nước cho thanh niên
* Giá trị lý luận
Một là, tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho thanh niên góp phần phát triển truyền thống của dân tộc Việt Nam lên tầm cao mới
Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam luôn được các thế hệ người Việt Nam giữ gìn, bồi đắp và phát triển qua từng thời kỳ lịch sử. Quá trình đó được thực hiện chủ yếu bằng con đường giáo dục, nhất là cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, khi bước sang thời đại mới, quá trình giáo dục CNYN Việt Nam cho thế hệ trẻ đã bộc lộ những hạn chế, nhất là về mục đích, nội dung và phương thức giáo dục. CNYN lúc bấy giờ đã không thể phát triển và phát huy sức mạnh trong đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược để giải phóng dân tộc. Trên cơ sở kế
thừa những yếu tố hợp lý của truyền thống dân tộc Việt Nam về giáo dục CNYN cho thế hệ trẻ, Hồ Chí Minh đã phát triển nó lên một trình độ mới cao hơn. Lúc bấy giờ, giáo dục CNYN không chỉ để xây dựng lòng yêu nước, căm thù giặc, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, mà quan trọng hơn là xây dựng lập trường GCCN, yêu nước gắn liền với yêu CNXH, xây dựng người thanh niên mới với tư tưởng, đạo đức, tác phong XHCN. Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục CNYN cho thanh niên ra đời đã khắc phục những hạn chế của phương thức giáo dục thụ động, một chiều, tách rời giữa giáo dục CNYN với thực tiễn đời sống trong lịch sử truyền thống dân tộc Việt Nam, thay vào đó là phương thức giáo dục lý luận gắn liền với thực tiễn, thông qua tổ chức, sự nêu gương, và hoạt động đấu tranh cách mạng,...
Hai là, góp phần bổ sung, phát triển lý luận Mác - Lênin về chủ nghĩa yêu nước của giai cấp vô sản
Từ CNYN đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh không những đã phát triển CNYN Việt Nam truyền thống lên một tầm cao mới, mà qua đó còn góp phần bổ sung, phát triển lý luận Mác - Lênin về giáo dục CNYN cho thanh niên ở một nước thuộc địa nửa phong kiến. Ở đó, Người sớm thấy rõ sức mạnh của CNYN Việt Nam đang bị kìm kẹp bởi lập trường giai cấp, còn thanh niên thì đang bị “đần độn hóa” bởi chính sách “ngu dân” của chủ nghĩa thực dân. Trên cơ sở thế giới quan và phương pháp luận Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã đánh giá đúng đặc điểm, vị trí, vai trò của thanh niên Việt Nam, đồng thời chỉ ra sự cần thiết phải giáo dục CNYN cho họ. Trước tiên, giáo dục CNYN Việt Nam truyền thống để làm thức tỉnh tinh thần dân tộc, khơi dậy ở thanh niên lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tình yêu Tổ quốc, yêu đồng bào và ý thức rõ trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc. Đồng thời, giáo dục CNYN XHCN để giác ngộ lập trường GCCN cho thanh niên và con đường cách mạng vô sản, xây dựng cho họ lòng yêu nước gắn liền với yêu CNXH. Với tư tưởng giáo dục CNYN cho thanh niên, Hồ Chí Minh không những đã khơi
dậy ở thanh niên lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc mà còn phát huy sức mạnh của họ trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, qua đó đã góp phần bổ sung, phát triển lý luận Mác - Lênin về giáo dục CNYN cho thanh niên.
Ba là, là cơ sở, nền tảng để Đảng ta xác định quan điểm, đường lối, chủ trương giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho thanh niên Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng.
Trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, Đảng ta xác định mục tiêu của giáo dục CNYN cho thanh niên nhằm thức tỉnh tinh thần dân tộc; bồi dưỡng lòng yêu nước gắn liền với yêu CNXH; xây dựng lập trường GCCN, nhận diện rõ kẻ thù của cách mạng; rèn luyện tinh thần, ý chí quyết tâm chiến đấu đến cùng để giành lại nền độc lập, tự do cho dân tộc. Nội dung giáo dục trong thời kỳ này chủ yếu là giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, đồng bào, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc; giáo dục về bản chất, âm mưu, thủ đoạn của chủ nghĩa thực dân đế quốc và bọn tai sai; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng. Phương thức giáo dục chủ yếu là thông qua dạy học ở trường; xuất bản sách, báo; huấn luyện đào tạo cán bộ; đưa thanh niên vào tổ chức để giáo dục, nhất là tổ chức Đoàn thanh niên; thông qua thực tiễn đấu tranh cách mạng và tham gia phong trào thi đua ái quốc như: “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Năm xung phong”.
Trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Đảng ta tiếp tục vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục CNYN cho thanh niên vào giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức, trách nhiệm của thanh niên trong xây dựng và BVTQ Việt Nam XHCN. Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) chỉ đạo: Giáo dục CNYN phải gắn chặt với phong trào thi đua yêu nước và giáo dục về CNXH làm cho mọi người thấm nhuần truyền thống lịch sử và cách mạng của dân tộc, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và BVTQ. Hiện nay, Đại hội lần thứ XIII của Đảng ta chỉ đạo: “Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục
tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc tốt đẹp của người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” [12, tr.136- 137].
* Giá trị thực tiễn
Một là, góp phần tạo nên sức mạnh to lớn làm nên những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Ngay sau khi tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc ta, Hồ Chí Minh đẩy mạnh giáo dục, bồi dưỡng CNYN Việt Nam cho thanh niên Việt Nam với nội dung và phương thức phong phú: tuyên truyền qua sách báo, hoạt động dạy học, huấn luyện cán bộ, đưa thanh niên vào phong trào yêu nước, phong trào thanh niên để giáo dục. Sau này, khi Đảng ta ra đời, trên nền tảng tư tưởng của Người, công tác giáo dục CNYN Việt Nam cho thanh niên luôn được Đảng ta chú trọng và lãnh đạo tổ chức chặt chẽ trong từng thời kỳ cách mạng. Qua đó, đã tạo nên động lực chính trị, tinh thần to lớn cho nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cách mạng. Các thệ hệ thanh niên kiểu mới - Thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh đã kế tiếp nhau lập nên nhiều chiến công hiển hách trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và trong xây dựng, BVTQ Việt Nam XHCN. Tổng kết phong trào thanh niên trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, Hồ Chí Minh khen ngợi: “Từ đó đến nay, có nhiều đoàn viên thanh niên đã noi gương chói lọi của Lý Tự Trọng, đã dũng cảm hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì chủ nghĩa cộng sản” [56, tr. 77].
Hai là, là cơ sở, động lực để phát huy sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục CNYN cho thanh niên không những đã khẳng định giá trị của CNYN Việt Nam trong lịch sử dân tộc, lịch sử CMVN trước đây, mà còn phản ánh sức mạnh to lớn, bền vững của CNYN đối với sự trường tồn, phát triển của dân tộc ta. Qua đó, mang đến cho chúng ta một cái nhìn đúng đắn, đầy đủ về vị trí, vai trò của CNYN đối với sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay. CNYN là động lực tinh thần to lớn nhất, có ý nghĩa quyết định đến sức mạnh dân tộc, kết hợp sức mạnh thời đại để dân tộc ta thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và BVTQ Việt Nam XHCN trong tình hình mới.
Đồng thời, tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục CNYN cho thanh niên đã khẳng định tầm quan trọng của giáo dục CNYN cho thanh niên Việt Nam hiện nay. Trong mọi thời kỳ lịch sử, thanh niên luôn là bộ phận quan trọng của dân tộc, họ sẽ là lực lượng đông đảo, xung kích đi đầu trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc khi được giáo dục, giác ngộ CNYN sâu sắc. Vì vậy, để phát huy vai trò to lớn của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và BVTQ Việt Nam XHCN hiện nay, đòi hỏi phải thường xuyên và tăng cường hơn nữa việc giáo dục CNYN cho họ, nâng cao tri thức, tình cảm và ý chí định hướng hành động yêu nước đúng đắn của thanh niên. Qua đó, vừa phát huy vai trò, trách nhiệm của thanh niên đối với sự nghiệp cách mạng, vừa phát triển hoàn thiện nhân cách của người thanh niên trong thời kỳ đổi mới. Đồng thời, góp phần phát huy vai trò của thanh niên trong giữ gìn, bảo vệ và phát triển CNYN trong điều kiện mới.
Đặc biệt, những quan điểm Hồ Chí Minh về mục đích, nội dung, phương thức, yêu cầu giáo dục CNYN cho thanh niên là cơ sở lý luận quan trọng, nếu vận dụng đúng đắn, sáng tạo trong giai đoạn hiện nay, sẽ góp phần rất lớn vào việc nâng cao chất lượng giáo dục CNYN cho thanh niên Việt Nam nói chung, trong từng lĩnh vực nói riêng, nhất là đối với Quân đội ta. Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và BVTQ
trong tình hình mới, cùng với thực trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phai nhạt về mục tiêu, lý tưởng của một bộ phận thanh niên Việt Nam nói chung, thanh niên Quân đội nói riêng, thì việc nghiên cứu, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục CNYN cho thanh niên trong giai đoạn hiện nay càng có ý nghĩa quan trọng.
Thực tiễn luôn vận động và biến đổi không ngừng, song tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục CNYN cho thanh niên vẫn giữ nguyên giá trị bởi tính cách mạng, khoa học và thời đại của mình. Cũng như các học thuyết mở khác, tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục CNYN cho thanh niên cần phải được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn cụ thể. Đồng thời, thông qua tổng kết thực tiễn quá trình vận dụng để tiếp tục bổ sung, phát triển tư tưởng về giáo dục CNYN cho thanh niên trong điều kiện mới.