Kết quả cho thấy đối với cá thể đực điểm trung bình hành vi giao tiếp đạt 2,9 điểm và đối với cá thể cái điểm trung bình của hành vi giao tiếp đạt 2,9 điểm. Như vậy về điểm số trung bình hành vi giao tiếp của hai giới tính đực và cái là tương đương nhau (P > 0,05). Tuy nhiên qua hình 3.10 cũng cho thấy mức độ dao động về điểm số đánh giá hành vi giao tiếp ở cá thể cái lớn hơn ở cá thể đực.
Như vậy chó bản địa H’mông cộc đuôi có mức độ hành vi giao tiếp ở mức trung bình khá. Có điều này là do hiện nay phong tục tập quán chăn nuôi của người dân vẫn còn nhiều yếu kém chưa thực sự quan tâm đến con chó ngay từ nhỏ điều này ảnh hưởng lớn đến sự phát triển hành vi của chúng. Muốn có những giống chó bản địa tốt phục vụ cho công tác nghiệp vụ, cần chú trọng đến việc thay đổi cách đối xử, giao tiếp của người nuôi với chúng. Có như vậy mới thay đổi được tính cách hành vi xã hội của chúng.
3.2.2. Mức độ hoạt động
Đối với chó nghiệp vụ mức độ hoạt động thể hiện tính linh hoạt trong các hoạt động sống và làm việc. Nghiên cứu mức độ hoạt động của 50 cá thể chó bản địa H'mông cộc đuôi giai đoạn trưởng thành (> 8 - 18 tháng tuổi), chúng tôi nhận thấy, điểm trung bình về mức độ hoạt động của chó bản địa H’mông cộc đuôi đạt 4,2 ± 0,6 điểm. Theo thang điểm đánh giá thì mức độ hoạt động tương đương mức khá.
Ngoài việc đánh giá mức độ hoạt động chung của chó bản địa H'mông cộc đuôi, đánh giá mức độ hoạt động theo giới tính của giống này cũng được thực hiện trong nghiên cứu này. Kết quả được trình bày ở hình 3.11.