CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN TÀI LIỆU NGHIÊN CỨU
1.4. Những phản ứng cơ bản của hành vi
Hành vi của chó nhà là một loạt các hoạt động, tính cách của con chó trước những tác động của bản thân và môi trường sống bao gồm cả các sinh vật xung quanh cũng như những vật chất vô sinh. Đây là những phản ứng của chó với các kích thích dù bản thân nó mong muốn hay không, nhận thức được hay không nhận thức được.
Hiện nay có hơn 1000 giống chó được xác định, nhưng chỉ có chưa đến 1/4 trong số này được nghiên cứu về hành vi [88].
Hành vi của các giống chó có sự khác nhau do đặc điểm của từng giống và là kết quả của quá trình chọn lọc nhân giống và sử dụng [89]. Các giống chó có tính xã hội cao biểu hiện sự sợ hãi và hung hăng ít hơn những giống chó có tính xã hội thấp [90 - 93].
Hành vi giao tiếp của chó là cách chó truyền tải thông tin đến những con chó khác, hiểu thông điệp từ con người và diễn đạt thông tin mà chó đang truyền [74] .
Hành vi giao tiếp của chó bao gồm ánh mắt, nét mặt, tiếng sủa, tư thế cơ thể... Con người giao tiếp với chó bằng cách sử dụng giọng nói, tín hiệu tay và tư thế cơ thể. Đây là cơ sở để huấn luyện chó nghiệp vụ [94].
Giống chó đóng vai trong quan trọng trong việc xác định hành vi, tính cách của con chó. Mối liên quan của tuổi và giới tính đến hành vi chưa được xác định rõ ràng [95, 96].
1.4.1. Phản ứng về thức ăn
Thức ăn, là nền tảng sự sống của chó, là yếu tố quyết định trong việc hình thành nhiều phản ứng khác của hành vi. Ở chó, các phản xạ có điều kiện, được thiết lập trong giai đoạn tìm kiếm và ăn thức ăn. Sự thiếu hụt thức ăn trong giai đoạn đang lớn và phát triển của chó con, sẽ làm cho nó có hoạt năng mạnh về tìm kiếm thức ăn,
có phản ứng mạnh đối với loại thức ăn. Nếu có chế độ nuôi đúng đắn, điều độ, phản ứng về thức ăn sẽ phát triển và bộc lộ một cách ôn hòa [97].
Đa số các phản xạ có điều kiện và các kỹ năng ở chó, được xây dựng dựa trên phản xạ thức ăn và phản ứng về thức ăn của hành vi. Việc hiểu biết, nắm chắc ý nghĩa của phản ứng về thức ăn của hành vi, giúp cho huấn luyện viên dễ dàng định hướng trong việc lựa chọn phương pháp, biện pháp huấn luyện chó, trong việc sử dụng đúng kích thích thức ăn, cũng như cho phép thực hiện các động tác huấn luyện một cách hài hòa, đúng phương pháp [97].
1.4.2. Phản ứng bảo vệ, phòng thủ
Phản ứng này cấu thành do một nhóm lớn các phản xạ di truyền bẩm sinh và tập luyện được, nhằm bảo tồn sự sống khỏi sự tấn công của kẻ thù và những yếu tố nguy hiểm khác nhau của môi trường bên ngoài. Nó cho phép chó theo tín hiệu nhất định khả năng chạy khỏi mối nguy hiểm hoặc tích cực chống lại nó. Đối với chó trưởng thành, phản ứng này có thể được thể hiện dưới 3 hình thức: phòng thủ tích cực, phòng thủ thụ động và kết hợp (phản ứng hung dữ, hèn nhát) [97].
Phản ứng phòng thủ chủ động, được thiết lập trong trường hợp huấn luyện
viên tiếp xúc với chó một cách cân bằng, bình tĩnh, mềm mại. Để có được phản ứng này, cần phải tổ chức tốt giai đoạn giáo dưỡng chó con, từ 2 đến 6 tháng tuổi. Trong giai đoạn này, phải luyện cho chó con phát triển tính năng hoạt của tất cả các phản ứng, không để xảy ra tính thụ động, thận trọng và hèn nhát, độ hung dữ vừa phải và cảnh giác với đối tượng lạ. Những con chó có phản ứng bảo vệ phòng thủ chủ động thường dễ huấn luyện và phục vụ tốt, có hiệu quả trong công tác [97].
Phản ứng phòng thủ bị động, được hình thành khi tổ chức không đúng giai
đoạn giáo dưỡng chó con, cũng như trong trường hợp đối xử thô bạo, nghiêm khắc với chó trong thời gian huấn luyện, tập luyện. Việc thường xuyên lạm dụng các kích thích mạnh, nhất là kích thích gây đau đớn, sẽ làm cho chó thụ động, uể oải, thận trọng, sợ hãi, dần chuyển thành hèn nhát. Những con chó có phản ứng phòng thủ bị động thường không năng hoạt, sợ hãi các kích thích mạnh, bỏ chạy hoặc trốn tránh các điều kiện khó khăn [97].
