Xu hướng phát triển của các khu công nghiệp tác động đến công

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Di động xã hội của công nhân trong doanh nghiệp tại khu công nghiệp Thanh trì, Hà Nội (Trang 40 - 45)

8. Khung lý thuyết

1.3. Xu hướng phát triển của các khu công nghiệp tác động đến công

1.3. Xu hướng phát triển của các khu công nghiệp tác động đến công nhân công nhân

Phát triển khu công nghiệp gắn liền với hình thành các vùng kinh tế trọng điểm, trung tâm đô thị lớn, thu hút lao động, tạo việc làm cho người lao động. Nhìn lại gần 30 năm phát triển các khu công nghiệp, về mặt đem lại lợi ích cho đội ngũ công nhân có thể đánh giá những mặt được như sau:

Thứ nhất, phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất mở ra một không gian kinh tế rộng lớn, một kênh mới rất có tiềm năng để thu hút lao động,giải quyết việc làm.

Thứ hai, khu công nghiệp là nơi sử dụng lao động có chuyên môn kỹ thuật phù hợp với công nghệ mới áp dụng vào sản xuất đạt trình độ khu vực và quốc tế. Do đó, đóng góp rất lớn vào đào tạo nguồn nhân lực để hình thành đội ngũ lao động của nền công nghiệp hiện đại. Trong số lao động được tuyển vào doanh nghiệp thì lao động phổ thông về cơ bản được đào tạo kèm cặp tại

doanh nghiệp theo yêu cầu của công nghệ và dây chuyền sản xuất để vào làm việc (mặc dù không được cấp chứng chỉ). Số còn lại trên 45% [24;tr.7-11] được đào tạo bổ sung kỹ năng mới cho phù hợp với công nghệ áp dụng trong sản xuất.

Đến nay, nhiều khu công nghiệp đã xây dựng các cơ sở dạy nghề (Trường nghề khu công nghiệp Dung Quất, Trung tâm dạy nghề Việt Nam - Xin-ga-po, Trường nghề Nghi Sơn, Trường Kỹ nghệ Thừa Thiên - Huế...). Đặc biệt đã hình thành mô hình liên kết đào tạo và sử dụng nhân lực giữa các khu công nghiệp và nhà trường (Đồng Nai)... Khu công nghiệp tự đào tạo nghề là hướng rất quan trọng để giải quyết tình trạng thiếu nghiêm trọng lao động kỹ thuật hiện nay.

Thứ ba, phát triển khu công nghiệp đồng nghĩa với hình thành và phát triển mạnh mẽ thị trường sức lao động, nhất là lao động có trình độ cao ở nước ta. Hiện nay, lao động làm công ăn lương có khoảng 25,6% (khoảng 24.5 triệu lao động) thì 80% tập trung ở các vùng kinh tế trọng điểm, các thành phố lớn, khu công nghiệp tập trung [24; tr.7-11]. Về cơ bản, khu công nghiệp sản xuất sản phẩm dùng cho xuất khẩu. ở đó, doanh nghiệp được thử thách trong môi trường cạnh tranh sôi động không chỉ trong nước, mà còn trong môi trường cạnh tranh quốc tế rất gay gắt, tạo động lực để người lao động không ngừng phấn đấu, nâng cao tay nghề.

Thứ tư, quan hệ lao động trong các khu công nghiệp bước đầu được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận và tự định đoạt của các bên theo nguyên tắc của thị trường, của tổ chức công đoàn và của pháp luật. Khu công nghiệp có mô hình tổ chức và quản lý nói chung, tổ chức và quản lý nhân lực nói riêng, rất tiên tiến, đạt trình độ quốc tế và đa dạng, phụ thuộc vào nguồn xuất xứ của FDI (Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Công, Đài Loan, Xin-ga-po, EU, Mỹ...). Đây là môi trường tốt để đào tạo, chuyển giao khoa học quản lý cho đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp của Việt Nam có thể thay thế dần lao động quản lý người nước ngoài.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển khu công nghiệp còn có những hạn chế, phát sinh đối với công nhân như:

