Sự di chuyển điểm nhìn

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng (qua Đám cưới không có giấy giá thú, Ngược dòng nước lũ, Một mình một ngựa) (Trang 72 - 77)

2.1.1 .Trần thuật khách quan

2.2. Điểm nhìn

2.2.3. Sự di chuyển điểm nhìn

Trong các sáng tác của mình, mặc dù chủ yếu dựa trên điểm nhìn của người trần thuật toàn tri để soi sáng những khía cạnh của đời sống, nhưng có đôi khi tác giả đã thể hiện sự cách tân nghệ thuật của mình trong việc di chuyển điểm nhìn. Có thể nói, điểm nhìn người kể chuyện trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng được vận dụng khá linh hoạt.

Có lúc, sự di chuyển được thể hiện từ điểm nhìn bên trong của nhân vật này vào điểm nhìn bên trong của nhân vật kia. Trên đây là một phần nội dung của bức thư một học trò cũ gửi cho thầy giáo Đặng Trần Tự: “Sau này em mới biết rằng lúc xảy ra vụ cháy trường, thầy đang ở một nơi xa cách trường chín cây số, thầy đang thăm hỏi một gia đình học sinh(1). Công an đã tới tận đó đưa thầy về(2). Thầy vô can(3). Thầy nghĩ vậy nhưng lòng tan nát(4). Mặt thầy hốc hác(5). Trán thầy lõa mồ hôi(6). Thầy đứng giữa sân trường còn nóng hực lửa thiêu(7). Sao lúc ấy em có cảm giác vụ cháy là một dàn thiêu thế nhỉ?” [34, tr. 225-226]. Câu (1), (2), (3), (5), (6), (7), (8) được soi rọi dưới cái nhìn bên trong của “em”, câu 4 đặt dưới điểm nhìn bên trong của “thầy. Cách di chuyển điểm nhìn như thế góp phần tạo nên sự linh hoạt trong lối kể chuyện, tạo ra sự đa bội điểm nhìn, giúp tô đậm tâm trạng nhân vật. Sự bỡ ngỡ, đau đớn kinh hoàng của Tự trong “sân trường nóng hực lửa thiêu” lúc này gợi nhắc người đọc nhớ đến bi kịch của nhân tài “nghìn năm chưa dễ có một” Vũ Như Tô trong Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài. Nếu như tòa đài Cửu Trùng là khát vọng nghệ thuật cả đời Vũ Như Tô thì ngôi trường biết bao yêu dấu lại là “mộng ước đẹp đẽ và lớn lao” mà Tự tôn thờ cả cuộc đời. Họ đau đớn biết bao khi mộng đẹp không thành, thậm chí trong con mắt của những con người không thấu hiểu tình yêu cao đẹp kia, họ đã trở thành tội đồ.

Sự di chuyển điểm nhìn của Ma Văn Kháng được thể hiện ở kết hợp xen kẽ điểm nhìn bên trong và bên ngoài nhằm gợi chiều sâu nội tâm của nhân vật cũng như tính khách quan vốn có của những vấn đề được phản ánh. Trong Đám cưới không có giấy giá thú, tác giả đã dịch chuyển điểm nhìn bên ngoài vào điểm nhìn bên trong. Chúng ta cùng xem một đoạn văn sau:

“Tự bước nhẹ nhưng không thật chân (1). Cảm giác xa lạ lướt qua anh rồi hòa tan (2). Anh thấy mình như một kẻ đi xa mới trở về (3). Anh như vừa

qua cái mê cung hỗn độn, cái náo động nhộn nhàng, nhờ cái mãnh lực huyền bí của tình yêu tiếp sức đã trở về ngôi nhà yên ả, hiền hậu đầy thương nhớ này (4). Nhà trường lớp học, bục giảng, phấn trắng, bảng đen, mùi thơm trang vở mới, tiếng trống trường ấm áp tuổi hoa niên, rung vang nỗi bồn chồn cổ kính, mối quan hệ thầy trò, cái chức nghiệp thiêng liêng của ông thầy - bản hòa ca nơi trường ốc trang nhã và cổ điển - lại một lần nữa anh đã nhận ra đó chính là linh hồn sinh động vĩnh cửu, là tình yêu thiên phú của đời

anh (5)” [34, tr. 376-377].

Một đoạn văn ngắn diễn tả tâm trạng của Tự khi quay về ngôi trường cũ sau một biến cố lớn và trước lúc ra đi. Ta dễ dàng nhận ra câu (1), (2), (3)

là các câu được đặt điểm nhìn từ Tự. Câu (4), (5) là các câu bình luận của người kể chuyện về tâm trạng Tự. Thậm chí người ta còn thấy phảng phất cả tâm trạng của Ma Văn Kháng về những năm tháng dạy học của mình. Ở đây rõ ràng có sự đan xen đến nhuần nhuyễn điểm nhìn bên trong và bên ngoài khiến người đọc đôi lúc ngỡ ngàng không phân biệt được đâu là điểm nhìn từ bên trong nhân vật ra, đâu là điểm nhìn từ bên ngoài của người kể chuyện vào. Trong truyện ngắn Đợi chờ, Ma Văn Kháng cũng đã vận dụng linh hoạt sự di chuyển điểm nhìn này khi viết về tình cảm yêu thương vô bờ bến mà ông Nhân dành cho con gái: “Lòng cha vẫn mênh mông thể tất,/ tuy vậy nước mắt ông Nhân vẫn ứa tràn vành mi(1). Ông vừa thấy giận mình, vừa thấy tủi, và do mắt ướt nên ông không còn nhìn rõ con gái, một đứa con ông mang

hình bóng nó theo suốt cuộc đời mình” [39, tr. 237]. Ta thấy phần đầu của

câu (1) được thể hiện dưới điểm nhìn của ông Nhân; phần còn lại của câu (1)

là điểm nhìn của tác giả. Câu (2) vừa là điểm nhìn của nhân vật, vừa là điểm nhìn của tác giả.

