2. Mục đích và yêu cầu nghiên cứu
1.4.3 Thực trạng, thách thức và giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá ở Việt Nam
hàng hoá ở Việt Nam
1.4.4.1 Thực trạng sản xuất nông nghiệp hàng hoá
Nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam thực sự có bước chuyển mình từ sau khi đường lối đổi mới do Đảng cộng sản Việt Nam khởi xướng: chuyển từ nền sản xuất tự cấp tự túc sang nền sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là bước chuyển quan trọng làm thay đổi tính chất, đặc điểm và các mối quan hệ cơ bản trong nông nghiệp, đồng thời tạo ra động lực mới cho sự phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn Việt Nam. Những thành tựu bước đầu đó được thế giới ghi nhận, có thể đánh giá trên các mặt chủ yếu sau đây [17]:
- Sản lượng nông sản hàng hóa tăng nhanh, ngày càng phong phú và đa dạng, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Thực tiễn từ năm 1989 đến nay, tốc độ tăng trưởng của sản xuất nông nghiệp (bao gồm cả lâm nghiệp và thủy sản) liên tục tăng và ổn định, đạt mức bình quân tăng 4%/năm. Sản lượng của hầu hết các loại nông sản đều tăng, cao hơn so với mức tăng của dân số. Sản lượng lương thực tăng bình quân 4,8%/năm, từ 21,50 triệu tấn
năm 1989 tăng lên 39,65 triệu tấn năm 2006. Theo đó sản lượng lương thực trên đầu người tăng từ 332,20 kg lên 480 kg cùng thời gian trên. Sản lượng thủy sản tăng 5%/năm; cây công nghiệp, cây ăn quả, cây thực phẩm và sản phẩm chăn nuôi cũng tăng ở mức cao: cà phê tăng 11,5 lần, cao su mủ khô tăng 4 lần, chè búp tăng 1,8 lần, sản lượng mía tăng 3 lần, …
- Cơ cấu sản xuất nông nghiệp đã và đang chuyển dịch hợp lý và đúng hướng: Ngành trồng trọt ngày càng đa dạng hóa cây trồng, giảm dần tình trạng độc canh cây lương thực, đặc biệt là cây lúa, nhất là những diện tích năng suất thấp, không ổn định, tăng dần tỷ trọng các nhóm cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, như cây công nghiệp, cây đặc sản, rau đậu, hoa, cây cảnh. Trong nhóm cây lương thực, xu hướng chuyển dịch sản xuất lúa sang trồng ngô gắn với chuyển đổi cơ cấu mùa, vụ, giống mới nhằm tăng năng suất cây trồng, hiệu quả sử dụng đất, đáp ứng nhu cầu tăng sản lượng nguyên liệu công nghiệp chế biến thức ăn gia súc, giảm dần nhập khẩu ngô và thức ăn gia súc, tạo điều kiện cho công nghiệp chế biến thức ăn gia súc phát triển.
Ngành chăn nuôi cũng phát triển theo hướng đa dạng hóa với mục tiêu tăng dần tỷ trọng giá trị sản xuất từ 24 - 25% hiện nay lên 30% (có tỉnh đạt mục tiêu 50%) giá trị sản lượng nền nông nghiệp vào năm 2010. Chính phủ đã có những chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường trong nước và xuất khẩu. Vì vậy, trong các năm 2005, 2006, chăn nuôi gia súc chuyển mạnh sang phát triển gia súc lấy thịt, lấy sữa tăng khá cao so với năm 2004 về trước. Năm 2005, đàn bò đạt 5,54 triệu con, tăng 12,9% so với năm 2004, trong đó bò lai tăng 288000 con, bò sữa đạt 105000 con, tăng 7,1%, sản lượng thịt bò xuất chuồng đạt 142200 tấn, tăng 18,7%, sản lượng sữa tươi tăng 30%. Năm 2006, đàn bò tăng lên 6,511 triệu con, cao hơn 17,5% so với năm 2005. Đàn bò sữa ở nhiều tỉnh chăn nuôi không hiệu quả, nên hơn 50% số tỉnh, thành phố có đàn bò sữa giảm so với năm 2005 (có tỉnh giảm hơn 50% như Bình Định, Phú Yên, Tây
Ninh, Trà Vinh, Tuyên Quang). Nguyên nhân chính là do thiếu kinh nghiệm chăn nuôi, thu mua sữa chế biến hạn chế, giá cả chưa hợp lý. Tuy nhiên, tổng đàn bò sữa cả nước vẫn tăng 8,7% so với năm 2005, đạt 113200 con, chủ yếu tăng mạnh ở Thành phố Hồ Chí Minh, nơi chiếm 60% tổng đàn bò sữa cả nước. Đàn lợn đạt 26,9 triệu con, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2005, trong đó đàn nái 4,338 triệu con, tăng 11,7%, chiếm 16,1% tổng đàn. Đàn gia cầm đạt 214,564 triệu con, bằng 97,6% so với cùng kỳ năm 2005 do người dân vẫn còn lo ngại dịch cúm gia cầm quay trở lại và bùng phát nên chưa đầu tư để khôi phục đàn.
