2.1. Khái niệm tăng trƣởng kinh tế, pháttriển văn hóa, mối quanhệ giữa tăng
2.1.1. Khái niệm tăng trưởng kinh tế
Tăng trưởng kinh tế là vấn đề quan tâm hàng đầu của các quốc gia, đó là một trong những thước đo chủ yếu về sự tiến bộ trong mỗi giai đoạn phát triển của một đất nước. Việc nghiên cứu tăng trưởng kinh tế ngày càng có hệ thống và hoàn thiện hơn. Các nhà khoa học đều cho rằng, tăng trưởng kinh tế trước hết là một vấn đề kinh tế, song nó mang tính chất chính trị, xã hội sâu sắc.
Lý thuyết cổ điển về tăng trưởng kinh tế được nêu bởi các nhà kinh tế học cổ điển, tiêu biểu là Adam Smith và David Ricardo. Adam Smith (1723 - 1790) với tác phẩm “Của cải của các quốc gia”, xuất bản vào đầu năm 1776 đã nghiên cứu về tính chất, nguyên nhân của tăng trưởng kinh tế và làm thế nào để tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế. Adam Smith coi sự gia tăng tư bản đóng vai trò chủ yếu trong việc nâng cao năng suất lao động, thông qua thúc đẩy phân công lao động và là yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế. Theo ông, sự kém cỏi, hoang phí của tầng lớp quý tộc, địa chủ và thương nhân chỉ khiến của cải hao mòn. Từ đó, ông đề ra các chính sách phải cắt giảm bổng lộc của giới quý tộc, đánh thuế tầng lớp địa chủ, bãi bỏ chế độ độc quyền thương nhân, bãi bỏ thuế và các quy định đối với các nhà tư bản.
David Ricardo (1772-1823) kế thừa tư tưởng của Adam Smith cho rằng nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng nhất đối với tăng trưởng kinh tế. D.Ricardo nhấn mạnh yếu tố cơ bản của tăng trưởng là đất đai, lao động và vốn trong từng ngành; phù hợp với một trình độ kỹ thuật nhất định, các yếu tố này kết hợp với nhau theo một tỷ lệ nhất định không thay đổi. Ông đặc biệt nhấn mạnh tích lũy tư bản là nhân tố chủ yếu quyết định tăng trưởng kinh tế, còn các chính sách của chính phủ không có tác động quan trọng tới hoạt động của nền kinh tế.
C. Mác (1818 -1883) cho rằng đất đai, lao động, vốn và tiến bộ kỹ thuật là những yếu tố cơ bản của quá trình sản xuất. Ông đặc biệt nhấn mạnh vai trò của lao động trong việc tạo nên giá trị thặng dư. C. Mác tìm ra bản chất của chế độ tư bản chủ nghĩa với nền đại công nghiệp là sự bóc lột giá trị thặng dư của giai cấp tư sản
đối với giai cấp vô sản. Trong học thuyết này, C. Mác đưa ra công thức T-H-T’ (tiền-hàng hóa-tiền) để minh họa cho sự biến đổi của vốn (tư bản) dạng tiền sang dạng hàng hóa và cuối cùng quay trở lại dạng tiền ở mức cao hơn mức ban đầu một lượng ΔT (nghĩa là T’=T+ ΔT). Tuy nhiên, giá trị này không được chia đều cho những người trực tiếp làm ra nó, mà thuộc quyền sở hữu của chủ tư bản. C. Mác chỉ ra rằng, đó là quy luật vận động của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Hình thức cao nhất của sự phát triển tư bản là cho vay lãi T-T’, đẩy nhanh các mâu thuẫn trong lòng xã hội tư bản. C. Mác cũng khẳng định rằng các chính sách kinh tế của Nhà nước có ý nghĩa quan trọng để điều chỉnh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
J.Schumpeter (1883 - 1950) đã nghiên cứu tương đối hệ thống và toàn diện về tăng trưởng kinh tế. Hai cuốn sách của ông “Lý thuyết về phát triển kinh tế” (1930) và “Lịch sử phân tích kinh tế” (1954 – xuất bản sau khi ông qua đời) đã đề cập tới vấn đề này. Theo ông, người sáng chế, khởi xướng đổi mới kỹ thuật giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế. Họ là những người đề xướng và thực hiện cải tiến, đổi mới về công nghệ. Khi đưa sản phẩm ra thị trường họ chiếm lĩnh được thị trường và lợi nhuận siêu ngạch. Nếu không có đổi mới, cạnh tranh và tích lũy tư bản nhanh chóng thì sẽ không có tăng trưởng kinh tế lâu dài.
