1 .Tính cấp thiết của đề tài
7. Kết cấu của luận văn
1.2. Khái quát cuộc đời, sự nghiệp của J.J.Rousseau và tác phẩm Bàn
1.2.1. Giới thiệu chung về cuộc đời, sự nghiệp của J.J.Rousseau
J.J.Rousseau sinh ngày 28 tháng 6 năm 1712 trong một gia đình thợ thủ công làm nghề sửa chữa đồng hồ ở Geneve (Thụy Sĩ). Ông nội của J.J.Rousseau vốn là người Pháp. Bố đẻ của J.J.Rousseau là Issac Rousseau. Khi J.J.Rousseau mới ra đời được 9 ngày thì mẹ đẻ ông mất. Mười năm tuổi thơ của cậu bé mồ côi J.J.Rousseau sống trong sự đùm bọc, nuôi dạy của cha. Ông Issac Rousseau cho cậu con trai đọc rất nhiều cuốn sách viết về cuộc đời và sự nghiệp của các nhân vật lịch sử. Trong số đó, J.J.Rousseau thích nhất là những cuốn sách của Plutarque viết về các nhân vật lịch sử Hy Lạp và La Mã cổ đại. Sau này, khi nhớ lại thời thơ ấu của mình, J.J.Rousseau đã nói rõ, sở dĩ ông thích các tác phẩm của nhà văn Hy Lạp cổ đại là bởi chúng đã đem đến cho ông một tinh thần tự do và cộng hòa, một tính cách bất khuất và kiêu căng, một lối sống không cam chịu, không chấp nhận số phận nô lệ.
Năm 1722, do khó khăn trong cuộc sống gia đình, ông Issac Rousseau đã phải rời bỏ Geneve đi kiếm sống ở nhiều nơi. Ông gửi J.J.Rousseau cho em trai mình ở lại Geneve. Khoảng thời gian 5 năm sau đó, J.J.Rousseau được đi học nhưng sau ông nghỉ và học nghề sửa chữa đồng hồ. Ông làm công việc sửa chữa đồng hồ này cũng không được bao lâu lại rời bỏ Geneve đến Annecy để tìm cái gọi là tự do đích thực cho bản thân mình. Vì ở Geneve, dù là ở thành phố phát triển và có cuộc sống hoa lệ nhưng ông không cảm thấy mình được tự do, bị đối xử không được bình đẳng. Ở vùng đất mới, ông được sự giúp đỡ của một quả phụ giàu có – De Warens, được đi học và thỏa mãn niềm đam mê âm nhạc của mình. Sau này ông đã dạy nhạc để duy trì cuộc sống ở đây.
Năm 1737, ông phát hiện ra mình bị bệnh. Sau những cơn đau dữ dội ông bị nặng tai. Sau đó tâm trạng ông không được ổn định, thất vọng rồi ông chọn cho mình một cuộc sống cô độc tại Les Chamettes suốt hai năm như một sự tách rời với thế giới xung quanh. Thời gian này ông tập trung học hỏi và nghiên cứu thêm một số lĩnh vực như địa lý, thiên văn, soạn thảo những bài giảng về hình học…
Năm 1742, J.J.Rousseau đến Paris và được tham gia công việc ngoại giao ở đây. Tại đây ông đảm nhiệm chức vụ đại sứ và bắt đầu tìm hiểu những tư tưởng chính trị trong lịch sử. Trong quá trình làm việc ông ý thức được vai trò của chính trị và đời sống tại thành phố này và cũng từ đó nảy sinh ý niệm cho một tác phẩm lớn về những thể chế chính trị được đưa ra trong tác phẩm sau này Bàn về khế ước xã hội. Công việc này cũng không được kéo dài với ông nhưng nó đã đánh dấu bước chuyển mới trong tư tưởng chính trị cũng như trong sự nghiệp nghiên cứu của ông.
Năm 1745, J.J.Rousseau làm quen, rồi sau đó kết hôn và sống trọn đời với cô gái nghèo, thất học Therese Levasseur - người đã chia sẻ với ông mọi nỗi đau buồn của cuộc sống, cùng ông nếm trải mọi khó khăn, gian khổ cũng như niềm hạnh phúc giản dị. Trong tập hồi ký - Tự bạch, khi nói về Therese Levasseur, ông viết: “Therese là niềm an ủi duy nhất và có thực mà Trời đã ban cho tôi trong cảnh cùng khổ, và chỉ riêng niềm an ủi ấy đủ giúp tôi chịu đựng được cuộc đời”. [trích theo 51, tr.13].