Ngành lâm nghiệp cũng có bước chuyển dịch cơ cấu sản xuất ngày càng hợp lý và hiệu quả hơn. Tỷ trọng lâm sinh và dịch vụ trong cơ cấu giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng dần: năm 1990, tỷ trọng lâm sinh chiếm 13,1%, dịch vụ lâm nghiệp chiếm 1%; năm 2000, các tỷ trọng trên là 14,5% và 4,7% và năm 2005: 18,6% và 6,9%. Tuy tỷ trọng khai thác gỗ và lâm sản vẫn chiếm khoảng 80%, nhưng cơ cấu đã thay đổi quan trọng: chuyển từ khai thác rừng tự nhiên sang khai thác rừng trồng là chủ yếu, khai thác gỗ rừng trồng khu vực ngoài quốc doanh tăng dần từ 60% năm 2.000 lên 80% năm 2005.
Kết quả đạt được của ngành thủy sản những năm gần đây vượt xa các thời kỳ trước về quy mô, tốc độ tăng trưởng cũng như chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Giai đoạn 2001 - 2005, tỷ trọng thủy sản đánh bắt tự nhiên giảm nhanh từ 70,8% năm 2001 xuống còn 62% năm 2005, tỷ trọng thủy sản nuôi trồng tăng từ 29,2% năm 2001 lên 38% năm 2005. Diện tích nuôi trồng thủy sản tiếp tục được mở rộng. Năm 2005, cả nước đạt 905.000 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, tăng 41% so với năm 2000. Cơ cấu diện tích nuôi trồng chuyển dịch theo hướng tăng diện tích nuôi tôm và giảm diện tích nuôi cá nhưng lượng tuyệt đối vẫn tăng, cơ cấu sản phẩm ngành thủy sản, vì thế cũng chuyển từ thủy sản khác và cá sang tôm. Tỷ trọng tôm tăng từ 47,7% về diện tích và 14,6% về sản lượng năm 2001 lên 66,8% và 25,2% về diện tích và
sản lượng năm 2005 và gắn chặt chẽ với thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất của ngành thủy sản còn theo phương hướng hiện đại, gắn khai thác với bảo vệ môi trường sinh thái và tài nguyên biển, tăng tỷ trọng các loại hải sản đánh bắt xa bờ, giảm tỷ trọng các loại hải sản đánh bắt gần bờ.
- Nhờ có những đổi mới, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nói trên, kim ngạch xuất khẩu các ngành nông, lâm, thủy sản của nước ta cũng tăng lên nhanh chóng. Năm 1999, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 3,87 tỷ USD, chiếm 35% kim ngạch xuất khẩu cả nước, gấp 3,4 lần năm 1990, trong đó gạo xuất khẩu 4,6 triệu tấn, tăng 2,8 lần, thủy sản xuất khẩu đạt 1 tỷ USD, gấp 5 lần năm 1990. Giai đoạn 2001 - 2005, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tiếp tục tăng mạnh, không chỉ góp phần quan trọng cho ngân sách Nhà nước, mà còn khẳng định vị thế của nông sản Việt Nam trên trường quốc tế. Năm 2006, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt tới 7,16 tỷ USD, gấp 1,8 lần năm 2000, tăng 19,7% so với năm 2005, trong đó ngành thủy sản đạt hơn 3 tỷ USD, nhiều mặt hàng chủ lực nông sản đạt trên 1 tỷ USD như gạo, cà phê, cao su, thủy sản, đồ gỗ… mặc dù nông nghiệp năm 2006 gặp nhiều khó khăn gay gắt như bão, lũ, gây thiệt hại 19 ngàn tỷ đồng, chủ yếu cho nông nghiệp, nông thôn, dịch vàng lùn, lùn xoắn lá gây thiệt hại khoảng 1 triệu tấn lúa, giá cả vật tư đầu vào của sản xuất nông nghiệp tăng cao.