Một là, sự phát triển các khu công nghiệp thiếu đồng bộ và chưa gắn với một chiến lược, chương trình đào tạo nhân lực, nhất là đào tạo nghề có trình độ, tay nghề kỹ thuật cao với một cơ cấu hợp lý đáp ứng yêu cầu các khu công nghiệp; thiếu sự chuẩn bị, đào tạo đội ngũ lao động kỹ thuật, nên dẫn đến mất cân đối quan hệ cung - cầu lao động kỹ thuật, thiếu nghiêm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao. Theo kết quả điều tra các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài năm 2017 của Bộ Lao động xã hội cho thấy, nhu cầu về lao động rất lớn, dù hiện nay tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp mới khoảng 60%, nhưng chỗ làm việc còn trống, chưa tuyển được lao động khá lớn (khoảng 15%), đặc biệt là các khu công nghiệp phía Nam (Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương...), trong đó khoảng 20% cần tuyển công nhân kỹ thuật và 40% cần tuyển cao đẳng, đại học. Nếu lấp đầy các khu công nghiệp thì chỗ làm việc trống cần tuyển lên đến 30% - 40%. Khó khăn chủ yếu mà các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đưa ra khi tuyển là chất lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, đặc biệt là loại lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, do đào tạo không gắn với yêu cầu về ngành nghề, trình độ tay nghề, mà công nghệ sản xuất yêu cầu. Có sự cạnh tranh gay gắt và thiếu công bằng trong tuyển dụng và sử dụng lao động giữa các doanh nghiệp.

Hai là, dù lao động được tự do tìm kiếm việc làm, tự do di chuyển, nhưng tình hình biến động lao động của các khu công nghiệp là rất lớn. Kết quả điều tra cho thấy, dù lao động tăng thêm hằng năm khoảng 10%, nhưng biên độ biến động lao động (vào - ra) lên tới 50% - 60%, thậm chí có doanh nghiệp ở khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Ninh lên tới 70%, làm cho doanh nghiệp vừa thiếu lao động, vừa không có lao động ổn định để bảo đảm sản xuất. Gần 73% số lao động rời khỏi doanh nghiệp là do tự bỏ việc do thu nhập không bảo đảm cuộc sống, nhất là trong các dịp nghỉ lễ, tết.

Do phát triển các khu công nghiệp tập trung ở các thành phố lớn nên hình thành dòng di chuyển lao động khá mạnh từ nông thôn ra thành phố và từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam và ngược lại. Trong dòng di chuyển lao động đến các khu công nghiệp, 41,8% là từ khu vực nhà nước, nhất là lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Di chuyển lao động lớn, nhất là hướng nông thôn ra thành thị, từ Bắc vào Nam sẽ phát sinh nhiều vấn đề khó khăn về cung cấp dịch vụ hạ tầng - xã hội (đi lại, nhà ở, y tế, giáo dục...) ở các thành phố lớn có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất.

Ba là, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một tất yếu khách quan, luôn gắn liền với xây dựng và phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất, các khu đô thị mới, xây dựng kết cấu hạ tầng..., và cũng có nghĩa là việc thu hồi đất nông nghiệp ngày càng tăng. Đất nông nghiệp bị thu hồi phần lớn ở ngoại thành các thành phố lớn, vùng đồng bằng đất chật người đông. Đặc biệt, nếu so sánh 1 ha đất nông nghiệp chỉ tạo việc làm tối đa cho 10 - 15 lao động nông nghiệp với giá trị thấp nhưng nếu chuyển sang xây dựng khu công nghiệp sẽ tạo việc làm cho hàng trăm lao động công nghiệp với giá trị cao. Theo tính toán của các nhà kinh tế, 1 khu công nghiệp, khu chế xuất, bình quân diện tích từ 100 - 150 ha khi lấp đầy sẽ sử dụng 15.000- 18.000 lao động. Lợi ích về kinh tế và sử dụng lao động là rất rõ. Tuy nhiên, do quy hoạch và xây dựng các khu công nghiệp không gắn với quy hoạch đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho nông dân nên hậu quả về mặt xã hội cũng rất lớn. Người nông dân mất việc làm trong nông nghiệp và có nguy cơ thất nghiệp toàn phần. Đây là một mâu thuẫn và là vấn đề xã hội phát sinh khá gay gắt hiện nay, dẫn đến những điểm "nóng" về mặt xã hội cần phải giải quyết.

Bốn là, Việt Nam đang chuyển mạnh sang kinh tế thị trường, thị trường lao động đang phát triển nhưng còn ở trình độ thấp; quan hệ lao động mới đã và đang hình thành dựa trên cơ chế thỏa thuận 2 bên, 3 bên. Tuy nhiên, tranh chấp lao động dẫn đến đình công đang có xu hướng tăng. Tính chất của đình công là tự phát và không đúng với trình tự thủ tục quy định của pháp luật.