Như vậy người kể chuyện cũng như điểm nhìn trong các tiểu thuyết của Ma Văn kháng nhìn chung không có nhiều cách tân đổi mới. Người kể

chuyện thường đứng ở ngôi thứ ba với điểm nhìn từ bên ngoài vào để kể chuyện. Cùng với đó người kể chuyện này thể hiện sự gần gũi về quan điểm cách nhìn với chính tác giả. Nó cho thấy tính luận đề, tư tưởng của các tiểu thuyết Ma Văn Kháng. Tuy không có nhiều đột phá nhưng bù lại người kể chuyện trong các tiểu thuyết của Ma Văn Kháng khá khôn ngoan và linh hoạt về dạng thức kể. Câu chuyện không chỉ diễn tiến hoàn toàn theo trình tự thời gian mà ở nhiều đoạn nó có sự lắp ghép, hồi cố. Đặc biệt tác giả sử dụng giấc mơ, hình thức lá thư, truyện lồng trong truyện để nhân lên các điểm nhìn, đồng thời tạo sức hấp dẫn cho tác phẩm.

Đặt trong mối quan hệ giữa ba tiểu thuyết Ngược dòng nước lũ, Đám

cưới không có giấy giá thú, Một mình một ngựa,ta thấy tính chất tự truyện, tự

thuật tăng dần trong mỗi tác phẩm. Đầu tiên chỉ là Khiêm một nhà văn với nhiều trăn trở với nghề viết, với con người và cuộc đời, sau đó là đến thầy giáo Tự cùng khát vọng thành hôn với cái đẹp mà anh tôn thờ, rồi cuối cùng là hình ảnh một trí thức trẻ quê gốc Hà Nội lên miền núi dạy học, say nghề, trách nhiệm tâm huyết trong Toàn. Chính chất tự truyện tăng dần đã khiến người đọc có cảm giác gần gũi giữa nhà văn và các nhân vật chính trong tác phẩm. Những quan niệm cách suy nghĩ của nhân vật gần gũi thậm chí trùng khít với chính tác giả. Điều này vừa là một điểm độc đáo, vừa là một hạn chế trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng. Tự truyện là hình thức thể loại khá phát triển trong giai đoạn văn học hiện nay. Tự truyện được kể từ ngôi thứ nhất bao giờ cũng hấp dẫn, vì nó gợi cảm giác chân thực của một cái tôi cá nhân. Về điểm tích cực, với khuynh hướng tự truyện, một mặt, tiểu thuyết vẫn có quyền hư cấu hóa cốt truyện và nhân vật; mặt khác, nó giúp người đọc không chỉ giải mã con người tác giả và thời đại qua những chi tiết gắn với tiểu sử, cuộc đời thật mà còn qua những trải nghiệm sống và sự tự thú chân thành. Hạn chế của những tiểu thuyết mang hơi hướng tự truyện là: ở đây chất tự

truyện lại được tái hiện trong hình thức kể chuyện ngôi thứ ba khiến người đọc dễ có cảm giác tác giả gán ghép cho nhân vật các quan điểm của mình nên ít nhiều vẫn mang tính luận đề, làm giảm chút ít sức quyến rũ của hình tượng nghệ thuật.

Tự sự chính là kể chuyện mà cách kể chuyện thì có vai trò quan trọng không kém câu chuyện được kể. Do đó muốn cách tân sáng tạo tiểu thuyết, nhà văn không chỉ cần chú ý thay đổi về đề tài, nội dung, tư tưởng mà còn phải không ngừng đổi mới cách kể câu chuyện của chính mình. Có vậy người đọc mới cảm nhận được sâu sắc nội dung tác phẩm muốn truyền tải. Ở các tiểu thuyết của Ma Văn Kháng ta thấy sự tham gia của người kể chuyện toàn năng, của tác giả quá sâu vào đời sống tự thân của nhân vật khiến đôi khi người đọc có cảm giác về sự khiên cưỡng và lên gân. Chính những điều này đã làm ảnh hưởng ít nhiều đến sự hấp dẫn của tác phẩm với bạn đọc. Đó là điểm hạn chế của nhà văn tuy nhiên vẫn cần ghi nhận những nỗ lực của Ma Văn Kháng trong sự đổi mới chính mình, không ngừng suy nghĩ, và viết như một nhà văn đích thực, luôn có cái nhìn mới về cuộc đời và con người.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng (qua Đám cưới không có giấy giá thú, Ngược dòng nước lũ, Một mình một ngựa) (Trang 72 - 77)