Con đường nhận thức trong Tống Nho

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vấn đề nhận thức trong Tống Nho và ảnh hưởng của nó đối với Nguyễn Bình Khiêm và Lê Quý Đôn (Trang 35 - 61)

Chương 1 VẤN ĐỀ NHẬN THỨC TRONG TỐNG NHO

1.2. Đặc điểm, đối tượng, mục đích và con đường nhận thức trong Tống Nho

1.2.3. Con đường nhận thức trong Tống Nho

Nhận thức của Nho giáo nói chung cũng như của Tống Nho là đi từ trong ra ngoài, từ hẹp đến rộng:

Theo Thiệu Ung là phải giữ cho cái tâm chuyên nhất, tu Tâm “Tâm

chuyên nhất không thể phân chia có thể ứng được vạn biến. Ấy sở dĩ người quân tử giữ cho tâm hư không mà bất động vậy” (tâm nhất nhi bất phân tắc năng ứng vạn biến. Thử quân tử sở dĩ hư tâm nhi bất động dã). Bởi vì ông cho rằng:

“Lấy vật xem xét vật, ấy là là tính. Lấy ta xem xét vật, ấy là tình. Tính chung mà sáng suốt. Tình riêng mà tối tăm” (Dĩ vật quan vật, tính dã. Dĩ ngã quan vật, tình dã. Tính công nhi minh, tình thiên nhi ám). Ông giải thích:

“Sở dĩ gọi là xem vật đó, không phải lấy mắt mà xem nó. Không phải xem nó bằng mắt mà xem nó bằng tâm; không phải xem nó bằng tâm mà xem nó bằng lý… Không để ta ngưng trệ ở vật thì có thể chi phối được vật” (Phù sở dĩ vị chi quan vật giả, phi dĩ mục quan chi dã. Phi quan chi dĩ mục, nhi quan chi dĩ tâm dã; phi quan chi dĩ tâm, nhi quan chi dĩ lý dã… bất ngã vật tắc năng vật vật).

“Vật trong thiên hạ, chẳng gì mà không có nguyên lý, chẳng gì mà không có tính, chẳng gì mà không có mệnh. Cái gọi là nguyên lý, ta phải xem xét đến cùng thì sau mới biết. Cái gọi là tính ta phải xem xét đến cùng thì sau mới biết. Cái gọi là mệnh ta phải xem xét đến cùng thì sau mới đạt. Ba cái biết này là ba cái biết chân chính của thiên hạ. Thậm chí thánh nhân cũng không vượt ngoài chúng… Thánh nhân sở dĩ có thể tổng hợp tình huống của vạn vật là vì thánh nhân có thể xem xét ngược lại, tức là không lấy bản ngã để xem xét vật; Không lấy bản ngã để xem xét vật mà lấy vật xem xét” [4, tr.40]. Ở đây ta có thể thấy Thiệu Ung chịu ảnh hưởng rất nhiều của đạo Lão Trang. Phương pháp nhận thức của Khang Tiết lấy tâm làm chủ, cho rằng đạo tức là tâm, và cái tình của vạn vật đều có đủ cả ở tâm, nên thường giữ cho bản tâm được hư không bất động, thuần nhất bất phân để ứng vạn biến. Thiệu Ung quan niệm chỉ có tâm là “chân” còn vạn vật vạn sự trong thế gian chỉ là “giả” Bởi vậy, Ông chỉ chuyên về mặt tu tâm. Muốn cho tâm được thanh tĩnh ông thường thiền định như một nhà sư. Như thế có thể thấy Khang Tiết còn chịu ảnh hưởng cả của Phật giáo nữa.

