Liêm: là không tham danh vọng, không tham sống, không tham tiền, không
tham sắc. Người cán bộ đã dám hy sinh cho Tổ quốc, hy sinh cho đồng bào, hy sinh vì nghĩa, không tham gì hết”.
Hồ Chí Minh chỉ rõ Nhân - Nghĩa - Trí - Ḍũng - Liêm, là gốc của mỗi con người.
Theo Hồ Chí Minh, những chuẩn mực đạo đức chủ yếu được biểu hiện thường xuyên, hợp thành những phẩm chất đạo đức cơ bản bao gồm:
Trung với nước, hiếu với dân.
Đây là phẩm chất quan trọng nhất và bao trùm nhất. Hồ Chí Minh không chỉ kế thừa các giá trị của chủ nghĩa yêu nước truyền thống của dân tộc mà còn vượt qua những hạn chế của truyền thống đó. Trung với nước là trung thành với sự nghiệp giữ nước và dựng nước. Nước do dân làm chủ nên trung với nước đồng thời là hiếu với dân. Hiếu với dân không còn lại ở thương dân với tính chất dân là đối tượng cần phải dạy dỗ, ban ơn, mà là đối tượng phải phục vụ hết lòng. Phải gần dân, gắn bó với dân, kính trọng và học tập dân, dựa hẳn vào dân, lấy dân làm gốc.
Người dạy: Trung với nước, hiếu với dân, suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Đối với cán bộ, đảng viên, điều đó là tận trung với nước, tận hiếu với dân, vì họ vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Trung với nước là trong mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng, xã hội, phải biết đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của cách mạng lên trên hết; Quyết tâm phấn đấu thực hiện mục tiêu cách mạng; thực hiện tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Hiếu với dân là: Khẳng định vai trò sức mạnh của dân; tin dân, học dân, lắng nghe ý kiến của dân, gắn bó mật thiết với dân, tổ chức, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.
Đây là phẩm chất đạo đức được Hồ Chí Minh đề cập nhiều nhất và thường xuyên nhất từ Đường cách mệnh đến bản Di chúc cuối cùng.
Những phẩm chất này đã rất cần thiết đối với con người Việt Nam khi đất nước còn phải đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo của chủ nghĩa thực dân. Ngày nay, nó lại càng cần thiết cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong hòa bình.
Cần là lao động cần cù siêng năng; lao động có kế hoạch, sáng tạo, có năng suất cao; lao động tự lực cánh sinh, không ỷ lại, không lười biếng; phải coi lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của mỗi người.
Kiệm là tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm tiền của của nhân dân, của đất nước, của bản thân; không xa xỉ, hoang phí.
Liêm là luôn tôn trọng giữ gìn của công và của dân, không xâm phạm một xu, một hạt thóc của dân, của Nhà nước. Không tham địa vị, tiền tài. Không tham sung sướng. Không tham người tâng bốc mình.
Chính là thẳng thắn, đúng đắn. Đối với mình là không tự cao, tự đại, luôn chịu khó học tập, cầu tiến bộ, luôn tự kiểm để phát triển điều tốt, khắc phục điều dở của bản thân. Đối với người là không nịnh hót đối với cấp trên, không coi khinh người dưới; luôn chân thành khiêm tốn, đoàn kết, không dối trá lừa lọc. Đối với công việc là để việc công lên trên việc riêng. Đã phụ trách việc gì thì làm cho kỳ được, không sợ khó khăn nguy hiểm; việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác dù nhỏ mấy cũng tránh. Mỗi ngày cố làm một việc lợi cho nước, cho dân.
Chí công vô tư là khi làm việc gì cũng phải nghĩ cho người trước, khi hưởng thụ thì phải đi sau; phải lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ. Thực hiện chí công vô tư cũng có nghĩa là kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng.
Cần kiệm liêm chính và chí công vô tư luôn quan hệ mật thiết với nhau. Cần mà không kiệm như gió vào nhà trống. Kiệm mà không cần thì sản xuất được ít, không đủ dùng, không có tăng thêm, không có phát triển. Thiếu một trong bốn đức cần, kiêm, liêm, chính là không thành người. Thực hiện cần, kiệm, liêm, chính tất yếu dẫn đến chí công vô tư. Đã chí công vô tư ắt thực hiện được cần, kiệm, liêm, chính. Người viết:
“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa, thì không thành trời.
Thiếu một phương, thì không thành đất. Thiếu một đức, thì không thành người”1.
Thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là thực hiện nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm. Có được điều ấy thì “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”, “trợn mắt coi khinh nghìn lực sỹ, cúi đầu làm ngựa đám nhi đồng”.
Yêu thương con người.
Hồ Chí Minh xác định tình yêu thương con người là một trong những phẩm chất cao đẹp nhất.
Tình cảm rộng lớn đó, trước hết dành cho những người nghèo khổ, những người lao động bị áp bức. Ham muốn tột bậc của Người là nước được độc lập, dân được tự do, ai cũng có cơm ăn, ai cũng có áo mặc, ai cũng được học hành.
Tình thương đó được thể hiện trong quan hệ với bạn bè, đồng chí, với mọi người. Nó đòi hỏi mỗi người phải luôn chặt chẽ, nghiêm khắc với chính mình và luôn khoan dung, độ lượng với người khác; phải tôn trọng con người.
Tình thương đó còn được thể hiện đối với những người mắc sai lầm, khuyết điểm, nhưng đã nhận rõ khuyết điểm sai lầm và cố gắng sửa chữa; kể cả