Nắm bắt được tinh thần, quan điểm nghiên cứu từ góc độ lý luận đến thực tiễn của các công trình khoa học đã hệ thống hoá ở trên, nghiên cứu sinh cho rằng vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử là một trong những vấn đề mang tính thời sự của lĩnh vực pháp luật bảo vệ người tiêu dùng. Đây cũng là vấn đề được nhiều học giả, đặc biệt các học giả về kinh tế và pháp luật kinh tế quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu. Do vậy, việc tìm hiểu, nghiên cứu các vấn đề từ góc độ lý luận đến góc độ thực tiễn liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử ở Việt Nam luôn là vấn đề “nóng hổi”, phức tạp nhưng cũng mang nhiều ý nghĩa thiết thực đối với đời sống xã hội, chính trị - kinh tế ở nước ta, đặc biệt là đối với hoạt động lập pháp của Việt Nam.
Đề tài luận án: “Pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử ở Việt Nam” trong bối cảnh tình hình xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng khi giao kết hợp đồng thương mại điện tử đang diễn ra với số lượng ngày càng tăng và phương thức thì cực kỳ đa dạng. Nhìn chung, trước đó, có nhiều công trình khoa học, bài viết viết xoay quanh chủ đề này những chưa được tiếp cận toàn diện hoặc đã tiếp cận những chưa ở mức độ sâu sắc, khúc chiết nên luận án của nghiên cứu sinh sẽ tiếp tục nghiên cứu và giải quyết những tồn đọng về quan điểm của còn hiện hữu, đồng thời, luận án cũng đi sâu phân tích, bình luận tổng thể các vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử dước các góc độ lý luận và thực tiễn. Do đó luận án sẽ triển khai và nghiên cứu các nội dung trọng tâm như sau:
Thứ nhất, đưa ra khái niệm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử, chỉ ra điểm đặc thù bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử với các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng nói chung cũng như sự cần thiết phải bảo vệ người tiêu dùng trong các hoạt động thương mại điện tử đặc biệt là mua bán hàng hoá qua mạng internet.
Thứ hai, nghiên cứu, xây dựng khái niệm và xác định cấu trúc pháp luật điều chỉnh vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử từ đó xác định các yếu tố ảnh hưởng đến pháp luật điều chỉnh vấn đề này. Bằng việc nghiên cứu, vận dụng kiến thức từ các nguồn tài liệu về pháp luật bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử ở các nước trên thế giới, luận án nhận xét những quy định nào phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam và đánh giá khả năng áp dụng những quy định này ở nước ta.
Thứ ba, nghiên cứu lý luận và thực tiễn một số nội dung pháp luật điều chỉnh vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử tại Việt Nam gồm quy định về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng trong thương mại điện tử; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng khi giao kết hợp đồng điện tử; chế tài xử lý hành vi vi phạm và phương thức giải quyết tranh chấp đặc thù giữa thương nhân và người tiêu dùng trong thương mại điện tử.
Thứ tư, từ những vấn đề nghiên cứu và giải quyết, luận án đưa ra giải pháp hoàn thiện pháp luật điều chỉnh vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử tại Việt Nam, và tăng cường hiệu quả thực thi. Giải pháp vừa có tính tổng thể vừa có tính chất chi tiết để đảm bảo tính khả thi khi áp dụng trên thực tế.