Khái niệm nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở quảng ngãi hiện nay (Trang 35 - 38)

2.1. Khái niệm nguồn nhân lực, nguồn nhân lựcchất lượng caovà

2.1.1. Khái niệm nguồn nhân lực

Để tiến hành các hoạt động sản xuất vật chất cần phải có những yếu tố nhất định. Các yếu tố của sản xuất được biểu hiện dưới dạng các nguồn lực. Các nguồn lực cơ bản của hoạt động sản xuất bao gồm tư liệu sản xuất và sức lao động. Để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất vật chất trên cơ sở ứng dụng những thành tựu của khoa học - công nghệ, các nguồn lực này không ngừng phát triển và được nghiên cứu phân tích trên nhiều phương diện khác nhau, từ đó hình thành những khái niệm mới bổ sung cho các nguồn lực của sản xuất vật chất như nguồn vốn, nhân lực, khoa học - công nghệ…Vì vậy, có thể khẳng định rằng, nguồn nhân lực là một trong những nguồn lực, là nguồn lực giữ vai trò quyết định đối với sự phát triển của hoạt động sản xuất vật chất.

Nguồn là nơi phát sinh, cung cấp. Nhân lực là sức của con người được thể hiện ở 3 khía cạnh: Một là, sức lực cơ bắp (thể lực); hai là, trình độ tri thức, kỹ năng, kỹ xảo được vận dụng vào quá trình lao động của mỗi cá nhân (trí lực); ba là tâm lực (phẩm chất đạo đức, nhân cách, thái độ, phong cách làm việc…). Như vậy, nguồn nhân lực với ý nghĩa đầy đủ của nó gồm 3 yếu tố có quan hệ biện chứng với nhau là thể lực, trí lực, tâm lực và nó là nơi phát sinh, nơi cung cấp sức của con người trên đầy đủ các phương diện cho lao động sản xuất xã hội.

Hiê ̣n nay, có rất nhiều quan niệm khác nhau về nguồn nhân lực. Theo quan niệm của Ngân hàng thế giới (World Bank), nguồn nhân lực là toàn bộ tiềm năng của con người bao gồm trí lực, tâm lực và thể lực mà mỗi cá nhân sở hữu. Tổ chức Liên hiệp quốc thì lại cho rằng: “Nguồn nhân lực là tất cả những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, năng lực và tính sáng tạo của con người có quan hệ tới sự phát triển của mỗi cá nhân và đất nước” [125, tr.8].

Trong khi đó, tổ chức Lao động quốc tế (ILO) có quan niệm rộng hơn và cụ thể hơn khi cho rằng , nguồn nhân lực của một quốc gia là toàn bộ những người trong độ tuổi có khả năng tham gia lao động. Như vậy, có thể nói nguồn nhân lực ở đây chính là lực lượng lao động bao gồm những người thực tế đang có việc làm và cả những người thất nghiệp.

Theo quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam: "Nguồn lực con người là vốn quý báu nhất, có vai trò quyết định đặc biệt đối với nước ta khi nguồn lực tài chính và nguồn lực vật chất còn hạn hẹp. Nguồn lực đó là người lao động có trí tuệ cao, tay nghề thành thạo, có phẩm chất tốt đẹp, được đào tạo, bồi dưỡng và phát huy bởi nền giáo dục tiên tiến gắn liền với một nền khoa học hiện đại" [29, tr.11]. Với quan điểm này, Đảng ta đã chủ trương xây dựng và phát triển một nền giáo dục toàn diện với mục tiêu là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài và xem đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển xã hội chứ không phải chỉ đơn thuần là đầu tư cho phúc lợi xã hội.

Qua việc nghiên cứu, tìm hiểu như trên chúng ta có thể thấy do cách tiếp cận khác nhau nên có nhiều quan niệm khác nhau về nguồn nhân lực, nhưng khái quát lại thì có hai cách hiểu cơ bản. Cách hiểu thứ nhất, đồng nhất nguồn nhân lực với nguồn lực con người (tức là xem xét nguồn nhân lực với tư cách là toàn bộ dân số nói chung). Cách hiểu thứ hai, xem xét nguồn nhân lực với tư cách là nguồn lao động (lực lượng lao động). Với cách hiểu này, nguồn nhân lực chỉ một bộ phận của dân số có khả năng lao động, có đủ năng lực về thể chất, trí tuệ tài năng cần thiết để thực hiện hoạt động lao động có ích trong nền kinh tế. Trong khuôn khổ của luận án, tác giả tiếp cận khái niệm nguồn nhân lực theo cách hiểu thứ hai.

