7. Kết cấu của luận án
2.1. Khái quát điều kiện, tiền đề cơ bản cho sự hình thành tƣ tƣởng về dân
2.1.2. Tiền đề văn hóa, tư tưởng
Sự ra đời của Nho giáo (ở đây cũng đồng thời chỉ Nho giáo tiên Tần) và tư tưởng về dân trong Nho giáo tiên Tần còn trên cơ sở tiếp thu, kế thừa từ đời sống văn hóa và tư tưởng của Trung Quốc, trong đó có tư tưởng, quan niệm về dân từ thời trước đến bấy giờ, đặc biệt dưới thời nhà Chu.
Theo một số nghiên cứu cho thấy, trong thời nhà Chu, nhà Chu đặc biệt đề cao tư tưởng “kính trời”, “hợp mệnh trời”, “thờ thượng đế”, “trời và người hợp nhất”. Theo nhà Chu, trời là lực lượng có nhân cách, có quyền uy tuyệt đối đối với mọi người, từ nhà vua cho đến người dân. Chính vì thế mà nhà Chu cho rằng, vì nhà Ân không hiểu mệnh trời, không biết địa vị và quyền uy tuyệt đối của trời, hành động không hợp với mệnh trời, do vậy Thượng đế đã phạt nhà Ân và để cho nhà Chu cai trị dân thay thế nhà Ân.
Ngoài ra, những nhà tư tưởng của tầng lớp quý tộc nhà Chu khẳng định rằng, vì nhà Chu biết thực hiện theo “mệnh trời” và tuân thủ quyền uy tuyệt đối của trời mà được nhận dân từ tay nhà Ân để “hưởng dân” và “trị dân” suốt đời; nhà Chu vâng lệnh trời, nhận mệnh trời là thay trời trừng trị, chém giết những kẻ chống lại mệnh trời. Vua nhà Chu là người duy nhất được trời trao cái quyền là chủ sở hữu tối cao về ruộng đất và tất cả mọi người trong xã hội đều được coi là thần dân của nhà vua và nhà vua là thiên tử (con trời), là người được thay trời thống trị thiên hạ, cai trị dân chúng. Nho giáo đã tiếp nhận vào hệ thống của mình những tư tưởng tôn giáo, chính trị, đạo đức trên đây của nhà Chu, đó cũng là sự tiếp nhận phương thức chính trị mà giai cấp thống trị của các triều đại trước đây đã thực hiện.
Dưới triều đại nhà Chu, địa vị và quyền uy của trời, mệnh trời đã được vận dụng vào việc chống lại nhà Ân, để luận giải và khẳng định cho sự tồn tại vĩnh viễn của nhà Chu thì sang đầu thời Xuân Thu, đạo đức xã hội nhà Chu bị đảo lộn, trật tự xã hội bị đổ nát và chính sự suy yếu về mọi mặt của nhà Chu đã cho thấy, sự tồn tại
suy đồi của tầng lớp thống trị, trật tự xã hội theo mô hình nhà Chu ngày càng lung lay và đổ nát, sự khốn cùng của đời sống nhân dân đã làm thay đổi địa vị thống trị của thần quyền. Chính vì vậy, từ những yêu cầu khách quan của thời đại, cần có học thuyết luận giải và khắc phục thực trạng xã hội rối loạn đương thời, một vấn đề thực tiễn đặt ra cho các nhà tư tưởng, các học phái, các tầng lớp thống trị là phải tìm ra những phương thức cai trị mới. Trong phong trào “Bách gia tranh minh”, “Bách gia chư tử” xuất hiện các học thuyết triết học, chính trị - xã hội mà một trong số các học thuyết đó là Nho giáo. Sự xuất hiện của Nho giáo trong bối cảnh lịch sử đó với những nội dung chủ yếu về chính trị, xã hội, đạo đức, con người, những nguyên tắc cai trị, các mối quan hệ xã hội, mẫu người hoàn thiện, giáo dục con người… cũng nhằm mục đích giải đáp nhu cầu mà thực tiễn của xã hội Trung Quốc đương thời đặt ra để duy trì và ổn định trật tự xã hội.
