0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (115 trang)

Mối quan hệ giữa sự khuếch tán thông tin và tác động dẫn dắt trễ:

Một phần của tài liệu VAI TRÒ DẪN DẮT TỶ SUẤT SINH LỢI CỦA MỸ VÀ TRUNG QUỐC ĐỐI VỚI CÁC QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á (Trang 25 -28 )

2. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU:

2.2.2. Mối quan hệ giữa sự khuếch tán thông tin và tác động dẫn dắt trễ:

Một trong những mối quan tâm hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế tài chính là hiểu được cách các công ty chuyển dịch thông tin ra thị trường như thế nào, và thị trường sẽ phản ánh những thông tin đó trong giá chứng khoán như thế nào. Chính vì lý do đó mà các lý thuyết định giá tài sản ra đời và thường giả định rằng sự khuếch tán thông tin xảy ra ngay lập tức trong thị trường hoàn hảo và không có giới hạn. Tuy nhiên, trên thực tế, các bằng chứng thực nghiệm cho thấy rằng các nhà đầu tư đối mặt với rất nhiều giới hạn trong quá trình thu thập và nhận biết thông tin, do đó đôi khi làm cho giá chứng khoán điều chỉnh chậm hơn trước các thông tin mới. Và theo như những bài nghiên cứu trước đây, chính sự khuếch tán thông tin chậm như vậy là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tác động dẫn dắt trễ trong tỷ suất sinh lợi của các chứng khoán.

Vậy những nhân tố kinh tế nào làm cho sự khuếch tán thông tin chậm trong thị trường cổ phiếu? Có rất nhiều nhân tố cản trở sự truyền tải thông tin, có thể kể đến những nhân tố tiềm tàng như các chi phí thông tin, những nhà giao dịch nhiễu, các lệnh giới hạn cũ, chính sách tồn kho của nhà tạo lập thị trường, các chi phí giao dịch, các hạn chế bán không, các giới hạn ERISA, những loại giới hạn thị trường khác cũng như những hạn chế đối với nhà đầu tư tổ chức. Merton (1987) nhận thấy các chi phí thông tin và những hạn chế đối với nhà đầu tư tổ chức là những nhân tố làm cản trở quá trình thu thập thông tin. Trong khi đó, Diamond và Verrecchia (1987) cho rằng các hạn chế bán khống có thể làm chậm quá trình phản ứng của giá chứng khoán đối với những thông tin mới, đặc biệt khi các thông tin là tiêu cực. Mở rộng nghiên cứu của Kyle

(1987), Holden và Subrahmanyam (1992) và Foster và Viswanathan (1993) thì cho rằng nếu càng có nhiều nhà đầu tư được cung cấp tin tức hơn sẽ làm cho sự điều chỉnh giá chứng khoán nhanh hơn đối với các thông tin. Còn Mech (1993) cho thấy giá chứng khoán phản ứng với các thông tin mới nhanh hơn khi sự thay đổi giá lớn so với chênh lệch giá mua và giá bán. Cuối cùng, Peng (2002) cho rằng sự tồn tại của những hạn chế quyền hạn tiếp xúc thông tin đã gây ra một sự chậm trễ trong quá trình điều chỉnh giá.

