Khái niệm nguồn nhân lựcchất lượng cao

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở quảng ngãi hiện nay (Trang 38 - 46)

2.1. Khái niệm nguồn nhân lực, nguồn nhân lựcchất lượng caovà

2.1.2. Khái niệm nguồn nhân lựcchất lượng cao

Từ thời của C. Mác, mặc dù thuật ngữ nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được sử dụng, nhưng trong các tác phẩm của mình, C. Mác đã từng nhấn mạnh: “Vậy thì nền công nghiệp do toàn xã hội thực hiện một cách tập thể và có kế hoạch lại càng cần có những con người có năng lực phát triển toàn diện, đủ sức tinh thông toàn bộ hệ thống sản xuất” [72, tr.474]. Không chỉ dừng lại ở đó, C. Mác còn đưa ra quan niệm về nhân tài: “nhân tài tuyệt nhiên không phải chỉ là một số ít, những nhân vật nhân tài, nhân vật vĩ đại mà các nhân tài chuyên môn và công nhân, nông dân tiên tiến đều là nhân tài” [71, tr.28]. Có thể nói, quan điểm về nhân tài của Mác có nhiều điểm tương đồng với quan niệm về nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam hiện nay.

Kế thừa và phát triển quan điểm của Mác, V.I.Lênin cho rằng: Lực lượng nòng cốt của nguồn nhân lực chất lượng cao là giai cấp công nhân, đó là “lực lượng sản xuất hàng đầu của toàn nhân loại” [64, tr.430]. Theo V.I.Lênin, nguồn nhân lực này vừa là sản phẩm lại vừa là chủ thể của nền sản xuất đại công nghiệp. Họ là những con người trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất, ứng dụng một cách sáng tạo những thành tựu của khoa học - công nghệ

vào sản xuất. Trong nền sản xuất đại công nghiệp, họ là những người có trình độ cao, có tính kỷ luật, ý thức tự giác và đem lại năng suất lao động cao.

Ở Việt Nam, khái niệm nguồn nhân lực chất lượng cao được đề cập nhiều trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng và đư ợc xác định rõ trong Đại hội XI, đó là bộ phận chất lượng cao của nguồn nhân lực, bao gồm những người có tài năng, có chuyên môn giỏi theo lĩnh vực hoạt động của mình. Bên cạnh đó, còn phải có phẩm chất đạo đức của người cách mạng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Đó là những người “giỏi”, “đầu đàn” trên tất cả các mặt, các lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội, là lực lượng nòng cốt trong nguồn nhân lực của đất nước. Nguồn nhân lực chất lượng cao được thể hiện trên cả 3 phương diện là số lượng, chất lượng và cơ cấu. Cả ba yếu tố này có mối quan hệ biện chứng với nhau trong một chỉnh thể thống nhất tạo nên sức mạnh tổng hợp của nguồn nhân lực này.

Hiện nay, khái niệm nguồn nhân lực chất lượng cao được các nhà nghiên cứu, các học giả bàn luận khá sôi nổi song vẫn chưa đưa ra được một khái niệm thống nhất. Mỗi tác giả, tùy theo góc độ tiếp cận của mình mà có quan niệm khác nhau:

Trong cuốn: Nghiên cứu con người và nguồn nhân lực đi vào công nghiệp hóa và hiện đại hóa, tác giả Phạm Minh Hạc cho rằng: “Nguồn nhân lực chất lượng cao là đội ngũ nhân lực có trình độ và năng lực cao, là lực lượng xung kích tiếp nhận, chuyển giao công nghệ tiên tiến, thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng vào điều kiện nước ta, là hạt nhân đưa lĩnh vực của mình đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa” [44, tr.27-28].

Trong nghiên cứu về: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, tác giả Nguyễn Hữu Dũng quan niệm: “Nhân lực chất lượng cao là khái niệm để chỉ một con người, một người lao động cụ thể có trình độ lành nghề (về chuyên môn, kỹ thuật) ứng với một ngành nghề cụ thể theo tiêu thức phân loại lao động về chuyên môn, kỹ thuật nhất định" [21, tr.20] .

Tác giả Bùi Thị Ngọc Lan lại cho rằng: "Nguồn nhân lực chất lượng cao là bộ phận tinh túy nhất của nguồn nhân lực. Lực lượng này có trình độ

học vấn và chuyên môn kỹ thuật cao, có kỹ năng lao động giỏi và khả năng thích ứng nhanh với những biến đổi nhanh chóng của công nghệ sản xuất, có phẩm chất tốt và khả năng vận dụng sáng tạo những tri thức, những kỹ năng đã được đào tạo vào quá trình lao động sản xuất nhằm đem lại năng suất, chất lượng, hiệu quả cao" [61, tr.23].