Năm 1746, J.J.Rousseau làm thư ký riêng cho bà Dupin, giúp bà chép bản thảo cuốn sách về vấn đề phụ nữ. Cùng với công việc này, ông còn làm nghề chép nhạc thuê để kiếm sống. Trong thời gian này, ông làm quen với D.Diderot (1713 - 1784) và cùng với D.Diderot, D‟ Alambert và một số nhà tư tưởng khác biên soạn Từ điển Bách khoa toàn thư. Trong bộ Từ điển (gồm 35 tập) này, ông viết các mục về kinh tế chính trị và âm nhạc. Cũng trong thời
gian này, ông còn viết một số bài báo nhằm truyền bá kiến thức khoa học, nghệ thuật, tuyên truyền tư tưởng tự do, bình đẳng, chống giáo hội và chế độ quân chủ chuyên chế đương thời.
Năm 1749, J.J.Rousseau viết luận văn “Luận về khoa học và nghệ thuật” để tham dự cuộc thi do Viện Hàn lâm khoa học Dijon tổ chức với chủ đề “Việc chấn hưng khoa học và nghệ thuật có góp phần làm cho phong tục thuần khiết hay không” và đã nhận giải thưởng. Câu nói nổi tiếng của ông “Con người lương thiện và hạnh phúc trong thiên nhiên; chính nền văn minh đã làm cho nó hư hỏng và phá hủy hạnh phúc nguyên thủy của nó” [trích theo 50, tr.200] đã phần nào nói lên tư tưởng của ông khi đó. Từ đây, triết lí về con người tự nhiên, con người xã hội trong J.J.Rousseau đã ra đời. Con người tự nhiên sống trong lòng thiên nhiên, bình dị và hạnh phúc. Còn con người xã hội lại có cuộc sống trái ngược với con người tự nhiên, giàu có, xa hoa nhưng lại đau khổ, bất hạnh khi phải cố gắng bon chen trong xã hội đó để tồn tại.Ở trong Rousseau tồn tại hai con người: con người tự nhiên và con người xã hội. Chính nó đã giằng xé tâm can ông những mâu thuẫn không điều hòa được. Một mặt ông muốn sống trong cảnh bình dị, tự nhiên của con người tự nhiên nhưng ông lại không thể thoát khỏi cái xã hội ông đang tồn tại xa hoa, phù phiếm nhưng chứa nhiều khổ đau bất hạnh. “Ông là một triết gia hiểu thấu cõi đời và lòng người, muốn quay về với thiên nhiên, hướng vào ánh sáng bên trong của lương tâm, tin vào linh hồn bất tử. Nhưng ông cũng lại là người dấn thân triệt để, phê phán nền quân chủ, sự bất bình đẳng và bao nỗi bất công khác” [50, tr.201].
Năm 1753, J.J.Rousseau viết luận văn “Về nguồn gốc của sự bất bình đẳng” cũng lại để tham dự cuộc thi do Viện Hàn lâm khoa học Dijon tổ chức với chủ đề “Nguồn gốc của sự bất bình đẳng giữa người và người là gì? Nó có
phù hợp với luật tự nhiên hay không?” Trong luận văn này, ông trình bày tư tưởng của mình về sự tốt đẹp tự nhiên của con người đối lập hẳn với sự bất công của xã hội hiện đại đang diễn ra khi đó. Ông cũng vạch rõ nguồn gốc của sự bất bình đẳng trong xã hội là ở chế độ tư hữu tài sản. Với khẳng định này, ông kịch liệt phản đối chế độ tư hữu tài sản và lên án mạnh mẽ những kẻ quyền thế đã ra sức bênh vực và biện minh cho sự bất bình đẳng đó. Ông viết: “Những kẻ quyền thế luôn tìm mọi cách để bênh vực cho sự bất bình đẳng. Họ giải thích rằng, bất bình đẳng là một quy luật tự nhiên, cũng như bàn tay có ngón ngắn, ngón dài. Nhân dân rên rỉ dưới sự áp bức của họ thì họ lại dẫn Kinh thánh ra để bịt miệng thiên hạ”(trích theo 51, tr.16). Theo ông, bất bình đẳng không phải là một quy luật tự nhiên, mà là sản phẩm của xã hội loài người; nó tồn tại và phát triển từ khi xuất hiện chế độ tư hữu tài sản; rằng con người đã tạo ra sự bất bình đẳng thì con người cũng có thể xóa bỏ nó. Ông cũng đã phân biệt rõ hai loại bất bình đẳng giữa người với người. Một là bất bình đẳng tự nhiên như người cao, kẻ thấp; người thông minh, kẻ đần độn, hai là bất bình đẳng xã hội - bất bình đẳng do cơ chế xã hội tạo nên, như kẻ giàu, người nghèo. Từ đó, ông đặt ra vấn đề là làm sao cho có được điều kỳ diệu khiến kẻ mạnh phục vụ kẻ yếu và nhân dân bị áp bức có được cuộc sống hạnh phúc. Sau khi có những thành công nhất định tại Pháp, ông đã quay trở lại Geneve cùng với vợ là Thérèse hè năm 1754. Trong những năm 1754-1762 ông liên tiếp cho xuất bản nhiều tác phẩm khẳng định những quan điểm mới mẻ của mình trước công chúng: Về nguồn gốc của sự bất bình đẳng (xuất bản năm 1755), July hay nàng Héloise mới (1761), Emily hay bàn về giáo dục
(1762). Qua các tác phẩm này ông đã gián tiếp phê phán những chính sách, quan niệm lỗi thời, lạc hậu của chế độ phong kiến về sự bất bình đẳng giữa mọi người trong xã hội, về tình yêu, hôn nhân gia đình, về phương pháp giáo dục trẻ em… Và ông khẳng định rằng những quan niệm đó không còn phù
hợp, phải thay đổi bằng những quan niệm mới, tiến bộ hơn, vì con người hơn. Những quan điểm mới này của ông chỉ gặp được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân còn đối với giới quý tộc, nó giáng một đòn tư tưởng vào tầng lớp bảo thủ, lạc hậu và bị phản đối kịch liệt. Tuy nhiên, ông cũng đã nêu lên quan điểm chính trị rõ ràng của mình trước hiện thực xã hội nước Pháp lúc đó.
