2.2. Yêu cầu nâng cao trình độ tư duy biện chứng của đội ngũ cán
2.2.3. Kết hợp chặt chẽ giữa tư duy về kinh tế với tư duy về chính trị
Công cuộc đổi mới đất nước thực hiện kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường nhưng đó không phải là kinh tế thị trường tự do
như ở các nước tư bản chủ nghĩa mà là có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đường lối cơ bản này cho thấy vấn đề chính trị của phát triển kinh tế là hết sức rõ ràng. Đại hội VIII của Đảng ta chỉ rõ: "Đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà là làm cho mục tiêu ấy được thực hiện có kết quả bằng những quan niệm đúng đắn về chủ nghĩa xã hội, bằng những hình thức, bước đi và những biện pháp thích hợp".
Do đó, một yêu cầu căn bản được đặt ra đối với độ ngũ cán bộ lãnh đạo, quản ký kinh tế của chúng ta là phải thấm nhuần đường lối của Đảng và phải có được sự thống nhất giữa tư duy về kinh tế và tư duy về chính trị. Đây chính là một nội dung cụ thể của tư duy biện chứng trong việc giải quyết mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế và chính trị. Kinh tế quyết định chính trị, còn chính trị, dĩ nhiên như V.I.Lênin từng nói, chẳng qua chỉ là biểu hiện tập trung của kinh tế. Nhưng cũng có nền chính trị chỉ vì quyền lợi của một giai cấp, một nhóm người trong xã hội và cũng có nền chính trị vì quyền lợi của cả một dân tộc, của toàn dân.
Nền chính trị của chúng ta do Đảng lãnh đạo là nền chính trị xã hội chủ nghĩa vì quyền lợi của cả dân tộc, của toàn dân. Do đó, sự gắn liền giữa tư duy về kinh tế và tư duy về chính trị ở đây tức là hướng tới xây dựng một nền kinh tế thực sự vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Vì vậy, khi lãnh đạo kinh tế trước tiên phải có quan điểm chính trị đúng, nghĩa là, phải ưu tiên chính trị so với kinh tế.
Đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý kinh tế yêu cầu tư duy về kinh tế gắn liền với tư duy về chính trị chính là yêu cầu thấm nhuần đường lối phát triển đất nước do Đảng ta đề ra trong giai đoạn hiện nay.
Chỉ với một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý kinh tế có đầy đủ năng lực tư duy kinh tế chính trị theo quan điểm của Đảng thì mới có thể lãnh đạo được nền kinh tế thị trường, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Trái lại, nếu đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý kinh tế không quán triệt sâu sắc quan điểm lãnh đạo kinh tế của Đảng thì nền kinh tế của chúng ta rất dễ bị lệch lạc,
chệch hướng, đi ngược lại với nguyện vọng của nhân dân, không vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, nghĩa là xa rời mục tiêu xã hội chủ nghĩa.
Chính vì lẽ đó, Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương khóa VIII khi đề ra các tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo kinh tế trong thời kỳ mới đã nêu: "Hiểu biết sâu sắc các quan điểm kinh tế của Đảng" là tiêu chuẩn được nêu ra đầu tiên [21, tr. 81].