Phản ứng bị động trong hành vi gây cản trở việc thiết lập các phản xạ có điều kiện tích cực. Các phản xạ có điều kiện đã xây dựng đối với khẩu lệnh, điệu bộ rất dễ bị cản trở bởi các kích thích đủ loại bên ngoài. Những con chó như vậy có phẩm chất
phục vụ và làm việc thấp. Nếu tính bị động chuyển thành sợ hãi và hèn nhát thì phải loại chó ra khỏi diện sử dụng [97].
Phản ứng hung dữ, hèn nhát, phản ứng này hình thành ở chó non từ 6 - 8 tháng
tuổi, khi cố gắng phát triển tính hung dữ nhưng chó chưa có phản ứng tích cực và độ dũng cảm tối thiểu [97].
Phản ứng hung dữ của hành vi thường có ở nhũng con chó có hành vi phòng thủ tích cực nổi trội và khi sử dụng quá nhiều động tác phát triển hung dữ trong quá trình huấn luyện. Chó quá hung dữ cũng cản trở việc huấn luyện và sử dụng trong công tác, nhất là khi sử dụng vào mục đích truy tìm người và bảo vệ. Những con hung dữ thường sử dụng cho công tác tuần tra, nếu quá hung dữ đặc biệt thì phải thải loại. Những cá thể chó không hung dữ nhưng có phản ứng hành vi năng hoạt thì có thể sử dụng trong công tác tìm kiếm cứu hộ và trong các lĩnh vực khác, nơi tính hung dữ và hiếu chiến không cản trở việc huấn luyện và sử dụng chúng [97].
1.4.3. Phản ứng định hướng
Là phản ứng hành vi bẩm sinh đối với các kích thích mới hoặc bất thường, cường độ lớn, biểu hiện dưới dạng phản xạ định hướng tìm hiểu môi trường xung quanh và các phản xạ thăm dò về ngửi, nghe ngóng, quan sát… Các phản xạ định hướng là cơ chế khởi động và là điểm bắt đầu của quá trình thiết lập các phản xạ có điều kiện mới của chó. Khi chó đã tích lũy được một số lượng lớn các phản xạ có điều kiện, phản ứng định hướng sẽ trở nên ôn hòa và cuối cùng, sẽ kết hợp với các phản xạ có điều kiện mới thiết lập, đảm bảo khả năng định hướng của chó trong điều kiện phức tạp. Phản ứng định hướng phụ thuộc vào điều kiện bên ngoài, có thể chuyển đổi sang các phản ứng hành vi khác như ăn, phòng thủ tích cực, phòng thủ tiêu cực và nhiều nhất là phản ứng tìm kiếm [97].
1.4.4. Phản ứng tìm kiếm
Là phản ứng hành vi phức tạp bẩm sinh, đặc trưng giống, đảm bảo năng lực tìm kiếm, định hướng trong điều kiện phức tạp theo các vật nhìn thấy, theo âm thanh và mùi hơi. Phản ứng tìm kiếm tổng quát bao gồm ba dạng phản ứng tìm kiếm độc lập: phản ứng tìm kiếm bằng thị giác, phản ứng tìm kiếm bằng thính giác, phản ứng tìm kiếm bằng khứu giác. Phần lớn ở giống chó, phản ứng tìm kiếm bằng khứu giác được phát triển mạnh nhất; kế đến phản ứng tìm kiếm bằng thính giác và yếu nhất là phản ứng tìm kiếm bằng thị giác [97].
Phản ứng tìm kiếm bằng khứu giác gắn liền với hoạt động ngửi của chó gồm: tìm kiếm và phát hiện dấu vết của mùi tại hiện trường, xác định độ lâu của vết và hướng đi của con người, truy theo vết và tìm kiếm nó, phát hiện đồ vật theo mùi... Nếu chú ý quan sát, mỗi khi đặt chó vào đường vết, có thể dễ dàng nhận biết và phân biệt được các bộ phận cấu thành của phản ứng tìm kiếm bằng khứu giác gồm: tìm kiếm dấu vết của mùi do đối tượng để lại trên hiện trường; xác định hướng đi của đối tượng; truy theo đường vết; phát hiện và bắt giữ đối tượng. Trong thực tiễn huấn luyện có nhiều trường hợp không thể huấn luyện để truy theo đường vết. Qua nghiên cứu đã làm rõ, nhiều cá thể chó không có một số thành phần của phản ứng tìm kiếm bằng khứu giác, hoặc có nhưng không phát triển. Những cá thể đó không sử dụng được trong huấn luyện cho mục đích truy tìm và không thể sử dụng trong công tác giám biệt nguồn hơi [97].
1.4.5. Phản ứng lệ thuộc
Là những hành động mang tính phản xạ có điều kiện, phức tạp, bẩm sinh của động vật, biểu hiện dưới dạng đợi chờ, nhận biết, vui mừng, chiều chuộng, tuân thủ, nghe lời, bảo vệ và canh gác chủ. Phản ứng này được hình thành qua thời gian dài chung sống và quan hệ chan hòa của huấn luyện viên với chó, không thể thiếu trong huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ. Quan hệ tốt giữa huấn luyện viên và chó là điều kiện cơ bản để chó chịu làm việc trong mọi hoàn cảnh [97].