Ngoài những quan niệm nêu trên, các học giả, các nhà nghiên cứu còn sử dụng một số thuật ngữ khác để nói về nguồn nhân lực chất lượng cao. Những thuật ngữ này có nội hàm hẹp hơn và cụ thể hơn để chỉ những người lao động cụ thể làm việc trong các lĩnh vực khác nhau mà hoạt động của họ có chất lượng tốt mang lại hiệu quả cao trong các lĩnh vực sản xuất vật chất cũng như tinh thần. Chẳng hạn như trong lĩnh vực sản xuất vật chất có các thuật ngữ như chuyên gia, nghệ nhân, công nhân lành nghề; trong lĩnh vực sản xuất tinh thần có các thuật ngữ như nhà bác học, nhà khoa học, chuyên gia... Bên cạnh đó người ta còn dùng thuật ngữ nhân tài, vĩ nhân để khẳng định công lao và tôn vinh những người có nhiều cống hiến cho sự phát triển của đất nước nói chung và của mỗi địa phương nói riêng.

Từ những quan niệm trên, chúng ta thấy rằng, cho đến nay mặc dù chưa có khái niệm thống nhất về nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng nhìn chung các nhà nghiên cứu đều tiếp cận khái niệm này theo hai cách cơ bản sau:

Thứ nhất, tiếp cận về mặt định tính: Tức là định nghĩa nguồn nhân lực chất lượng cao dựa trên chất lượng, hiệu quả, sự phức tạp của công việc và những đóng góp của họ cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước và của địa phương.

Với cách định nghĩa thiên về định tính, chúng ta có thể phân biệt nguồn nhân lực chất lượng cao với nguồn nhân lực nói chung dựa trên khả năng của người lao động. Tuy nhiên, trong điều kiện thực tế ở Việt Nam nói chung và những địa phương như Quảng Ngãi nói riêng, những tiêu chí đánh giá khả năng của người lao động chưa được lượng hóa thì sẽ rất khó khăn để có thể thống kê đội ngũ nhân lực chất lượng cao.

Thứ hai, tiếp cận về mặt định lượng: Ở cách tiếp cận này, quan niệm về nguồn nhân lực chất lượng cao được xem xét trên cơ sở trình độ đào tạo của người lao động. Đó là những người được đào tạo cơ bản trong hệ thống giáo dục - đào tạo quốc dân như đào tạo nghề, đào tạo cao đằng, đại học, sau đại học; đào tạo lao động chuyên môn được cấp bằng chứng chỉ của các bậc đào tạo. Với cách tiếp cận này, nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ có sự phân hóa khá lớn về trình độ bởi vì cho dù là học nghề hay học cao đẳng, đại học đều được coi là lao động đã qua đào tạo.

Mặc dù còn có hạn chế nhất định, nhưng với quan điểm này, chúng ta có thể thống kê một cách tương đối chính xác nguồn nhân lực chất lượng cao hiện có thông qua các văn bằng, chứng chỉ. Trong khuôn khổ của luận án, tác giả tiếp cận khái niệm nguồn nhân lực chất lượng cao ở Quảng Ngãi trên cả 2 góc độ định tính và định lượng.

Tổng hợp các quan điểm khác nhau, dưới góc độ triết học, tác giả cho rằng: Nguồn nhân lực chất lượng cao là bộ phận tinh túy nhất của nguồn nhân lực, có trình độ học vấn và trình độ chuyên môn cao, có sức khỏe và phẩm chất đạo đức tốt; có kỹ năng lao động giỏi và thích ứng nhanh với những thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ; biết vận dụng sáng tạo những tri thức, những kỹ năng đã được đào tạo vào quá trình lao động sản xuất nhằm đem lại năng suất, chất lượng và hiệu quả cao.

Cấu trúc nguồn nhân lực chất lượng cao

Đại hội XI của Đảng nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt coi trọng phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, đội ngũ chuyên gia, quản trị doanh nghiệp giỏi, lao động lành nghề và cán bộ khoa học, công nghệ. Căn cứ vào quan điểm của Đảng, trong khuôn khổ luận án, tác giả xem xét kết cấu nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng gồm:

Một là, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở tất cả các lĩnh vực từ nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ đến lĩnh vực quản lý kinh

tế xã hội, văn hóa, thể thao...Ðây là lực lượng có trình độ học vấn và trình độ chuyên môn cao, có khả năng sáng tạo cả về lý thuyết và thực hành, có năng lực giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đặt ra.

Đối với mỗi quốc gia, dân tộc nói chung và đối với mỗi địa phương nói riêng, đội ngũ này có vai trò quan trọng bởi cán bộ là gốc của mọi công việc, thành bại của cách mạng đều do cán bộ tốt hoặc kém. Với tư cách là người lãnh đạo, quản lý, họ có nhiệm vụ vạch ra đường lối chiến lược, sách lược, xây dựng, hoạch định chính sách phát triển kinh tế xã hội đúng đắn, hợp lý, tập hợp được lực lượng với các khuynh hướng khác nhau nhằm phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước và của địa phương.

Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phải chịu trách nhiệm chính khi quyết định những vấn đề quan trọng có ảnh hưởng to lớn đến các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước và của địa phương. Họ có quyền quyết định các công việc, xử lý các tình huống xảy ra trong phạm vi, chức trách, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật.