Sự chuyển biến mạnh mẽ về khoa học kỹ thuật vào cuối thế kỷ XIX với hàng loạt phát minh khoa học ra đời, nhiều tài nguyên được khai thác và sử dụng làm cho kinh tế thế giới có bước phát triển mãnh mẽ. Trường phái kinh tế học Tân cổ điển ra đời và với quan điểm cho rằng tiến bộ khoa học kỹ thuật là yếu tố cơ bản thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế. Họ bác bỏ quan điểm cổ điển cho rằng sản xuất trong một tình trạng nhất định đòi hỏi những tỷ lệ nhất định về lao động, vốn mà khẳng định lao động và vốn có thể thay thế được cho nhau, đồng thời lập luận rằng, Chính phủ không có vai trò quan trọng trong việc điều tiết nền kinh tế.
Bước sang thế kỷ XX, khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra nghiêm trọng (1929 - 1933), đã cho thấy các lý thuyết về tăng trưởng kinh tế trước đây chưa thực sự phản ánh đầy đủ về nguyên nhân tăng trưởng kinh tế. Maynard Keynes (1883- 1946) với tác phẩm “Lý thuyết chung về việc làm, lãi suất và tiền tệ” đã đánh dấu sự ra đời một lý thuyết mới về tăng trưởng kinh tế. Theo ông, có sự phân biệt về tổng cung trong ngắn hạn và tổng cung trong dài hạn và cân bằng của nền kinh tế không nhất thiết phải ở mức sản lượng tiềm năng mà có thể thấp hơn và nhấn mạnh vai trò của tiêu dùng trong việc xác định sản lượng. Ông lập luận, thu nhập cá nhân
được sử dụng cho tiêu dùng và tích lũy, do đó việc giảm tiêu dùng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm chính là nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ trong hoạt động kinh tế. Vì thế, nhà nước cần phải điều tiết bằng các chính sách kinh tế nhằm tăng tiêu dùng. Ông cũng khẳng định, vai trò to lớn của Chính phủ trong việc sử dụng những chính sách kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Dựa vào những tư tưởng của Keynes về vai trò của vốn đầu tư trong tăng trưởng kinh tế, vào những năm 1940, với sự nghiên cứu một cách độc lập, hai nhà kinh tế học là Roy F. Harrod (1900 - 1978) ở Anh và Evsey Domar (1914- 1997) ở Mỹ đã đồng thời đưa ra mô hình lượng hóa mối quan hệ giữa tăng trưởng và các nhu cầu về vốn, được gọi chung là mô hình “Harrod - Domar”. Mô hình này tập trung vào tăng trưởng và đặt giả thiết rằng tăng trưởng có được từ tiết kiệm. Trong những thập kỷ 50 – 60 của thế kỷ XX, mô hình này đã được áp dụng vào việc kế hoạch hóa kinh tế ở các nước đang phát triển.
Năm 1956, dựa trên tư tưởng thị trường tự do của lý thuyết Tân cổ điển, kết hợp một số giả thuyết của mô hình “Harrod - Domar”, Robert Solow và Trevo Swan đã đồng thời xây dựng nên mô hình tăng trưởng Tân cổ điển, còn được gọi là mô hình tăng trưởng Solow-Swan hay gọi tắt là mô hình Solow. Mô hình tăng trưởng Tân cổ điển lần đầu được trình bày trong bài viết có tựa đề “Một đóng góp cho lý thuyết tăng trưởng kinh tế” của Solow và “Tăng trưởng kinh tế và tích lũy vốn” của Swan cùng xuất bản vào năm 1956. Lý thuyết tăng trưởng kinh tế hiện đại giống với mô hình tăng trưởng kinh tế Tân cổ điển về xác định các yếu tố tác động đến sản xuất. Họ cho rằng tổng cung của nền kinh tế được xác định bởi các yếu tố đầu vào của sản xuất là lao động, vốn, tài nguyên thiên nhiên và khoa học công nghệ. Quan điểm này cũng cho rằng, để tăng trưởng kinh tế thì các nhà sản xuất có thể lựa chọn công nghệ sử dụng nhiều vốn hoặc công nghệ sử dụng nhiều lao động. Theo mô hình này thì tiết kiệm, tăng dân số và tiến bộ công nghệ có ảnh hưởng tới mức sản lượng và tốc độ tăng trưởng của một nền kinh tế theo thời gian. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng kinh tế không giải thích được đầy đủ những thực tế tăng trưởng kinh tế, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Những hạn chế của mô hình tăng trưởng Solow là nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của một loại mô hình tăng trưởng kinh tế (vẫn dựa trên lý thuyết Tân cổ điển) được gọi là các mô hình tăng trưởng nội sinh.
