “vượng phu ích tử”, “hành xà tước bộ”, “lưng gù chữ cụ, vú lồi chữ tâm”, “nói láo ông táo bẻ răng”, “không có trâu thì mèo lại đi cày vậy”...

Sự đan dệt những thành ngữ, tục ngữ, lối đưa đẩy,... đã làm cho văn phong gần hơn với đời sống thường nhật. Độc giả có cảm giác các nhân vật sống dậy đi lại, nói cười hoạt động trên mỗi trang văn. Họ thật gần gũi và quen thuộc. Ở đây, nhà văn đã lấy cái hữu hình để diễn tả cái vô hình, có được điều này là do sự nhập cảm của nhà văn vào đời sống tinh thần của con người mà thôi.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Yếu tố tự thuật trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng (Qua Đám cưới không có giấy giá thú, Ngược dòng nước lũ, Một mình một ngựa) (Trang 85 - 90)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)