Sự khuếch tán thông tin chậm quyết định đến tác động dẫn dắt trễ dưới nhiều hình thức khác nhau. Theo như Lo và McKinlay (1990a) thì cho rằng tác động dẫn dắt trễ là do sự truyền dẫn thông tin trên thị trường một cách chậm chạp từ các công ty lớn sang các công ty nhỏ. Còn Brennan, Jegadeesh và Swaminathan (1993) nghiên cứu tác động của số lượng các nhà phân tích một công ty lên tốc độ điều chỉnh giá và kết luận rằng giá chứng khoán của các công ty mà có nhiều nhà phân tích phản ứng nhanh chóng hơn đối với các cú sốc, hơn là những công ty mà có ít nhà phân tích. Chordia và Swaminathan (2000) tranh luận rằng tác động dẫn dắt trễ giữa các công ty mà có số lượng giao dịch lớn và các công ty có số lượng giao dịch nhỏ xảy ra là do các công ty mà có khối lượng giao dịch thấp điều chỉnh chậm hơn đối với các thông tin thị trường. Trong khi đó, Hou và Kewei (2007) cũng cho rằng sự khuếch tán thông tin chậm gây ra tác động dẫn dắt trễ giữa các tỷ suất sinh lợi của các chứng khoán. Khác với những nhóm tác giả trước chủ yếu nghiên cứu về sự khuếch tán thông tin chậm làm cho sự điều chỉnh giá chứng khoán chậm, thì nhóm tác giả Hou và Kewei nghiên cứu kỹ hơn về sự tác động trễ giữa tỷ suất sinh lợi của các chứng khoán. Nhóm tác giả cho rằng sự khuếch tán thông tin chậm thì phù hợp hơn đối với các công ty trong cùng một ngành, trong đó các công ty trong cùng một ngành là các công ty mà cùng cạnh tranh với nhau trong thị trường sản phẩm và càng ngày càng giống nhau về phương diện sản phẩm cũng như sự cải tiến công nghệ, đồng thời các công ty này sẽ phản ứng giống nhau trước sự thay đổi trong điều kiện cung cầu cũng như sự thay đổi trong môi trường pháp lý, và khi ngành mở rộng hay thu hẹp thì cơ hội tăng trưởng, quyết định đầu tư và tài trợ của các công ty tương quan với nhau. Dựa vào những sự tương đồng này có thể giúp phân nhóm các công ty ở cấp độ ngành, chủ yếu để các cú sốc của các công ty truyền tải nhiều thông tin về triển vọng tương lai của công ty vào bên trong

ngành hơn so với bên ngoài ngành. Vì vậy, tác giả cũng dự đoán rằng tác động dẫn dắt trễ chủ yếu xảy ra giữa các công ty trong cùng một ngành, đồng thời tác giả cũng nhận thấy có rất ít bằng chứng về tác động dẫn dắt trễ giữa các ngành.

Kết quả nghiên cứu về tác động dẫn dắt trễ của Hou và Kewei (2007) cho thấy rằng tỷ suất sinh lợi của các công ty lớn dẫn dắt tỷ suất sinh lợi của các công ty nhỏ trong cùng một ngành. Tác giả cũng nhận thấy rằng tác động dẫn dắt trễ chủ yếu là do sự điều chỉnh chậm chạp đối với các thông tin tiêu cực, có nghĩa là khả năng tỷ suất sinh lợi lấy trễ của các công ty lớn dự báo tỷ suất sinh lợi hiện hành của các công ty nhỏ thì lớn hơn nhiều khi tỷ suất sinh lợi lấy trễ của các công ty lớn âm. Những công ty dẫn đầu ngành dẫn dắt các công ty theo sau, các công ty giá trị dẫn dắt các công ty tăng trưởng trong cùng một ngành, và các công ty có rủi ro phi hệ thống thấp sẽ dẫn dắt các công ty có rủi ro phi hệ thống cao hơn trong cùng một ngành, có tính đến sự kiểm soát quy mô. Ngoài ra, các yếu tố quyết định khác của tác động dẫn dắt trễ vẫn có ý nghĩa trong nội bộ ngành: tỷ suất sinh lợi của các công ty với số lượng nhà phân tích, tỷ lệ sở hữu tổ chức, hoặc khối lượng giao dịch cao hơn dẫn dắt tỷ suất sinh lợi của các công ty có số lượng nhà phân tích, tỷ lệ sở hữu tổ chức, hoặc khối lượng giao dịch thấp hơn từ cùng một ngành, có tính đến sự kiểm soát quy mô công ty. Khi tính đến sự khác biệt giữa các ngành trong tác động dẫn dắt trễ thì những ngành nào mà nhỏ hơn, cạnh tranh ít hơn, cũng như những ngành mà có số lượng nhà phân tích thấp hơn, tỷ lệ sở hữu tổ chức thấp hơn và khối lượng giao dịch thấp hơn, và mức rủi ro phi hệ thống cao hơn và sự phân tán nhà phân tích cao hơn, thì sẽ trải qua tác động dẫn dắt trễ rõ rệt hơn. Ngoài ra, tác động dẫn dắt trễ trong nội bộ ngành cũng liên quan đến các thông tin trong báo cáo thu nhập: tỷ suất sinh lợi của các công ty nhỏ phản ứng mạnh hơn đối với các cú sốc thu nhập của các công ty lớn, hơn là các cú sốc thu nhập của chính các công ty nhỏ đó. Đồng thời, nhóm tác giả còn nhận thấy rằng tác động dẫn dắt trễ trong nội bộ ngành thì vững mạnh đối với các phương pháp lấy tỷ trọng khác nhau, đối với các phương pháp hồi quy vector tự động khác nhau, cũng như đối với các mẫu đại diện khác nhau và các giai đoạn đại diện khác nhau.

