Công trình “Các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam” (1998), Vũ Đình Bách (chủ biên), Nxb Chính trị Quốc gia, tác giả nêu lên kinh nghiệm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong chiến lược tăng trưởng của một số nước châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippin, Malaixia,... Tác giả nghiên cứu tình hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam qua ba giai đoạn (1979- 1985; 1988- 1990; 1991 đến 1998),những cơ hội thuận lợi và thách thức với tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Tác giả đưa ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam: đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững. Từ mục tiêu được xác định, tác giả đưa ra ba nhóm giải pháp: (1) giải pháp về lao động; (2) giải pháp về vốn; (3) Giải pháp về công
nghệ. Trong đó, tác giả khẳng định, giải pháp về lao động là quan trọng và quyết định nhất. Giải pháp này liên quan tới các chính sách và thực hiện hệ thống giáo dục quốc gia, các vấn đề giải quyết thất nghiệp, thiếu việc làm, về chính sách đối với người lao động…
Công trình “Xây dựng con người và phát triển văn hóa Việt Nam trong hai mươi năm đổi mới và hội nhập quốc tế - Quan điểm và giải pháp đến 2020” (2010) (Đề tài KX 03.08/06-10 do Phan Trọng Thưởng làm chủ nhiệm) đã làm rõ các yếu tố ảnh hưởng tới việc xây dựng và phát triển con người, văn hóa Việt Nam trong hơn 20 năm thực hiện đổi mới. Công trình đưa ra quan điểm chỉ đạo và hệ thống giải pháp, kiến nghị nhằm thúc đẩy xây dựng con người và phát triển văn hóa ở Việt Nam: Quan điểm chỉ đạo là lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam hành động, xác định kiên trì các mục tiêu xây dựng phát triển kinh tế xã hội vì con người, chú trọng công tác giáo dục, đào tạo đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững. Các giải pháp: (1) Hoàn thiện hệ thống tri thức về văn hóa và con người. (2) Cần dựa vào kết quả nghiên cứu của khoa học liên ngành để nhận thức đảm bảo tính khách quan, đúng đắn, (3) Gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa vì mục tiêu chung là phát triển con người, con người được xem là trung tâm của sự phát triển. (4) Tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp phát triển văn hóa, phát triển con người.
Công trình “Phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2011- 2020. Xu hướng và giải pháp” (Phạm Duy Đức chủ biên, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2010) đã khái quát quá trình xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam sau 25 năm đổi mới thể hiện ở các lĩnh vực cơ bản. Từ đó, tác giả nêu lên phương hướng phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 là phát huy chủ nghĩa yêu nước, truyền thống đại đoàn kết dân tộc, tinh thần độc lập tự chủ, tự cường trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với đặc trưng là dân tộc, khoa học, hiện đại, dân chủ và nhân văn, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; thực hiện phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt và nâng cao đời sống văn hóa, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tác giả cũng đề cập 5 giải pháp: (1) nâng cao chất lượng các phong trào văn hóa- xã hội - tư tưởng - giáo dục. (2) Tiếp tục xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện tốt các chính sách, pháp luật về văn hóa. (3) Tăng cường nguồn lực cho hoạt động văn hóa. (4) Đẩy mạnh xã hội
hóa hoạt động văn hóa. (5) Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước về văn hóa.
