Hạn chế và nguyên nhân

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) quản lý thu ngân sách nhà nước trên địa bàn quận cầu giấy, thành phố hà nội (Trang 79 - 85)

6. Kết cấu của luận văn

2.3. Đánh giá chung

2.3.2. Hạn chế và nguyên nhân

2.3.2.1. Trong công tác lập dự toán ngân sách a. Hạn chế

- Việc lập dự toán vẫn còn tình trạng chủ quan, lập dự toán theo kiểu tăng dần. Trong quá trình lập dự toán không căn cứ vào các định mức, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội trên địa bàn, hướng đến lập dự toán năm sau cao hơn năm trước, chất lượng dự toán không đảm bảo.

- Công tác lập dự toán còn mang tính chất bị động, nhận thức về công tác quản lý ngân sách còn đơn giản, tâm lý trông chờ và hướng dẫn của các cơ quan tài chính cấp trên. Vai trò của UBND trong công tác lập dự toán NS, UBND đều phó thác cho cơ quan tài chính hoặc cán bộ tài chính – kế toán thực hiện.

- Việc lập dự toán thu các sắc thuế tự bản thân không lường trước được vì không trực tiếp thu nên chỉ có thể ước chừng số thu và phải thu phụ thuộc vào dự toán của chi cục thuế dẫn đến chất lượng dự toán chưa đảm bảo.

- Việc xây dựng dự toán chưa thực sự xây dựng từ cơ sở vì vậy còn bỏ sót những nhiệm vụ thu cần thiết như là các khoản thu sự nghiệp, thu phí, lệ phí, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, hàng quán trong ngõ nhỏ…

b. Nguyên nhân

- Do trình độ đội ngũ cán bộ phân tích và lập dự toán chưa chuyên sâu, chưa có bộ phận chuyên trách cho lĩnh vực lập dự toán. Lập dự toán chưa bám sát quy hoạch phát triển KT- XH của quận, chủ yếu căn cứ vào số kiểm tra của cấp trên giao. Số liệu dự toán chủ yếu là ước thực hiện năm trước để lập dự toán cho kế hoạch.

2.3.2.2. Trong công việc chấp hành thu ngân sách a. Hạn chế

- Vẫn còn hiện tượng thất thu, bỏ sót nguồn thu đặc biệt là các khoản thu lệ phí chợ, lệ phí bến bãi, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, chưa khai thác triệt để nguồn thu từ quỹ đất công ích, ...

- Tình trạng nợ thuế vẫn còn vì khâu xử lý chưa kiên quyết, triệt để; chưa có sự kết hợp đồng bộ với ngành luật pháp để xử lý điển hình những hộ có số nợ thuế nhiều tháng.

- Trách nhiệm của UBND phường trên địa bàn quận đối với một số khoản thuế trên địa bàn chưa cao.

- Các phường trên địa bàn quận còn bị động, trong công tác quản lý các khoản thu chưa chặt chẽ, chưa bao quát hết đối tượng nộp thuế, thu chưa đúng và chưa đủ, chưa có biện pháp bồi dưỡng nguồn thu. Hiện tượng chậm nộp thuế, nợ thuế vẫn còn tồn tại không có biện pháp xử lý triệt để, chủ yếu chờ đợi sự tự giác của đối tượng nộp. Chi tiêu của một số khoản thu đề ra quá cao, vượt quá khả năng có thể thực hiện được của phường ví dụ như chỉ tiêu thu tiền sử dụng đất.

- Trong quá trình chấp hành dự toán NSNN, chưa phân biệt rõ ràng trách nhiệm, vai trò của các cấp trong quản lý NS.

- Vẫn còn hiện tượng phát sinh không lường trước các khoản thu từ khi lập dự toán trình UBND.

b. Nguyên nhân

- Do công tác quản lý nguồn thu chưa triệt để, chưa có biện pháp xử lý mạnh đối với các đối tượng trốn lậu thuế. Phân cấp quản lý ngân sách còn nhiều tồn tại, cơ chế phân cấp này đã làm cho NS ở thế bị động.

