Đánh giá chung về di động xã hội của công nhân trong khu công

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Di động xã hội của công nhân trong doanh nghiệp tại khu công nghiệp Thanh trì, Hà Nội (Trang 82 - 87)

8. Khung lý thuyết

2.3. Đánh giá chung về di động xã hội của công nhân trong khu công

công nghiệp tại địa bàn Huyện Thanh Trì

2.3.1. Tác động tích cực

Quá trình hội nhập kinh tế thế giới, mở cửa thu hút vốn đầu tư nước ngoài, công nghiệp hóa ở Hà Nội dẫn đến số việc làm nông nghiệp bị thu hẹp, xuất hiện sự dư thừa lao động ở nông thôn. Đồng thời, sự xuất hiện của các KCN, doanh nghiệp thâm dụng lao động như may mặc, phụ trợ, lắp ráp linh kiện,… tổ chức sản xuất theo dây chuyền đã dẫn đến nhu cầu lao động phổ thông tăng cao, thu hút lao động dư thừa ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Đây chính là cơ hội cho sự di động xã hội của nông dân.

Theo góc độ xã hội học với những thay đổi về nguồn gốc xuất thân, nơi cư trú, nghề nghiệp/ việc làm, thu nhập và lối sống của công nhân KCN trên địa bàn khảo sát như đã mô tả ở trên cho thấy, công nhân KCN đã và đang diễn ra hiện tượng di động nghề nghiệp – dạng di động cơ cấu và di động thu nhập tương đối xuất hiện khi có sự thay đổi từ một nghề trong lĩnh vực nông nghiệp sang nghề nghiệp/ việc làm có tính chất công nghiệp và dịch vụ. Đây là loại di động do những thay đổi trong cơ cấu nghề nghiệp trên thị trường lao động do sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế vĩ mô.

Vấn đề di động về tài chính và đời sống của công nhân hiện nay đang có xu hướng di động dọc theo chiều hướng tăng lên các giá trị nhận được và giá trị thụ hưởng. Tuy nhiên mức độ tăng không cao mà thường xuất phát từ việc có sự dịch chuyển công việc.

Xét về mặt so sánh thế hệ, đa số công nhân trong KCN ở Thanh Trì hiện nay xuất thân trong gia đình cả bố mẹ đều là nông dân, điều đó cũng có nghĩa, họ có nghề nghiệp, điều kiện và môi trường làm việc cũng như vị thế kinh tế - xã hội khác so với cha ông họ. Đây là kết quả tác động của những thay đổi kinh tế - xã hội vĩ mô, cơ hội tiếp cận những nguồn lực xã hội: giáo dục, công nghệ, khoa học kỹ thuật,... và sự nỗ lực phấn đấu của cá nhân người lao động. Với sự thay đổi về nguồn gốc xuất thân do thay đổi về trình độ học

vấn theo chiều hướng tăng cao dẫn đến thay đổi nghề nghiệp/ việc làm cũng như thu nhập giữa thế hệ cha và con – công nhân KCN cho thấy có hiện tượng di động theo chiều dọc với xu hướng chuyển từ nông dân sang lao động phổ thông, công nhân có tay nghề. Bên cạnh đó, vẫn còn cơ hội khá lớn cho việc dịch chuyển lao động giữa lao động không có tay nghề vào làm việc ở các công ty trong KCN. Trong đó, những lao động nữ sẽ dễ dịch chuyển công việc sang nhóm công nhân trong dây chuyền sản xuất hơn các nhóm công việc khác. Loại lao động khó dịch chuyển nhất đối với lao động nữ là công nhân vận hành máy và công nhân kỹ thuật chuyên nghiệp, cán bộ quản lý. Đối với lao động nam, công nhân nam sẽ dễ dịch chuyển công việc sang nhóm công nhân vận hành máy, kỹ thuật chuyên nghiệp, vận chuyển hậu cần. Khả năng chuyển đổi sang các nhóm công việc khác thấp hơn dưới 15%.

