Kết quả của bước 5 và bước 6 là chúng ta sẽ có được các thành phần mảnh ghép mới vào hệ thống, đó là các dịch vụ mới, các quy trình nghiệp vụ mới. Đặt tình huống nếu chúng ta đưa ra dịch vụ mới và quy trình nghiệp vụ mới trong ngữ cảnh hệ thống đang hoạt động ổn định, như vậy chắc chắn yêu cầu kiểm soát về chất lượng sản phẩm và đánh giá hiệu năng là hết sức quan trọng. Vì vậy trong quá trình áp dụng vào thực tiễn, chúng ta cần có kế hoạch cho việc thực hiện kiểm thử và đánh giá chất lượng dịch vụ, quy trình nghiệp vụ mới.
Cả bước 5 và bước 6 đều thiên về lựa chọn công nghệ để có thể xây dựng, biểu đạt dịch vụ và quy trình nghiệp vụ, hiện tại có rất nhiều công cụ để hỗ trợ thực hiện công việc tại các bước này, có thể kể đến như các giải pháp phần mềm đóng của IBM, Oracle, TIBCO cho các phần về sản phẩm ESB (Enterprise Service Bus) và BPM (Business Process Management) hay các sản phẩm tương tự nhưng trên nền tảng nguồn mở như Bonita, Activiti với BPM và Talend, Mule với ESB. Như đã đề cập trước đó, SOA không phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ, tuy nhiên lựa chọn giải pháp công nghệ tốt cũng sẽ tác động tích cực đến các vấn đề như hiệu năng, tính bảo mật, thời gian phát triển của hệ thống.
Trong phần tiếp theo của luận văn chúng ta sẽ thảo luận thêm về việc lựa chọn các công nghệ và vận dụng trong các bài toán thực tế để minh chứng tính đúng đắn cho các bước thực hiện đã đưa ra.
Chương 4. Khảo sát và áp dụng vào bài toán thực tiễn
4.1.Bài toán liên thông thủ tục hành chính
Như đã đề cập ở phần trước, xây dựng giải pháp phần mềm cho Chính phủ điện tử Việt Nam là bài toán lớn gồm nhiều vấn đề cần giải quyết và hướng tiếp cận của SOA là phát triển một hệ thống “trưởng thành” qua thời gian. Chúng ta không đưa được ra giải pháp cho tất cả các vấn đề gặp phải mà sẽ đưa ra giải pháp cho từng bài toán nhỏ theo các bước đã đề ra để đảm bảo việc tuân thủ SOA.
Để kiểm chứng cơ sở lý thuyết cho hướng áp dụng SOA vào thực tiễn Chính phủ điện tử Việt Nam, luận văn lựa chọn bài toán Một cửa điện tử liên thông với quy trình thủ tục hành chính thực tế hiện đang được vận hành liên thông giữa các cơ quan nhà nước tại mỗi địa phương là Đăng ký khai sinh, Đăng ký thường trú và Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Trong phần tiếp theo chúng ta sẽ đi chi tiết hơn vào bài toán thực tiễn và cách thức thực hiện.
4.2.Áp dụng hướng đã đề xuất để giải quyết bài toán
4.2.1.Đề xuất mô hình khung cho bài toán xây dựng Chính phủ điện tử Việt Nam
Trước khi bắt đầu với các bài toán thực tế trong xây dựng Chính phủ điện tử Việt Nam, chúng ta sẽ cùng đưa ra mô hình hiện thực hóa ý tưởng xuất phát từ Khung chính phủ điện tử Việt Nam theo SOA.
Trong mô hình kiến trúc mục tiêu chúng ta sẽ hướng đến phạm vi triển khai về mặt hệ thống cho đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp bộ, vì trong thực tế ở các cấp thấp hơn chúng ta có thể sử dụng chung hạ tầng của hai cấp này để vừa có tính nhất quán trong kiến trúc đồng thời tránh được đầu tư dàn trải lãng phí.
Xuất phát từ ý tưởng đưa ra giải pháp phần mềm giải quyết vấn đề liên thông, kết nối và tái sử dụng trong Chính phủ điện tử Việt Nam, luận văn đề xuất sử dụng mô hình mẫu dựa trên SOA. Trong đó tập trung việc giải quyết vấn đề kết nối, liên thông dựa vào thành phần ESB ở các cấp địa phương và trung ương tương ứng với thành phần LGSP và NGSP được đưa ra trong Khung chính phủ điện tử Việt Nam, đồng thời với hướng tiếp cận dịch vụ hóa các ứng dụng, thành phần ứng dụng, đặc biệt là đưa vào thành phần Quản lý quy trình nghiệp vụ (BPM) như một sự đảm bảo cho vấn đề chuẩn hóa và tái sử dụng cả về các chức năng cũng như nghiệp vụ trong hệ thống.