Chu Đôn Di cho rằng “Thành” là bản tính thiện của con người và cũng

là chính lý trời đất phú cho vạn vật “Thánh nhân chỉ có chân thành thôi. Chân thành là gốc của ngũ thường, là nguồn của trăm nết” (Thông Thư viết: Thánh thành nhi dĩ hỹ. Thành ngũ thường chi bản, bách hạnh chi nguyên dã). “thành vô vi, cơ thiện ác” [27, tr.515] nghĩa là chân thành nằm trong trạng thái vô vi, nếu hơi lay động thì tạo ra thiện ác. Vì vậy phải giữ lòng chân thành, giữ tâm cho thuần mới có thể khôi phục tính bản nhiên của con người, mới đạt đến chỗ chí thành, chí thiện của sự “trung, chính, nhân, nghĩa”, trở thành thánh nhân. Phương pháp tu dưỡng để trở thành thánh nhân là tĩnh “Vô dục cho nên tĩnh”, “Điều quan trọng là duy nhất. Cái duy nhất cũng chính là vô dục. Cái vô dục ấy lúc tĩnh thì hư không, lúc động thì ngay thẳng. Tĩnh và hư không thì sáng suốt, sáng suốt thì thông hiểu; động và ngay thẳng thì công bình,

công bình thì phổ quát. Hễ sáng suốt, thông hiểu, công bình, phổ quát thì thứ dân thành thánh nhân vậy” (Thông thư) [27, tr.517].

“Sáng suốt thì thông hiểu” khi chúng ta vô dục và tĩnh lặng thì tâm chúng ta như gương sáng, vắng lặng mà thường chiếu. Hễ sáng thì có thể như thế, không sáng thì không thể như thế. Về “công bình thì phổ quát”. Thông Thư nói “đạo của thánh nhân chỉ là chí công thôi”. Vì trời đất chí công nên che chở tất cả đó gọi là phổ. Muốn vậy phải trải qua một giai đoạn đáng kể. “Thông Thư chép: Hồng Phạm nói: “suy nghĩ phải thấu triệt. suy nghĩ thấu triệt sẽ thánh thiện” không suy nghĩ là căn bản, suy nghĩ thông suốt là ứng dụng. Hơi lay động ở chỗ kia thì chân thành động ở chỗ này. Không suy nghĩ mà chẳng gì không không thông suốt đó là thánh nhân. Nếu không suy nghĩ thánh nhân không thể thông suốt cái tế vi. Nếu không thấu triệt thánh nhân không thể thông suốt khắp nơi. Do đó thông suốt khắp nơi phát sinh từ thông suốt cái tế vi, ứng dụng cái tế vi phát sinh từ suy nghĩ. Cho nên suy nghĩ là căn bản của công việc của thánh nhân và là sự lay động dẫn đến cát hung vậy” [27, tr.518].

Trương Tái xuất phát từ thế giới quan duy vật cho nhận thức của con

người đều bắt nguồn từ sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan: “cảm cũng cần phải có vật đã, có vật mới có cảm, không có vật thì cảm ở đâu?”. Trương Tái cho rằng trong đời sống con người có những hoạt động tư duy tựa hồ không liên quan gì đến những điều tai nghe, mắt thấy, nhưng thực ra chúng có cơ sở của kinh nghiệm trong quá khứ; “Cũng có những điều không thấy, không nghe, tự nhiên ngồi lẵng lẽ mà cũng sinh cảm, duyên do từ những điều nghe, điều thấy trong quá khứ, không có chuyện vô sự mà cảm suông” (Ngữ lục). Phát triển tư tưởng của Tuân Tử về cái gọi là „kết hợp điều biết gọi là trí”, Trương Tái đã phân tích và chỉ ra sự thống nhất giữa cái chủ quan và khách quan, giữa cái bên trong và bên ngoài trong hoạt động nhận thức của con người: “con người nhận thức được là do nội ngoại kết hợp, Nội ngoại kết