- Do hạn chế trong các quy định pháp luật về phân cấp quản lý thu NSBNN tác động đến công việc chấp hành thu NS: chưa có quy định cụ thể trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, các ban ngành có liên quan trong công tác thuế, còn có tư tưởng coi việc thu thuế chỉ là nhiệm vụ của ngành thuế. Sự phối kết hợp giữa các ngành chức năng trên cùng một địa bàn chưa chặt chẽ, thiếu thống nhất,

thậm chí có nơi còn hạn chế vì lợi ích cục bộ. Phân công trách nhiệm không rõ ràng, chưa xây dựng được quy chế phối hợp trong công tác chống thất thu thuế, chống buôn lậu và gian lận thương mại trên địa bàn một cách đồng bộ.

- Do chưa có biện pháp để bồi dưỡng, mở rộng nguồn thu một cách thỏa đáng. Đây là một vấn đề rất quan trọng vì nếu không quan tâm bồi dưỡng, mở rộng nguồn thu thì dễ dẫn đến tình trạng lạm thu (vì cứ tập trung thu đối với những cơ sở kinh doanh đã quản lý được), mất nguồn thu (vì các hộ kinh doanh cá thể không thể chịu đựng mức thuế liên tục tăng sẽ chuyển sang kinh doanh không ổn định hoặc xin nghỉ kinh doanh nhưng thực tế vẫn kinh doanh lén lút gây thất thu). Ngoài ra do việc chưa quan tâm bồi dưỡng nguồn thu nên phần lớn các cơ sở SXKD không có điều kiện để tái đầu tư, hiện đại hóa công nghệ, mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều sản phẩm cho xã hội, điều đó càng thu hẹp nguồn thu ngân sách.

- Nhiều loại hình kinh doanh dịch vụ, buôn bán trên địa bàn phát triển đến từng ngõ nhỏ trong các khu dân cư chưa được quản lý chặt chẽ… Đây là nguyên nhân dẫn tới nguồn thu bị bỏ ngỏ và buông lỏng quản lý, chưa thống kê, rà soát để đưa hết vào dự toán nguồn thu của NSNN.

- UBND thành phố, Sở tài chính chưa thường xuyên rà soát, bổ sung danh mục, điều chỉnh mức thu đối với các khoản phí trên địa bàn theo định kỳ, thường là khi trung ương có thay đổi hoặc có khi có vấn đề nổi cộm xảy ra trên địa bàn thì mới chỉ đạo rà soát, dẫn đến việc sửa đổi bổ sung các văn bản pháp lý về quy định thu phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của địa phương chưa kịp thời, nhiều mức thu đã quá lạc hậu hoặc có khi quá cao không phù hợp với thực tiễn chậm được sửa đổi, có nhiều khoản thu không đúng quy định của pháp luật chậm được bãi bỏ. Các cấp chính quyền địa phương cũng chưa thực sự quan tâm đến công tác thu phí, lệ phí xem đây là khoản thu nhỏ nên thiếu quan tâm chỉ đạo thực hiện. Các đơn vị được giao nhiệm vụ trực tiếp thu các khoản phí, lệ phí chưa chủ động trong việc rà soát kiến nghị sửa đổi bổ sung những vấn đề chưa hợp lý trong quá trình thực hiện, chưa tận dụng hết những điều kiện thuận lợi của đơn vị mình để tăng cường khai thác nguồn thu…

2.3.2.3. Trong công tác quyết toán ngân sách a. Hạn chế

- Còn có một số phường làm chưa tốt, chưa thực hiện đúng chế độ báo cáo quyết toán theo quy định của luật Ngân sách và hướng dẫn của các thông tư do Bộ tài chính ban hành. Việc lập báo cáo quyết toán vẫn còn sai sót như lập không đúng mục lục ngân sách, số liệu chưa khớp với kho bạc phải chỉnh sửa, dẫn đến gửi giải quyết toán chậm so với quy định của Nhà nước.

- Chất lượng công tác báo cáo quyết toán NS còn thấp, thuyết minh quyết toán còn sơ sài, chưa nêu được các kiến nghị, đề xuất giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý thu NSNN. Công tác kiểm tra hàng tháng, quý, thẩm định quyết toán năm của Phòng Tài chính – Kế hoạch còn mang nặng tính hình thức.

