2.2. Mô hình “cấp mới” Trường hợp nghiên cứu của hệ thống NH Nga
2.2.1. Hệ thống ngân hàng của Nga trước cải cách
Sau khi Liên Bang Xô Viết tan rã, Ngân hàng Trung ương Nga (NHTW) đã theo đuổi chính sách tự do hóa nền kinh tế thông qua việc cấp hàng loạt các giấy phép thành lập các ngân hàng thương mại (NHTM), kết quả là hàng loại các ngân hàng thương mại ra đời nhanh chóng trong giai đoạn 1989-1997. Nếu như trước thời gian đó, nền kinh tế của Nga chỉ vẻn vẹn 05 ngân hàng thương mại nhà nước, thì đến năm 1997 đã có 1.675 ngân hàng được cấp giấy phép thành lập, với 39.000 chi nhánh trên toàn lãnh thổ nước Nga chủ yếu thực hiện chức năng huy động vốn và cho vay đối với nền kinh tế.
Cũng trong thời gian này, Cơ quan Thanh tra, Giám sát ngân hàng cũng được thành lập vào năm 1993 nhằm giám sát hoạt động của các NHTM. Bên cạnh đó, thể chế ngân hàng cũng được điều chỉnh và hoàn thiện trên cơ sở tư vấn của các tổ chức quốc tế để phù hợp với các nước Phương Tây đang áp dụng, các quy định về đảm bảo an toàn hệ thống cũng được chú trọng xây dựng và nghiên cứu. Mặc dù NHTW Nga đã bước đầu thành công trong việc thiết lập một khuôn khổ pháp lý cho công tác thanh tra giám sát, nhưng hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng của NHTW Nga cũng vẫn vấp phải những khó khăn và hạn chế không nhỏ:
Thứ nhất, các chuẩn mực kế toán của Nga vẫn khác và đi sau so với chuẩn mực quốc tế, việc cung cấp các thông tin thống kê của các NHTM cho NHTW không nhằm mục đích cung cấp các thông tin về tình hình tài chính thực tế của các NHTM mà chủ yếu che đậy các rủi ro tài chính mà các NHTM đang đối mặt.
Thứ hai, các hoạt động giám sát từ xa của NHTW Nga về phân tích rủi ro và các điều kiện tài chính thực tế của các NHTM chủ yếu dựa trên các số liệu thống kê không đáng tin cậy do các NHTM cung cấp, không có sự bảo đảm nào về độ tin cậy trong các phân tích của NHTW về mức độ rủi ro hệ thống cũng như tình hình quản trị của các NHTM.
Thứ ba, thanh tra ngân hàng không có đủ sức mạnh để yêu cầu các NHTM tuân thủ các nguyên tắc về an toàn và cải thiện tình trạng mất an toàn trong hoạt động ngân hàng cũng như thiếu một tầm nhìn và định hướng chiến lược trong việc cải thiện thực trạng an toàn hoạt động ngân hàng. Các số liệu thống kê của NHTW Nga vào cuối năm 1997 cho thấy, hầu hết các NHTM đáp ứng các yêu cầu của NHTW Nga về an toàn hoạt động ngân hàng. Hơn nữa, những số liệu thống kê được cung cấp bởi các NHTM đã quá phóng đại tình trạng sức khỏe của hệ thống.
Tuy nhiên, thực tế trong giai đoạn 1989-1996 cho thấy, môi trường kinh doanh của các ngân hàng thương mại là rất xấu vì các nguyên nhân do bất ổn kinh tế vĩ mô đem lại, lợi nhuận kinh doanh của các doanh nghiệp giảm sút, đồng Rúp mất giá, các khoản cho vay của ngân hàng lại tập chung vào chứng khoán. Các NHTM gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định đâu là khách hàng cho vay đáng tin cậy, cũng như khả năng hoàn vốn của khách hàng trước các thông tin không minh bạch do khách hàng cung cấp.
Tháng 8/1998, môi trường kinh tế vĩ mô của Nga trở nên xấu đi nhanh chóng trước các yếu tố tác động bên ngoài, cụ thể là Khủng hoảng Tài chính Châu Á lan rộng, và các nhân tố yếu kém do nội tại của nền kinh tế đem lại như: khu vực tư nhân đang đối mặt với khủng hoảng, giá dầu thế giới giảm mạnh ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn thu trong nước, đồng Rúp mất giá, chỉ số chứng khoán mất điểm, trái phiếu Chính phủ liên tục giảm giá, nền kinh tế xuất hiện hiện tượng thoái lui vốn.
Trước bối cảnh đó, Chính phủ đã thông qua một loạt các giải pháp như nới lỏng biên độ dao động của tỷ giá, giảm giá có hiệu quả đối với đồng Rúp, tạm dừng thanh toán đối với các Trái phiếu Chính phủ trong nước, và kiểm soát các dòng vốn ra khỏi nước Nga. Các giải pháp này đã dẫn đến gián đoạn nghiêm trọng trong hệ thống thanh toán và nguy cơ đổ vỡ đối với hệ thống ngân hàng trong nước, tình trạng thiếu thanh khoản nghiêm trọng xuất hiện, các ngân hàng không thể thực hiện thanh toán hoặc có được các lượng tiền cần thiết cho thanh khoản thông qua thị trường mở.
(Nguồn: “kinh nghiệm các nước trong khu vực và Đông Âu về tái cấu trúc hệ thống ngân hàng”- TS. Nguyễn Phi Lân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)