hợp thì từ đó mới có nhân tâm” (Chính Mông). Trương Tái cho rằng “cảm” và “tâm” là hai hình thức cơ bản trong hoạt động nhận thức của con người. Mỗi hình thức này có vai trò, vị trí và tác dụng riêng, nhưng giữa chúng có sự liên hệ khăng khít với nhau. Nếu chỉ dựa vào cảm giác không thôi thì chưa đủ để nhận thức sự vật cần phải dựa vào lý tính (tâm) mới có thể nhận thức được quy luật của các sự vật hiện tượng trong thế giới: “nay giữa khoảng trời đất tràn đầy những vật, nếu chỉ căn cứ vào những điều mắt thấy tai nghe thì tiếp xúc được bao nhiêu? Làm sao tiếp xúc được hết mọi việc trong trời đất. Cho nên phải mở rộng tâm ra, có mở rộng tâm ra mới có thể tiếp xúc được hết những vật trong trời đất” (Ngữ Lục) [9, tr.448]. Để có được “thiên đức lương tri”, Trương Tái chủ trương phải rèn luyện tu dưỡng đạo đức, tri thức “đi sâu vào tận cùng tinh thần mới biết, cái biết ấy cùng với trời là một, há ta có thể cố gắng được sao? Phải thịnh đức mới đạt được” (Chính mông). Đó chính là sự “cùng lý”.

Trên cơ sở quan niệm về tính người ông cũng cho rằng tính của khí chất không phải là bản tính của con người. Người ta nên tìm phương cách sửa đổi cái gọi là “tính của khí chất” này để trở về bản tính tự nhiên sẵn có của trời đất. Phương cách sửa đổi theo Trương Tải là “học tập”: “Học có ích lớn là ở tự tìm ra biến hóa khí chất. Không thế thì đều có hại cho người ta đến chết chẳng hiểu rõ được gì, không thấy được ảo diệu sâu kín của thánh nhân. Cho nên người học trước tiên nên biến hóa khí chất. Biến hóa khí chất với lòng khao khát học tập là một mặt trong một mặt ngoài của nhau” [32, tr.938], “lý lẽ của xấu hay đẹp, quý hay hèn, thọ hay yểu, khí chất của người ta đều chịu ở phận đã định. Như người khí chất xấu, chịu học tập có thể thay đổi được” [4, tr.63].

Minh Đạoviết: “Học là phải khiến người ta tìm ở bên trong, không tìm

ở bên trong mà tìm ở bên ngoài thì không phải là cái học của thánh nhân. Chỉ có tâm mới là trời, đi vào tận tâm mới biết tính” [9, tr.437]. Để đạt tới sự hiểu

biết cùng tận “thiên lý” (cùng lý), đồng thể với muôn vật, theo Minh đạo là phải “chính tâm thành ý”. Minh Đạo cho rằng, cái đạo của trời đất có đủ ở trong điều “nhân”, Điều “nhân” có thể bao quát cả nghĩa, lễ, trí, tín. Muốn nhận thức được đạo lý trước hết phải hiểu ý nghĩa của điều “nhân”, rồi dùng sự “thành kính” mà giữ lấy nó là đủ, không cần phải phòng bị, kiểm tra, không phải tìm kiếm đến cùng. Minh Đạo cho rằng: “Thể được mọi vật không dư sót chỉ có sự thành kính mà thôi” (Thể vật nhi bất khả di giả, thành kính nhi dĩ hỹ). Lại nói: “Sự thành kính có thể thắng được trăm điều tà” (Kính thắng bách tà). Thành tức là giữ cái tâm vô vọng, chân thực, Kính là hàm dưỡng cái tâm bản nhiên, luôn lấy cái tâm là chủ, vô dục vô kỷ. Có ý tưởng như vậy nên Minh Đạo thường nói: “Tính cùng đạo trời nếu không tự đắc thì không biết được” (Tính dữ thiên đạo, phi tự đắc chi, tắc bất tri.). Với những câu: “giác ngộ tức là tín” (giác ngộ tiện thị tín) và “tồn dưỡng lâu ngày trí tuệ tự sáng suốt” (Tồn cửu tự minh),… đều nói về sự tự giác và cách hàm dưỡng của người học đạo. Minh Đạo cũng đã từng khuyên học trò mặc toạ để tìm đạo lý ở trong sự thanh tĩnh vô vi. Phương pháp nhận thức của Minh Đạo dùng đến trực giác rất nhiều. Ngoài ra, Minh Đạo cũng đề cao vai trò của thầy và bạn trong việc rèn luyện: “Ngày xưa từ thiên tử cho đến thứ nhân, chưa ai không cần thầy, bạn mà có thể lập đức được” (Cổ giả, tự thiên tử đạt ư thứ nhân, vi hữu bất tu sư hữu nhi thành kì đức giả) [4, tr.79]. Nghĩa là phương pháp nhận thức của Minh Đạo cần đến trực giác và công phu hàm dưỡng hơn là đọc sách, tìm nghĩa nên Minh Đạo thường khuyên người học Đạo phải biết cách tồn dưỡng để tự lĩnh hội lấy đạo thể, cho thư tịch chỉ là những vật để cho chủ thể nhận thức cùng vun bón thêm cái đạo đức đã sẵn có của mình.