Tháng 4 năm 1762, một tháng trước khi tiểu thuyết “Emile hay bàn về giáo dục” ra đời, tác phẩm quan trọng nhất, có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất của J.J.Rousseau Bàn về khế ước xã hội đã được Nhà xuất bản Michel Ray ở Amsterdam (Hà Lan) cho ra mắt độc giả.
Bàn về khế ước xã hội, như tác giả của nó – J.J.Rousseau đã viết: “Luận văn nhỏ này trích từ một công trình nghiên cứu rộng hơn mà trước kia tôi đã tiến hành nhưng chưa lượng sức mình, nên phải bỏ đi từ lâu. Đoạn rút ra ở đây là đoạn khá nhất mà tôi có thể yên tâm trình bày với công chúng. Những phần khác không còn nữa”[trích theo 51, tr.49]. Mục đích của tác phẩm này, như J.J.Rousseau đã chỉ rõ, là để “tìm xem trong trật tự dân sự có chăng một số quy tắc cai trị chính đáng, vững chắc, biết đối đãi với con người như con người; và có chăng những luật pháp đúng với ý nghĩa chân thực của nó”; đồng thời “gắn liền cái mà luật pháp cho phép với cái mà lợi ích thúc đẩy phải làm, khiến cho công lý và lợi ích không tách rời nhau”[trích theo 51, tr.51]. Tuy nhiên, tác phẩm này cũng ra đời không đúng thời điểm nên gặp phải sự phản ứng quyết liệt từ giới thượng lưu, quý tộc và giới cầm quyền khi đó. Tác giả của nó cũng chịu chung số phận và những tháng ngày chạy trốn khỏi sự truy lùng của giới cầm quyền vẫn tiếp tục được kéo dài thêm.
Năm 1762 ông rời Paris để về Geneve mong tìm lại cuộc sống yên bình nhưng ở đây người ta cũng tìm cách loại bỏ ông, xa lánh ông. Năm 1766, J.J.Rousseau được nhà triết học Anh D.Hume giới thiệu sang Anh. Nhưng tại đây ông cũng không cảm thấy được đối xử tự do, bình đẳng và lại rời bỏ về sống gần biên giới Pháp – Italia.
Trong khoảng thời gian cuối đời, ông vẫn không ngừng sáng tác và ghi lại toàn bộ cuộc đời gian truân, nhiều biến động của mình trong tập Đối thoại,
Những điều mơ mộng của một người lãng du cô đơn. Ông trút hơi thở cuối cùng vào ngày mùng hai tháng bảy năm 1778.
Sau gần 70 năm sống, làm việc không mệt mỏi, gạt hết những thị phi, ganh ghét, thậm chí cả sự truy lùng ráo riết của chính quyền nhưng J.J.Rousseau vẫn là một con người kiên cường, mạnh mẽ. Ông luôn thể hiện được cái tôi của mình khi liên tiếp dùng ngòi bút lên án, phê phán chế độ phong kiến lỗi thời, lạc hậu, không còn phù hợp nữa. Có lẽ chính cuộc đời khổ cực, vất vả đã tôi luyện nên một J.J.Rousseau giàu nghị lực với niềm khát khao tự do, bình đẳng. Tuy nhiên, thật là bất công khi những khát khao đó mới chỉ hiện lên qua các tác phẩm của ông mà cuộc đời lại chưa được hưởng đầy đủ ý nghĩa của nó. Nhưng giá trị của các tác phẩm mà ông để lại cho đời đã làm cho thế hệ sau khắc ghi tên ông. Bản thân ông, cùng với các nhà khai sáng thời kì này đã mang lại tự do, bình đẳng cho hàng triệu con người thoát khỏi sự tối tăm của đêm trường Trung cổ.