Để thực hiện tốt vai trò, vị trí và chức năng của mình, bên cạnh năng lực chuyên môn, năng lực quản lý và năng lực hoạch định đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, đội ngũ cán bộ, quản lý phải là những người có lòng yêu nước sâu sắc, kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; có phẩm chất đạo đức tốt, có lối sống trong sáng lành mạnh; có tác phong dân chủ khoa học, có khả năng tập hợp quần chúng, đoàn kết cán bộ...

Sự thành bại của công cuộc đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế phụ thuộc rất lớn vào năng lực, phẩm chất và quá trình thực hiện vai trò lãnh đạo, quản lý của đội ngũ này. Vì vậy, việc phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi có vai trò to lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển của mỗi địa phương nói riêng và của đất nước nói chung.

Hai là, đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ. Đây là lực lượng đi đầu trong việc tiếp nhận và chuyển giao công nghệ tiên tiến, ứng dụng một cách sáng tạo các thành tựu của khoa học - công nghệ vào các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, thể thao...nhằm góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Họ là những người có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, có khả năng tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội trong tất cả các lĩnh vực. Họ cũng là những người tham mưu cho các nhà lãnh đạo, quản lý trong việc xây dựng, hoạch định đường lối chính sách, chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đặc biệt, đội ngũ nhân lực này còn có vai trò quan trọng trong sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Họ có khả năng đào tạo, bồi dưỡng bộ phận có năng lực, trình độ thấp hơn bổ sung vào nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời, còn thu hút đội ngũ khoa học trẻ, tạo nên một lực lượng chuyên gia, các nhà khoa học giỏi bổ sung vào đội ngũ kế cận đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Ba là, đội ngũ chuyên gia quản trị doanh nghiệp và những doanh nhân giỏi. Đội ngũ này có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của địa phương. Vai trò của họ thể hiện ở chỗ, họ góp phần to lớn trong việc giải quyết công ăn việc làm cho xã hội. Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng, lực lượng lao động dồi dào nên việc giải quyết công ăn việc làm cho người lao động là vấn đề có ý nghĩa quan trọng. Hơn nữa, đội ngũ chuyên gia quản trị doanh nghiệp và những doanh nhân giỏi còn góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Đội ngũ doanh nhân càng phát triển mạnh thì sự đóng góp của họ đối với xã hội càng lớn không chỉ thông qua lượng của cải vật chất, công ăn việc làm họ tạo ra cho xã hội mà còn góp phần tạo nên diện mạo của nền kinh tế trong thời kỳ hội nhập và mở cửa.

Quảng Ngãi đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa với mục tiêu nhanh chóng trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Để có thể thực hiện mục tiêu này, Quảng Ngãi cần phải phát triển đội ngũ

chuyên gia quản trị doanh nghiệp và những doanh nhân cả về số lượng và chất lượng; phải nâng cao trình độ, kiến thức toàn diện, chú trọng nâng cao phẩm chất đạo đức, ý thức công dân, trách nhiệm xã hội; có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp hoạt động có chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, liên kết chặt chẽ, tham gia tích cực vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu; có khát vọng vươn lên làm giầu cho mình, cho quê hương và cho đất nước, không ngừng nâng cao năng lực kinh doanh và quản trị doanh nghiệp; có trách nhiệm với người lao động, với cộng đồng, xã hội và có văn hóa kinh doanh, góp phần chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Bốn là, đội ngũ lao động lành nghề ở tất cả các lĩnh vực hoạt động sản xuất của đời sống kinh tế xã hội. Đây là lực lượng lao động trực tiếp sản xuất, ứng dụng và cung cấp các dịch vụ có hàm lượng trí tuệ đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng tiêu dùng và xuất khẩu. Đây còn là lực lượng có năng lực trí tuệ tiếp thu được các công nghệ tiên tiến và bằng những tri thức khoa học kết hợp với những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình sản xuất trực tiếp sẽ dần làm chủ những công nghệ đó.

Sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, cùng với việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã và đang tác động mạnh mẽ, đặt ra những yêu cầu phải thúc đẩy đội ngũ công nhân lành nghề, công nhân trình độ cao phát triển, hình thành đội ngũ công nhân trí thức nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Đội ngũ lao động lành nghề không chỉ là lực lượng công nhân kỹ thuật lành nghề mà còn bao gồm cả những nghệ nhân, những nông dân, ngư dân giỏi. Họ là những người giàu kinh nghiệm, có thể ứng dụng sáng tạo những thành tựu của khoa học kỹ thuật vào sản xuất trong sản xuất, đi đầu trong quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa và sản xuất ra nhiều của cải vật chất, đáp ứng nhu cầu của địa phương và của đất nước.

Tóm lại, theo một hệ thống, chỉnh thể thì cấu trúc nguồn nhân lực chất lượng cao bao gồm: Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ; đội ngũ chuyên gia quản trị doanh nghiệp và những doanh nhân giỏi; đội ngũ lao động lành nghề ở tất cả các lĩnh vực hoạt động sản xuất của đời sống kinh tế xã hội như lực lượng công nhân kỹ thuật lành nghề, những nông dân, ngư dân giỏi và những nghệ nhân. Đây là những người có khả năng ứng dụng những thành tựu của khoa học - kỹ thuật, công

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở quảng ngãi hiện nay (Trang 38 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(170 trang)