Công trình “Phát triển văn hóa trong thời kỳ đổi mới” (2011), Đinh Xuân Dũng, Nxb Thời đại, tập hợp, chọn lọc một số bài viết của các tác giả từ năm 2005 đến năm 2011, đề cập đến các nội dung khá phong phú về phát triển văn hóa trong thời kỳ đổi mới. Các tác giả đưa ra một số giải pháp để phát triển văn hóa như thể chế hóa, xây dựng môi trường chính trị, đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, xây dựng lối sống, đạo đức, xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam, chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống tuyên giáo trong giai đoạn hiện nay, xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa đáp ứng nhu cầu thông tin và định hướng tư tưởng trong hoạt động báo chí, và trong từng lĩnh vực cụ thể như sự nghiệp xuất bản, phát hành sách…
Công trình “Đổi mới mô hình tăng trưởng cơ cấu lại nền kinh tế” (2012), Vũ Văn Phúc (chủ biên), Nxb Chính trị quốc gia. Cuốn sách là tổng hợp các báo cáo tham luận tại Hội thảo ngày 19-12-2011 do Tạp chí Cộng sản phối hợp với Viện Chiến lược và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức. Công trình đưa ra các giải pháp nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế: (1) Cơ cấu lại chi tiêu công ở Việt Nam; (2) Nâng cao hiệu quả đầu tư công ở Việt Nam; (3) Tái cơ cấu nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước; (4) Tái cơ cấu các ngân hàng thương mại Việt Nam; (5) Cơ cấu lại nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu; (6) Tái cơ cấu kinh tế cần tập trung cho một số ngành có thế mạnh; (7) Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế để đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam hiện nay; (8) Chính sách tài khóa và quá trình tái cơ cấu kinh tế ở Việt Nam. Những giải pháp này chủ yếu nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam chuyển từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang mô hình tăng trưởng kết hợp hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, tận dụng mọi nguồn lực hiện có của đất nước.
Công trình “Giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa và văn học nghệ thuật trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” trên Tạp chí Cộng sản tháng số 1 năm 2012 của tác giả Nguyễn Hồng Vinh đã phân tích và làm rõ mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa được thể hiện ở các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Tác giả xác định bảy giải pháp để giải quyết tốt hơn mối quan hệ này: (1) Tiếp tục giáo dục, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa; (2) Rà soát chặt chẽ quy hoạch, kế hoạch
phát triển văn hóa; (3)Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; (4) Gắn chặt chẽ phong trào văn hóa với phong trào thi đua yêu nước trong toàn xã hội; (5) Mở rộng và hết sức coi trọng đối ngoại trong lĩnh vực văn hóa; (6) Đề cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội và trách nhiệm nghệ sĩ; (7) Xây dựng chương trình quốc gia về phát triển văn hóa, văn nghệ.
Qua các công trình nghiên cứu trên, có thể khẳng định về phương hướng, nguyên tắc và các giải pháp giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa ở nước ta có nhiều ý kiến. Về phương hướng, các công trình đề cập tới tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân; kiên định xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đi đôi với phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, chú trọng phát triển giáo dục đào tạo đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.
Về các giải pháp, các công trình đưa ra nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa; thể chế hóa, xây dựng môi trường chính trị, đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, xây dựng lối sống, đạo đức; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động văn hóa; tái cấu trúc mô hình tăng trưởng kinh tế, đổi mới cơ cấu kinh tế; giải pháp về lao động, giải pháp về vốn, giải pháp về công nghệ trong tăng trưởng kinh tế. Có các giải pháp thiên về tăng trưởng kinh tế, có các giải pháp nghiêng về phục vụ phát triển văn hóa, cũng có các giải pháp nhằm đảm bảo sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa. Nhưng có thể nhận thấy, các công trình về các giải pháp nhằm giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa chưa có nhiều, đặc biệt là các công trình nghiên cứu trực tiếp tới vấn đề này.
Hệ thống các giải pháp các tác giả đưa ra, do được nghiên cứu từ các phương diện khác nhau, có thể là từ kinh tế hoặc từ văn hóa, nhằm những mục đích khác nhau do đó không giống nhau. Khi đưa ra các giải pháp, yếu tố chủ thể thực hiện các giải pháp này tại các công trình còn khá mờ nhạt. Theo NCS, nghiên cứu từ phương diện triết học về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa ở Việt Nam các giải pháp trên được đưa ra chưa thật đầy đủ, toàn diện. Tuy nhiên, ở những mức độ khác nhau, các công trình trên đều đưa ra hệ thống các giải pháp phù hợp với thực trạng đã phân tích và đạt được những thành công đáng ghi nhận là tư liệu cho NCS tiếp tục nghiên cứu vấn đề này.