Theo Trình Di nhiệm vụ của nhận thức tối cao là nhận thức được chân

lí. Đó là thiên lý, nhờ đó mà con người có thể quán thông cả nội giới và ngoại giới, chủ thể lẫn khách thể. Thiên lý, theo Trình Di là nguyên lý tột cùng thống nhất và duy nhất. Trong Ngữ Lục ông viết: nói về nguyên lý thì gọi là

“thiên”, nói về bẩm thụ thì gọi là „tính”, nói về nuôi dưỡng ở mọi người thì gọi là “tâm”. Vậy, “thiên”, “tính”, “tâm” cũng chỉ là biểu hiện của thiên lý ở ba điều kiện khác nhau mà thôi. Phương pháp tu dưỡng của Trình Di chú trọng “cùng lý”, nhưng lời ông giảng về “cùng lý” thì gần với vấn đề chỉ để biết. Muốn được “Trí tri” đối với Y Xuyên cần phải “cùng lý” trước đã, Vì có “cùng lý‟ nhiên hậu mới đủ để “trí tri” (cùng kì lý nhiên hậu túc dĩ trí tri). “Cùng lý” cũng có nhiều cách: hoặc đọc sách để giảng minh nghĩa lý, hoặc nghị luận nhân vật xưa nay để phân biệt điều phải trái, hoặc ứng tiếp sự vật mà thuận lẽ đương nhiên. (cùng lý diệc đa đoan: Hoặc độc thư giảng minh nghĩa lý, hoặc luận cổ kim nhân vật, biệt kì thị phi, hoặc ứng tiếp sự vật nhi xử kì đương nhiên) [4, tr.92].

Nhưng theo Y Xuyên muốn “cùng lý” lại phải cần suy nghĩ chín chắn. Vì thế Y Xuyên đã nói thêm những câu: “Không suy nghĩ chín chắn ắt không thể đến được cõi đạo lý” (bất thâm tư tắc bất năng tháo ư đạo); “Không suy nghĩ chín chắn mà đắc đạo thì sự được ấy dễ mất” (Bất thâm tư nhi đắc giả kì đắc dị thất); “Tư lự lâu ngày sự minh duệ tự nhiên sinh ra” (Tư lự cửu hậu duệ tự nhiên sinh).

Lấy sự “hàm dưỡng” và “học vấn” làm hai phương pháp chủ yếu của người học đạo, Y Xuyên đã nói rằng: “ Hàm dưỡng nên dùng sự thành kính, còn tiến học thì tại trí tri” (Hàm dưỡng tu dụng kính, tiến học tắc tại trí tri). Bởi “hàm dưỡng” là gốc, “học vấn” là ngọn; Gốc và ngọn không thể thiếu được ở cây, cũng như hai điều “hàm dưỡng” và “học vấn” không thể thiếu được ở người học đạo. Trình Di nói: “Sự hàm dưỡng tinh thần là ở sự kính cẩn; sự tiến bộ của học vấn là ở trí tri”. Muốn chính Tâm, dưỡng tính theo Y Xuyên phải thành kính “Không thể không khiến người giao cảm với vật, cũng khó mà bắt họ không suy nghĩ, muốn miễn điều đó duy chỉ lấy tâm làm chủ. Thế nào là tâm có chủ? Kính mà thôi” (Nhị Trình Di Thư, quyển 15) [9, tr.441]. Về công hiệu của sự kính cẩn, Trình Di “Kính cẩn để làm ngay thẳng