Có thể thấy hầu hết các bài nghiên cứu trước đây chủ yếu tập trung nghiên cứu mối quan hệ giữa sự khuếch tán thông tin và tác động dẫn dắt trễ trong tỷ suất sinh lợi

của các chứng khoán trong cùng một ngành, cùng một thị trường chứng khoán. Có rất ít bài nghiên cứu nào mà đã từng lấy ý tưởng từ mối quan hệ giữa sữ khuếch tán thông tin và tác động dẫn dắt trễ trong tỷ suất sinh lợi của các chứng khoán để mở rộng ra thế giới, nghiên cứu mối quan hệ dẫn dắt trễ giữa các tỷ suất sinh lợi của các chỉ số chứng khoán quốc gia. Cho đến gần đây, David E.Rapach, Jack K.Strauss, và Guofu Zhou đã cho ra đời một bài nghiên cứu vai trò dẫn dắt trễ của tỷ suất sinh lợi thị trường Mỹ đối với các quốc gia công nghiệp, trong đó Mỹ đóng vai trò như các công ty lớn dẫn dắt các quốc gia công nghiệp được xem như là các công ty nhỏ. Kết quả nghiên cứu của tác giả cho thấy rằng tỷ suất sinh lợi lấy trễ của Mỹ dự đoán một cách ý nghĩa tỷ suất sinh lợi trong nhiều quốc gia công nghiệp hóa, trong khi tỷ suất sinh lợi trễ của các quốc gia công nghiệp thể hiện khả năng dự đoán giới hạn về tỷ suất sinh lợi của Mỹ. Tác giả cũng ước tính một mô hình khuếch tán thông tin, và những kết quả chỉ ra rằng các cú sốc tỷ suất sinh lợi nảy sinh trong nước Mỹ chỉ được phản ánh hoàn toàn trong giá cổ phần của các quốc gia công nghiệp với một độ trễ.

Từ ý tưởng của các bài nghiên cứu về sự khuếch tán thông tin và mối quan hệ dẫn dắt, nhóm nghiên cứu sẽ xem xét tác động dẫn dắt trễ giữa các tỷ suất sinh lợi của các chỉ số chứng khoán quốc gia của Mỹ, Trung Quốc và 6 quốc gia Đông Nam Á, đồng thời cũng nghiên cứu mô hình khuếch tán thông tin để xem xét xem các cú sốc tỷ suất sinh lợi của Mỹ và Trung Quốc có được phản ánh trong giá chỉ số chứng khoán quốc gia của các nước Đông Nam Á không.

Một phần của tài liệu VAI TRÒ DẪN DẮT TỶ SUẤT SINH LỢI CỦA MỸ VÀ TRUNG QUỐC ĐỐI VỚI CÁC QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á (Trang 25 -28 )

×