Chế tài hành chính

Một phần của tài liệu Pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử ở Việt Nam. (Trang 158 - 162)

3. Cơ sở lý thuyết của luận án

2.5. Xử lý vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương

2.5.2. Chế tài hành chính

Các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng đối với những hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ NTD hoặc vi phạm các lĩnh vực pháp luật khác có liên quan đến quyền lợi của NTD nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng

giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi NTD đã quy định những hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả khi tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật bảo vệ NTD như sau:

- Hình thức xử phạt chính bao gồm: phạt cảnh cáo và phạt tiền; mức phạt tiền tối đa là một trăm triệu đồng đối với cá nhân và hai trăm triệu đồng đối với tổ chức.

- Hình thức xử phạt bổ sung: tủy theo tính chất, mức độ vi phạm mà tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu các hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

- Biện pháp khắc phục hậu quả: tùy từng hành vi vi phạm mà có các biện pháp khắc phục hậu quả khác nhau.

Trong giao dịch điện tử, tổ chức, cá nhân kinh doanh thường rất hay vi phạm các trách nhiệm về bảo vệ thông tin, cung cấp thông tin cho NTD, trách nhiệm cung cấp bằng chứng giao dịch, trách nhiệm đảm bảo chất lượng hàng hóa, dịch vụ...., Nghị định 98/2020/NĐ-CP đã có những quy định cụ thể nhằm áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính đối với những hành vi này:

- Đối với hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin của NTD được quy định tại Điều 46: tổ chức, cá nhân kinh doanh khi vi phạm trách nhiệm bảo vệ thông tin của NTD có thể bị phạt tiền từ mười triệu đến hai mươi triệu đồng khi thương nhân không thông báo rõ ràng với người tiêu dùng về mục đích trước khi thu thập, sử dụng thông tin của NTD hoặc sử dụng thông tin không đúng với mục đích đã thông báo; không bảo đảm an toàn khi sử dụng, thu thập hoặc chuyển giao thông tin… Đồng thời, nếu những thông tin này thuộc về bí mật cá nhân của NTD thì tổ chức, cá nhân kinh doanh sẽ bị phạt tiền gấp hai lần đó là tối đa đến bốn mươi triệu đồng.

-Đối với hành vi vi phạm về trách nhiệm cung cấp thông tin tại Điều 47:

NTD thì bị phạt tiền từ mười đến hai mươi triệu. Ngoài ra, còn có quy định xử phạt đối với bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin cho NTD với mức phạt tối đa lên tới năm mươi triệu đồng khi liên quan đến vi phạm quấy rối NTD. Bên cạnh đó là các hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 06 tháng hoặc đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 06 tháng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn đối với NTD.

- Đối với hành vi vi phạm về hợp đồng giao kết từ xa được quy định tại Điều 53: tổ chức, cá nhân kinh doanh khi vi phạm trách nhiệm cung cấp thông tin cho NTD, sau đó lại cản trở NTD thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong giao kết hợp đồng bằng phương tiện điện tử có thể bị phạt tiền từ mười triệu đến hai mươi triệu đồng. Cùng với đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm như là một biện pháp khắc phục hậu quả của hành vi.

- Đối với hành vi vi phạm về cung cấp bằng chứng giao dịch được quy định tại Điều 58: tổ chức, cá nhân kinh doanh không cho NTD truy nhập, tải, lưu giữ và in hóa đơn, chứng từ, tài liệu trong trường hợp giao dịch bằng phương tiện điện tử thì bị phạt tiền từ hai trăm nghìn đến năm mươi triệu đồng tuỳ vào giá trị của hàng hoá, dịch vụ mà NTD thực hiện giao dịch.

- Đối với hành vi kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng được quy định tại Điều 25: tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng vi phạm quyền lợi NTD bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Cụ thể là tại Điều 20 Nghị định 119/2017/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm quy định về chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường. Theo đó, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị phạt tiền gấp năm lần tổng giá trị sản phẩm nếu bán sản phẩm, hàng hóa có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn đã được công bố.

Bên cạnh đó, các hành vi vi phạm về hoạt động thương mại điện tử cũng được quy định tại mục 10 của Nghị định 98/2020/NĐ-CP, gồm các hành vi vi phạm về thông tin và giao dịch trên website TMĐT hoặc ứng dụng di động (Điều 63), hành vi vi phạm về cung cấp dịch vụ TMĐT (Điều 64) và hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin cá nhân trong hoạt động TMĐT (Điều 65). Những quy định này không chuyên biệt về các hành vi vi phạm mà tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện đối với NTD trong hoạt động TMĐT mà chỉ quy định chung cho tất cả các dạng vi phạm nghĩa vụ của thương nhân trong TMĐT. Đồng thời, ở phần trên ta thấy các quy định của Nghị định này về hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi NTD thì lại không cụ thể trong hoạt động TMĐT mà áp dụng cho tất cả các giao dịch giữa thương nhân và NTD, không phân biệt giao dịch truyền thống hay giao dịch qua phương tiện điện tử.

Ngoài những biện pháp xử phạt hành chính được quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP như trên thì tổ chức, cá nhân kinh doanh còn có thể phải chịu các hình thức xử phạt khác được quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3 tháng 2 năm 2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Ví dụ như tại Điều 84,85 và 86 về hành vi vi phạm các quy định về thu thập, sử dụng thông tin cá nhân; cập nhật, sửa đổi, huỷ bỏ thông tin cá nhân và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên mạng, theo đó tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến bảy mươi triệu đồng khi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân của người khác trên môi trường mạng mà không được sự đồng ý của người đó; thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân của người khác mà không thông báo cho người đó biết hình thức, phạm vi, địa điểm và mục đích của việc thu thập, xử lý, sử dụng thông tin đó; không kiểm tra lại, đính chính hoặc hủy bỏ thông tin cá nhân của người khác lưu trữ trên môi trường mạng trong quá trình thu thập, xử lý, sử dụng thông tin khi có yêu cầu của chủ sở hữu thông tin đó; v.v….

Có thể thấy, chế tài hành chính đã được quy định khá đầy đủ trong các văn bản pháp luật khác nhau nhằm xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao dịch điện tử giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh và NTD. Chế tài hành chính chủ yếu mang tính chất răn đe, giáo dục tổ chức, cá nhân kinh doanh tránh lặp lại hành vi vi phạm, từ đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NTD, tạo dựng niềm tin cho NTD tham gia giao kết hợp đồng điện tử. Tuy nhiên, các quy định còn chưa cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật BVQLNTD trong hoạt động TMĐT mà chia tách ra các quy định riêng biệt, dẫn đến việc khó lựa chọn và áp dụng quy định pháp luật cho từng trường hợp cụ thể. Việc này cũng đồng thời dẫn đến chồng chéo trong thẩm quyền xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng.

Một phần của tài liệu Pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử ở Việt Nam. (Trang 158 - 162)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(199 trang)
w