Kết quả nghiên cứu đã phản ánh một thực tế công nhân tại địa phương có trình độ trung bình cao hơn lao động nhập cư và sẽ có cơ hội di động xã hội theo chiều dọc hướng lên trên cao hơn do trình độ học vấn trung bình cao hơn nhóm lao động nhập cư. Đồng thời, việc di động công việc theo chiều ngang giữa lao động địa phương và lao động nhập cư có điều kiện xảy ra ở vị trí “Công nhân vận chuyển, hậu cần sản xuất” và “lao động phổ thông không xác định việc cụ thể” cao hơn các vị trí khác. Như vậy xét về điều kiện di động ngang, nhóm lao động nhập cư có thể dễ dàng xin việc tại các KCN hơn so với nhóm lao động tại địa phương đối với những công việc không yêu cầu tay nghề hoặc chấp nhận mất thêm thời gian học nghề. Nhóm lao động tại địa phương sẽ có lợi thế hơn nhóm lao động nhập cư khi tham gia tuyển dụng, di động ngang sang công ty khác trong KCN nếu đã có kinh nhiệm trong nghề.

Xét về đặc trưng lao động của công nhân trong các KCN hiện nay ở khu vực khảo sát và trong những mối quan hệ với các nhóm xã hội khác, kết quả khảo sát phản ánh có những thay đổi theo hướng cao hơn về điều kiện làm việc, môi trường làm việc, vị thế nghề nghiệp và thu nhập so với trước đây khi họ làm việc ở khu vực nông nghiệp, nông thôn mặc dù còn ở mức độ

khiêm tốn. Do vậy, đối với người nông dân, việc làm công nghiệp là một cơ hội để họ chuyển dịch vị thế kinh tế xã hội mà quá trình phát triển xã hội đã đem lại cho họ.

Kết quả khảo sát của đề tài là cơ sở để đưa ra nhận định chung, đa số công nhân đang làm việc trong các KCN ở Thanh Trì xuất thân từ người nông dân ở các khu vực nông thôn đang diễn ra quá trình công nghiệp hóa. Sự dịch chuyển này như là một quá trình diễn ra theo thời gian và cùng với tốc độ phát triển của quá trình công nghiệp hóa. Do vậy, sự thay đổi nghề nghiệp dẫn đến thay đổi việc làm của họ phần lớn là do kết quả tác động của các yếu tố khách quan hơn là kết quả từ những yếu tố của cá nhân họ.

2.3.2. Tác động tiêu cực

Mặt khác, do tính chất và quy mô, trình độ công nghệ của doanh nghiệp trong KCN còn hạn chế dẫn đến số lượng công việc ở vị trí thấp nhiều hơn số lượng công việc ở vị trí cao, làm thay đổi cơ cấu việc làm/ nghề nghiệp trên thị trường lao động không tương hợp với cơ cấu đào tạo dẫn đến nhiều người đã qua đào tạo (đại học) có kỹ năng nghề nghiệp chuyển xuống làm những công việc lao động phổ thông. Trong tình huống đó dẫn đến sự di động xã hội theo chiều dọc với hướng đi xuống.

Di động dọc theo chiều giảm của các mối tương tác xã hội của công nhân trong khu công nghiệp, đặc biệt trong thời kỳ công nghệ số dẫn tới nhu cầu tương tác trực tiếp giữa công nhân với nhau giảm mà thay vào đó là các hoạt động tương tác trên không gian mạng nhương lại giảm tính cố kết cộng đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến các mối tương tác xã hội của công nhân nảy sinh trong sản xuất và quá trình sinh sống.

Bên cạnh đó, việc di động xã hội của công nhân khu công nghiệp còn bị hạn chế theo hướng di động dọc theo chiều đi xuống là do chế độ đãi ngộ đối với công nhân còn thấp, vai trò của tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp còn chưa phát huy hết vai trò, khả năng, đặc biệt là trong công tác nắm bắt và điều hướng di động xã hội trong công nhân để đảm bảo quyền lợi, lợi ích chính đáng của công nhân chủ doanh nghiệp.