1.4.4.2 Những thời cơ và thách thức trong sản xuất nông nghiệp hàng hoá ở Việt Nam
Tháng 11 năm 2006, nước ta đã ký Nghị định thư gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) sau hơn 11 năm đàm phán. Tham gia WTO, nước ta có nhiều cơ hội để xây dựng và phát triển đất nước. Nền kinh tế nói chung, nền sản xuất nông nghiệp nói riêng thêm điều kiện tiếp cận thị trường hàng hóa và dịch vụ ở tất cả các nước thành viên một cách bình đẳng, không bị phân biệt đối xử, tạo cơ hội cho nước ta mở rộng thị trường xuất khẩu, có
điều kiện để đấu tranh bảo vệ sự công bằng và hợp lý hơn các lợi ích của đất nước cũng như của doanh nghiệp. Vốn, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến sẽ có cơ hội đầu tư vào nước ta hơn, kích thích tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện mở mang một số ngành kinh tế, hàng hóa xuất khẩu và theo đó tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên, là một nước đi lên từ nông nghiệp nên trình độ phát triển và quản lý nhà nước còn thấp, doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân còn ít, việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới đặt ra cho nước ta nói chung, cho nền nông nghiệp nói riêng những khó khăn, thách thức rất lớn. Nguy cơ phá sản một bộ phận doanh nghiệp, nguy cơ thất nghiệp và phân hóa giàu nghèo sẽ tăng lên nếu chúng ta không có chính sách chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, có chính sách phúc lợi và an sinh xã hội đúng đắn, không thực hiện tốt chủ trương của Đảng: “Tăng trưởng kinh tế đi đôi với xóa đói, giảm nghèo, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển”. Hội nhập kinh tế càng sâu rộng, càng đặt ra nhiều vấn đề mới về bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc…Như vậy, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới của Việt Nam vừa đem lại lợi ích và cơ hội lớn, vừa có những thách thức không nhỏ. Sau 20 năm đổi mới và phát triển, Việt Nam đã có thế và lực mới, có điều kiện chủ động vượt qua những khó khăn, tận dụng cơ hội với tư cách là thành viên của WTO, đẩy lùi và vượt qua được các thách thức khiến cho nền kinh tế nước ta có khả năng phát triển, bền vững, hội nhập kinh tế ngày càng sâu, rộng hơn với cộng đồng quốc tế, những thời cơ và thách thức đó là:
Đối với sản xuất nông nghiệp, gia nhập WTO, nông nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng toàn bộ qui chế đãi ngộ của nước thành viên, bao gồm tỷ suất thuế nhập khẩu ưu đãi và không phân biệt đối xử của các nước phát triển, tăng hạn ngạch thuế, giảm dần thuế lũy tiến và xóa bỏ các hàng rào phi thuế quan. Điều này tạo thuận lợi để nông nghiệp nước ta tăng nhanh khả năng thương
mại đối với các loại sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên của WTO sẽ được giảm thuế nhập khẩu đối với nông, lâm sản hàng hóa của Việt Nam, làm cho nước ta có điều kiện mở rộng thị trường nông sản. Khả năng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng lên cũng là cơ hội để nước ta phát triển cơ sở hạ tầng và khoa học công nghệ trong các ngàng sản xuất nông nghiệp.
Đối với nền nông nghiệp Việt Nam, nhiều lĩnh vực sản xuất vốn có lợi thế như lúa gạo là hàng hóa xuất khẩu chủ lực có mặt và có uy tín trên nhiều thị trường thế giới như Philipin, Singapo, Malaixia, Inđônêxia và những thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản. Ngoài ra còn một số thị trường tiềm năng như Ôxtrâylia, Châu Phi, Trung Đông và Mỹ la tinh. Gạo Việt Nam có chất lượng cao phục vụ xuất khẩu như các giống lúa: OM, OMCS, IR, VNĐ, MTL…Một số giống lúa đặc sản địa phương cũng phục vụ xuất khẩu như giống lúa Nàng Thơm chợ Đào, Nàng Nhen, Phú Tân,… được thị trường thế giới ưa chuộng. Sau 17 năm tham gia thị trường thế giới, phẩm cấp và giá cả xuất khẩu gạo của nước ta tăng lên rõ rệt. Từ chỗ gạo cùng phẩm cấp, nhưng giá gạo nước ta thấp hơn của Thái Lan 20 USD, thậm chí 40 USD/tấn, đến nay chỉ còn chênh lệch bình quân 4 USD/tấn. Đáng chú ý là sức cạnh tranh hàng nông sản của Việt Nam còn thấp, hầu hết gạo xuất khẩu của nước ta là loại gạo trung bình, nên giá bán luôn thấp hơn gạo Thái Lan cùng phẩm cấp. Mặc dù đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu gạo nhưng đến nay gạo Việt Nam chưa có thương hiệu riêng trên thị trường thế giới [17].