- Báo cáo quyết toán ngân sách năm của đơn vị có xác nhận của KBNN và được phòng Tài chính – Kế hoạch Thành phố thẩm định. Tuy nhiên, một số đơn vị vẫn còn lập thiếu bảng cân đối tài khoản, thuyết minh báo cáo tài chính.

b. Nguyên nhân

- Công tác quyết toán thu NSNN được thực hiện và chịu ảnh hưởng bởi các cán bộ được phân công, tuy nhiên trình độ nghiệp vụ kế toán của các cán bộ chưa đồng đều, chưa phản ánh kịp thời, đầy đủ các nghiệp vụ kế toán vào phần mềm kế toán máy, cuối năm công tác khóa sổ lập báo cáo quyết toán thường chậm trễ, dẫn đến công tác lập báo cáo quyết toán ngân sách quận thường chậm.

2.3.2.4 Trong công tác thanh tra, kiểm tra ngân sách quận Cầu Giấy a. Hạn chế

- HĐND phải kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý điều hành ngân sách của UBND theo đúng Nghị quyết của HĐND về dự toán ngân sách hàng năm và theo đúng quy định của luật NSNN nhưng hiệu lực kiểm tra, giám sát của HĐND chưa cao.

Công tác kiểm tra, xử lý chi tập trung kiểm tra diện tạm nghỉ kinh doanh, chưa chú trọng nhiều đến việc kiểm tra các hộ ghi chép hóa đơn, kê khai, nộp thuế

nhằm phát hiện các hành vi gian lận trốn thuế để kịp thời xử lý.

-Việc thu NSNN qua KBNN thủ tục còn rườm rà, máy móc. Việc bố trí, sắp xếp lịch giao dịch giữa các phường với KBNN có nơi chưa phù hợp, để dồn công việc vào những ngày cuối tháng, cuối năm. Một số phường vẫn còn xảy ra hiện tượng không kịp nộp vào KBNN.

-Còn hiện tượng một số phường chưa thực sự chú trọng công tác khóa sổ và lập quyết toán ngân sách năm trước.

Việc thẩm tra số liệu quyết toán của phòng Tài chính – Kế hoạch quận nhiều khi chưa kịp thời và đầy đủ.

b. Nguyên nhân

- Quản lý thu NSNN quận Cầu Giấy chịu sự ảnh hưởng trực tiếp bởi trình độ của cán bộ quản lý thu và các đại biểu HĐND trên địa bàn quận. Do đại biểu HĐND là cơ quan dân cử theo nhiệm kỳ, trình độ chuyên môn không sâu, mỗi nhiệm kỳ lại thường có thay đổi đại biểu, vì vậy khi nghiên cứu các văn bản về quản lý ngân sách đa số các đại biểu chưa hiểu nhiều. Từ đó không nắm bắt được nội dung, yêu cầu cơ bản của công tác quản lý NSNN.

-Do trình độ của cán bộ quản lý NSNN tuy đã được nâng cao nhưng chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu thực tại.

- Nguồn thông tin từ báo cáo kết quả kiểm toán là rất quan trọng để HĐND tham khảo xem xét, quyết định phê chuẩn NSNN, nhưng thực tế hiện nay, việc kiểm toán của các Kiểm toán nhà nước chưa thực sự kịp thời hoặc chưa thực hiện sau khi HĐND thành phố phê chuẩn quyết toán hoặc có những năm không thực hiện kiểm toán cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến việc giám sát của HĐND.

Kết luận chương 2

Trên cơ sở khái quát điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và tổ chức bộ máy quản lý thu NSNN trên địa bàn quận Cầu Giấy thì nội dung chủ yếu của chương 2 đi sâu phân tích thực trạng công tác quản lý thu NSNN trong giai đoạn năm 2018 – 2020 trên các khía cạnh tổ chức, quản lý về lập dự toán, chấp hành dự toán, quyết toán và thanh tra, kiểm tra thu NSNN. Qua phân tích, đánh giá chi tiết chương 2 đã khái quát được những thành công cũng như hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế còn tồn tại trong thực tế quản lý thu NSNN trên địa bàn quận. Đây cũng là những kết quả nghiên cứu thực tiễn quan trọng làm cơ sở cho những đề xuất giải pháp hoàn thiện quản lý thu NSNN trên địa bàn quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội trong thời gian tới sẽ được trình bày cụ thể ở chương 3.

CHƯƠNG 3.

GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN QUẢN LÝ THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) quản lý thu ngân sách nhà nước trên địa bàn quận cầu giấy, thành phố hà nội (Trang 79 - 85)