Từ quan niệm chính trị - tôn giáo “Trời và người hợp nhất”, nhà Chu khẳng định rằng, vì các bậc tiên vương nhà Chu có đức mà được sánh cùng thượng đế, được thượng đế cho hưởng nước, hưởng dân cho nên các vua đời sau phải biết coi trọng cái đức đó, phải biết bồi dưỡng cái đức đó để con cháu được hưởng nước, hưởng dân dài lâu. Có cái đức hiếu là nhớ công lao tổ tiên mà giữ gìn phép tắc của tổ tiên để lại mới nhận được mệnh trời mà được hưởng nước, hưởng dân mãi mãi. Đây là tư tưởng đạo đức của nhà Chu lấy hai chữ Đức và Hiếu làm nòng cốt.
Về tư tưởng triết học, thời Xuân Thu - Chiến Quốc là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của tư tưởng triết học với nhiều gia, phái cùng nhiều nhà tư tưởng như: Nho gia, Mặc gia, Đạo gia, Pháp gia và Âm dương gia. “Các phái ấy thường phê phán lẫn nhau, tạo nên tình hình mà lịch sử Trung Quốc gọi là “bách gia tranh minh” (trăm nhà đua tiếng)” [107, tr. 62]. Thời kỳ này còn xuất hiện các tác phầm cổ của người Trung Quốc như: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch, Quốc ngữ, Tả truyện mà trong đó có không ít tư tưởng Nho giáo mà sau này, nhiều nhà Nho trong Nho giáo tiên Tần tiếp thu, kế thừa và phát triển. Có thể khẳng định rằng, đến thời Khổng Tử, Nho giáo với tư cách là một hình thái ý thức xã hội, có mối liên hệ mật thiết với đời sống kinh tế và phản ánh đời sống kinh tế trong xã hội Trung Quốc đương thời. Vì vậy, nhằm khắc phục tình trạng rối loạn của xã hội và đưa xã hội vào trạng thái ổn
định và phát triển, một mặt Nho giáo vẫn thừa nhận và sử dụng vai trò, sức mạnh của thần quyền nhưng mặt khác, tư tưởng của Nho giáo luôn khẳng định vị trí đứng trên của vương quyền đối với thần quyền cũng như vị trí, vai trò của người dân trong những diễn biến của lịch sử.
Cũng cần phải lưu ý một thực tế khách quan rằng, trong đời sống chính trị của Trung Quốc từ trước đến thời Khổng Tử, các thế lực thống trị trong xã hội không thể không quan tâm, dù ở một mức độ nào đó, đến đời sống của nhân dân, đến vai trò của người dân. Do vậy, cũng là một tất yếu, tư tưởng về dân là một trong những tư tưởng quan trọng của triết học Trung Quốc cổ đại, nhất là trong triết học Nho giáo.
Tư tưởng về dân là một sự khái quát quan trọng từ thực tiễn và trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc. Đây là một tư tưởng được rút ra từ kinh nghiệm đấu tranh giữ nước, xây dựng và củng cố chế độ chính trị ở Trung Quốc. Mệnh đề “dân là gốc nước” xuất hiện lần đầu tiên trong Kinh Thư, một trong những tác phẩm cổ nhất của người Trung Quốc. Trong quyển 2 (Hạ thư), thiên thứ 3 (Ngũ tử chi ca) có ghi lại lời các em vua Thái Khang khuyên răn vua: “Hoàng tổ (Hạ Vũ) có lời giáo huấn: Đối với dân nên gần và có tình thân, không nên sơ tình mà coi như đệ hạ. Dân là gốc nước. Gốc có vững thì nước mới an bình” [72, tr. 11]. Trong Kinh Thư còn cho thấy nhiều tư tưởng thể hiện sự quan tâm của tầng lớp thống trị đến đời sống của nhân dân, đến vị trí, vai trò của người dân. Như bên cạnh việc thừa nhận quyền uy tuyệt đối, tối cao của “mệnh trời” nhưng lại đồng nhất với “ý dân”; “Trời nhìn tự dân ta nhìn, trời nghe tự dân ta nghe”, “Dân muốn gì trời cũng phải theo”, v.v. Theo Kinh Thư, “dân là gốc nước”, bởi vì dân là đối tượng thống trị của nhà vua. Dân và vua là hai mặt đối lập quy định, ràng buộc, nương tựa vào nhau. Vua không thể thiếu dân, vì “vua không có dân cùng ai trị vì” [72, tr. 139]. Dân luôn là chỗ dựa của vua trong công cuộc giữ nước, chống kẻ thù xâm lược. Dân không chỉ cung cấp sức người, mà còn cung cấp của cải để nuôi quân đánh giặc, cho nên dân không có, vua trông cậy vào đâu, vua không có dân cùng ai giữ nước. Ngược lại, theo Kinh Thư, dân cũng cần đến vua để đảm bảo an bình và mới có thể mưu sinh được. Chính quyền xét trên một phương diện nào đó, phải là chỗ dựa tinh thần cho dân, bởi vì tuy dân có sức mạnh to lớn,
nhưng không thể tự mình tổ chức để có được sức mạnh tổng hợp. Trong công cuộc dựng nước và giữ nước, chính quyền phải là người lãnh đạo, tổ chức các hoạt động của dân, vì dân không có vua thì không thể mưu sinh được.
