Tăng cường vận động, giáo dục, tuyên truyền về thuế

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) quản lý thu ngân sách nhà nước trên địa bàn quận cầu giấy, thành phố hà nội (Trang 96 - 98)

6. Kết cấu của luận văn

3.2.3. Tăng cường vận động, giáo dục, tuyên truyền về thuế

Thuế là công cụ của Nhà nước đảm bảo nguồn thu chủ yếu cho ngân sách quốc gia, góp phần quản lý và điều tiết vĩ mô nền kinh tế thực hiện công bằng xã hội và bản chất của thuế phản ánh quyền lực của Nhà nước. Tuy vậy trên thực tế không phải ai ai cũng hiểu đầy đủ vai trò, vị trí và tác dụng của thuế. Do đó việc làm cho mọi người hiểu về thuế là một việc làm hết sức khó khăn. Vì vậy để mọi người dân hiểu về thuế cần phải có vận động, giáo dục, tuyên truyền.

Trong những năm qua, tuyên truyền pháp luật thuế ở quận Cầu Giấy đã được chú trọng và đẩy mạnh, góp phần thiết thực vào thu thuế của Nhà nước. Song hình thức tuyên truyền chưa được phong phú, đang dạng, sự phối kết hợp giữa cơ quan thuế và các ban ngành đoàn thể, các cơ quan thông tin tuyên truyền ở địa phương chưa chặt chẽ đồng bộ, thiếu sự chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp. Do đó hiệu quả của tuyên truyền mang lại chưa cao, chưa mang tính chất giáo dục làm cho

mọi công dân và tổ chức kinh tế hiểu biết đầy đủ pháp luật thuế, về nghĩa vụ và quyền lợi của công dân đối với việc nộp thuế và giám sát thực hiện chính sách thuế.

Để tăng cường hơn nữa tuyên truyền, góp phần thiết thực, hiệu quả hơn vào thu thuế, tác giả đề xuất thực hiện một số biện pháp sau:

- Chi Cục thuế hỗ trợ người nộp thông qua nhiều kênh như trực tiếp, qua điện thoại, ...; Phối hợp với Đài Truyền thanh quận để phổ biến văn bản, chính sách liên quan đến thuế, đặc biệt những nội dung mới về thuế sửa đổi liên quan đến hộ KD và sản phẩm nông nghiệp; Nhận và trả kết quả giữa các bộ phận chuyên môn, người đến giao dịch theo đúng thời gian quy định; Thông báo nâng cấp kịp thời phần mềm hỗ trợ kê khai cho người nộp thuế để khắc phục các lỗi số học, lỗi logic về tính toán trên tờ khai, nâng cao chất lượng tờ khai nộp cho cơ quan thuế.

- Thành lập các câu lạc bộ tư vấn pháp luật thuế từ quận đến các phường đây là một hình thức làm mới nhằm tuyên truyền, giáo dục, giải đáp những thắc mắc về thuế cho mọi công dân và tổ chức kinh tế.

- Hàng năm mở các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật cho các doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình sản xuất kinh doanh tham gia.

- Phối hợp với các trường đào tạo ngành nghề, các lớp học bồi dưỡng lý luận, nghiệp vụ…đưa chương trình giáo dục về thuế vào trường học, tạo điều kiện cho tổ chức giáo dục tuyên truyền pháp luật thuế đối với mọi tầng lớp nhân dân và học sinh.

- Đa dạng hóa hình thức cổ động tuyên truyền kết hợp phổ biến các nội dung văn bản pháp luật thuế. Để thực hiện hình thức tuyên truyền này, ngành thuế cần phối hợp với ngành văn hoá thông tin tổ chức cho các đội thông tin phổ biến các văn bản bằng xe lưu động, thu băng đĩa nội dung tuyên truyền đưa về các tổ thông tin tuyên truyền phường để phát cho nhân dân nghe và thông hiểu nội dung các văn bản pháp luật thuế. Đồng thời biên soạn các chương trình với chủ đề chấp hành pháp luật thuế, nêu gương người tốt việc tốt, phê phán hành vi trốn thuế, không chấp hành nghĩa vụ nộp thuế và tổ chức biểu diễn cổ động tại khu văn hoá phường. Treo panô, áp phích, khẩu hiệu… tuyên truyền về pháp luật thuế.

- Soạn thảo tài liệu hỏi, đáp luật thuế nhất là các chính sách chế độ mới ban hành, tổ chức in ấn dưới dạng sách, báo, tờ rơi,… phát hành miễn phí cho các cấp chính quyền và các đối tượng sản xuất kinh doanh để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thuế.

Điều kiện thực hiện giải pháp:

Để việc tuyên truyền về thuế đạt kết quả, cần phải làm cho các tổ chức và cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế phải hiều rõ trách nhiệm của mình và các cơ quan chức năng của nhà nước có đủ năng lực để kiểm soát và thực hiện các quy định của pháp luật về thu nộp thuế.

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) quản lý thu ngân sách nhà nước trên địa bàn quận cầu giấy, thành phố hà nội (Trang 96 - 98)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)