Từ cuối những năm 1980 đến nay, nhiều mô hình đã được xây dựng với mục đích làm sáng tỏ cơ chế nội sinh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mô hình tăng trưởng kinh tế nội sinh khẳng định vai trò quan trọng của vốn, lao động đối với tăng trưởng
kinh tế, kiến thức và vốn con người cũng là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, mô hình này cũng khẳng định, chính sách của chính phủ có thể tác động tới tốc độ tăng trưởng kinh tế dài hạn. Có hai nhánh chủ yếu trong các lý thuyết và mô hình tăng trưởng kinh tế nội sinh. Nhánh thứ nhất ra đời từ những bài viết của Arrow (1962)và Romer (1990)… cho rằng lực lượng thúc đẩy tăng trưởng là sự tích lũy kiến thức, với những cơ chế tạo ra kiến thức khác nhau và những nguồn lực được phân bổ vào ngành sản xuất kiến thức. Ở nhánh thứ hai, các mô hình tăng trưởng nội sinh của các nhà kinh tế như Lucas (1988), Rebelo (1991), Mankiw (1992), Romer và Weil (1992)… lại có cái nhìn rộng hơn về vốn, cho rằng vốn bao gồm cả vốn con người, cần đề cao giáo dục đào tạo, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào những ngành công nghiệp sử dụng nhiều tri thức như phần mềm máy tính, viễn thông… Mô hình tăng trưởng nội sinh đã bỏ qua những yếu tố như cấu trúc hạ tầng, cấu trúc thể chế, các thị trường… ở các nước đang phát triển.
Hiện nay, tăng trưởng kinh tế được hiểu theo một số quan điểm sau:
Theo cách định nghĩa của Ngân hàng thế giới (WB) trong “Báo cáo về phát triển thế giới năm 1991”: “Tăng trưởng kinh tế là chỉ sự gia tăng về lượng của những đại lượng chính đặc trưng cho một trạng thái kinh tế, trước hết là tổng sản phẩm xã hội, có tính đến mối liên quan với dân số” [112, tr.27].
Trong tác phẩm “Kinh tế học của các nước đang phát triển” thì nhà kinh tế học E. Wayne Nafziger cho rằng, tăng trưởng kinh tế là sự gia tăng về sản lượng hoặc sự tăng lên về thu nhập bình quân đầu người của một nước.
Tác giả Nguyễn Phú Trọng cho rằng:
Tăng trưởng kinh tế là một khái niệm kinh tế học được dùng để chỉ sự gia tăng về quy mô sản lượng của nền kinh tế trong một thời kỳ nhất định. Các chỉ tiêu để đo tăng trưởng kinh tế thường được sử dụng là mức tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tổng sản phẩm quốc dân (GNP), GDP và GNP bình quân đầu người cùng một số chỉ tiêu kinh tế tổng hợp khác [Dẫn theo 160, tr.155].
Hay, ở một tài liệu khác, khái niệm tăng trưởng kinh tế được hiểu như sau: Tăng trưởng kinh tế là một khái niệm phản ánh quy mô tăng lên hay giảm đi của nền kinh tế ở năm này so với năm trước đó hay ở thời kỳ này so với thời kỳ trước đó. Tăng trưởng kinh tế là sự gia tăng của GDP hoặc GDP bình quân đầu người trong một thời gian nhất định, sự thay đổi về lượng của nền kinh tế. Sự gia
tăng này thể hiện sự thay đổi cả về quy mô và tốc độ, quy mô thể hiện sự tăng nhiều hay ít còn tốc độ thể hiện sự tăng nhanh hay chậm” [Dẫn theo 133, tr.9].
Như vậy, có nhiều định nghĩa khác nhau, song có thể đưa ra cách hiểu chung:
Tăng trưởng kinh tế là sự gia tăng về quy mô sản lượng nền kinh tế, gia tăng thu nhập của người dân trong một thời gian nhất định của một quốc gia, một vùng hay một ngành kinh tế.
Sự gia tăng thu nhập của nền kinh tế được thể hiện ở quy mô và tốc độ dưới dạng hiện vật hoặc giá trị. Quy mô tăng trưởng phản ánh sự gia tăng nhiều hay ít, còn tốc độ tăng trưởng được sử dụng với ý nghĩa so sánh tương đối và phản ánh sự gia tăng nhanh hay chậm giữa các thời kỳ. Tăng trưởng kinh tế có thể biểu thị bằng số tuyệt đối (quy mô tăng trưởng) hoặc số tương đối (tỷ lệ tăng trưởng) biểu hiện mặt biến đổi về lượng của nền kinh tế.