Cũng theo Kinh Thư, “Dân là gốc nước” còn bởi vì, “ý dân là ý trời”. “Thừa thiên ý” còn là một trong những quan niệm truyền thống của người Trung Quốc.
Kinh Thư cũng cho rằng, ý trời là tôn chỉ cho mọi hành động của con người, đặc
biệt là của nhà vua. Vua phải theo ý trời, mà ý trời thì theo ý của dân, cho nên vua phải trọng dân mà trọng dân thì mọi hành động, chính sách, biện pháp của nhà vua phải tuân theo và hợp với ý dân, lòng dân.
Vì “dân là gốc nước”, “ý dân là ý trời”, nên “nước phải lấy dân làm gốc”, tức là vua phải thực hiện nền chính trị được lòng dân, phải biết kính dân, yêu dân, vì có như vậy thì “dân cố giữ gìn cùng nhà vua lo lắng”. Cho nên, nhà vua phải thực hiện chính sách dưỡng dân, nuôi dân cho tốt: “chính sự hay cốt ở nuôi dân được no ấm…luân lý để sửa đức hạnh cho dân, công tác và thương mại để lợi cho dân, chăn nuôi dân cho khỏi đói rét”; phải biết giáo hóa cho dân, lấy đức hạnh làm gương để trị dân, “dùng đức hạnh thay cho hình phạt…dân có tội lỗi cứ tội to, cũng không cứ tội nhiều, ta chịu tội cả” [72, tr. 276].
Như vậy, ngay ở Kinh Thư, tư tưởng về dân đã được định hình và có những nội dung xác định, và qua đó cho thấy sức mạnh, vai trò nhất định của dân; đòi hỏi nhà vua và người cầm quyền phải kính dân, dưỡng dân, giáo hóa dân, “sử dân dĩ thời” (sai khiến dân phải hợp thời) và thực hiện một đường lối Đức trị thân dân. Đây là một yếu tố quan trọng làm xuất hiện tư tưởng về dân, coi dân là gốc.
Tóm lại, có thể khẳng định rằng, Kinh Thư là một tác phẩm chứa đựng nhiều tư tưởng đề cập đến dân, đòi hỏi sự quan tâm của nhà vua và tầng lớp thống trị đến đời sống của dân, đến vai trò của dân với tư cách là một lực lượng tạo nên cái gốc của một quốc gia. Đây là tiền đề tư tưởng quan trọng cho sự hình thành, phát triển quan niệm về dân, về vị trí vai trò của dân, tư tưởng thân dân trong Nho giáo tiên Tần. Điều này nói lên rằng, việc quan tâm đến đời sống và vai trò của dân có ý nghĩa như một hằng số trong đời sống chính trị ở Trung Quốc lúc bấy giờ. Chính các nhà Nho tiên Tần như Khổng Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử, v.v. đã tiếp thu, kế thừa
và phát triển tư tưởng này trong quá trình hình thành Nho giáo và tư tưởng về dân trong học thuyết của mình.