Tiểu kết chương 2

Trên cơ sở các phân tích tại Chương 2, đề tài đã mô tả được bức tranh toàn cảnh về thực trạng di động xã hội của công nhân KCN ở huyện Thanh Trì, Hà Nội. Nhìn chung, công nhân KCN đã và đang diễn ra hiện tượng di động nghề nghiệp – dạng di động cơ cấu và di động thu nhập tương đối xuất hiện khi có sự thay đổi từ một nghề trong lĩnh vực nông nghiệp sang nghề nghiệp/ việc làm có tính chất công nghiệp hơn. Những ưu điểm và hạn chế trong quá trình di động xã hội của công nhân trong khu công nghiệp tại huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Đề tài đã đã trả lời được giả thuyết nghiên cứu thứ nhất là “Trong những năm gần đây, hiện tượng di động xã hội ở các khu công nghiệp diễn ra nhanh, trong đó xu thế di động tập trung vào vào di động theo chiều ngang đối với di động về xuất thân, nơi cư trú, trình độ học vấn, việc làm, thu nhập và chiều dọc theo hướng đi lên đối với di động trong các mối quan hệ, tương tác với các nhóm xã hội tại nơi làm việc” chưa hoàn toàn đúng, cụ thể:

- Có sự chuyển dịch nghề nghiệp giữa các thế hệ - cha mẹ và con cái. Đây là sự di động về xuất thân theo chiều dọc theo chiều hướng cao hơn.

- Có sự di động về việc làm mà cụ thể ở đây là dịch chuyển ngang sang ngành nghề khác của công nhân khu công nghiệp.

- Nhóm lao động nhập cư có thể dễ dàng xin việc tại các KCN hơn so với nhóm lao động tại địa phương đối với những công việc không yêu cầu tay nghề hoặc chấp nhận mất thêm thời gian học nghề. Nhóm lao động tại địa phương sẽ có lợi thế hơn nhóm lao động nhập cư khi tham gia tuyển dụng, di động ngang sang công ty khác trong KCN nếu đã có kinh nhiệm trong nghề.

- Việc di động về tài chính và đời sống của công nhân có xu hướng di động dọc theo chiều hướng tăng lên các giá trị nhận được và giá trị thụ hưởng. Tuy nhiên mức độ tăng không cao mà thường xuất phát từ việc có sự dịch chuyển công việc.

- Việc di động của công nhân là do chế độ đãi ngộ đối của doanh nghiệp đối với công nhân và đang có xu hướng đi xuống theo chiều dọc.

- Tác động của tổ chức công đoàn trong việc chia sẻ đời sống tinh thần của công nhân trên địa bàn nghiên cứu vẫn còn hạn chế dẫn đến sự tác động của tổ chức công đoàn đến sự di động về mặt tinh thần của công nhân chưa được rõ ràng, chưa mang tính định hướng, nâng cao tinh thần của người lao động.

Tác giả đã đưa ra giả thuyết “các nguyên nhân về xã hội có tác động mạnh đến sự biến đổi và di động xã hội trong đối tượng công nhân hơn là các nguyên nhân đến từ phía công nhân”, kết quả cho thấy giả thuyết này là đúng khi mà chỉ có yếu tố trình độ học vấn của cá nhân có tác động trực tiếp đến khả năng di động xã hội của công nhân trong khi đó yếu tố mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn mới là nhân tố khiến sự di động xã hội trong công nhân diễn ra nhanh chóng.

Thông qua các phân tích, nhận định tại Chương 2, tác giả tiếp tục đánh giá các yếu tố tác động đến quá trình di động xã hội của công nhân KCN đồng thời xác định xu hướng di động xã hội sắp tới của công nhân tại các KCN tại huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Chương 3

CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN QUÁ TRÌNH DI ĐỘNG XÃ HỘI VÀ GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG SỰ THAM GIA CỦA TỔ CHỨC CÔNG

ĐOÀN TRONG VẤN ĐỀ DI ĐỘNG XÃ HỘI CỦA CÔNG NHÂN TRONG DOANH NGHIỆP TẠI THANH TRÌ, HÀ NỘI

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Di động xã hội của công nhân trong doanh nghiệp tại khu công nghiệp Thanh trì, Hà Nội (Trang 82 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)