3.1. Một số đặc điểm sinh học, sinh thái của chó bản địa H'mông cộc đuôi
3.1.1. Đặc điểm phân bố
Từ các chuyến khảo sát thực địa cho thấy, chó bản địa H'mông cộc đuôi được biết đến từ năm 2006 sau chuyến khảo sát của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tại tỉnh Hà Giang, nơi được biết đến với địa hình phổ biến dạng vòm và nửa vòm, dốc, có nhiều dãy núi nối nhau liên tiếp… Tại đây có thành phần các dân tộc sinh sống rất phong phú với 22 dân tộc như H'mông, Dao, Tày, Nùng,… trong đó 32,9% là người H’mông [145]. Với phong tục tập quán canh tác của mình người dân H’mông đã chọn lọc, nuôi dưỡng và sử dụng chó bản địa H'mông cộc đuôi trong cuộc sống hàng ngày. Với vai trò ban đầu của chúng là được sử dụng để đi săn bắt, nhưng sau đó với những quy định về việc cấm săn bắn, các phẩm chất của giống đã không những không bị mất đi mà còn nhanh chóng đáp ứng được vai trò mới. Chó H’mông cộc đuôi được sử dụng để canh gác, trông nhà, đi nương thậm chí là thú cảnh ở các khu thành thị. Với phẩm chất tốt, trung thành với chủ, chó bản địa H'mông cộc đuôi nhanh chóng có được sự chú ý của những người yêu chó, đặc biệt khi bản tiêu chuẩn giống được VKA công nhận vào năm 2009, chó H’mông cộc đuôi càng mở rộng phạm vi phân bố. Kết quả khảo sát sự phân bố của chó bản địa H’mông cộc đuôi được trình bày ở hình 3.1.
Qua hình 3.1 cho thấy, chó bản địa H'mông cộc đuôi tập trung nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Bắc và bắt gặp nhiều ở những nơi có người dân H’mông sinh sống. Đây có thể được coi là cái nôi của chó bản địa H’mông cộc đuôi, chúng thường phân bố từ độ cao > 100 m đến hơn 1800 m so với mặt nước biển và tập trung chủ yếu ở đai độ cao trung bình 800 m.
Tuy nhiên đến nay, do nhu cầu về chơi thú cảnh, chúng đã được xuất hiện ở khắp các tỉnh, địa phương trên cả nước, từ Bắc vào Nam, từ Đông sang Tây, từ vùng miền núi hẻo lánh đến đồng bằng, thành thị. Chúng dễ dàng thích nghi với các điều kiện khác nhau thể hiện tính mềm dẻo sinh thái cao. Đây cũng là một trong những phẩm chất quý của chó bản địa H'mông cộc đuôi nói riêng và các loài động vật bản địa nói chung.
Như vậy chó bản địa H'mông cộc đuôi có phân bố rộng, có khả năng thích nghi tốt với các môi trường khác nhau. Đây cũng là một trong những điều kiện thuận lợi để tiến hành công tác nhân và chọn giống sau này.
Nguồn bản đồ: Cục bản đồ Việt Nam Ghi chú: Chấm đen tròn thể hiện địa điểm có chó bản địa H'mông cộc đuôi phân bố Hình 3.1. Sơ đồ phân bố của chó bản địa H'mông cộc đuôi tại các tỉnh phía Bắc và
Bắc Trung bộ Việt Nam
3.1.2. Một số chỉ số hình thái cơ thể
Mỗi giống chó khác nhau thì có các đặc điểm về hình dạng, kiểu hình và các chỉ số hình thái khác nhau. Các chỉ số về hình thái đặc trưng cho từng giống cụ thể.
12 phép đo về chỉ số hình thái của 50 cá thể đực và 50 cá thể cái của chó bản địa H'mông cộc đuôi giai đoạn trưởng thành (> 8 - 18 tháng tuổi) đã được thực hiện nhằm làm cơ sở xây dựng tiêu chuẩn giống, kết quả được trình bày ở bảng 3.1.