Vấn đề cơ bản nhất ở đây là cơ chế thỏa thuận 2 bên tại doanh nghiệp chưa được thực hiện theo đúng nguyên tắc của thị trường, vai trò của công đoàn cơ sở còn yếu, nên khi xảy ra tranh chấp lao động, đình công lại giải quyết theo kiểu hành chính và từ bên ngoài vào, tức là chỉ giải quyết được cái ngọn, mà không đi vào giải quyết cái gốc của vấn đề là xây dựng quan hệ hợp tác, cơ chế thỏa thuận, tự định đoạt giữa các bên trong quan hệ lao động để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên và vì lợi ích chung là phát triển doanh nghiệp.

Năm là, quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp không đồng bộ và đầu tư đúng mức vào các khu dân sinh ngoài khu công nghiệp, nên vấn đề xã hội của lao động ngoài hàng rào khu công nghiệp rất bức xúc. Hay nói một cách khác, phát triển các khu công nghiệp không gắn với giải quyết các vấn đề xã hội và phúc lợi xã hội ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, nhất là vấn đề nhà ở, văn hóa, vui chơi, giải trí... cho lao động khu công nghiệp. Kết quả khảo sát cho thấy, một xã hội khá phức tạp và lộn xộn của người lao động ở hầu hết các khu công nghiệp, có thể tổng kết khái quát bằng cụm từ "5 không": không nhà ở; không gia đình; không chính trị; không văn hóa; không an toàn.

Các yếu kém trên đây có thể rút ra kết luận là phát triển khu công nghiệp nhanh là tốt, song chưa được quan tâm về mặt chất lượng, nhất là về mặt xã hội, nên thiếu tính bền vững. Để xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất trong một chiến lược tổng thể, hiệu quả, bền vững ở tầm quốc gia, cần tập trung nghiên cứu một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục phát triển thị trường lao động trình độ cao ở các khu công nghiệp. Đây là thị trường có khả năng cạnh tranh không chỉ trong nước, mà còn tham gia vào thị trường quốc tế. Thị trường này phát triển sẽ có sức lan tỏa rất lớn đến việc thu hút lao động trình độ cao. Vấn đề quan trọng nhất ở đây là, Nhà nước phải có chính sách lao động nhằm đối xử công bằng giữa các loại hình doanh nghiệp khi thực hiện Luật Doanh nghiệp một cách thống nhất. Trong đó, tiền lương phải do thị trường quyết định và dựa trên cơ sở

thỏa thuận giữa hai bên, có tính đến quan hệ cung - cầu lao động. Phát triển hệ thống giao dịch của thị trường lao động đủ sức nối cung - cầu lao động cho các khu công nghiệp; nhất là thông tin thị trường lao động, hội chợ việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động, áp dụng công nghệ thông tin nốimạng trong giao dịch lao động.

Thứ hai, tập trung vào xây dựng để hình thành và vận hành hiệu quả cơ chế hợp tác, đối thoại, thương lượng, thỏa thuận giữa các bên trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp đúng với nguyên tắc thị trường. ở đây phải tôn trọng và phát huy quyền tự định đoạt trong thương lượng, tự giải quyết các tranh chấp về quan hệ lao động thông qua hòa giải tại doanh nghiệp đảm bảo hài hòa lợi ích các bên và vì lợi ích chung phát triển doanh nghiệp. Vấn đề quan trọng nhất ở đây là hoàn thiện và nâng cao vai trò của tổ chức đại diện của các bên, nhất là phát triển và nâng cao năng lực của tổ chức Công đoàn doanh nghiệp trong khu công nghiệp thực sự là người đại diện cho người lao động.

Thứ ba, thực hiện chương trình an sinh xã hội và phúc lợi xã hội đối với lao động khu công nghiệp. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến tổ chức quản lý hành chính khu dân cư ngoài hàng rào khu công nghiệp; thực hiện xã hội hóa vấn đề cung cấp dịch vụ nhà ở cho người lao động, khuyến khích người dân xây dựng nhà cho thuê theo tiêu chuẩn tối thiểu Nhà nước quy định thống nhất. Tổ chức tốt hệ thống cung cấp các dịch vụ phúc lợi công cộng ở khu dân cư, nơi lao động khu công nghiệp sinh sống (nước, điện, văn hóa, thông tin, giải trí...) không vì mục tiêu lợi nhuận.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Di động xã hội của công nhân trong doanh nghiệp tại khu công nghiệp Thanh trì, Hà Nội (Trang 40 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)