Ngoài lúa gạo, cà phê là mặt hàng nông sản xuất xuất khẩu có giá trị lớn đứng thứ hai sau gạo. Giá trị cà phê xuất khẩu thường chiếm gần 10% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm.
Các loại hoa quả trái cây của Việt Nam cũng có nhiều lợi thế xuất khẩu, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long với hơn 300.000 ha là vựa trái cây lớn
nhất nước ta, ước tính sản lượng đạt 3,30 triệu tấn/năm, trong đó có nhiều loại trái cây đặc sản như Xoài Cát Hòa Lộc, Vú Sữa Lò Rèn, Bưởi Năm Roi,… Dự kiến kim ngạch xuất khẩu các loại trái cây của nước ta đạt khoản 350 triệu USD/năm, nhưng khả năng cung cấp cho xuất khẩu và chế biến rất hạn chế.
Đối với ngành chăn nuôi nước ta cũng có những lợi thế nhất định. Từ năm 1990, lợn sữa Việt Nam đã thâm nhập vào thị trường Hồng Kông và đỉnh cao là năm 2002 đã xuất khẩu 30.000 tấn, nhưng mới chỉ đáp ứng được 2% nhu cầu nhập khẩu của thị trường này. Hiện tại, sản xuất gia cầm trong nước mới chỉ đáp ứng 20% nhu cầu tiêu dùng nội địa, 80% nhu cầu dựa vào nhập khẩu. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu thịt bò sang các nước khu vực sông Mê Kông nếu chúng ta tăng được sản lượng thịt bò trên mức độ tự cung cấp như hiện nay. Việc sản xuất thịt dê và thịt cừu để xuất khẩu sang các nước đạo Hồi cũng là một lợi thế mà Việt Nam có thể khai thác.
Ngành thủy sản vốn có những thế mạnh trong một số mặt hàng xuất khẩu, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long, dự kiến xuất khẩu mỗi năm 2 tỷ USD trong vài ba năm tới. Nhưng đến nay, 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa có tỉnh nào xây dựng xong quy hoạch phát triển ngành thủy sản. Các tỉnh chưa có liên kết sản xuất, bảo đảm môi trường, chưa tạo được sức mạnh cạnh tranh cao cho sản phẩm, chưa có chiến lược phát triển bền vững của cả vùng.
Thực trạng nông sản hàng hóa của Việt Nam tuy phong phú về chủng loại, sản lượng khá nhưng sản xuất còn manh mún, năng suất thấp, giá thành cao, chất lượng chưa ổn định. Các vùng nông sản bước đầu hình thành nhưng sản xuất còn phân tán, vận chuyển khó, chưa đáp ứng yêu cầu của công nghiệp chế biến và thâm nhập thị trường thế giới. Nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu. Trong số hơn 8 triệu lao động toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long, chỉ có 10,2% số lao động đã qua đào tạo, số còn lại là lao động phổ thông. Số dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp còn ít hơn nhiều. Đó là vấn đề đòi hỏi các ngành sản xuất trong nông nghiệp phải vươn lên tự
khẳng định vị thế của mình trên các thị trường thế giới mới có khả năng kêu gọi đầu tư nước ngoài một cách thiết thực.
Mặt khác, vấn đề công nghiệp hoá và cơ khí hoá nông nghiệp để tăng năng suất và tăng cường cạnh tranh cho ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn đang là bài toán khó. Có nhiều vấn đề nảy sinh trong chuyển giao công nghệ, phương pháp và sáng kiến nông nghiệp từ những nước công nghiệp phát triển sang các nước đang phát triển, chẳng hạn như thiếu vốn đầu tư và hệ thống tín dụng nông nghiệp và nông thôn, thiếu hoặc chưa có đủ các hành lang pháp lý nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Không đủ khả năng tài chính để thực hiện các nghiên cứu khoa học, đặc biệt về sinh học và tổ chức ứng dụng hiệu quả các kết quả nghiên cứu khoa học [9].
1.4.4.3 Những giải pháp phát triển nông nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội