Chương 3 : Một số hàm ý chính sách cho việc cải cách
3.3. Các mục tiêu cải cách hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam
3.3.2. Giai đoạn 2 từ năm 2016 – 2020
Mục tiêu của giai đoạn này là tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, quản trị ngân hàng và khả năng cạnh tranh, phát triển qui mô, phạm vi hoạt động của các TCTD phù hợp với yêu cầu phát triển của nền kinh tế và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Mục tiêu này đưa ra là phù hợp với xu hướng phát triển hệ thống ngân hàng thế giới. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các nhà lãnh đạo trên thế giới nhận ra rằng họ phải hành động ngay để siết chặt các hoạt động tài chính, đảm bảo cho hệ thống hoạt động an toàn và hiệu quả và giảm thiểu khả năng xảy ra các cuộc khủng hoảng tiếp theo. Do vậy cần thiết phải nâng cao năng lực tài chính, quản trị và năng lực cạnh tranh của hệ thống ngân hàng.
Trước khi áp dụng những giải pháp để đạt được mục tiêu trên, cần đánh giá kết quả của giai đoạn 1. Nếu giai đoạn 1 đạt được mục tiêu đề ra, sẽ tiếp tục thực hiện một cách triệt để các giải pháp chiến lược phát triển ngành ngân hàng giai đoạn 2011-2020, nhất là giải pháp nâng cao năng lực thanh tra giám sát của NHNN đối với các TCTD, đổi mới căn bản khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ, phát triển hạ tầng tài chính và các biện pháp hỗ trợ khác để mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng; Đưa ra các chính sách điều chỉnh, khuyến khích mở rộng chi nhánh về địa bàn nông thôn, các khu vực chưa có điều kiện tiếp xúc với dịch vụ ngân hàng; Khuyến khích các ngân hàng lớn mở rộng hoạt động trên địa bàn quốc tế; Từng bước thay đổi văn hóa kinh doanh ngân hàng của các NHTM; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động ngân hàng. Từng bước bắt kịp với xu hướng thế giới trong lĩnh vực công nghệ ngân hàng.
Tuy nhiên, tái cấu trúc ngân hàng chỉ có thể thành công, khi quá trình tái cấu trúc này phải gắn liền với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế đế đảm bảo có một môi trường vĩ mô ổn định, như lạm phát ổn định ở mức hợp lý, cán cân thanh toán thặng dư để giảm áp lực lên tỷ giá, giảm thâm hụt ngân sách để giảm mất cân đối giữa tiết kiệm và đầu tư..., và quan trọng hơn là phải cải cách doanh nghiệp để giảm tiềm ẩn nợ xấu trong ngân hàng, tạo môi trường kinh doanh tốt cho các NHTM.
Có thể nói, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng lúc này là một tất yếu, một cơ hội để phát triển hệ thống ngân hàng, sao cho đến năm 2020 Việt Nam có được hệ thống các TCTD hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế, hoạt động an toàn , hiệu quả, vững chắc, có năng lực cạnh tranh với cấu trúc đa dạng về hình thức sở hữu, đa dạng về dịch vụ tài chính ngân hàng. qui mô ngang tầm với mức trung bình của khu vực và phạm vi hoạt động xuyên quốc gia. Hệ thống các TCTD sẽ bao gồm các NH lớn đóng vai trò trụ cột trong hệ thống, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và có những ngân hàng vừa và nhỏ, tỏ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô đáp ứng tốt nhu cầu dich vụ ngân hàng với mọi tầng lớp xã hội .