Ngày nay, yêu cầu của tăng trưởng kinh tế được gắn liền với tính bền vững hay việc đảm bảo chất lượng tăng trưởng ngày càng cao. Tăng trưởng kinh tế phải hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế lâu dài là một vấn đề quan trọng được nghiên cứu và nhắc tới nhiều trong gần hai thập kỷ trở lại đây. Năm 1987, vấn đề phát triển bền vững được Ngân hàng thế giới (WB) đề cập đến lần đầu tiên, theo đó phát triển bền vững được hiểu là sự phát triển đáp ứng các nhu cầu hiện tại mà không làm nguy hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Tiêu chí để đánh giá sự phát triển bền vững là sự tăng trưởng kinh tế ổn định; thực hiện tốt tiến bộ và công bằng xã hội; khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường sống. Như vậy, đối với một quốc gia, để đạt được mục tiêu phát triển, đáp ứng các nhu cầu vật chất của xã hội, nhất thiết phải có sự tăng trưởng cao về kinh tế, về cơ sở vật chất, kỹ thuật và công nghệ, ổn định về mặt chính trị - xã hội, bền vững về môi trường, bền vững về quốc phòng, an ninh và đó cũng là điều kiện, là cơ sở cho sự phát triển bền vững về văn hóa.
Như vậy, có thể khẳng định, tăng trưởng kinh tế là một mặt của phát triển kinh tế. Tăng trưởng chưa phải là phát triển, song tăng trưởng kinh tế lại là một cách cơ bản để có được phát triển. Có hai mô hình tăng trưởng kinh tế:
Tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng là sự gia tăng các nhân tố về lượng của sự tăng trưởng kinh tế. Nó được biểu thị trong sự tăng trưởng về số lượng của nguồn tài nguyên, như sự gia tăng diện tích trồng trọt, gia tăng số lượng công nhân và thiết bị máy móc... Tương ứng với sự tăng trưởng này là nhân tố đặc trưng, bao gồm việc
nâng cao trình độ nền sản xuất bằng việc tăng số lượng nhân công, đất đai và tài chính. Năng suất lao động bình quân không tăng nhưng lượng lại tăng. Nhân tố này dựa trên hệ thống bảo thủ của nền sản xuất mà không quan tâm đến chất lượng bằng số lượng. Điều đó dẫn tới sự giảm sút năng suất lao động.
Tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu là sự hiện diện các nhân tố về chất, được thể hiện trong chất lượng quản lý, lưu thông, áp dụng công nghệ, các phát minh, bí quyết sử dụng công nghệ, lựa chọn thiết bị cho việc chiếm lĩnh ưu thế cạnh tranh, cho việc hiện đại hóa nền sản xuất thông qua chất lượng của nguồn lực con người. Nhân tố tác động của loại tăng trưởng kinh tế này là sự hiện đại hóa tối đa quy mô nền sản xuất không đổi. Chất lượng của nguồn nhân lực và công nghệ không ngừng được nâng cao nhằm thu lợi nhuận tối đa từ tiềm năng sẵn có. Nhân tố này đặc trung cho những nước nghèo về tài nguyên khoáng sản nhưng lại có nguồn lực lao động có chuyên môn cao và trình độ công nghệ tương ứng. Một số nước tăng trưởng kinh tế ổn định như Mỹ, Liên minh châu Âu... Một số nước có tăng tưởng kinh tế kỳ diệu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan...
Nội dung của tăng trưởng kinh tế được thể hiện qua các tiêu chí, thước đo để đánh giá tăng trưởng kinh tế như tổng giá trị sản xuất (GO), tổng thu nhập quốc dân (GNI), thu nhập quốc dân (NI), thu nhập quốc dân sử dụng (NDI). Tuy nhiên trong phạm vi luận án này, tăng trưởng kinh tế được khảo sát dưới phương diện sau:
- Tổng sản phẩm quốc nội (GDP – Gross domestic Product) là tổng giá trị sản phẩm vật chất và dịch vụ cuối cùng do kết quả hoạt động kinh tế trên phạm vi lãnh thổ của một quốc gia tạo nên trong một thời kỳ nhất định.
- Thu nhập bình quân trên đầu người (GDP/người và GNI/người), phản ánh tăng trưởng kinh tế có tính đến sự thay đổi dân số. Quy mô và tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người là những chỉ báo quan trọng phản ánh và là tiền đề để nâng cao mức sống dân cư nói chung. Sự gia tăng liên tục với tốc độ ngày càng cao của chỉ