Với cách tiếp cận này, tác giả cho rằng: Nguồn nhân lực là tổng hòa thể lực, trí lực và tâm lực tồn tại trong lực lượng lao động xã hội của một quốc gia, một địa phương đã, đang và sẽ tham gia vào quá trình sản xuất của cải vật chất và tinh thần nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của đất nước.

Với tư cách là yếu tố quan trọng của hoạt động sản xuất vật chất, có vai trò quyết định đối với sự phát của mối quốc gia, nguồn nhân lực không ngừng phát triển theo sự phát triển của sản xuất dựa trên sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ và yêu cầu ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất. Xét về tổng thể, chúng ta có thể nghiên cứu nguồn nhân lực theo hai phương diện là số lượng và chất lượng.

Về số lượng: nguồn nhân lực là toàn bộ lực lượng lao động xã hội của một quốc gia. Ở nước ta hiện nay, số lượng nguồn nhân lực bao gồm những người trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động với tất cả các đặc điểm về thể lực, trí lực và tâm lực cho dù có việc hay chưa việc làm. Theo quy định của Bộ luật Lao động Việt Nam, nam tuổi từ 15 đến 60, nữ từ 15 đến 55 có khả năng lao động đều thuộc lực lượng lao động, trừ một số trường hợp đặc biệt như những người có học hàm, học vị từ tiến sĩ trở lên; đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý cấp trung ương... có thể kéo dài thêm thời gian lao động.

Về chất lượng: Chất lượng nguồn nhân lực ở cấp độ vĩ mô được đánh giá thông qua trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, kỹ thuật, khả năng đáp ứng với yêu cầu thị trường lao động của toàn bộ nguồn nhân lực. Còn ở cấp độ vi mô chất lượng nguồn nhân lực được phán ánh thông qua trình độ kiến thức, kỹ năng và thái độ của người lao động. Từ những nội dung trên, khi nghiên cứu nguồn nhân lực dưới góc độ triết học, góc độ chính trị - xã hội cần chú ý mấy vấn đề sau:

Thứ nhất, phải luôn xem xét nguồn nhân lực với tư cách là con người xã hội, là thực thể sinh vật xã hội bởi sức mạnh của nguồn nhân lực được biểu hiện thông qua sức mạnh của thể lực, trí lực, tâm lực, ở sự thống nhất biện chứng giữa sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần của mỗi cá nhân và của cả cộng đồng không chỉ trong thực tế mà còn cả ở dạng tiềm năng.

Thứ hai, phải xem xét nguồn nhân lực với tư cách vừa là chủ thể vừa là khách thể trong quá trình tồn tại và phát triển của xã hội. Với tư cách là chủ thể, nguồn nhân lực luôn khai thác và sử dụng các nguồn lực khác, đồng thời, góp phần tạo ra nguồn lực mới để duy trì sự tồn tại và phát triển của xã hội.

Với tư cách là khách thể, nguồn nhân lực trở thành đối tượng được khai thác cho mục tiêu phát triển của xã hội. Và, nguồn nhân lực bao giờ cũng đứng ở trung tâm trong hệ thống các nguồn lực của sự phát triển kinh tế - xã hội. Các nguồn lực khác như vốn, tài nguyên thiên nhiên, khoa học - công nghệ... chỉ có thể trở thành động lực của sự phát triển khi được kết hợp với nguồn nhân lực, được nguồn nhân lực khai thác, sử dụng trong quá trình tồn tại và phát triển.

Thứ ba, thực tiễn đã chứng minh, so với tất cả các nguồn lực khác, chỉ có nguồn nhân lực mà cốt lõi là trí tuệ con người mới là nguồn lực có tiềm năng vô hạn. Tính vô hạn của trí tuệ được biểu hiện ở chỗ nó không chỉ có khả năng tự sản sinh về mặt sinh học mà còn thường xuyên được đổi mới, phát triển nếu biết chăm lo, nuôi dưỡng và phát triển một cách hợp lý. Trong khi đó, các nguồn lực khác không phải là vô tận và lại bị khai thác một cách cạn kiệt.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở quảng ngãi hiện nay (Trang 35 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(170 trang)