bên trong. Làm chủ bên trong thì sẽ đạt được hư (hư không) và tự nhiên tâm sẽ tĩnh lặng. Như vậy làm sao đạt được hư? Ắt phải luôn có việc canh cánh bên lòng, cần phải lấy kính cẩn để làm việc ấy. Đạo này cực kỳ dễ dàng lại bớt công sức. Dù nói điều ấy, ta gần với lời bàn luận của người thường, nhưng nắm giữ nó lâu dài thì ắt sẽ có sự khác biệt” [27, tr.593]. Trình Di lại nói “Lã Dữ Thúc từng hỏi ta cách tránh cho tâm bị nhiễu loạn, ta đáp sở dĩ tâm nhiễu loạn vì nó vô chủ. Nếu lấy kính cẩn làm chủ nó, thì tự nhiên sẽ hết nhiễu loạn, ví như lấy một bình đầy nước ném vào nước. Bên trong bình đã đầy dù nước sông hồ cũng không thể vào được” [27, tr.593]. Hễ Kính thì trong tâm sẽ hư không. Tóm lại kính tức là công phu mà Mạnh Tử nói: “luôn có việc canh cánh bên lòng” Hễ kính là tự hư tĩnh nhưng không thể gọi hư tĩnh là kính. Vì Trình Di nói: “Nói đến tĩnh thì rơi vào thuyết của nhà Phật. Nên ta dùng chữ kính chứ không dùng chữ tĩnh. Khi nói chữ tĩnh thì kết quả là quên”. Tuy thế Y Xuyên cũng biết rằng khi hàm dưỡng cần phải kính, nhưng khi hành động lại cần điều nghĩa, vì Kính để chủ ở trong, nghĩa để phòng ở ngoài. Có Kính mà không có Nghĩa tức là có trong mà chẳng có ngoài; Có Nghĩa mà không có Kính tức là có ngoài mà chẳng có trong. “Kính, chỉ là cái đạo giữ mình; Nghĩa mới biết phân biệt điều phải trái. Hành vi thuận lý tức là làm điều nghĩa vậy” (Kính, chỉ thị trì kỉ chi đạo; Nghĩa, tiện chi hữu thị hữu phi. Thuận lý nhi hành, thị vi nghĩa dã) [4, tr.92]. Một phương diện khác trong tu dưỡng của Trình Di tập trung vào hai thuật ngữ “cách vật” và “trí tri” của sách Đại Học: “Có người hỏi cách tu dưỡng trước hết là gì? Đáp: Trước hết chẳng gì ngoài chính tâm, thành ý. Thành ý ở tại trí tri. Trí tri ở tại cách vật. Cách có nghĩa là đến, như chữ cách trong “tổ lai khảo cách” (tổ tiên đến). Một vật có một lý, mà ta phải xét đến cùng cái lý của nó,… Có người hỏi cách vật phải khảo sát từng vật hay là chỉ khảo sát một vật mà muôn lý đều biết. Đáp làm sao mong hiểu thông tất cả mọi vật trong cùng một lúc. Ngay cả Nhan Hồi còn không dám nói chỉ khảo sát một vật mà rồi thông mọi

sự lý. Cần phải hôm nay khảo sát một vật, ngày mai khảo sát một vật nữa. Luyện tập lâu ngày thì tự nhiên có chỗ thông suốt hết thảy vậy” (Nhị Trình Di thư) [27, tr.594]. Công phu cách vật giúp ta hiểu đúng cái lý của sự vật. Có hiểu đúng thì mới hành động được. Trình Di nói: “Hiểu đúng về lý là nhận thức đúng về cái đúng cái sai. Hễ có sự hiểu đúng về lý thì tự nhiên có sự phân biệt ở tâm - cái tai nghe miệng nói không thể hiện đúng sự nhận thức đúng của tâm. Nếu thể hiện đúng thì nó không chịu yên ở chỗ không yên… Đạp nước và lửa, thì ai cũng tránh đó là sự nhận thức đúng. Người ta khi gần gũi đều bất thiện thì phải có cái tâm như khi mò vào nước sôi, như thế tự

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vấn đề nhận thức trong Tống Nho và ảnh hưởng của nó đối với Nguyễn Bình Khiêm và Lê Quý Đôn (Trang 35 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)